Nghị lực và nghĩa tình đồng đội - Bùi Hòa Bình

Ngày đăng: 04:50 24/08/2018 Lượt xem: 572
                             BÙI HÒA BÌNH
Số 775, Tổ 41B, P.Yên Thịnh, TP.Yên Bái, T.Yên Bái
ĐT: 0984.611226 – Email: buihoabinh.bkyb@gmail.com

 
 

                             BÀI DỰ THI: "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"
     Chủ đề 2: Tỏa sáng Trường Sơn
 
              Nghị lực và
                          Nghĩa tình đồng đội
 

     Đã gần một năm, từ ngày tôi thay mặt Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái (Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái) và Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam đến trao 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) cho vay không lãi trong 5 năm, để hội viên khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão rớt giá lợn năm 2016 – 2017. Hôm nay, nhân dịp có buổi làm việc với Đảng ủy xã Minh Quân, tôi tranh thủ đi sớm, ghé thăm hội viên Lê Thành Đồng, người đã được Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái và Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam cho vay vốn để vượt khó khăn, tiếp tục vươn lên xây dựng kinh tế gia đình.
 
     Vừa rẽ vào cổng, tôi đã thấy ba đồng đội từ xã Minh Tiến, xã Kiên Thành chở 3 lồng gà giống và vịt giống từ nhà Lê Thành Đồng đi ra. Gặp tôi mọi người tươi cười chào hỏi và không quên hẹn tôi 4 tháng nữa lên thăm trang trại gà, vịt của họ, tôi vui vẻ nhận lời.
     Dựng xe ở khuân viên sân rộng rãi, tôi thấy bốn người khách đang ngồi uống nước ở chiếc bàn ngoài hiên. Sau màn chào hỏi mọi người, tôi nhìn quanh không thấy chủ nhà đâu. Hình như đoán được sự thắc mắc của tôi, một bà khách nói:
     - Bác cứ ngồi uống nước và đợi, ông Đồng đang nhặt trứng vịt ở dưới chuồng. Bác ấy vừa giao gà, vịt giống cho mấy ông đồng đội, hai vợ chồng cháu út đang thu hoạch trứng gà, còn bác ấy thu hoạch trứng vịt. Gần 500 quả chứ có phải ít đâu, chúng em đang chờ để mua trứng của bác ấy đây.
     Nghe mọi người nói vậy, tôi cám ơn và xuống khu chuồng nuôi vịt của gia đình Lê Thành Đồng. Đây là khu chuồng số 3 trước đây gia đình ông nuôi lợn thịt, ông đã sửa lại thành chuồng nuôi 1.000 con vịt đẻ và 4 ô nuôi vịt giống (với trên 2.000 con để hàng ngày bán cho các hộ chăn nuôi). Nhìn Lê Thành Đồng đang nhanh tay nhặt đầy 6 thùng trứng vịt, thành quả của một buổi sáng mà lưng áo ông đẫm ướt mồ hôi. Tôi càng thấy quý trọng người đồng đội lái xe Trường Sơn đầy nghị lực.
     Tháng 01 năm 1971, Trưởng thôn Đức Linh, xã Minh Quân Lê Thành Đồng xung phong lên đường nhập ngũ, theo gương anh, nhiều trai tráng trong thôn cũng hăng hái tình nguyện tòng quân. Sau 2 tháng huấn luyện, Lê Thành Đồng được chọn đi học khóa 14, Trường lái xe Quân khu Việt Bắc. Sau 60 ngày học cấp tốc, khi sát hạch tốt nghiệp ông đạt loại giỏi về thực hành. Nhà trường xét giữ ông lại làm giáo viên trợ giảng, nhưng ông tha thiết xin vào chiến trường chiến đấu (Vì ông biết đợt giao quân này đều bổ sung cho Đoàn 559). Không nỡ chối từ một đề nghị thấu tình, đạt lý, Nhà trường đã đồng ý theo nguyện vọng của ông với một sự tiếc nuối.
