“Tuyến lửa” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Nguyễn Thị Hằng , Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 05:32 09/03/2019 Lượt xem: 513
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
 
TUYẾN LỬA
Ghi chép của Nguyễn Thị Hằng
 
          Cuối mùa khô măn 1971 Tiểu đoàn 6 Bội đội Trường Sơn chúng tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ trọng điểm C0, đèo Long B Nam sông Bạc phía Tây Trường Sơn (tỉnh Salavan Lào) để xe tăng, các loại pháo, xe ô tô chở súng, bộ đội, lương thực, thực phẩm,….từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đèo Long B nằm bên phải đồi Mâm Sôi ngang K’Lưng rồi rẽ vào Đắc Chưng (Xê Kông) do binh trạm 35 quản lý. Vào những ngày đầu tháng 3 trời nắng nóng, chỉ cần một cơn gió Lào thổi mạnh cũng làm cho cháy da, nhiệt độ có khi lên tới 400C. Nhiều chỏm rừng trúng đạn rốc-két, bom cháy thân cây chọc lốc còn nguyên xương. Anh em chiến sĩ nước da ai cũng đen sạm chỉ có những lỗ thủng nhỏ trên quần áo mới lộ nước da thật của mình. Hàng nghìn chiếc xe vận tải hùng hậu đang nối đuôi nhau đi trên con đường mòn ngoằn ngoèo núp bóng dưới rừng già, nhìn xa xa những cành cây xanh mướt rập rình ngụy trang trên các xe ô tô trông giống những cánh tay đang vẫy chào ăn mừng chiến thắng.
            Trung đội tôi có ba khẩu đội, mỗi khẩu đội phụ trách một pháo cao xạ 37mm và giữ chốt trên đỉnh đồi gần một khe suốt nhỏ, để chuyển được ba khẩu pháo đến trận địa nhiều đoạn đường phải dùng dây kéo, dùng sức người đưa pháo lên. Chúng tôi phát quang những cây to cao xung quanh trận địa pháo để không che tầm bắn, đào hầm sâu 2m, rộng 24m hạ pháo xuống, vít những ngọn cây nhỏ sát mặt đất và trồng thêm cỏ vào chỗ đất trống để ngụy trang. Trên bom pháo chúng tôi dùng ống tre (nứa) dài nửa mét xếp thành hàng, đổ nước vào ống rồi chặt cành cây tươi cắm xuống ống để địch không phát hiện. Giữa khẩu pháo là hầm chữ A, cửa hầm được làm bằng một tấm đan dày 1m xếp bởi nhiều lượt cây nhỏ và có hai cây trống hai bên để tránh bom bắn vào.
            Các loại bom cháy, bom bi, bom khoan, bom phá,… của địch rạch ngang bầu trời, đổ hàng triệu tấn bom xuống những cánh rừng Trường Sơn với mục đích duy nhất là ngăn chặn cho được hoạt động vận chuyển con đường từ Bắc vào Nam. Suốt mấy ngày trời anh em chúng tôi phải tranh chấp với máy bay Mỹ từng phút, từng giờ, từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Nhiều lần vừa vào hầm ngủ có tiếng máy bay ù…ù rít mạnh anh em lại ra làm nhiệm vụ, cứ chạy ra chạy vào cái hang nhỏ gọn chỉ đủ ba người nằm, mỗi đêm chỉ được ngủ hai đến ba tiếng đồng hồ, có những đêm thức trắng chiến sĩ nào người cũng gầy rộc, mắt thâm cuầng. Sau trận đánh anh em mệt bơ phờ chân tay rụng rời, bụng nóng ran vì phải ăn đồ khô. Anh em gọi tôi:
            - Hùng ơi! Bữa nào cũng đồ khô, đồ hộp, củ và quả chuối sào muối chán lắm rồi, ông đi đánh mẻ cá về nấu chua cho bụng dạ tươi tươi chút nào.
