“Làm thầy lang ở Trường Sơn” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Nguyễn Hiền Lương, hội viên Trường Sơn tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 07:01 06/03/2019 Lượt xem: 600
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"     
 
Làm thầy lang ở Trường Sơn
Ký của Nguyễn Hiền Lương
 
         Được giới thiệu, tôi lên thị trấn Cổ Phúc tìm nhà thầy lang Hồng cắt thuốc chữa căn bệnh viêm khớp mãn tính. Cắt thuốc xong tôi mới dám hỏi:
- Thưa, thầy làm thuốc lâu chưa ạ?
         Ngập ngừng chút, thầy lang Hồng bảo:
- Nhà tôi làm thuốc gia truyền nhiều đời. Thời trẻ, cũng được ông và bố truyền dạy cho một số bài thuốc nhưng tôi không chú tâm. Vì mê nghề dạy học hơn. Nếu không có những ngày ở Trường Sơn có lẽ tôi bỏ hẳn nghề thuốc.
- Thầy cũng ở Trường Sơn? Tôi là lính Trường Sơn đây. Mà sao thầy lại làm thuốc ở Trường Sơn?- Tôi hồ hởi reo lên.
       Thầy Hồng xúc động, khẽ đẩy chén nước lại tôi, rồi giãi bầy:
- Tôi nhập ngũ tháng 8/1972, huấn luyện tân binh tại E 246, rồi vào Nam Đúng 75 ngày, chủ yếu là hành quân bộ, Tiểu đoàn đến Ngã ba Đông Dương, đang chuẩn bị vào B3 thì được lệnh tăng cường cho Trung đoàn 7, công binh Trường Sơn. Thủ trưởng quán triệt, do yêu cầu của mặt trận, ta mở chiến dịch vận tải hàng vào Tây Nguyên. Đường Trường Sơn vốn đã bị địch rải chất độc hóa học hủy diệt cây cối che chắn, thả cả bom phát quang, “cây nhiệt đới” để do thám ta. OV 10 liên tục lùng sục. AC 130 luôn “túc trực” trên không sẵn sàng đổ bom xuống các địa điểm nghi là đường của ta. Đã vào mùa mưa, đường đất đầy hố bom, hố pháo càng thêm lầy lội, xe ô tô luôn bị sa lầy. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là chống lầy cho xe đi. Nói thì đơn giản song thực tế công việc rất phức tạp. Nào chặt cây lát nền đường, những đoạn nền yếu, phải đẽo cọc gỗ đóng xuống sâu hàng mét. Rồi  lấy đá xếp thành đống, khi xe đi nếu gỗ bị cày nát thì sẵn sàng có đá ứng cứu. Nhiều khi không đủ đá, phải lấy cả các bao tải gạo  được lót bên trong 2 lớp ni nông để lấp hố, xe qua lại moi lên…
         Ngừng một lát, thầy Hồng cười:  Cứ thế xoay như chong chóng.  Chống được đoạn này thì đoạn khác lại bị lầy. Vất vả, nguy hiểm lắm nhưng chưa sợ bằng sốt rét. Đơn vị toàn lính mới từ Bắc vào, chưa quen mưa nắng Trường Sơn, ở trong rừng già rất nhiều muỗi nên quá nửa quân số bị sốt rét. Thoạt đầu là sốt cách nhật, đến trưa là người gai gai sốt, đau đầu, buốt dọc sống lưng, khát nước, khô miệng, chân tay nhức mỏi. Rồi cơn rét kéo đến. Rét từ trong bụng rét ra, ngày càng tăng, người run lên cầm cập, hai hàm răng cố cắn vào nhau mà không được. Nhiều người đã chuyển sang sốt ác tính, bị biến chứng phù phổi, suy thận, hôn mê, trụy mạch dẫn đến tử vong. Các loại thuốc đặc hiệu phòng, chống sốt rét như Phòng ba, Quinin rất khan hiếm. Nhìn đồng đội bị sốt rét da xanh như lá, rụng hết tóc, thân thể tiều tụy, lần lượt ra đi thật xót xa. Thầy Hồng bỗng nhớ tới bài thuốc chống sốt rét mà ông nội đã truyền dạy. Đó là lấy dây ký ninh, còn gọi là dây thường sơn về sao vàng, sắc lấy nước uống. Loại cây này mọc nhiều ở rừng già Hoàng Liên, chắc ở rừng Trường Sơn cũng có. Thầy liền xin phép thủ trưởng tiểu đoàn cho đi tìm cây thuốc. Được thủ trưởng đồng ý, ngay sáng hôm sau thầy Hồng cùng y tá tiểu đoàn tiến hành ngay. Hai anh em đi một hồi lâu, đến một vạt rừng, thấy những chùm hoa màu xanh lam lẫn hồng nổi bật lên. Thầy Hồng băng rừng chạy đến, nhìn kỹ lại từ hoa đến lá, rồi hét vang lên: “Dây thường sơn đây rồi! Có thuốc chống sốt rét rồi!”.
         Hai anh em hì hục chặt dây, đào cả rễ đem về. Ngoài dây thường sơn, còn phát hiện ra nhiều loại cây thuốc có tác dụng chống sốt rét như dây thần nông, quả mướp đắng, bầu đắng trên các nương ót của đồng bào. Tất cả được rửa sạch, xao lên, sắc lên thành 2 loại. Một loại uống thay nước, một loại cô đặc như cao dành cho những người bị sốt nặng. Nhờ bài thuốc của thầy Hồng, tiểu đoàn đẩy lùi được căn bệnh sốt rét.
         Trong một lần đi lấy dây thường sơn thầy Hồng bị lạc, loanh quanh một hồi bỗng thấy một vạt rừng toàn loại cây lá màu xanh lục lẫn đỏ nhạt, phiến lá hình trứng, hoa nở thành chùm, màu hồng, vàng,… Đích thị là cây Canh ki na. Ông nội bảo cây Canh ki na có nguồn gốc Nam Mỹ, được Pháp đưa sang trồng tại Tây Nguyên. Vỏ cây làm được thuốc chống sốt rét, lại có tác dụng bồi bổ sinh lực. Ông nội còn kể cho thầy Hồng câu chuyện, thời nhà Đường bên Trung quốc, có một người tên là Hà Điền Nhi ốm yếu từ nhỏ, 58 tuổi vẫn chưa có con, trong lòng vô cùng phiền muộn. Một hôm, Điền Nhi uống rượu say đến nỗi nằm lăn ra ngủ ở bìa rừng. Khi tỉnh dậy, nhìn bên cạnh thấy có một loại cây thân leo từng cặp quấn lấy nhau rất lạ mắt, lại có hương thơm. Điền Nhi liền đào rễ cây mang về sắc uống. Sau 3 tháng, tóc anh ta bạc trắng đã đen nhánh trở lại, thân hình cũng cường tráng, trong 10 năm sinh liền mấy đứa con, thọ 160 tuổi. Cháu nội của Điền Nhi là Hà Thủ Ô cũng dùng cây này mà thọ tới 130 tuổi. Anh ta liền đem cây thuốc quý cho họ hàng và bà con làng xóm cùng dùng. Mọi người liền đặt tên cây thuốc ấy là Hà Thủ ô. Ngoài cây Hà thủ ô, thầy Hồng còn phát hiện ở rừng Trường Sơn có nhiều cây sâm đất, cũng có tác dụng phục hồi sức lực. Thế là cùng với nước uống chống sốt rét bộ đội còn có thêm nước uống tăng lực. Sáng kiến dùng thảo dược Trường Sơn để chữa bệnh của thầy Hồng được biểu dương và phổ biến cho toàn tiểu đoàn. Cái tên thầy Lang Trường Sơn cũng có từ  ngày đó.
         Khi kết thúc chiến dịch vận tải, tháng 8/ 1973 Tiểu đoàn thầy Hồng được điều về Trung đoàn 66, tăng cường cho mặt trận B3 mở chiến dịch Tây Nguyên, rồi vượt đèo Phượng Hoàng, xuống giải phóng Nha Trang. Đầu tháng Tư từ Nha Trang tiến về phương Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 27/ 4, dưới sự dẫn đường của các chiến sỹ biệt động thành, tiểu đoàn tham gia đánh chiếm Củ Chi, Cầu Bông, Hóc Môn rồi tiến vào Sài Gòn theo hướng Tây Bắc, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Tham gia 2 chiến dịch này thầy Hồng bị thương 3 lần, lần nặng nhất là trận đánh chốt 609, Công Tum, sức khỏe giảm sút nên được điều về Tiểu đoàn bộ làm trợ lý tổng hợp.
