"Lễ truy điệu... Người đang sống" - Bài dự thi "Hào khí Trường Sơn" của Bùi Hòa Bình Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 09:37 25/02/2019 Lượt xem: 553
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN" 
 
Lễ truy điệu ...
Người đang sống.

Ký của  Bùi Hòa Bình
 
         Trong buổi duyệt nhân sự trước Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyện Trấn Yên. Tôi tình cờ gặp lại anh, người chỉ huy chiếc thuyền máy của 43 năm trước trên dòng sông Bạc, với một nhiệm vụ đặc biệt chạy thuyền giữa ban ngày, luồn lách dưới làn bom đạn của hàng chục máy bay địch đánh phá, săn đuổi.
         Mặc dù đã 43 năm rồi, nhưng khi gặp nhau chúng tôi vẫn nhận ra nhau và những cái ôm, cái vỗ lưng thân tình như ngày nào tiễn nhau trên bến sông Bạc. 43 năm, từ những chàng trai săn trắc tuổi 20 nay chúng tôi đã vào tuổi "xưa nay hiếm", tóc đã bạc, da đã mồi với nhiều nếp nhăn trên khuân mặt của những người lính luôn phải bươn trải trong cuộc sống đời thường. Chỉ có đôi mắt của anh vẫn tinh nhanh cùng nụ cười rạng rỡ là không khác mấy ngày xưa.
         ... Cuối tháng 2 năm 1973, vừa được Tư lệnh 601 quyết định điều từ mặt trận Quảng Đà về lại Trường Sơn. tôi đang sinh hoạt tạm phòng Quân huấn của anh Lý Tự Nhiên thì được lệnh đi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Sau 5 ngày hành quân bằng xe cơ giới, tôi tới Binh trạm 50 của Sư đoàn 470. Sau khi báo cáo với thủ trưởng Binh trạm, tôi được đồng chí trợ lý tác chiến dẫn đến Tiểu đoàn 164 đường sông. Đơn vị dùng thuyền máy vận tải hàng trên sông Bạc đoạn giáp địa phận hai nước Lào và CampuChia. Vì đây là một nhiệm vụ tuyệt mật nên chúng tôi cùng Tiểu đoàn cân nhắc chọn hai đồng chí trung kiên lại vừa nhanh nhẹn, dũng cảm để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ.
         Tiểu đoàn 164 chọn hai đồng chí là Nguyễn Xuân Dĩnh và Lương Đình Lập đều là người ở tỉnh Yên Bái (Nguyễn Xuân Dĩnh ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên; còn Lương Đình Lập ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình). Nguyễn Xuân Dĩnh đang là một Đảng viên dự bị, một trung đội phó đường sông dũng cảm, có nhiều kinh nghiệm. Anh vừa được lấy lên Tiểu đoàn làm trợ lý quân nhu. Chiến sỹ lái ca nô Lương Đình Lập cũng là một chiến sỹ gan dạ, mưu trí và rất am hiểu cung đường. Sau khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị thuyền máy, hai anh đã thay máy đẩy mới, kiểm tra mọi chi tiết trên thuyền, nhận áo giáp sắt mới để khi thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả tốt nhất.
Vì đây là nhiệm vụ tuyệt mật nên mọi người chỉ biết chuẩn bị sẵn sàng, chứ không một ai biết thên điều gì, kể cả Ban chỉ huy tiểu đoàn.
         16 giờ chiều ngày 7/3/1973 tôi mới thông báo chính thức mệnh lệnh của Tư lệnh giao cho Tiểu đoàn 164 tổ chức thuyền chạy trên sông Bạc vào lúc 17 giờ để thu hút sự chú ý và hỏa lực của máy bay địch, đảm bảo an toàn cho một đoàn khách đặc biệt quan trọng vượt sông ở một bến khác (Không chỉ có một nơi nghi binh mà có nhiều nơi cũng làm nhiệm vụ này). Nhưng bến vượt sông Bạc của Tiểu đoàn là điểm luôn bị máy bay địch chú ý và đánh phá ác liệt nhất.
         Biết nhiệm vụ dùng thuyền máy thu hút máy bay của địch giữa ban ngày là rất nguy hiểm, nên Tiểu đoàn đã chuẩn bị và tổ chức Lễ truy điệu cho hai chiến sỹ dũng cảm trước khi lên đường (Ở Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ là vậy, hễ đồng đội đi làm nhiệm vụ mà biết chắc cái chết cận kề thì đơn vị tổ chức làm Lễ truy điệu cho đồng đội mình, để người ra đi thanh thản, và để người ở lại lấy đó làm tấm gương tiếp tục chiến đấu ngoan cường).
         Lễ truy điệu hai đồng chí Nguyễn Xuân Dĩnh và Lương Đình Lập ngắn gọn nhưng hết sức trang nghiêm và súc động trước lá cờ của Tổ quốc. Những cái bắt tay, những cử chỉ ôm nhau vỗ vỗ, mặc dù không ai nói một lời, nhưng những khóe mắt hằn sâu của bao ngày gian khổ vẫn không giấu được những giọt nước mắt tiễn biệt đồng đội ra đi.
         Để đánh tan giây phút nặng nề đó, Nguyễn Xuân Dĩnh đã chủ động hô lớn:
         - Nào lên đường, xin chào các thủ trưởng, các đồng đội ... hãy chờ tin chiến thắng của chúng tôi.
Nói rồi anh cùng đồng chí Lập nổ máy và đưa thuyền rời bến. Chiếc thuyền máy như một con rồng dũng mãnh rẽ nước sông Bạc lao về phía trước. Trong dáng chiều, hình ảnh Nguyễn Xuân Dĩnh hiên ngang đứng trước mũi thuyền chỉ huy cho con thuyền rẽ sóng, cái hình ảnh anh hùng ấy cứ khắc mãi trong ký ức của tôi.
         Bất ngờ phát hiện mục tiêu chuyển động trên sông giữa ban ngày, chiếc L19 như chững lại trên không, rồi nó gọi thêm một thằng OV10 nữa đến. Hai chiếc máy bay lao theo chiếc thuyền máy cứ xa dần, xa dần bến thác K1. Chúng bắn nhiều loạt cối khói đỏ quạch chặn đầu thuyền của hai chiến sỹ đường sông dũng cảm và thế là lũ AD6, F4H, F105 ầm ầm lao đến cắt bom. Dòng sông Bạc quận sóng, Con thuyền như một chiếc lá lắc lư, chao đảo trong một trận bão lớn. Bọn máy bay cứ thi nhau bu lấy mục tiêu mà thả bom, mà đánh phá ... cả buổi tối hôm đó 2 thắng AC130 cũng dai dẳng thi nhau bắn đạn 40 ly xuống khu vực buổi chiều phát hiện mục tiêu.
         Hoàn thành việc chuyển giao nhiệm vụ tối mật, ngay chập tối hôm đó tôi cùng đồng chí trợ lý tác chiến về Binh trạm để tôi kịp theo xe của Sư đoàn 470 về Bộ Tư lệnh.
         Về đến Bộ tư lệnh tôi được biết các tuyến nghi binh đã đảm bảo an toàn cho Đoàn cán bộ mang mật danh "Đoàn thắng lợi" vượt sông sang nước ban Cam phu Chia. và đến ngày 20/4/1973 khi đoàn mang mật danh "Đoàn thắng lợi" trở về đến Hà Nội an toàn. Toàn tuyến mới được biết chính sác đó là Đoàn của Quốc trưởng No rodom Sihanouk và Phu nhân về thăm Cam Pu Chia.
         50 ngày, với một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và bí mật, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn chúng tôi, với yêu cầu mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn "Quốc Trưởng là người bạn quý của Việt Nam. Chuyến đi này phải hết sức bí mật, kế hoạch bảo vệ phải tuyệt đối an toàn, không để xảy ra bất cứ điều gì đáng tiếc".