            Tôi cười bảo:
             - Còn đang trực chiến, nhỡ ra suối kiếm cá trúng bom hi sinh ngoài đó thì uổng lắm để sáng sớm ngày mai nhé.
            Tôi được anh em mệnh danh là “rái cá” vì quê tôi ở đầu dòng sông chảy (Hoàng Liên Sơn), một lần thu hoạch là cả yến cá. Cá đánh về còn giãy đành đạch anh em ai nấy đều hào hứng, chờ Hà ở hậu cứ gánh cơm ra cho đơn vị rồi giao cá cho Hà anh nuôi phụ trách hậu cần, nấu món cá với canh chua là đỉnh nhất một đặc sản của vùng quê Phú Thọ. Chỉ nghĩ đến mùi thơm của cá tươi hòa quyện với vị chua của lá rau rừng đã thấy no bụng rồi. Từ sáng đến giờ không gian im ắng quá chỉ nghe thấy tiếng chim hót líu lo trên cành cây già nua, cao vài chục mét dây leo chăng chằng chịt. Những chùm phong lan mọc ở thân cây, cành cây đang đua nhau nở với nhiều màu sắc khác nhau. Mấy chú ong rừng cố lách vào các đóa lan hé nở tranh nhau hút mật. Đến 6 giờ chiều anh nuôi Hà đã mang cơm tới. Hương vị của cá bay xa hàng chục mét vẫn ngửi thấy. Thắng em út của đơn vị vẫy tay gọi to các anh em:
            - Các anh ơi! Cơm cá đến rồi.
            Nó chạy ra nhấc bổng gánh cơm trên vai Hà lên rồi nhẹ nhàng đặt xuống cái chõng tre sợ nồi canh trào ra ngoài, cả khẩu đội anh em vây quanh nồi canh cá trồm trồ khen:
            - Ôi ngon quá.
            Anh nuôi Hà đang thở hổn hể. Tôi đưa cho cậu  ấy cái khăn nói:
            - Chú lau mồ hôi trên mặt đi gánh cơm mấy kilômét chắc mệt lắm, ngồi xuống ăn cùng các anh em đi.
            Quay lưng lại phía sau, Duy người lính khuôn mặt trẻ măng tuổi 18 dựa lưng vào gốc cây buồn bã thở dài. Tôi lại gần hỏi:
            - Cậu nhìn kìa anh em đang vui thế kia. Sao cậu ngồi đây ủ rũ vậy. Chắc lại nhớ nhà rồi sao ?
            Duy rơm rớm nước mắt trả lời:
            - Mùi vị này giống món cá nấu chua mẹ thường nấu cho em ăn lúc nhỏ anh ạ.
            Tôi động viên em ấy:
            - Thôi vào ăn đi coi như hôm nay em được về nhà với mẹ. Ăn xong anh em ta lại chiến đấu tiếp với lũ giặc.
            Bữa cơm tối ngon nhất suốt mấy tháng qua, anh em ai nấy đều tràn đầy niềm vui vừa ăn vừa kể chuyện quê nhà. Bữa cơm bắt đầu được 10 phút khẩu đội nhận được điện máy bay AC-130 dẫn theo đàn con F-4, F-105, B52,… bay về hướng chúng tôi. Cả khẩu đội để bát đũa xuống vào vị trí chiến đấu. Duy tay chỉnh khẩu pháo miệng ca thán:
            - Mẹ chúng nó cả ngày không đánh, tối rồi còn đánh mà còn đánh đúng vào lúc anh em ăn bữa cơm ngon nhất “trời đánh tránh bữa ăn”. Phen này phải cho chúng mày “rụng như sung” mới được.
            Tôi cười nhắc Duy:
            - Thôi chú ý vào làm nhiệm vụ đi kẻo trúng bom bây giờ.