      Vào Trường Sơn, Lê Thành Đồng được bổ sung vào Binh trạm 36. Khi thành lập Sư đoàn xe 471, thì Binh trạm 36 trở thành Trung đoàn 36 nằm trong đội hình của Sư đoàn. Trong 8 năm lái xe ở Trường Sơn, Lê Thành Đồng đã đi qua nhiều tuyến đường, vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt như: Cụm trọng điểm ATP, Cổng Trời, cua Bóng đèn, Trạ Ang, đèo Pu La Nhích, ngã ba Đông Dương, A Sầu, A Lưới, Ngầm A Vương, Đèo Bù Lạch vv… Nhiều lần vượt trọng điểm, bom nổ khắp nơi nhưng ông vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị cứu xe, cứu hàng. Từ một chiến sỹ lái xe, rồi tiểu đội Trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng đến Tiểu đoàn phó và rồi anh được điều lên làm Trợ lý xe máy của Sư đoàn 571 Trường Sơn. Ở cương vị nào Lê Thành Đồng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được anh em yêu mến, cấp trên tin tưởng. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước hoà bình, ông ở lại quân đội và lái xe cho Tổng cục Xây dựng kinh tế.. Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới xảy ra, ông lại tiếp tục phục vụ chiến đấu ở Sư đoàn 337, Quân đoàn 29. Đến năm 1982, do thương tật, sức khoẻ yếu, ông được nghỉ chế độ, là bệnh binh 2/3.
      Trở về với gia đình thân yêu, ông lại đối mặt với “cuộc chiến” cơm áo gạo tiền bởi đây là thời kỳ đất nước khó khăn nhất kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Không biết đã bao đêm không ngủ bởi vì trong ông luôn trằn trọc nghĩ suy: Đã hy sinh tất cả để giành lấy độc lập, tự do và hoà bình, thống nhất nhưng sao cứ cam chịu đói nghèo? Nhưng biết làm gì khi trong tay không có vốn, không có tư liệu sản xuất mà lại ở một vùng quê hẻo lánh như Minh Quân? Cuối cùng, ông quyết định đi thu mua sắt vụn. Dòng giã suốt 5 năm, cứ sáng sáng ông đạp xe với cái sọt đằng sau rong ruổi khắp các phố phường của thị xã Yên Bái. Không có con phố nào, ngõ ngách nào của thị xã miền núi ngày ấy mà không có dấu chân ông. Nghề đi thu mua sắt vụn tuy không giàu nhưng cũng kiếm được bữa cơm, bữa cháo nuôi gia đình. Công việc đang thuận lợi thì năm 1989, tai hoạ giáng xuống khi người vợ yêu quý của ông bị bệnh và liệt toàn thân, ông phải ở nhà chăm vợ và các con nhỏ dại. Còn ít tiền tích cóp nhờ thu mua sắt vụn, ông tập trung trồng rừng, chăn nuôi lợn. Với diện tích 3 ha vườn cọ, ông quyết định chặt bỏ và trồng vào đó keo, chè, bạch đàn. Đặc biệt từ năm 2005, thực hiện cuộc vận động của huyện về chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả sang đào ao thả cá, gia đình ông là một trong 4  hộ dân ở xã Minh Quân đi đầu thực hiện chuyển đổi. Được tỉnh, huyện hỗ trợ 5 triệu đồng và vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông đã đào 7.200m2 ao thả cá. Toàn bộ đất đào ao của gia đình, ông xây dựng hai lò gạch để phục vụ vật liệu xây dựng cho nhân dân trong vùng. Bình quân mỗi năm, ông sản xuất được trên 300.000 viên gạch, tạo việc làm thường xuyên cho 15 – 20 Lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
      Không dừng lại, bố con ông tiếp tục đầu tư xây dựng 1.220m2 chuồng chăn nuôi 70 lợn lái và trên 500 con lợn thịt mỗi lứa. Sau những tháng ngày vất vả, ông cũng tích cóp và xây dựng cho mình căn nhà 2 tầng khang trang, 4 đứa con 4 ngôi nhà mặt phố. Bằng những nỗ lực của mình, gia đình ông đã có thời trở thành triệu phú ở Minh Quân, mỗi năm trừ chi phí cho lãi trên 400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn vận động các con chấp hành tốt các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp đỡ các gia đình nghèo trong thôn. Đặc biệt là giúp cho nhiều đồng đội Trường Sơn con giống, tiền và kinh nghiệm sản xuất để các đồng đội thoát nghèo, cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.