         Năm 1977 thầy Hồng cùng Tiểu đoàn đoàn trở lại Tây Nguyên truy quét FULRO. Tây Nguyên bình yên, chiến sự biên giới Tây Nam lại bùng nổ, Tiểu đoàn lại về Tây Ninh bảo vệ biên giới. Tháng 1/ 1979 được điều động sang Căm Pu chia làm nhiệm vụ quốc tế, giải phóng Căm Pu chia khỏi nạn diệt chủng suốt từ Siêm Reep, Công Pông Chàm đến Battambang. Thời kỳ này, do sự ô nhiễm môi trường do các hố chôn người tập thể sinh ra ruồi nhặng nhiều vô kể. Cây cối, đồ vật hay gia súc, gia cầm tới con người ruồi nhặng đều bu đen. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh tiêu chảy của bộ đội. Người bị nặng đi cả ra máu. Thuốc chữa tiêu chảy trên đất bạn rất khan hiếm. Thầy Hồng có biết một bài thuốc Nam chữa tiêu chảy rất hiệu nghiệm đó là dùng cây Tô mộc, còn gọi là cây mạy vang, cao khoảng 5-10 mét, gỗ rắn, phần ngoài màu trắng, phần lõi có màu đỏ nâu. Người ta thường chặt cây Tô mộc vào mùa thu, cưa thành các đoạn nhỏ đem phơi khô, khi dùng thì chẻ mỏng, đem sắc đặc lấy nước uống sẽ trị được tiêu chảy. Song quanh khu vực đóng quân chỉ toàn những bãi cỏ rậm rạp, um tùm, tìm mãi mà không thấy có cây Tô mộc. Nghe nói các Chùa ở Căm Pu Chia có một gian gọi là gian Sinh chứa các loại cây thuốc, thầy Hồng liền vào chùa Sầm Bơ ở Battambang để dò tìm. Các sư đưa thầy Hồng tới thăm gian sinh, quả là có nhiều loại cây thuốc, trong có nhiều khúc cây Tô mộc. Thầy chỉ dám đặt vấn đề với nhà chùa xin một ít khúc cây Tô Mộc về làm thuốc chữa tiêu chảy cho bộ đội, không ngờ các sư không chỉ cho cây thuốc mà còn giúp Hồng làm thuốc ngay tại chùa. Nhờ vậy mà khống chế được bệnh tiêu chảy. Trong thời gian làm thuốc với các sự chùa Sầm Bơ, thầy Hồng còn học được nhiều bài thuốc của người Khơ Me.
         Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, tháng 8/ 1979 đơn vị được lệnh ra Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Vì xếp loại thương tật ¾, cuối năm ấy thầy Hồng được ra quân, trở về nghề dạy học. 31 năm gắn bó với nghề dạy học qua các trường Kiên Thành, Tân Đồng, Hòa Cuông. Từ một giáo viên có trình độ Trung cấp, thầy hoàn thiện bậc Cao đẳng, rồi làm Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Từ công tác chuyên môn giảng dạy tới quản lý, thầy Hồng đều hoàn thành xuất sắc. Bên cạnh việc dạy học, thầy cũng say mê với công việc làm thuốc cứu người. Ngoài kinh nghiệm gia truyền, thầy còn tích chức học trong sách vở, học qua các ông lang, bà mế. Hiện thầy lang Hồng có thể điều trị bằng thuốc Nam các bệnh về xương khớp, về đường tiêu hóa, thận, gan, da liễu. Đặc biệt là bệnh phụ nữ như xảy thai,  khó thụ thai, hậu sản, loạn kinh, hoa mắt, bốc hỏa, mà thầy đã học hỏi được trong thời gian ở Căm Pu chia. Nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh khỏi bệnh khi điều trị bằng thuốc của thầy lang Hồng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có đông người bệnh tìm đến căn nhà nhỏ ven thị trấn Cổ Phúc, để chẩn bệnh, bốc thuốc. Bệnh nhân ở tỉnh ngoài chỉ cần gọi điện kể bệnh, thầy Hồng sẽ bốc thuốc gửi theo đường bưu điện. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, thầy bốc thuốc miễn phí. Hàng năm thầy tham gia thăm khám bệnh bốc thuốc cho các đối tượng có công. Đặc biệt với anh em đồng đội cùng đơn vị nói riêng và Cựu chiến binh nói chung thầy tới tận nhà chẩn trị. Là hội viên Hội Đông Y Việt Nam, với những đóng góp cho sự nghiệp cứu người, thầy Hồng được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương, Hội Đông y Yên Bái tặng nhiều giấy khen. Khi dẫn tôi thăm kho thuốc, thầy Hồng tâm sự: Mình gắn bó với nghề dạy học, định không theo nghề thầy thuốc, nhưng có lẽ ý định không thắng nổi duyên nợ. Mà cái duyên nợ làm thuốc của mình lại bắt đầu từ những ngày ở Trường Sơn nên dù làm thầy giáo hay thầy thuốc thì mình vẫn mãi là người lính Trường Sơn.
 
Nguyễn Hiền Lương, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái
Địa chỉ: SN 259, đường Trần Phú, P. Đồng Tâm , TP.Yên Bái, T.Yên Bái
Điện thoại: 0983085090
Email: hienluongyb@gmail.com

tin tức liên quan