“Tình đồng đội giữa Trường Sơn” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Nguyễn Hiền Lương, hội viên Trường Sơn tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 05:24 14/03/2019 Lượt xem: 1.346
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"      
  
TÌNH ĐỒNG ĐỘI GIỮA TRƯỜNG SƠN
Truyện ký của Nguyễn Hiền Lương
 
         Chuẩn bị vượt cao nguyên Boloven, Trung đội 2 được cử vào kho lấy gạo. Đi chừng 2 tiếng, vừa chạm đỉnh dốc, bỗng một ánh chớp lóe lên, tiếp theo là tiếng nổ inh tai, đất đá mù mịt. Mìn. Trúng bãi mìn, vừa nhận ra điều đó thì đã có tiếng AR15 quét liên thanh, Phóng chỉ kịp nhìn thấy bóng người chới với đổ xuống thì như bị ai xô xuống vực. Khi bị cây chặn lại thì đã gần chạm đáy vực. Vội sờ soạng khắp người. May quá không bị sao, ngoài khuy áo bị bung hết. Khẩu AK khoác trên ngực vẫn còn. Bỗng nghe tiếng rên ở bụi cây gần đấy, Phóng vội bò tới. Thì ra là Pà, người đi ngay trước Phóng. Bắp đùi Pà, máu đang trào ra. Phóng sờ thắt lưng, túi bông băng đã văng mất. Cởi vội áo may ô băng vết thương cho Pà. Trên miệng vực tiếng súng thưa đần. Việc đầu tiên là phải nhanh chóng lên được miệng vực. Nhìn cái vực dốc đứng, một mình lên đã khó, giờ lại thêm Pà bị thương, Phóng hít một hơi thật sâu như để tăng thêm sức rồi xốc nách Pà lên. Pà không nhấc nổi chân, Phóng xốc Pà lên vai, nhích từng bước một như sâu đo. Lên đến nơi mới biết là thoát, nằm vật ra thở dốc. Chỗ mìn nổ ban nãy, không thấy ai. Phóng cất tiếng hú, khản giọng cũng chỉ có tiếng âm âm u u của rừng già đáp lại. Giơ súng bắn chỉ thiên 3 phát cũng không có động tĩnh gì. Phải quay về bãi khách báo cáo với thủ trưởng, kẻo trời tối không biết đường nào mà đi. Pà cố nén đau để Phóng dìu. Được vài chục mét, gặp một ngã tư. Rẽ đường nào thì về được bãi khách? Lúc đi cứ cắm mặt theo người đi trước, giờ không thể nhớ nổi đường nào đã đi. Đành chọn đường nhẵn nhất. Được một đoạn lại có lối rẽ. Có chỗ tới bốn, năm nhánh, nhánh nào cũng na ná như nhau. Trời sập tối nhanh như tắt điện, vừa còn những tia nắng xiên khoai thoắt cái đã tối như bưng, không còn thấy gì cả. Bây giờ mà đi tiếp thì càng lạc. Nhìn Pà nghiến răng chịu đau, Phóng thừ người rồi vùng dậy gom lá khô trải dầy trên đất cho Pà nằm. Muỗi nhiều quá, Phóng chặt cành cây, bó lại xua muỗi cho Pà. Suốt đêm Phóng không chợp mắt. Sáng sau, mệt, đói rã người vẫn cố vục dậy để đi. Pà không lê bước được nữa. Phóng xốc Pà lên vai. Đói quá. Đói run cả người, hoa cả mắt. Cố đi, nếu gục xuống thì không thể nào dậy nổi nữa. Bỗng Phóng ngửi thấy mùi gì hăng hăng. Vừa ngửi vừa nghĩ. Hình như là mùi cứt cầy hương. Loại cầy chuyên ăn quả rừng. Ngó nghiêng xung quanh, rồi ngó xuống chân. Ồ, thì ra giầy Phóng đang dẵm lên bãi phân cầy. Di vào đất, bãi phân cầy rời khỏi đế giầy, lộ ra vật gì mầu nâu xẫm, bóng láng. Phóng cúi xuống nhìn. Hạt gắm. Đúng là hạt gắm, bị cầy cắn nham nhở. Nước miếng trong miệng Phóng ứa ra. Nhớ ngày ở nhà vẫn vào rừng nhặt gắm về rang ăn. Con cầy này chắc nuốt chửng cả hạt nên không tiêu được. Phóng cúi xuống nhặt hạt gắm lên, lấy vạt áo lau sạch, đưa lên miệng nhấm thử thấy còn ăn được, liền đưa nửa hạt còn lại cho Pà, còn mình đi tìm tiếp. Cào bới xung quanh mãi cũng mót được 5 hạt gắm lũ cầy ăn sót lại. Thế là được bữa rồi. Mỗi đứa có 2 hạt rưỡi mà tỉnh cả người.
