“Giữ gìn thương hiệu thời binh lửa” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Hà Lâm Kỳ (Vi Hà) , TP Yên Bái tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 05:49 06/03/2019 Lượt xem: 553
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
 
GIỮ GÌN THƯƠNG HIỆU THỜI BINH LỬA
 
 Bút ký của Vi Hà
 
 
        Ngày thu, tôi theo chân cựu Đại úy Bác sĩ Quân y Hoàng Đức Vượng, nguyên Giám đốc Sở Lao động Thương binh - xã hội tỉnh, trở lại Lục Yên. Lục Yên, với tôi, không xa lạ, nhưng đây là lần đầu tháp tùng vị Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch huyện miền núi dân tộc một thời này, thăm các Cựu chiến binh nổi danh Đông Trường Sơn thời đánh Mỹ.
         Nhờ có Bác sỹ Vượng gọi điện thoại trước, nên khi tiếng xe con dừng ngoài cổng, ông Hoàng Kim Quế chạy ra vồn vã mời khách. Một ông già sức vóc tuổi "xưa nay hiếm" - tôi thầm nghĩ, nhưng nếu ông đóng bộ quân phục Trung tá, đầy Huân chương, thì chắc cả Trung đoàn răm rắp nghe lệnh! Giờ thì chủ khách cười ha hả, vai áo mỏng cứ rung theo khuôn mặt đầy nếp nhăn.
          Hoàng Kim Quế nhập ngũ năm 1966 khi mới bước sang tuổi 17. Hôm đó Lục Yên có đến mấy chục trai trẻ cùng lúc nhận áo binh nhì, mà nay chỉ còn mươi anh em trở về trong đó có Lý Thông Viện ở Lâm Thượng, Hứa Kim Tình ở Mường Lai, Hoàng Văn Thuận ở Tân Lập. Tất cả đều là thương binh hoặc nhiễm chất độc da cam.
Vào D2B,E250 (Sư đoàn 304B), huấn luyện mấy tháng ở Đồng Hỷ rồi toàn bộ "Tiểu đoàn Yên Bái" nhận lện đi B. Trước Mậu Thân, Mỹ ngụy đã mở các cuộc càn lớn lên Đông Trường Sơn nhằm phá các tuyến chi viện đường rừng của ta. Cả "Tiểu đoàn Yên Bái" được điều đến K200 thuộc đường 559. K200 có mật danh là "công trường" - Công trường 200! Trong đó có "Đơn vị đặc biệt D2B". Lính Yên Bái hầu hết là người dân tộc, cấp trên nhận xét: Sức khỏe tốt, quá trình huấn luyện, kỷ luật nghiêm. Có lẽ vì thế mà tất cả đều được điều đến nhận nhiệm vụ tại "Đơn vị đặc biệt" này. Hoàng Kim Quế thuộc quân số Tiểu đoàn gùi bộ từ Binh trạm 43 về A Sầu A Lưới, Bắc Khu Năm.
         Thấy tôi như có điều gì muốn rõ hơn, Hoàng Kim Quế đặt nhẹ chén nước xuống bàn, hồ hởi:
- Đúng. Tuyến hành lang Khu Năm đi A Sầu, A Lưới đã có những chặng được đoàn vận tải quân sự Quang Trung đổ hàng ở nhiều kho trạm. Nhưng đường gùi bộ là bí mật nhất. Lối tắt này, leo thang dây này, "đi không dấu" mà! Các loại hàng là thiết bị kỹ thuật của xe tăng, pháo hạng nặng, bộ đàm cơ yếu, và cả… người nữa. Chặng từ T7 đến T9 của Đường Chín, hàng đều được chuyển bộ tới nơi tập kết. Cái câu "Đi vàng, về ngọc" đã trở nên thân thiện, trọng trách, của cả đơn vị, nghĩa là lúc đi thì gùi thiết bị vũ khí hỏa lực, 75 ki lô gam một kiện gỗ. Giao hàng xong, lại nhận thương binh, khiêng cáng trở về Trạm quân y. Ngày nào cũng vậy, trời chưa sáng đã lên đường, trở về đến nơi là lúc nhấp nhóa tối. Bất kể nắng mưa, sốt rét rừng, bất kể thám báo hay bom pháo địch, "đi vàng về ngọc", cả hai, đều phải tuyệt đối an toàn, tuyệt đối đúng hạn. Bốn năm trời, tôi, giữ trọn được mấy chữ ấy.
Ông Quế dừng lại cười mãn nguyện, tôi có cảm tưởng như ông già nông dân vừa cày xong mảnh ruộng gập ghềnh. Trầm ngâm giây lát, tôi ngước mắt:
- Chiến dịch mùa khô, rồi chiến dịch Mậu Thân. Mỹ ngụy thua thế, nó "hành" Đông Trường Sơn mình thế nào bác?
- Ô. Còn phải nói! OV10, AD6 lượn suốt ngày, ném bom suốt ngày, lính ta quen đến mức chả ai quan tâm nữa. Rồi nó rải chất độc hóa học khắp mặt rừng. Giữa năm 1969, Mỹ rải dọc rừng sông Cam Lộ, ta không có phương tiện phòng độc, phải chịu đựng, lấy khăn ướt phủ lên mặt thương binh cáng về trạm điều trị. Cây cối héo lá, lính ta ngả đổ cây đao rừng để lấy lõi ăn tránh độc bị Thủ trưởng Hoàng Văn Thái bắt gặp, chỉ cho lấy lõi, cấm chặt cành gốc, phải để ngụy trang.
- Thế còn những kỷ niệm riêng sâu sắc nhất của bác?
         Ông già Quế ngẩng cười:
- Có hai cái sâu sắc một tí về mình. Là cuối tháng 1 năm 1968, tôi cùng anh Thứ, anh Đa người Yên Bái được chọn đi mấy chuyến gùi đặc biệt lên Cam Lộ. Nhóm tôi đi đêm, về nhanh, đều bí mật tuyệt đối, sau mới biết là chuyển tiền mặt. Ngoài gùi hàng đóng kiện chỉ đem theo súng đạn, bi đông nước và phong lương khô. Ba ngày gùi khác thường đó, chúng tôi hoàn thành. Và tôi, nhóm trưởng được kết nạp Đảng ngay trong tháng 2 ở tuổi 19.
Kỷ niệm nữa là cuối năm 1971 cấp trên lấy tinh thần xung phong, điều quân đi K4, trọng điểm đánh phá mà lính ta ở đây gọi là "cửa tử", nên sợ. Tôi không ngần ngại, đăng ký ngay. Thấy thế nhiều người đăng ký theo.
Sau thời gian ở trọng điểm K4, tôi được nhận bổ nhiệm làm chính trị viên Đại đội, sau đó được trên cử ra Thuận An tập huấn, rồi điều tiếp về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Trị Thiên.
         Ông Hoàng Kim Quế dừng lại. Rồi tủm tỉm cười.
- Thế thôi. Chiến trường mà, chỉ biết lo hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày ở 559 nhiều chuyện cảm động lắm, nhất là anh em thương binh, chị em thanh niên xung phong, rồi các chiến sỹ quân y, giao liên, coi kho, "anh nuôi"…! Thời chống Mỹ, Trường Sơn đúng là một kho truyện, kể không hết đâu.
         Ông Quế cười như không muốn nói thêm về mình. Tôi cũng không dám tò mò mà đứng dậy ngước nhìn trên khung tường: Huân chương chiến công giải phóng hạng III, các Huân, Huy chương thời quân ngũ khác. Rồi các Giấy chứng nhận Dũng sỹ quyết thắng, Chiến sỹ thi đua cấp I, II, III. Tất cả đều mang đậm thương hiệu "… thuộc Đoàn 559 Trường Sơn".
         Tháng 10 năm 1976, Đại úy Hoàng Kim Quế chuyển ngành về công tác tại Bưu điện tỉnh Hoàng Liên Sơn. Chiến tranh biên giới, ông lại được gọi tái ngũ, làm Trưởng ban Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, phục vụ cho đến năm 1989 thì nghỉ hưu.
         Trở về địa phương, về với vùng quê Lục Yên, cựu Trung tá dân tộc Tày Hoàng Kim Quế tiếp tục đóng góp sức lực cho địa phương. Với liền ba nhiệm kỳ là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch thị trấn một thị trấn phức tạp sau chiến tranh biên giới, ở cương vị nào, Cựu chiến binh, công dân Hoàng Kim Quế vẫn luôn tâm niệm giữ gìn thương hiệu "Chiến sỹ vận tải quân sự Quang Trung - Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn thời binh lửa". Ông xứng đáng là "Bộ đội cụ Hồ" trong mắt bà con dân tộc quê hương.
 
Hà Lâm Kỳ (bút danh Vi Hà)
Địa chỉ: Phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái
Điện thoại: 0912044101

tin tức liên quan