      Với những cố gắng không mệt mỏi, nhiều năm gia đình Lê Thành Đồng được tỉnh, được huyện công nhận là điển hình tiên tiến, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt trong tháng 7/2014 ông vinh dự được đi dự Hội nghị Gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
      Rồi năm 2016, cơn bão rớt giá lợn thịt lan nhanh cả nước, quê hương Minh Quân của ông cũng không tránh khỏi. Đến giữa năm 2017 mỗi con lợn thịt nặng trên 100kg lỗ đến 1.200.000 đồng. Sau hơn một năm gia đình ông mất trắng gần 4 tỷ, các chuồng lợn đóng cửa, nợ về tiền mua thức ăn cho lợn ngày một nở ra. Bố con ông phải tát vội 3 ao cá (mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch) để bán lấy tiền trả nợ.
     Giữa lúc khó khăn đó, Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Yên Bái đã đến động viên tinh thần đồng đội. Bằng sự vận động và được Nữ doanh nhân Trường Sơn Trần Thị Chung (Chủ nhiệm CLB gia đình nữ Doanh nhân Trường Sơn) giúp đỡ cho Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái vay 100.000.000 đồng trong 5 năm không lấy lãi để thực hiện dự án nuôi bò. Với số vốn đó, Thường trực tỉnh Hội đã tính toán, nếu xé lẻ ra cho hội viên nuôi bò thì rất khó có lãi và bảo toàn vốn. Vì vậy Thường trực Tỉnh Hội Trường Sơn Yên Bái đã bàn và được nữ doanh nhân Trần Thị Chung nhất trí giúp cho hội viên Lê Thành Đồng tháo gỡ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế theo hướng VACR.
      Với nghị lực của người chiến sỹ lái xe Trường Sơn, cộng với sự động viên, giúp đỡ kịp thời đầy nghĩa tình của Hội Trường Sợ tỉnh Yên Bái, Câu lạc bộ gia đình nữ doanh nhân Trường Sơn Việt Nam. Hội viên Lê thành đồng đã thoát khỏi khó khăn, vững vàng vươn lên bền vững và từng bước làm giàu.
      Đến hôm nay, sau gần một năm có nguồn hỗ trợ và bền bỉ phấn đấu gia đình ông đã có 1.000 con vịt đẻ và sắp đẻ (hiện tại mỗi ngày cho trên 400 trứng), 1.000  con gà Ai Cập siêu trứng (mỗi ngày cho trên 900 quả trứng); 2.000 con vịt giống, 1.000 con gà giống (để hàng ngày bán giống cho bà con và đồng đội); một trại lợn với 10 con lợn lái, 100 con lợn thịt siêu nạc; 3 ao cá trên 1,5 ha và 4,5 ha rừng keo, bạch đàn; 4.000 m2 đu đủ cao sản khết hợp với trồng đậu xanh. Trừ chi phí mỗi tháng cũng đã cho lãi trên 20 triệu đồng.
       Kinh tế được vực lên, Lê Thành Đồng lại luôn giúp đỡ đồng đội. 6 tháng đầu năm 2018 ông đã giúp đồng đội ở 3 xã Minh Tiến, Y Can, Kiên Thành trên 400 con vịt, gà giống, 20 kg cá giống và ai cũng biết vào mua trứng vịt, gà tại nhà ông đều được giảm 20% giá so với thị trường. Vì thế sản phẩm trứng của nhà ông có đến đâu là bán hết ngay sáng hôm đó.
      Nhìn cơ ngơi đang phát triển của người chiến sỹ lái xe Trường Sơn đầy nghị lực, nhìn cung cách tận tụy, chịu thương chịu khó làm ăn và tấm lòng nghĩa tình, thơm thảo của bố con ông. Tôi thấy tự hào về những người chiến sỹ Trường Sơn và tin chắc rằng: Cơ ngơi này của hội viên Trường Sơn Lê Thành Đồng sẽ phát triển vững tựa thành đồng.
      
          
                
                                                    
tin tức liên quan