         Không để phí năng lượng, Phóng vùng dậy, xốc Pà lên vai. Gần trưa thấy một bãi đất toàn cây lúp xúp. Cảm giác như nơi đây từng có người ở, Phóng đặt Pà ngồi xuống, đi thám thính. Giữa bãi đất có đống gì khá to phủ bạt.  Phóng gỡ bạt, lộ ra những bao tải xếp chồng lên nhau. Xé một bao. Ôi! Gạo. Toàn gạo nhưng đã bị mốc đóng cứng. Phóng lấy dao găm khoét sâu vào trong. Gạo bên trong cũng đã bị mủn nhưng chưa đóng cục. Cầm lên một nắm nhai, vị mốc sộc lên nhưng vẫn còn hơi gạo. Sống rồi, dẫu là mốc, là mủn vẫn là gạo. Sao lại có kho gạo để mục giữa rừng thế này? Phóng thọc tay vào giữa bao, vục mấy vốc đem tới cho Pà. Ăn xong mới thấy khát. Phóng đảo mắt nhìn xung quanh. Thấy có một cái võng bạt treo trên cây, liền mò tới, lật ra xem. Chợt sững sờ, tái mặt. Trong võng là một bộ xương khô. Lẫn trong đống xương còn có cái hăng gô đen xỉn. Thấy hộp sọ đọng đầy nước. Chắc đây mới có mưa. Phóng lầm rầm khấn, rồi cẩn thận gạn nước đọng trong sọ vào bi đông. Nhấm một chút cho đỡ khát rồi cầm tới đưa cho Pà. Chưa bao giờ thấy nước ngon, ngọt, mát đến thế. Tỉnh hẳn lại. Cảm ơn anh. Những giọt nước này đã cứu chúng em thoát chết khát đấy. Em sẽ chôn cất cho anh tử tế. Phóng lấy dao găm cắt dây võng, xếp hài cốt lại để gói đem chôn. Chợt thấy trong đống xương có một lọ pilixilin bọc kín bằng giấy bóng. Mở ra xem, là bức thư chữ đã ố vàng nhưng vẫn đọc được. Thư có đoạn: Tôi được giao canh giữ kho gạo này. Nhưng đã 2 năm không có ai đến lấy, cũng không nhận được sự liên lạc nào. Mấy hôm nay bị sốt rét nặng, không biết có qua nổi không. Tôi viết sẵn thư này, phòng khi không qua khỏi, đồng chí nào phát hiện được thì báo cho các thủ trưởng biết, tôi đã thực hiện nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng…”.
         Đọc lá thư, Phóng không sao cầm nổi nước mắt. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, ngộ nhỡ mình lạc trong rừng đến chết thì sao? Phóng cũng muốn viết thư nhưng không có bút, giấy. Sờ túi áo ngực chỉ có tấm ảnh Lanh tặng gói kín trong ni nông. Mặt sau của tấm ảnh có dòng chữ của Lanh: “Điêu Thị Lanh, bản Điêng, Nghĩa Lộ”. Vậy là có địa chỉ rồi, nếu chết giữa rừng, ai phát hiện ra sẽ có thông tin để liên lạc. Yên tâm rồ. Phóng lấy dao găm đào huyệt trên nền kho rồi chôn gói hài cốt. Dùng mũi dao viết lên hăng gô dòng chữ “Đặng Văn Hùng, Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang” đặt lên mộ, cúi đầu vái 3 vái cầu xin anh dun dủi cho Phóng tìm được đơn vị.
Đến bên Pà, định xốc lên vai, thì  Pà thều thào nói:
- Mình không đi được nữa. Đi thì chết cả hai. Để mình ở đây với anh Hùng. Cậu đi một mình may ra còn tìm ra đường. Về đơn vị rồi đến đón mình…
Phóng trào nước mắt:
- Không được. Anh em mình sống cùng sống, chết cùng chết. Pà quên lời hứa với ải, êm lúc lên đường rồi sao?
         Pà vẫn thều thào:
- Nhưng…
- Không nhưng gì cả, nào bám vào cổ mình đi, tranh thủ, nhanh tí nào hay tí ấy.
           Nói rồi Phóng xốc Pà lên vai. Lại gặp một cái ngã ba. Phóng đang phân vân chọn đường thì Pà bảo:
- Cho mình xuống. Phóng đi xem đường trước rồi quay lại đón.
         Thấy Pà nói cũng phải, Phóng để Pà ngồi nghỉ, còn mình đi xem đường. Thấy Phóng khoác súng, Pà bảo:
- Cậu để lại súng cho mình, nhỡ thám báo đến.
        Tháo súng đưa cho Pà, đi được một đoạn bỗng nghe thấy tiếng súng nổ ở chỗ Pà ngồi. Có thám báo? Phóng vội chạy trở lại. Giật mình thấy Pà nằm gục bên vũng máu, khẩu súng văng ra bên cạnh. Thì ra Pà đã lừa Phóng để tự sát. Pà ơi! Sao cậu làm như vậy? Sao nỡ  bỏ tớ ? Pà ơi!
