Chiến đấu dũng cảm, tình nghĩa thân thương - Bút ký dự thi "Hào khí Trường Sơn" của Vương Văn Kiểm

Ngày đăng: 10:52 02/01/2019 Lượt xem: 713

---------------------------------------------------------------------------

Chiến đấu dũng cảm, tình nghĩa thân thương
Bút ký của Vương Văn Kiểm – hội viên VHNT Trường Sơn
 
        Nhân ngày vui liên hoan mừng thiếu tướng Hoàng Kiền được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – đồng tác giả cụm công trình khoa học phòng thủ Trường Sa (1976 – 2011). Buổi ấy thượng tá Trần Thanh Tú – Phó chủ tịch hội truyền thống Trường Sơn - huyện Hải Hậu giới thiệu với chúng tôi: đồng chí Đỗ Quốc Trịnh người lính đặc công quả cảm, nghĩa tình sâu đậm với bầu bạn quốc tế. Ngày hôm sau tôi và nhà thơ Phạm Trọng Thanh tìm về Công ty Cổ phần 27/7 Sông Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, gặp Cựu chiến binh Giám đốc Công ty Đỗ Quốc Trịnh. Anh tiếp chúng tôi niềm nở. Theo yêu cầu của tôi, anh cho xem một số hình ảnh trên đất nước Chùa Tháp, rồi kể cho tôi những mẩu chyện chiến đấu kiên cường trên đất bạn, tình cảm tốt đẹp của người dân Cam Pu Chia với bộ đội Việt Nam :
      Năm 1966 anh gia nhập quân đội, vào chiến trường B, rồi chiến trường K. Hơn mười năm chiến đấu thì gần tám năm trên đất bạn,
 
