Những ngày sống bên chị, dự thi Hào khí Trường Sơn của Tạ Thị Hoán

Ngày đăng: 02:24 28/02/2019 Lượt xem: 582
Bài Dự thi Hào khí Trường Sơn


                     NHỮNG NGÀY SỐNG BÊN CHỊ

 
LTS: Nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu sinh năm 1945 tại xã Thi Sơn, Kim Bảng. 20 tuổi chị tình nguyện nhập ngũ ra thẳng tuyến lửa Trường Sơn và trực tiếp có mặt trên các tuyến đường bị máy bay địch bắn phá ác liệt. Sáng kiến dùng bộc phá để phá bom nổ chậm của chị vừa hiệu quả lại an toàn, được phổ biến cho toàn tuyến Trường Sơn. Chị hy sinh khi mới 23 tuổi trong một lần làm nhiệm vụ. Một người đồng đội của chị, cựu TNXP Tạ Thị Hoán (hiện là Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Kim Bảng) đã gửi Báo Hà Nam những dòng nhật ký viết về những ngày sống và làm việc bên chị. Báo Hà Nam xin trân trọng trích đăng.

                                                                              ***
 
          Ngày 05/09/1965 chỉ còn hai ngày nữa là tôi đi học lớp thống kê tại Vinh (công ty 4). Thế mà hôm nay lại được Đại đội trưởng thông báo hoãn, không đi học vì đơn vị chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, 8 giờ sáng, tôi cùng một số đồng chí trong đại đội viết danh sách các đội viên trong đơn vị (những anh chị em có thành phần gia đình cơ bản).

          Không khí đơn vị thật im ắng, nếu họa hoằn không nghe tiếng phản lực và tiếng bom đánh phá ngoài cầu Giát chắc trong đỉnh đồi Xuân Lộc này bọn tôi muốn nghẹt thở. Chúng tôi nhìn nhau, qua ánh mắt thầm nói: Có một điều quan trọng đang đến! Trong đoàn quân ra đi hôm nay, có khá đông các anh, các chị, những người có trình độ văn hóa hết cấp III, có người đang học dở đại học.

          Ngày 10/09/1965 chúng tôi đã nhận đủ quân tư trang, lương thực và dụng cụ công binh cho chặng đường hành quân vào phía trước (mỗi người đủ 30 kg) lại không có anh Dậu, anh Cát, anh Khải... và cả chị Liệu nữa? Sao thế nhỏ ? nhiệm vụ phía trước quan trọng, bí mật đến nỗi các anh, các chị không đi cùng chúng tôi được hay sao ?

          Ngày 11/09/1965 bắt đầu những ngày hành quân bộ từ Xuân Lộc – Cầu Giát (Nghệ An) rời xa thành Vinh thân yêu. Ngày nghỉ đêm đi cái tuổi 17,18 “bẻ gẫy sừng bò” như các cụ nói mới mấy ngày mà chúng tôi đứa nào cũng đã sút cân…

          Trước giờ lên đường tối nay, đồng chí Hoàng Cao Vụ, đại đội trưởng đứng trước hàng quân tuyên bố:
          -Đơn vị không nhận đồng chí Nguyễn Thị Vân Liệu là chiến sỹ của đại đội 452 vì đồng chí là quân số ở lại tuyến sau, nếu đồng chí Liệu cứ một mực theo, xảy ra việc gì trên đường hành quân, đồng chí Liệu hoàn toàn chịu trách nhiệm.

          Sống mũi tôi cay sè và cổ họng tôi nghẹn lại như thể chính bản thân tôi là chị.

        Tôi ngoảnh sang A6, chị đứng cách tôi hai hàng quân. Lúc này tôi mới có dịp ngắm chị. Khuôn mặt trái xoan với nước da con gái trắng hồng. Hàng mi cong, đôi lông mày đen nhánh, đôi môi hồng mím lại làm cho hai lúm đồng tiền bên má càng in rõ hơn.Khuôn mặt chị thật tràn trể nghị lực và tự tin.
          Ngày 20/09/1965 đêm nay, chúng tôi lại hành quân đến vùng Tuyên Hóa (Quảng Bình)