           Thương Pà nhưng không còn nước mắt để khóc. Vả lại  bây giờ cũng không phải lúc khóc lóc. Phóng đặt Pà nằm thẳng lên bãi đất, khẽ vuốt mắt cho bạn. Lục trong túi áo ngực của Pà lấy tấm ảnh Thình, người yêu Pà gói lại cho thật kín, rồi trải tấm tăng liệm xác Pà. Phóng lại lấy dao dăm đào huyệt. Chuẩn bị đưa xác Pà xuống, bỗng Phóng nghĩ, chôn Pà ở đây, đến Phóng cũng không biết vị trí này là đâu thì sau này làm sao chỉ được nơi chôn Pà? Thừ người như bị mất hồn, bỗng cảnh đám ma ở quê hiện lên trong đầu Phóng. Người Thái đen Mường Lò có tục hóa thiêu. Các cụ già trong bản vẫn bảo lớp trẻ, người Thái đen dù sống ở đâu khi chết muốn lên được Mường Trời, linh hồn phải trải qua hai lần tắm rửa. Lần thứ nhất tắm trong lửa, lần thứ hai tắm trong nước thiêng của Nậm Tốc Tát. Các cụ còn dặn, người sống phải được 3 điều cho người chết: Giữ được thân xác người chết, vượt qua nỗi thương xót khi nhìn thịt da người thân bị cháy, vượt qua nỗi sợ hãi khi cầm nắm xương của người đã chết… Vậy sao mình lại không hỏa thiêu Pà, để linh hồn bạn được về Mường Trời. Phóng vùng dậy cầm dao đi chặt củi, xếp đủ 7 tầng tương ứng với 7 vía  đàn ông. Xếp xong, đặt xác Pà lên, quay lưng vào xác, châm lửa đốt. Đến sáng lửa lụi. Phóng nhặt xương Pà gói vào chiếc áo bộ đội, cho vào ba lô, xốc lên vai. Đang cắm cúi đi bỗng giật mình bởi tiếng quát:
- Mày tên gì?
- Tao là Ít xa la!
         Phóng đoán chắc bộ đội giải phóng Lào bị phỉ bắt. Chúng đang tra khảo anh, liền ngồi thụp xuống nghe:
- Đơn vị mày đóng ở đâu?
- Chúng tao ở khắp nơi!
- Ai là chỉ huy!
- Chỉ huy Ít xa la  chúng mày biết rồi cần gì tao phải nói!
- Ít xa la ở bản nào?
- Bản nào cũng có!
Có tiếng thằng chỉ huy quát:
- Giải nó về đồn!
         Bọn lính túm lại đẩy người lính Lào đi, nhưng  anh gạt ra nói: 
- Tao thà chết ở đây chứ không về đồn.
- A! Mày muốn chết!
         Thằng chỉ huy nghiến răng, gầm lên, rồi rút súng khỏi bao lên đạn. Một tiếng nổ vang lên khô khốc. Một thân người ngã vật ngay xuống. Nhưng không phải là người lính Ít xa la mà chính là thằng chỉ huy. Thấy chỉ huy bị bắn gục, bọn lính giật mình, chạy túa ra các hướng. Tiếng AK điểm xạ chiu chíu đuổi theo chúng. 4 chiến sỹ Lào chạy đến cởi trói cho đồng đội. Phóng cố sức  la lên:
- Tôi… bộ đội…  Việt Nam… bị lạc … Các bạn…cứu … tôi!
         Nghe tiếng gọi, các chiến sỹ Lào vội chạy tới. Người nói tiếng Lào, người nói tiếng Thái nhưng Phóng cũng hiểu,  Tiểu đội trinh sát của Tỉnh đội Át-ta-pư lọt vào ổ mật phục của bọn phỉ. Các chiến sỹ chạy thoát đã quay lại giải cứu đồng đội. Biết tình cảnh của Phóng, các bạn Lào đưa cơm nắm, nước uống cho Phóng ăn lấy sức rồi dẫn về hậu cứ. Nghe Phóng trình bày, thủ trưởng Tỉnh đội đã cho mai táng di cốt Phà tại nghĩa trang bản Wat Phabath theo phong tục Lào và cử người đưa Phóng theo lối tắt đuổi kịp đơn vị.
                                                                                     
                    (Dựa theo lời kể của đồng chí Phạm Tiến, nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn Yên Ninh 2.)
--------------------------------------------
Chú thích:
(1)- ải (tiếng Thái): bố
(2)- êm (tiếng Thái): mẹ
 
Nguyễn Hiền Lương, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái
Địa chỉ: SN 259, đường Trần Phú, P. Đồng Tâm , TP.Yên Bái, T.Yên Bái
Điện thoại: 0983085090
Email: hienluongyb@gmail.com

tin tức liên quan