      Cuộc chiến đấu không thể nào quên
Ngày 5/12/1972 cấp trên giao nhiệm vụ cho 9 đồng chí bộ phận “điều nghiên”: vào chốt núi Ba Khèn - trước đền Ăng Co, vẽ sơ đồ, đưa về, đắp sa bàn. Các anh hóa trang: đội mũ đặc công ôm gọn mái tóc trên đầu, mặc quần đùi, dùng đất nâu đỏ, nhọ nồi đen và bột mầu xanh  trộn với mỡ lợn - làm chất kết dính, bôi lên  người.  Để che mắt bọn lính ngụy Lon Non, trên cơ thể các anh, chỗ này giống mầu xanh cây cỏ, chỗ kia giống mầu đất nâu, chỗ khác giống lá cây úa rụng, phù hợp với mầu sắc địa hình sắp bò qua. Bộ phận Điều nghiên chia làm ba mũi, mỗi mũi 3 người tiến vào chốt, bí mật bất ngờ.... Đèn pha sáng suốt đêm, các anh bò sát hàng rào, cắt giây thép gai, chống giây thép gai lên, tiến dần. Bỗng thấy một quả mìn phía trước, Đỗ Quốc Trịnh cầm chắc lấy, khóa chốt lại, để lăn lóc chỗ cũ, thế lả “tử thần” mất thiêng. Tử thần thứ hai... thứ ba... lại bị vô hiệu hóa. Trong chốt bọn địch ngủ như chết. Ba mũi trinh sát gặp nhau, vui trong im lặng. Mỗi người ghi vào trong óc mình từng mục tiêu: chỗ này lô cốt, chỗ kia phòng ngủ, nơi khác kho súng đạn, hỏa lực đại liên, trung liên, xe tăng, hầm trú ẩn, lương thực thực phẩm...Quan sát xong, các mũi trinh sát rút ra theo đúng lối cũ, những cây cỏ là là mặt đất cao 15- 20 cm bị đổ rạp, các anh dựng lại ngay ngắn, kéo giây thép gai lại như cũ. Bọn địch có mắt như mù, không thể phát hiện vết tích các anh đã vào tận sào huyệt chúng. Ngày hôm sau, tổ đặc công đắp sa bàn, báo cáo cấp trên, cả đơn vị  đến quán triệt, định phương án tác chiến. Để bảo đảm an toàn - không bị mìn của giặc sát thương, đêm 12/12/1972  một trung đội đặc công gồm 27 đồng chí dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại đội trưởng Nguyễn Văn Hiến - người Nghệ An, chia làm ba mũi, mang theo dao găm, thủ pháo, B40, B41... bò theo lối cũ mà “điều nghiên” đã vào tối hôm trước . Đến giữa chốt, giặc vẫn ngủ khò khò, đại đội trưởng ra lệnh phát hỏa. Một loạt thủ pháo nổ tung chát chúa. Những con rồng B40, B41 phụt lửa. Tiếng nổ đột ngột giữa hang ổ, giặc hốt hoảng không kịp cầm vũ khí, liền nhảy xuống hầm, bị ăn thủ pháo của quân ta. Lô cốt, hỏa điểm của địch nổ tung ; bồn xăng, xe cộ bốc cháy ngùn ngụt. Đặc côngdùng chiến thuật: “đánh trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch”. Hàng trăm tên ngụy Lon Non bị tiêu diệt. Ta tảo trừ giặc - đánh lướt qua, rồi đánh trở lại. Đồng chí Nguyễn  Ngọc Thảo - trung đội trưởng xông xáo diệt nhiều tên giặc, chẳng may bị mìn nổ, anh hy sinh chưa kịp nhận phần thưởng cao quý mà đơn vị đã đề nghị lên cấp trên trao tặng. Đỗ Quốc Trịnh  bị thương hai chỗ, mảnh đạn găm vào phần mềm ở tay và vai. Đánh xong, bộ đội ta giao cho phía bạn - quân khu 304, đồng thời giao cho hai đoàn bên ta là đoàn 500 của đường giây 559, và đoàn bộ binh quân khu C40. Đ/c Đặng Vũ Hiệp - Tư lệnh phó miền Đông Nam bộ kiêm chính ủy quân khu C40, đ/c Đức - Tư lệnh phó quân khu C40, rất phấn khởi đến thăm và tuyên dương toàn đơn vị xứng đáng 16 chữ vàng: “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn”. Sau khi điều trị khỏi, Đỗ Quốc Trịnh tiếp tục làm nhiệm vụ điều nghiên – công việc cam go, nhiệm vụ quan trọng góp công sức lớn vào chiến công của đơn vị      
      Đặc công ta không chỉ tiêu diệt đồn, phá sân bay mà còn đánh địch trong mọi tình huống. Đỗ Quốc Trịnh nhớ lại khi ta phá cầu Tà Trí cắt đường viện trợ từ Ph - nông - pênh đến Công - pông - chơ – năng, anh bình an. Khi xóa sổ chốt Phum - ruột, Phum - cô, mấy đồng chí bị thương nhẹ, Đỗ Quốc Trịnh thấy đau nhói hai bàn tay và đầu bị tê, Đỗ Quốc Trịnh nén nỗi đau, chiến đấu đến phút cuối trận đánh. Trong 1 tháng, giặc rất lúng túng, chúng dồn hết lực lượng, chuyển các thiết bị từ Tân Cảng Sài Gòn đến Tà Trí để sửa cầu, đến cuối tháng 12/1972 hoàn tất. Sửa xong cầu, chúng dùng 200 xe chở vũ khí lương thực từ Ph - nông - pênh ung dung chuyển bánh về phía Công - pông - chơ - năng, phục vụ các tỉnh Đông bắc Cam Pu Chia. Đặc công ta dùng thủ pháo và B40, B41 với chiến thuật chốt đầu khóa đuôi tiêu diệt 195 xe, 5 xe đi đầu chạy thoát vào thị xã Công Pông - chơ - năng. Địch ở nơi khác phản pháo, quả đạn nổ bên cạnh, Đỗ Quốc Trịnh bất tỉnh… Đến khi tỉnh dậy, anh thấy xung quanh toàn người áo trắng. anh hỏi: “Tôi ở đâu?”. Người y tá reo lên: “Anh Trịnh tỉnh rồi, đây là bệnh xá anh ạ”, lúc đó anh mới biết mình từ cõi chết trở về. Đ/c tiểu đòan trưởng Phạm Thơ đến thăm, chúc mừng Đỗ Quốc Trịnh bình phục.
      Tình cảm của nhân dân Cam Pu chia với quân đội ta
Buổi đầu bộ đội ta đến, nhân dân Cam Pu Chia sợ sệt. Trên  đường, đồng bào gặp bộ đội ta, họ quỳ xuống ôm khăn mũ vào ngực, cúi rạp người “Lục thum ạ” (chào ông lớn ạ). Đồng chí biết tiếng Cam Pu Chia giải thích cho họ về đường lối chính sách của ta: nhằm đòan kết hai dân tộc giành độc lập, chống Lon Non thân Mỹ. Chúng ta bình đẳng với nhau, bà con không phải quỳ xuống “Lục thum” nữa. Từ đó bộ đội ta với đồng bào Khơ Me hòa quyện nhau như cá với nước. Các anh ở chung với dân bản... được già làng quan tâm rất chu đáo. Các anh nói với già làng: “Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng con tự lực được, xin đừng phiền bà con”. Các cô gái rất quý bộ đội Việt Nam. Các anh trở thành học trò ngoan của cô gái Khơ Me dạy tiếng “Mẹ nuôi” trên đất nước Chùa Tháp. Ánh mắt và tiếng nói của các cô gái là sợi giây vô hình níu buộc bộ đội Việt Nam dũng cảm thân thương với  người dân Cam Pu Chia hiền lành giản dị.  Đồng bào tặng bộ đội hoa quả: soài , dừa, chuối, gà, vịt, có khi tặng con lợn to. Khi thu dọn chiến trường, tiếp thu chiến lợi phẩm, sẵn có lương thực, ta giúp đỡ cho đồng bào nghèo khó trong phum.
      Đỗ Quốc Trịnh nhớ rất rõ trong một buổi tối liên hoan: bộ đội ta và khoảng hai trăm người dân trong phum quây quần xung quanh đống lửa bập bùng. Đồng bào ca hát, đàn nhạc. Các anh được thưởng thức nghệ thuật bản sắc dân tộc “Chăm riêng chà pây” trên đất nước Chùa Tháp - quê hương thứ hai của các anh. Thế rồi hai bên cùng hát chung, múa chung điệu Lâm thôn. Bỗng Già làng nói: “Anh hát cho đồng bào nghe (Boòng chà riêng oi pờ chi chuân lư phoòng)”. Đỗ Quốc Trịnh hát bài “Tính sao” - lời Đỗ Quốc Trịnh, nhạc dân gian Cam Pu Chia “Bố mẹ ơi, con chưa có vợ đâu (Puc me ơi, con ót miên pờ buôn); bố mẹ ...tính sao? (Púc me... ừ ... cứt giang mếch)”. Một cô gái Khơ Me tinh nghịch trả lời thay bố mẹ: “Ả lưng boòng, choòng dô nẹ na (bây giờ anh muốn lấy người nào?)”. Trịnh hóm hỉnh: “Anh em bộ đội giải phóng Việt nam  ..quen biết... lấy hết (Boòng ôn công tóp dùm ro Việt Nam, sa co dô từng o)”. Tất cả đều cười, vui vẻ.
      Đỗ Quốc Trịnh quên sao được hình ảnh bà con vui mừng đón bộ đội ta chiến thắng, trở về an toàn. Một hôm cô gái trẻ Khơ Me nói nhỏ với Trịnh: “Nức bòn chờ rờn (nhớ anh nhiều lắm)”. nàng dấu bố mẹ, trao cho anh tấm ảnh và nói: “ôn nức... ngay ót xi dục ót đết (em nhớ... ngày không ăn, đêm không ngủ)”. Trước một cô gái chân chất có duyên, nói năng dịu dàng, lòng Đỗ Quốc Trịnh xao xuyến, tránh sao khỏi thầm yêu trộm nhớ. Thế rồi Đỗ Quốc Trịnh nhận quyết định về Việt Nam công tác, trong Phòng Quản lý xăng xe miền Đông Nam bộ. Khi chia tay bà con Khơ me, các mẹ  các chị bịn rịn... lau nước mắt. 
      Anh không thể nào quên cuối năm 1972 tại đền Ăng Co tỉnh Xiêm Riệp, quân dân  Cam Pu Chia và bộ đội Việt Nam ăn mừng chiến thắng “Chen La Hai”. Đại biểu đến dự: phía Việt Nam có có đồng chí Đặng Vũ Hiệp - Tư lệnh phó Miền Đông Nam bộ, kiêm Chính ủy quân khu C40; Các vị đại biểu tươi cười, phấn khởi, tự hào. Phía ta có khoảng 75 người; bên bạn, cả dân, cả quân hàng nghìn người. Ăn mừng chiến thắng từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Liên hoan có đủ mặn ngọt, bia rượu. Mọi người nói cười sôi nổi. Đoàn văn công bạn hát múa, mời đoàn ta cùng múa điệu dân gian Lâm thôn
 
