Đêm thông xe trên đèo Cô Bát

Ngày đăng: 07:12 11/07/2018 Lượt xem: 585
Dự thi Hào khí Trường Sơn


                                        Đêm thông xe trên đèo Cô Bát


( Ghi theo lời kể của thiếu tá Nguyễn Sỹ Thao – nguyên chính trị viên tiểu đoàn 2, trung đoàn 7 công binh Đoàn 559 )
 
          Vừa nghe tiếng ì ì của chiếc máy bay B57 thì một loạt bom nổ dậy đất. Căn nhà hầm của Ban chỉ huy tiểu đoàn chao bên này, đảo bên kia, những cây gỗ làm kèo như muốn bung ra, bi đông và ca uống nước trên chiếc bàn tre rơi xuống đất loảng xoảng. Tôi chạy ra cửa nhà hầm nhìn lên đèo Cô Bát thấy hai cột khói dựng lên, suy nghĩ:      “ Thế là công dã tràng nữa rồi”. Đó là ngày mùng 4 tháng 1 năm 1971...
 
          Ông Thao say sưa kể làm cho tôi cùng hai người bạn đến thăm ông chăm chú nghe không bỏ sót một lời nào. Hôm nay ông Nguyễn Quang Thắng rủ tôi cùng ông Nguyễn Đức Hinh đến thăm ông Thao, một người được ví là linh hồn của tiểu đoàn 2, trung đoàn 7 Binh đoàn Trường Sơn năm xưa. Tuy tuổi đã ngoài tám mươi nhưng ông còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Thấy chúng tôi đến, ông mừng rỡ ra tận cổng đón như người thân xa lâu ngày nay mới gặp lại. Ông Hinh cùng xã Quỳnh Thạch với ông nay là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Quỳnh Lưu. Còn ông Thắng trước là trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn của ông nay là Chủ tịch Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh xã Quỳnh Mỹ. Ông Thao mời chúng tôi vào nhà và ngồi trên bộ ghế sa lông rót trà mời. Khi ôn lại chuyện cũ giọng ông hào hứng như ngày nào ở trên tuyến đường Trường Sơn đầy đạn bom và khói lửa.

 


Vui hội ngộ.Ông Nguyễn Sỹ Thao(giữa), ông Nguyễn Đức Hinh(trái)
 
          ... Cuối tháng 10 năm 1970. Đơn vị tôi được lệnh mở một con đường bí mật mang tên Đ70 dài gần 30 cây số để tránh con đường cũ đi qua cao điểm 500 đã bị lộ. Con đường này sát biên giới Việt – Lào, phần lớn luồn dưới những cánh rừng già và rừng non. Chỉ có gần ba cây số qua đèo Cô Bát là đồi lau sậy. Đèo này tuy không dài nhưng dốc lại có mạch nước từ trong núi tuôn ra làm thành những vũng lầy lớn. Ban đêm đơn vị mở đường đến đâu là phải nguỵ trang ngay đến đấy. Đoạn qua đồi lau sậy ngày nào cũng phải thay nguỵ trang bằng những cây lau cù, cây lách mới chặt. Còn những đoạn qua rừng non phải đóng những ống nứa xuống đường rồi chặt những lá cây đùng đình, lá cây búng báng cắm vào cho tăng thêm màu xanh. Cứ mỗi ngày lại thay lá mới một lần, những lá cây cũ phải gom lại giấu vào rừng già. Hàng ngày máy bay trinh sát L19, OV10 của địch bay sát núi để kiếm tìm dấu vết. Khi những loạt bom B52 rải vào đường cũ lệch sang hoặc phi pháo của địch bắn trúng đường là đơn vị phải khắc phục ngay. Đứng trên đèo Cô Bát đưa ống nhòm nhìn xuống thấy trận địa pháo của địch ở căn cứ Tân Lâm rõ mồn một. Nếu mục tiêu bị lộ thì coi như chìa lưng cho địch bắn. Tuy nguỵ trang kỹ càng để khỏi bị lộ nhưng lượng bom đạn của địch ở chiến trường B5 này lúc nào cũng rền vang, rơi vãi bất thường làm đơn vị tôi thương vong đáng kể. Tôi thầm mong cấp trên sớm cho thông xe để khỏi bám trụ hàng tháng trời khổ cả tinh thần, sức lực của cán bộ và chiến sỹ trong tiểu đoàn. Tai mắt của địch ở đây dày đặc nếu nhỡ bị lộ thì hậu quả sẽ khôn lường.   
 