            Giờ phút quan trọng này chúng tôi không thể nóng vội làm theo cảm tính mà kiên trì làm theo phương án đề ra. Đó là đơn vị đã chủ động kết hợp chặt chẽ ba phương thức: đánh địch, nghi binh và phòng tránh. Đối phó với thủ đoạn đánh phá của địch, đơn vị chủ động ngụy trang, làm trận địa giả, nghi binh và bố trí hệ thống đài quan sát kết hợp với khí tài điện tử và bằng mắt thường trên các điểm cao, báo động nhanh, chính xác. Qua quan sát, chiến đấu đơn vị rút ra quy luật: Máy bay trinh sát chiến thuật vào ban đêm của địch bay theo hướng cố định; khi chụp ảnh mục tiêu liên tục có các tia “lóe sáng”. Chớp thời cơ các lần “lóe sáng” của máy bay địch để quân ta nổ súng đồng loạt đánh địch. Khi địch bổ nhào bắn đạn chỉ định mục tiêu, ta bắn theo phương hướng đối đầu với đường bay bổ nhào của địch và đón lõng đường bay ra sau bổ nhào ném bom. Suốt ba tiếng đồng hồ phối hợp chiến đấu của các đơn vị, làm quân địch khiếp sợ phải rút chạy.
            Trận chiến đấu đã kết thúc, đêm nay anh em được ngủ ngon giấc. Đến sáng sớm khi mặt trời chiếu tia nắng đầu tiên quân Mỹ bay đến như bầy đàn. Pháo của chúng tôi đã sẵn sàng đánh. Các đơn vị tập chung hỏa lực, mấychục khẩu pháo bắn thành dàn lưới lửa như hàng nghìn tia chớp sáng trên bầu trời nhằm vào đám máy bay địch. Máy bay AC-130 bay bằng, ở tầm cao, thiết bị máy móc hiện đại, khó bắn hạ. Nó là “bóng ma” lởn vởn trên dãy Trường Sơn, vì thế đoàn 559 Trường Sơn đã phát động thi đua “Toàn quân thi đua bắn rụng máy bay Mỹ”. Cuộc chiến trên không diễn ra liên tục dưới trời nắng gắt, mồ hôi ướt thẫm áo đồng đội. Dù thời tiết khắc nhiệt đến đâu là lính trinh sát tôi phải làm tốt nhiệm vụ của mình, quan sát chính xác đường bay của địch để báo cáo chỉ huy kịp thời nổ súng. Chiếc AC-130 đã xuất hiện đang bay ở tầm thấp khi bị pháo 57mm và các loại pháo khác bám sát, tôi nhanh chóng nói qua bộ đàm.
            Nhận được báo cáo từ lính trinh sát chỉ huy lệnh toàn đơn vị tập trung hỏa lực nổ súng đồng loạt. Khoảng vài phút sau một con AC-130 bốc cháy ngùn ngụt, bầu trời rực lửa.
            - Cháy rồi anh em ơi!
            Cả trung đội anh em ôm nhau vui sướng hò reo. Hình như máy bay Mỹ đã phát hiện ra trận địa pháo của chúng tôi.
            Anh Thanh đại đội phó hô lên:
            - Các đồng chí! Chúng nó bám sát ta đấy, cẩn thận nhé.
            Anh em vẫn bình tĩnh gan dạ chiến đấu đến. Hàng loạt bom, đạn xả xuống. Tôi vừa bước vào cửa hầm chỉ huy cùng đại đội phó Thanh cách khẩu pháo 7m thì có tiếng nổ to, tôi và đại đội phó bị bom đánh hất xuống cuối hầm, hai đồng chí lính thông tin bên trong lộn lên trên hầm. Trong vòng quay ấy, tôi cứ nghĩ là mình đã chết, mở mắt trong căn hầm tối, tôi vội gọi:
            - Đại đội phó, có làm sao không?
            - Tôi không sao đồng chí hãy mau tìm lối thoát ra ngoài.
            Anh em tôi dùng tay đào từng lớp cho đất rơi xuống dưới đáy hầm, rồi đẩy người dần lên. Sau mười lăm phút chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng, lúc này mới biết mình còn sống. Toàn thân bám đầy đất cát, mười đầu ngón tay trầy xước rỉ máu, trên bầu trời máy bay địch vẫn bay lượn. Miệng tôi bị va mạnh vào khe gỗ, môi sưng vêu, đau lên đến tận óc nhưng vẫn cố gọi to hai đồng đội cùng hầm:
            - Vinh ơi! Cường ơi!