      Thống nhất đất nước, Đỗ Quốc Trịnh phục viên
      Năm 1973 anh được học lớp y tá trong quân đội, cho nên đến năm 1976, quân đọi cho phục viên, anh vừa sản xuất nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật, năng xuất nâng cao vừa làm được các việc khác như khám bệnh cho bà con, thiến lợn thiến gà. Khi có vốn liếng, anh chuyển sang kinh doanh tạo việc làm cho bà con. Xí nghiệp của anh sản xuất gạch ba banh, hiện nay có 30 công nhân, lương mỗi công nhân khoảng 5 – 6 triệu đồng một tháng. Đỗ Quốc Trịnh khoán việc cho công nhân, người làm việc có năng xuất cao, lương nâng cao, có người 8 triệu đồng một tháng. Anh luôn luôn giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn. Trong lòng anh luôn ấp ủ tình cảm chân thành với nhân dân phum bản đã từng cưu mang anh. Anh xứng đáng với danh nghĩa anh bộ đội cụ Hồ có lòng yêu nước trong sáng, có nghĩa tình cao cả đối với nước bạn.
 
Tác giả: Vương Văn Kiểm
47 Tràng Thi, phường Trần Đăn Ninh, tp Nam Định

Đt  081. 723. 0806
Nhân vật trong bút ký: Đỗ Quốc Trịnh, Cựu chiến binh xã Xuân Ninh, Công ty cổ phần 27/7 Sông Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định Đt : 0915. 194. 547

tin tức liên quan