          Tôi đang suy nghĩ thì đồng chí Sem, Chính trị phó tiểu đoàn đến:
          - Anh Thao! Có hai quả bom tấn của chiếc máy bay B57 đã rơi trúng đoạn đường trên đèo. Đại đội 5 thường trực trên đó có hai đồng chí hy sinh và năm người bị thương. Tiểu đoàn phó Nguyễn Đức Luận chỉ đạo trên đó cũng bị thương nặng.  
          Tôi vào nhà hầm đội mũ, khoác chiếc áo có buộc cỏ nguỵ trang, quàng thắt lưng súng rồi ra khỏi hầm đi thẳng lên trận địa. Vừa đi vừa nói với Sem:
            - Đường bị đánh trúng nơi hiểm yếu nhất, D trưởng lại họp trên trung đoàn chưa về mà D phó Luận lại bị thương. Cậu cùng với quân y chăm sóc anh em bị thương và lo công tác tử sỹ. Mình sẽ lên đèo xem sao.
          Đi được một quãng thấy anh em đại 5 đang khiêng những người hy sinh và bị thương về. Gặp tôi, họ dừng lại. Tiểu đoàn phó Luận nằm ở cáng đầu tiên, một chiếc bát sắt B52 úp vào bụng băng trắng quấn quanh người vì cậu ta bị một mảnh bom xé rách bụng ruột bị lòi ra. Thấy tôi, nói trong hơi thở gấp:
          - Tôi không sao. Anh lên đèo lo công việc ngay đi.
          Tôi động viên:
          - Cậu cố gắng lên. Mình tin vào ý chí của cậu.
          Tôi lần lượt hỏi thăm anh em bị thương và động viên họ. Đến cáng của hai chiến sỹ hy sinh, tôi cất mũ kính cẩn mặc niệm họ rồi giục anh em quân y đưa nhanh về hậu cứ. Tôi lên đèo nhìn hai hố bom mà lòng ngao ngán. Mỗi hố đều sâu hơn hai mét và đường kính rộng gần năm mét ngay ở giữa đường. Nước trong núi trào ra đã dâng hơn năm mươi phân, nếu không khắc phục nhanh thì đêm nay hai hố sẽ đầy nước. Tôi đang suy nghĩ thì tiếng vo vo của chiếc máy bay trinh sát OV10 xuất hiện trên bầu trời. Tôi cùng đồng chí liên lạc tạm ẩn vào dưới bụi lau cù đã bị nghiêng rạp vì sức nổ của bom lúc nãy. Chiếc máy bay cứ xăm soi xung quanh nơi hai quả bom vừa nổ làm cây cối đất đá tơi bời. Chừng 15 phút không thấy gì khả nghi nó liền bỏ đi. Tôi vừa đứng dậy thì có tiếng gọi:
          - Anh Thao!
          Tôi quay lại thấy tiểu đoàn trưởng Vân đi tới. Cùng đi với anh là trung đội phó của C5 Nguyễn Quang Thắng mà anh em thường gọi đùa là Thắng Cao vì cậu ta cao hơn một mét tám và rất khoẻ mạnh cùng huyện Quỳnh Lưu với tôi. Tôi mừng rỡ:
          - Anh Vân! May có anh về chứ tôi chưa biết xử lý ra sao. -Tôi lại hỏi Thắng: - Đồng hương trực chiến à?
          Thắng đáp khẽ: “ Vâng” 
          Vẻ mặt Vân nghiêm lại:
          - Tình huống nan giải này lại xảy ra vào giờ phút cuối. Cấp trên chỉ thị đêm nay phải thông xe. Với hai hố bom này thì vài ngày mới lấp xong. Ta phải nghĩ cách khác thôi.
          Thắng nói ngay:
          - Thủ trưởng! Ta mở trệch xuống để tránh hố bom có được không?
          Tiểu đoàn trưởng nói:
          - Tôi cũng đã tính phương án đó. Nhưng phía trên thì có vách đá. Phía dưới thì sình lầy nếu xe bị ban thì rất nguy. Đèo Cô Bát này quả thật quỷ quái.
 