 
 Quốc trưởng và Phu nhân tại rừng Trường Sơn, năm 1973, (ảnh tư liệu)
         Chấp hành mệnh lệnh đó, những chiến sỹ bộ đội Trường Sơn chúng tôi đã hoàn thành nghiêm túc và xuất sắc nhiệm vụ. Điểm nghi binh của Tiểu đoàn 164, Binh trạm 50, Sư đoàn 470 chỉ là một trong nhiều điểm nghi binh thu hút sự chú ý và che mắt địch. Nhưng ở tất cả những điểm nghi binh đó, các chiến sỹ Bộ đội, TNXP Trường Sơn đã sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi, cho mối tình quốc tế sâu đậm, cao cả như Hoàng thân Norodom Sihanouk đã nói khi các chiến sỹ Trường Sơn tặng hoa phong lan cho Ngài: " Phong lan là loài hoa đẹp nhất trong các loài hoa, nhất là hoa phong lan ở Trường Sơn. Nhưng dù đẹp mấy, hoa nào rồi cũng đến lúc phải tàn, chỉ có tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và CampuChia chúng ta là bất diệt và tình cảm đó, thứ hoa phong lan đó mới thật là quý, không có gì có thể so sánh được".
 
Bùi Hòa Bình
Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Yên Bái
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan