“Dòng Sê băng hiêng vẫn rào rạt chảy” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Nguyễn Hiền Lương, hội viên Trường Sơn tỉnh Yên Bái *

Ngày đăng: 11:12 02/03/2019 Lượt xem: 618
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
                                  
Dòng Sê Băng Hiêng vẫn rào rạt chảy
 
Ký của Nguyễn Hiền Lương
 
         Theo địa chỉ, tôi xuống Minh Quân tìm nhà Cựu chiến binh Lê Ngọc Châu. Đến ngã ba, không biết đường nào về thôn Ngọn Ngòi, thấy một cậu bé chăn bò cạnh đường, tôi hỏi thăm. Cậu bé bảo:
         - Bác đi theo đường này, khoảng 2 cây số nữa thì tới Ngọn Ngòi ạ.
         Thấy cậu bé dễ mến, tôi hỏi tiếp:
         - Vậy cháu có biết nhà ông Châu ở Ngọn Ngòi không?
         Cậu bé hỏi lại:
         - Có phải ông  muốn tìm ông Châu thương binh, nuôi lợn không ạ?
         Tôi cười, xoa đầu cậu:
         - Đúng rồi, ông Châu thương binh, nuôi lợn. Cháu giỏi quá.
         Cậu bé cũng mỉm cười:
        - Dạ! Ông Châu ai mà chẳng biết. Nhà ông ở giữa thôn, bên tay trái, xây 2 tầng,  sơn màu xanh, trước sân có cây dừa ạ.
         Tôi cảm ơn cậu bé, chả phải hỏi thăm ai nữa, phóng một mạch vào tận sân nhà anh Châu.
         Quả là ngôi nhà 2 tầng khang trang, sạch đẹp. Nhìn nhà cũng đủ biết kinh tế gia đình ở mức nào. Anh hồ hởi mời tôi vào nhà. Sau ít phút làm quen, tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu về việc chăn nuôi của gia đình. Anh xăm sắn dẫn tôi ra trại lợn, 3 dãy chuồng, tường gạch, song sắt, lợp fibro xi măng, mỗi dãy có hơn 20 ngăn. Một dãy nuôi lợn nái, hai dãy lợn giống và lợn thương phẩm. Tôi hỏi anh Châu:
         - Anh khởi nghiệp chăn nuôi này từ khi nào? Tại sao lại chọn cái nghề vất vả,  nhiều rủi ro này để lập nghiệp?
         Mắt anh Châu bỗng đăm đắm như đang nhìn vào một cái gì đó xa xôi, rồi cười bảo:
         - Nói thì dài. Đại loại là, khi vết thương lành, tôi được chuyển về Đội 7, Đoàn 231, mất 81% sức khỏe, xếp loại thương binh hạng ¼. Đến tháng 1/ 1972, chuyển về Trại điều dưỡng thương binh nặng Ty Thương binh Yên Bái. Ở Trại vài năm, bản thân tôi được chăm sóc tốt song giữa năm 1974, vợ tôi sinh cháu thứ 2, hoàn cảnh gia đình càng gieo neo, nhà cửa dột nát, thiếu ăn triền miên. Mình không thể cam tâm nhìn vợ con đói khổ. Vậy là tôi quyết tâm xin về địa phương. Các anh ở xã quan tâm, thấy tôi có trình độ văn hóa cấp II,  đi lại được, sắp xếp cho dạy vỡ lòng để có thu nhập. Bản thân mình thế là tốt rồi nhưng không cải thiện được kinh tế gia đình. Năm 1990, có phong trào trồng rừng, Minh Quân nhiều hộ tham gia. Tôi cũng thử vận may. Được vay 5 triệu của Ngân hàng chính sách xã hội, đáng lẽ để thuê mướn nhân công, nhưng vợ chồng, con cái tự lực hết. Tiền chỉ mua cây giống. Năm ấy trồng được 10, 6ha keo, bạch đàn, bồ đề. Nghĩ vườn rừng còn lâu mới được thu hoạch, phải nghĩ cách lấy ngắn nuôi dài. Vậy là tận dụng ruộng dộc bỏ hoang vợ chồng con cái đào đắp được hơn 2ha ao. Số tiền vay còn lại đầu tư vào cá, vịt, gà giống hết. Thấy tôi chưa có kinh nghiệm về chăn nuôi mà dám đầu tư như thế, có người bảo “điếc không sợ súng”, song với bản chất người lính Trường Sơn, “Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”, tôi quyết làm. Cũng may là suôn sẻ. Hơn một năm sau đã có thu hoạch. Lấy công làm lãi, mỗi năm trừ chi phí còn được trên 50 triệu đồng. Ăn tiêu một phần còn thì tích lũy theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, đến 2008 đã giành dụm được một số vốn kha khá. Tôi quyết định phát triển nuôi lợn. Một mặt xây chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, một mặt đi Phú Thọ, Tam Đảo học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn nái. Lứa đầu nuôi 5 nái, rồi tăng dần. Từ năm 2010 trở đi, duy trì 40 nái, 400 lợn thịt, đàn gà trên 500 con.  Hàng năm trừ chi phí, thu nhập trên 350 triệu đồng. Làm ăn đang phát triển thì cuối 2016 sang 2017, giá lợn hơi trên thị trường tụt giảm mạnh. Bán rẻ như cho mà vẫn ế, khiến tôi lỗ gần 2 tỷ đồng. Đó thật là những ngày ảm đạm, tưởng đã phá sản, song với tinh thần “bại không nản” cộng với động viên sự giúp đỡ của con cái và bạn bè, tôi quyết đầu tư, gây dựng lại đàn lợn nái. Đến nay, vẫn duy trì trên 20 nái, mỗi năm cho hơn 2 lứa lợn giống, phần lớn chuyển sang nuôi lợn thịt, duy trì đàn trên 100 con. Dạo này giá đang lên cũng thấy yên tâm. Ngoài ra còn nuôi thêm gà, vịt. Tận dụng đất vườn nhà rộng tôi trồng bưởi Năm roi và Thanh long ruột đỏ. Vườn rừng vẫn tiếp tục mở rộng. Coi như mình đánh kiểu hợp đồng binh chủng, cái nọ đỡ cho cái kia…
         Từ trại về nhà, ngồi chưa ấm chỗ thì có khách đến mua lợn giống. Anh Châu hẹn đàn tới, đàn này anh đã hứa bán cho anh em trong Hội Cựu chiến binh và bà con trong thôn rồi. Anh bảo: Lộc bất hưởng tận, mình làm ăn được cũng phải san sẻ cho anh em đồng đội và bà con thôn xóm còn khó khăn, thiếu thốn bằng cách bán chịu không tính lãi khi nào xuất chuồng trả cũng được. Ngoài ra, năm 2015, anh Châu còn ủng hộ 20 triệu cho quỹ ấm tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh, năm 2017 lại ủng hộ 7 triệu cho quỹ đồng đội của Hội truyền thống Trường Son, rồi quỹ khuyến học của dòng hộ Lê Minh Quân nữa. Anh tâm sự: Bản chất mình là người lính, cũng không nên chỉ vùi đầu vào làm ăn mà thờ ơ với hoạt động xã hội. Tôi chẳng nề hà việc gì, từ dạy vỡ lòng, đến làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn, Phó ban Thanh tra nhân dân xã, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện…
         Tôi hỏi anh: Sức khỏe chỉ còn chưa đầy 20%, anh làm nhiều việc như thế có quá sức không? Anh cười bảo, quá thì quá rồi, lắm khi trái nắng trở trời, vết thương cũ lại tái phát đau nhức như búa bổ nhưng đồng đội, bà con tín nhiệm thì cố gắng thôi. Năm xưa, Trường Sơn, gian khổ hiểm nguy là thế vẫn hoàn thành nhiệm vụ, giờ có của ăn, của để sao nỡ chối từ sự tín nhiệm của mọi người. Không lúc nào tôi quên lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn, không để cho cái đói, cái nghèo vượt lên mình.
Nhân lúc anh Châu dẫn khách ra thăm trại lợn, tôi nhìn 4 bức tường phòng khách treo đầy những Huân, Huy chương, Bằng, Giấy khen: Huy chương kháng chiến hạng nhất, Bằng chứng nhận danh hiệu chiến sỹ Quyết thắng, Kỷ niệm chương của Trung ương MTTQ, Bộ Nông nghiệp  & phát triển nông thôn, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội truyền thống Trường Sơn, Bằng, Giấy khen của tỉnh, huyện, xã…
         Khi hỏi thăm về con cái, anh Châu cười bảo: Mình lạc hậu, tới 7 đứa. Nhưng phải nói là nếu không có vợ con thì không phát triển kinh tế như này được đâu. Vợ con vừa là mục tiêu, động lực để mình phấn đấu làm giàu. Làm thằng đàn ông mà để cho vợ con nheo nhóc là xoàng. Song vợ con cũng là nguồn lực, nhân lực, chỗ dựa của mình. Được cái vợ tôi tần tảo, chịu thương, chịu khó, luôn ủng hộ chồng. Các con chăm ngoan, chí thú học hành. Giờ con cả là kỹ sư nông nghiệp, làm Chủ tịch xã, con thứ cũng kỹ sư nông nghiệp, làm cán bộ phòng Nông nghiệp huyện, con gái thì làm kế toán công ty, các cháu khác sản xuất nông nghiệp ở địa phương, kinh tế khá cả, đều tham gia công tác xã. Đứa làm ở Trạm Y tế, đứa thì làm thôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn…
         Hai chúng tôi mải mê trò chuyện. Chuyện làm ăn, gia đình, thế sự, rồi chuyển về chủ đề chiến tranh lúc nào không hay. Đúng là chuyện của những người lính, không bao giờ quên những năm tháng đạn bom. Anh Châu bảo: Tôi đi lính năm 68. Lúc ấy đã 21 tuổi, thế là muộn. Vì hoàn cảnh mẹ tôi bệnh trọng, dưới còn 6 em lít nhít. Biết mẹ tôi không qua khỏi, bố tôi tổ chức cưới chạy tang cho tôi. Nhưng đến năm 68, sau Tết Mậu Thân, cả xã hừng hực khí thế tòng quân, ra trận. Nhìn đâu cũng thấy khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”,  “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đứng ngồi không yên. Tôi xin phép bố, rồi bàn với vợ cho tôi viết quyết tâm thư bằng máu để được lên đường.
         Kể đến đấy, anh Châu bảo: Lắm lúc nghĩ mình có duyên với Trường Sơn. Sau 3 tháng huấn luyện  đơn vị vào Nam. Khi đến Trường Sơn, tiểu đội tôi bỗng được điều động bổ sung cho Đoàn 163, đóng ở Bản Cò, bên dòng Sê băng hiêng, làm nhiệm vụ vận tải đường sông. Gọi thế cho oai chứ thực ra là dìu hàng qua trọng điểm. Hồi ấy, bọn Mỹ muốn cắt đứt đường Trường Sơn, huyết mạch của ta. Chúng biến cả tuyến đường thành chiến trường. Dùng không quân đánh bom, bộ binh càn quét, thám báo, phỉ lùng sục, chất độc hóa học, hủy diệt thảm cây xanh, bom phát quang, “cây nhiệt đới” để phát hiện mục tiêu. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ta đã lợi dụng dòng chảy của Sê-băng-hiêng thả trôi hàng từ Cù Bai sang Lào. Xăng dầu thì đựng trong thùng, can; lương thực, thực phẩm thì bọc gói trong nhiều lớp ni nông, rồi thả. Hàng ngày, chúng tôi ra sông đẩy các túi hàng được thả trôi. Bì bõm dưới nước cả ngày, suốt từ bản Cò tới Tà Dúa, Ca Đát. Cái nào bị rách thì chuyển về kho. Dân 2 bên sông là người Lào Thơng, hàng của ta thả trôi trên sông nhưng không một ai lấy. Trong một lần ra sông, gặp máy bay địch đánh bom, tôi chạy vào lùm cây tránh bom thì lại trúng mìn của bọn phỉ, ngất đi không biết gì nữa. Tỉnh dậy, thấy mình ở Trạm xá Binh trạm, một cánh tay đã bị cắt bỏ, đầu mặt băng kín, ngoài ra còn 7 vết thương khác trên cơ thể. Sau đó được chuyển về tuyến sau, rồi ra Bắc điều trị tại Viện quân y 91. Thế là phải xa dòng Sê Bănghiêng, xa Trường Sơn từ đấy…
         Tôi nói với anh Châu, “se” tiếng Lào có nghĩa là sông. Tôi đã tắm dòng Sê Bănghiêng. Nó bắt nguồn từ trên đỉnh Trường Sơn, rồi chia thành hai dòng. Một dòng chảy về sườn Đông là sông Bến Hải, còn dòng chảy theo sườn Tây là Sêbănghiêng. Đến thị trấn Sepon thị trấn Sepon, Sêbănghiêng nhận thêm dòng SeChamphoneSe Champhone và SeSangNoi rồi nhập vào sông Mekong  ở gần thành phố Savannakhet…
         Nói tới đấy tôi thấy mắt anh Châu đều nhòa lệ, khiến tôi cũng nhòa theo. Trong ánh mắt kia hình như dòng Sê băng hiêng thời bom đạn vẫn rào rạt chảy.
 
Nguyễn Hiền Lương,
Hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái
Địa chỉ: SN 259, đường Trần Phú, P. Đồng Tâm , TP.Yên Bái, T.Yên Bái
Điện thoại: 0983085090
Email: hienluongyb@gmail.com

tin tức liên quan