            Cách tôi vài mét vẫn còn hơi khói của bom, cái đầu nhô khỏi mặt hầm mấp mô:
            - Em ở đây.
            Tôi và đại đội phó định kéo Vinh thì Vinh bảo:
            - Chân trái của em bị mắc vào hai khe gỗ ở cửa hầm, phải đào đất nhấc thanh gỗ ra mới lên được. Hai anh cứu Cường trước đi!
            Tôi và đại đội phó cùng nhanh tay bới đất, năm phút sau thì Cường nhoi lên. Chân cậu ấy bị mắc vào máy thông tin 2W. Khi cứu được Vinh và Cường, nhìn sang phía trước, khẩu đội 1 cách tôi 10m khẩu pháo và căn hầm bị bom đánh tụt xuống mặt đất võng như lòng chảo.
            Cùng lúc, các đồng đội ở khẩu đội hai cũng bò tới nơi, thấy cả sáu còn sống chúng tôi rất vui.
            Tôi hỏi khẩu đội trưởng:
            - Bên đó thế nào anh?
            Long trả lời:
            - Sau khi chiếc F-4 thả quả bom thứ nhất vào khu vực khẩu đội 1 và hầm chỉ huy thì khẩu đội em dính quả bom thứ hai, pháo và cả khẩu đội em bị vùi. Chúng em cùng đào đất chui lên và chỉ bị thương nhẹ thôi.
            Chúng tôi đặt các đồng đội vào võng, chống gậy đi từng bước theo khe núi đưa anh em lên sườn đồi. Sau khi được y tá sơ cứu, chín anh em trong trung đội thay nhau cõng đồng đội bị thương vượt 6km đường rừng đến trạm dã chiến để cứu chữa, cũng may mọi người đều qua cơm nguy kịch. Sau khi bị thương tôi nằm điều trị năm ngày trong hầm toàn thân đau ê ẩm, chân tay mỏi nhừ. Trong bóng tối mờ mờ ấy hiện ra hình ảnh bố mẹ tôi đang làm ruộng giữa trưa nắng ngoài đồng, các em luôn nhắc tới tôi khi cả nhà quây quần. Tôi nhớ cô em gái út người gầy gầy nho nhỏ ngày tôi lên đường nhập ngũ cứ ôm lấy chân tôi mà khóc. Tôi phải dỗ mãi cô bé với nín khóc trở về nhà.            
            Đã nửa năm nay chưa nhận được thư nhà, tôi bước lên cửa hầm trạm điều trị, lấy giấy bút ra viết lá thư: “…Gia đình mình có khỏe và an toàn không?... Đơn vị con bắn rơi máy bay địch đấy bố mẹ ạ. Bọn chúng đã khiếp sợ bộ đội Trường Sơn chúng con rồi. Đơn vị con vừa được đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng về chiến công bắn rơi máy bay Mỹ, ở mặt trận Trường Sơn. Riêng con, được đề nghị tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba vì đã lập chiến công trong chiến đấu. Con vẫn khỏe bố mẹ cứ yên tâm…”.
            Chiến tranh dù có đau thương mất mát, phải đổ máu suốt dọc đường Trường Sơn nhưng chúng tôi vẫn vững vàng niềm tin chiến thắng. Sức khỏe hồi phục, tôi tạm biệt các đồng đội thương bệnh binh trở về đơn vị phía trước tiếp tục chiến đấu.
 
      (Câu chuyện “Tuyến lửa” viết dựa trên lời kể của ông Nguyễn Văn Hùng Tiểu đoàn 6 Bộ đội Trường Sơn).

 
Nguyễn Thị Hằng
Thôn Làng Ngầm, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
ĐT: 0963137981

tin tức liên quan