          Tôi vừa trải qua cơn cảm sốt ban chiều (vì đêm qua trên đường hành quân khát nước, tôi đã uống nước vũng trâu đầm). Đầu tôi đau nhức, đôi chân mỏi nhừ, tôi tụt lại gần cuối đoàn quân.
          Đang lúc nhớ mẹ, bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi.
          - Hoán ! Hoán đó có phải không ? Đưa ba lô và bao gạo chị khoác cho nào ?
          - Không, chị mặc em !
          - Đưa đây cho chị, đừng bướng bỉnh kẻo ăn đòn bây giờ. Phía trước mặt là con suối nước chảy xiết đó !.
          Chị giằng lấy chiếc ba lô và bao tượng gạo ở vai tôi, dắt tôi qua suối.Dọc đường, chị còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện… Qua câu chuyện tôi biết chị cũng còn mẹ già và chị gái ở quê. Bố chị di cư đi Nam năm 1954 không biết giờ ở đâu… chị đã đi công nhân nhà máy Dệt Nam Định song vì một lý do “đặc biệt” chị lại           đi TNXP.
          - Sao chị không ở lại mà cứ lẽo đẽo theo đơn vị ? tôi hỏi chị.
          - Chị phải đi, phía trước đang cần những người như chị em mình, chị muốn đi xa nữa càng đi càng đến gầm mặt trận hơn. Nhiệm vụ của chị em mình là mở đường, bảo vệ con đường, tiếp lương tải đạn, biết đâu những ngày sắp tới chị lại được gặp bố chị và những ngày ấy không còn xa nữa đâu (Chị nghe tin bố đang làm hộ lý ở một nhà thương tế bần, tại Sài Gòn)…
Ngày 25/09/1965 chúng tôi kết thúc chặng đường hành quân và tập kết tại động Phong Nha (Quảng Bình).Tôi tròn mắt ngắm những nhũ đá vôi đủ hình rủ xuống hoặc xếp thành nhiều hình dạng vô cùng độc đáo. Mải ngắm nhũ đá nhưng tôi nghe rõ tiếng đại đội trưởng Hoàng Cao Vụ tuyên bố “Đơn vị ta là một trong bốn đơn vị trực thuộc công trường 20 có nhiệm vụ mở đường chiến lược chi viện cho miền nam… xét thấy tinh thần bền bỉ, kiên trì, không lùi lại phía sau, không sợ hy sinh, ý chí kiên quyết cách mạng, không rời đội ngũ. Ban chỉ huy đại đội đã xin ý kiến thủ trưởng công trường 20 nhận đồng chí Liệu là chiến sỹ của đơn vị kể từ giờ phút này”.

      Chúng tôi vỗ tay hoan hô vang dậy đón mừng chị và tôi hiểu những gì chúng tôi chia sẻ cùng chị trên chặng đường hành quân là không uổng…

     Ngày 01/01/1966 sau những ngày chặt cây rừng làm lán trại, chúng tôi bắt đầu vào mở đường.chiến dịch “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đã cuốn hút chúng tôi vào những công việc vô cùng mới mẻ. Chị có mặt trong trung đội xung kích nổ mìn, phá đá một công việc nguy hiểm.. và những năm tháng gian khổ song đầy chiến công đã đến với chúng tôi. Những trọng điểm: Kà Roong, A Ki, Khe Diêm, Khe Đĩa, Km 35, Km 68, Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu-La-Nhích… đã gắn liền với chúng tôi. Những tên suối, tên rừng đã trở thành thân thuộc qua bao mùa khô (mùa vận chuyển, mùa đảm bảo giao thông) qua bao mùa mưa (mùa ăn măng rừng, ăn cháo thay cơm…) với bao kỷ niệm vui khi tuyến mừng công thắng lợi, buồn khi những đồng chí mình không qua nổi cơn sốt rét rừng nằm xuống bên lề đường và những trận bom phá, bom bi, bom B52 đã cướp đi sinh mạng những người bạn cùng quê, những đồng chí của mình… ước mơ tiến về Sài Gòn làm cho chúng tôi vững thêm niềm hy vọng. Chúng tôi đã trở thành chiến sỹ của đại đội 5 anh hùng, là đội viên của đội 25 anh hùng (tiền thân là C452, 456, 458, 459 tổng đội TNXP Trần Văn Chuông  của Hà Nam cũ).

     Mùa khô năm 1966, 1967 Hội nghị quân chính tổng kết mùa khô của các binh chủng vận tải, công binh, pháo bình, kho, giao liên, TNXP hợp thành. Hội nghị đánh giá kết quả của mùa vận chuyển, chị được mời về dự hội nghị để báo cáo kinh nghiệm phá bom nổ chậm, đảm bảo thông xe giữa tiếng vỗ tay của bao cán bộ các binh chủng.

      Tôi được gặp chị, mừng vui khôn xiết, tôi gục đầu vào lòng chị, đặt đôi bàn tay con gái chai sạm vì quen cầm choòng, cầm búa của chị áp lên má mình và tự nhiên những giọt nước mắt của tôi trào ra vì sung sướng. Tôi chăm chú nghe chị kể nhiều chuyện trong tuyến (vì thời gian này tôi đã công tác tại binh trạm bộ 14 đoàn 559) Hương lúa của đất Quảng như quyện lấy chúng tôi. Chị ôm tôi vào lòng, vuốt ve mái tóc tôi, vỗ về tôi. Dưới ánh trăng tôi nhìn thấy khuôn mặt chị hơi đăm chiêu và nghĩ ngợi gì xa xăm lắm…(Không ngờ lần này với tôi lại là lần chia tay cuối cùng để vĩnh viễn không còn được gặp lại chị nữa...).
 
       Nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, chúng tôi những người em, đồng đội của chị những người đất trút bỏ bộ quân phục trở về với cuộc sống đời thường xin dâng lên chị nén tâm nhang và những bông huệ trắng. Chúng tôi xin hứa với chị sẽ sống có ích cho xã hội và cho thế hệ mai sau để cho hào khí Trường Sơn trường tồn mãi mãi.
 
                                                                                               Tạ Thị Hoán
tin tức liên quan