          Tôi hỏi Thắng:
          - Đồng hương có sáng kiến gì không?
          - Thưa hai thủ trưởng! Bãi sình lầy chỉ hơn mười mét. Ta sẽ làm một cây cầu cạn phía bên này.
          Rồi Thắng ngồi xuống đất vẽ vẽ và giải thích một hồi. Tôi thấy vẻ mặt của tiểu đoàn trưởng giãn ra rồi cười:
          - Hay lắm! Bây giờ cậu phải thay thằng Chương B trưởng vừa bị thương hồi nãy và huy động trung đội vào rừng lấy vật liệu ngay đi. Đại đội 5 của cậu sẽ đảm nhiệm làm cầu cạn. Tôi sẽ có cuộc họp với chủ trì các đại đội ngay bây giờ.
          Nói rồi Vân nói với cậu Chính liên lạc xuống tin cho các chỉ huy đại đội đến họp gấp.
          Chúng tôi về nhà hầm. Sau khi tiểu đoàn trưởng Vân trao đổi khái quát tình hình nhiệm vụ đêm nay cho tôi biết thì các chính trị viên, đại đội trưởng ba đại đội và cán bộ của tiểu đoàn bộ đã đến ngoài nhà hầm. Tôi ra khỏi hầm tổ chức cho anh em ngồi quanh gốc cây to có tán lá rộng rồi vào đề ngay:
          - Thưa các đồng chí! Để thực hiện học thuyết Nic Xơn; ‘‘ Việt Nam hoá chiến tranh’’ và giành thế chủ động trên bàn đàm phán của Hiệp định Pa ri. Liên quân Mỹ - Nguỵ tiến hành mở một chiến dịch đánh chiếm với quy mô lớn từ nước ta sang nước bạn Lào gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 nhằm phô trương sức mạnh quân sự của chúng. Để đối phó với địch, các đơn vị quân ta phối hợp với quân chủ lực của nước bạn Lào sẽ mở một chiến dịch gọi là Đường 9 – Nam Lào để đón đánh chúng. Chiến dịch này không những làm thất bại của học thuyết Nic- xơn mà chúng ta còn nhiều lợi thế lớn trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán của hiệp định Pa ri. Con đường chúng ta mở phải ngóng chờ hơn hai tháng thì đêm nay mới được sử dụng. Nhưng đến giờ phút cuối thì địch đã gây khó khăn lớn cho chúng ta. Mệnh lệnh của cấp trên giao cho tiểu đoàn ta là không được chậm trễ mà phải thông được xe trong đêm nay. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề và cam go nhưng chúng ta phải hoàn thành. Phương án khắc phục do đồng chí tiểu đoàn trưởng truyền đạt sau đây các đồng chí chú ý. Xin mời đồng chí.
          Tiểu đoàn trưởng Vân nói ngắn gọn phương án thực hiện rồi phân công rành mạch cho các đại đội rồi hội nghị giải tán. Ba giờ chiều các đơn vị cho bộ đội ăn cơm và phát cho mỗi người một nắm để ăn đêm rồi đi làm nhiệm vụ ngay. Đại đội 4 phía Bắc đèo, đại đội 6 phía Nam đèo. Nhiệm vụ của hai đại đội này là thông con đường qua những cánh rừng đã mở, sẵn sàng khắc phục sự cố và cứu hộ khi có tình huống bất trắc xảy ra. Họ chặt hàng trăm cây chuối rừng bóc bẹ rải dài giữa đường để lái xe nhìn thấy mà đi cho chuẩn vì không được bật đèn dù là đèn gầm. Ở đây nếu một tia sáng nào loé lên thì lập tức hứng chịu hàng chục tấn bom đạn. Trời vừa mờ tối thì pháo sáng của máy bay thả xuống, từ căn cứ địch bắn lên soi sáng cả một vùng rộng lớn nên dễ thấy đường. Trung đội của Thắng có mặt tại đèo sớm nhất mỗi người quẳng xuống đất một vác nặng dây rừng. Cậu ta cười nói với chúng tôi:
          - Các loại dây này người dân quê tôi thường lấy làm dây chão cày rất bền. Loại có vỏ sần sùi là chạc cóc. Dây có ruột vàng gọi là chão vàng. Chắc nhất là mây song này đây, chỉ cần hai sợi là mắc mười hai con trâu kéo gỗ mà không đứt.
          Những người nhanh nhất của đại đội 5 cũng đã đưa cây có kích thước như tiểu đoàn trưởng phổ biến tới nơi. Vân đứng trực tiếp chỉ cho anh em đặt những cây gỗ dài 6 mét bốn người khiêng xuống đường đã vạch sẵn. Cả thảy có mười lăm cây ghép thành năm đường thẳng song song với nhau gọi là: “ đà”. Thắng chỉ cho anh em cách thức buộc chỗ giáp múi hai cây với nhau rồi dùng các cọc gỗ to bằng bắp tay đã vạt nhọn một đầu dùng búa tạ đóng xuống giữ cho năm đường đà không xê dịch. Vân cho thực hiện công đoạn hai là rãi những đoạn cây dài bốn mét ngang qua năm đà gọi là “ sàn”. Vân quan sát kỹ thấy cây sàn nào vênh không khớp là cho loại ngay. Rải xong đoạn nào đặt ngay một cây dài chạy dọc phía trên đà gọi là “ nẹp” rồi dùng dây rừng buộc chặt đà và nẹp lại để cố định sàn. Anh em làm việc rất khẩn trương nhưng tôi thấy thời gian cứ trôi quá nhanh. Tôi liếc nhìn Vân thấy anh ta chốc chốc lại xem đồng hồ ra chiều sốt ruột lắm. Phải công nhận rằng cậu Thắng rất thành thạo trong công việc làm cầu cạn này. Sàn rải đến đâu là buộc xong đến đó. Một chiến sỹ thông tin đến trước mặt Vân:
          - Báo cáo thủ trưởng! Đường dây đã rải xong. Máy chỉ huy ở đằng kia.
          - Tốt lắm! Đồng chí cho người túc trực thường xuyên hai đầu. Đồng chí Chính!
          Đồng chí liên lạc đáp:     
          - Có!
          - Đồng chí báo với đại đội trưởng đại đội 4 đến trực ở máy phía Bắc. Đại đội trưởng đại đội 6 đến trực ở máy phía Nam. Có tình huống gì báo cáo và xử lý.
          - Rõ! – Chính đáp rồi biến mất trong đêm.
          Vân nói với tôi:
          - Anh đến trực máy chỉ huy giúp tôi.
          - Được.
          Tôi đáp rồi đi ngay.
          Khi chiếc cầu cạn đã hoàn thành. Vân đi thử vài lượt rồi khen:
          - Chắc rồi nhưng sự cố thì khó mà lường trước được.
          Rồi Vân xem đồng hồ, nói to:
          - Hai mươi ba giờ ba mươi rồi. Các đơn vị tạm nghỉ cho bộ đội ăn cơm nắm.
          Lúc này tôi mới thấy đói. Từ cán bộ đến chiến sỹ đều lấy tay chùi vào quần áo đã lấm lem bùn đất rồi lấy cơm nắm ra ăn rất ngon lành. Mặc cho tiếng máy bay và tiếng bom đạn rền vang không lúc nào ngớt.
          Ăn xong thì một chiến sỹ đề nghị:
          - Thủ trưởng! Còn thừa nhiều dây thì buộc thêm cho chắc.
          Nhưng Thắng xua tay:
          - Phải để dự phòng. Nếu lốp xe quệt vào nẹp thì dây sẽ đứt ngay. Bây giờ ta rải bẹ chuối dọc giữa cầu và treo hai bên thành cầu để lái xe biết mà đi kẻo xảy ra sự cố. Mỗi đầu cầu ta đặt sẵn ba sợi mây song to dài để khi xe bị ban thì ta buộc vào xe để kéo hỗ trợ. Làm ngay đi.
          Một lúc thì nghe tiếng điện thoại reo. Tôi nói to cho Vân nghe:
          - Phía Bắc báo cáo xe đã vào đường.
 
          Vân đứng thẳng dậy, tay cầm một thanh lau cù buộc cái áo ba lỗ trắng làm cờ  dõng dạc hô:
          - Tất cả chuẩn bị.
          Thời gian như dừng lại. Tiếng bom đạn và tiếng máy bay địch rền vang nên tiếng xe nghe quá nhỏ. Nhưng rồi chiếc xe Din 3 cầu cắm đầy lá nguỵ trang cũng lắc lư đi đến. Vừa đến gần cầu thì Thắng bíu lấy cửa ca bin bước lên nói với chiến sỹ lái xe:
          - Đồng chí cho đi giữa cầu, nếu trệch xuống vũng lầy sẽ rất nguy hiểm.
          - Cám ơn đồng chí.
          Vân phất cờ , chiếc xe rú ga rồi bò lên cầu làm mọi người nín thở. Khi xe qua được cầu thì ai cũng thở phào như trút được một gánh nặng.
          Vân cười:
          - Chắc đấy chứ.
          Rồi xe thứ hai, thứ ba, thứ mười hai lần lượt qua. Đến xe thứ mười ba xảy ra sự cố. Vân giơ cờ lên báo hiệu dừng lại. Đúng như Thắng nói bánh xe vừa rồi đã quệt vào nẹp làm đứt nhiều dây buộc làm dùa một đoạn sàn. Thắng cho trung đội đến sửa lại ngay. Người thì ghép sàn, người thì buộc, người thì đóng cọc cố định. Mười lăm phút sau thì xe lại tiếp tục qua. Lần này thì mười lăm xe kéo những cỗ pháo to lần lượt qua. Đợi một lúc sau mới thấy tiếng động cơ vọng đến. Tôi thầm nghĩ: “ Có lẽ là xe tăng. Trận này đánh lớn đây”. Đúng là như vậy. Chiếc xe đầu tiên đã tới gần cầu. Thắng giơ tay ra hiệu cho một chiến sỹ ngồi trước xe. Chiến sỹ kia cúi xuống nói to:
          - Các đồng chí yên tâm. Xe chúng tôi dù lầy cũng qua được.
          Chiếc cầu lún hẳn xuống, bùn đất bắn lên rào rào. Khi chiếc xe tăng thứ năm cũng là chiếc xe cuối cùng đi qua thì cây cầu cạn của chúng tôi đã tan tành. Chúng tôi ôm lấy nhau reo mừng thắng lợi. Lúc đó là Ba giờ mười lăm phút.
          Tiểu đoàn trưởng Vân ra lệnh:
          - Con đường của chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Các đại đội kiểm tra quân số, vũ khí trang bị rút về nơi ở rổi thu xếp và tổ chức hành quân ngay theo phương án đã vạch để tránh bị địch oanh tạc.
          Chúng tôi về nhà hầm thu xếp rồi hành quân gấp theo đường sang nước bạn Lào. Mới mờ sáng thì máy bay trinh sát của địch phát hiện ngay một con đường lồ lộ trước mắt chúng. Địch tức tối huy động pháo binh từ căn cứ Tân Lâm, máy bay phản lực rồi cả B52 trút hàng trăm tấn bom làm đèo Cô Bát rung chuyển mấy ngày liền.
          Nhiều khi nghĩ lại: “ kẻ địch có những phương tiện trinh sát hiện đại như thế mà mình mở một con đường lớn, giữ được bí mất hơn hai tháng thật là một kỳ tích”.
          Cuộc đời quân ngũ của tôi được tham gia nhiều chiến dịch, mở nhiều con đường, nhưng đêm thông xe trên đèo Cô Bát hồi đó không bao giờ quên.
                                          
                                                            Ngày 28 tháng 6 năm 2018
                                            
 
                         NGUYỄN ĐÔNG THÀNH             
                                 
(Thôn 1. xã Quỳnh Mỹ,Quỳnh Lưu - Nghệ An.ĐT:090476650)              
               
tin tức liên quan