Chuyện buồn không muốn nói - Bùi Cộng Hòa

Ngày đăng: 10:10 23/02/2020 Lượt xem: 1.775
 CHUYỆN BUỒN KHÔNG MUỐN NÓI

                    Phiếm bàn của Bùi Cộng Hòa
               Hội viên Trường Sơn Phủ Lý, Hà Nam


     
      Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta ra đời đã 9 năm rồi. Chừng ấy thời gian, hơn 32 vạn hội viên Trường Sơn chúng ta trong cả nước đã làm được nhiều chuyện phi thường khiến xã hội, tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp phải nể phục. Uy tín của Trường Sơn của Hội Trường Sơn ngày càng cao trong xã hội...
     Nhưng có một sự thật mà tôi không muốn tin vào mắt mình. Suy ngẫm thì vừa thấy buồn, vừa thấy ngượng thay. Ấy là có một số người đi lính vài ba năm rồi họ tìm mọi cách để được xuất ngũ, thậm chí có người “đánh bài chuồn” vì sợ, vì Trường Sơn ác liệt quá! Nay không hiểu vì một lý do nào đấy mà họ được là hội viên Hội Trường Sơn cấp phường, hoặc hội viên của các đơn vị truyền thống C,D,E,F... Thôi thì tham gia như thế cũng còn được. Nhưng buồn ở chỗ họ ngang nhiên đeo Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, đeo quân hàm không đúng...
     Lính Trường Sơn có một thời đặc biệt mà ai cũng biết. Ấy là trước năm 1973 hiếm ai được thăng quân hàm sĩ quan, trừ trường hợp đặc biệt. Sau năm 1975 và những năm 80 của thế kỷ trước mới nhúc nhắc nâng bậc theo niên hạn... Ấy vậy mà tôi biết: Ông Thượng sỹ, quân y sỹ Nguyễn Ngọc Luân (ở quận Hà Đông) luôn đeo quân hàm Đại tá và tự phong hàm cho mình là “Phó Giáo sư – Bác sĩ – Thầy thuốc Ưu tú”!!!. Với “vở bọc” ấy, ông ta đã leo lên chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bộ đội Trường Sơn tỉnh Hà Tây (cũ) từ khi thành lập (năm 2008). Phải mấy năm sau ông ta mới bị bóc phốt.
      Ở nhiều cấp Hội đã Đại hội nhiệm kỳ 2. Ấy vậy mà vẫn có một số vị tham gia BCH vẫn nghiễm nhiên đeo quân hàm sĩ quan trung cấp mặc dù thời gian phục vụ tại ngũ của các vị ấy không quá năm năm! Thậm chí có vị còn đeo hẳn lon Đại úy!? Một chuyện nực cười là, có vị “dũng cảm và thật thà” kê khai trích ngang cấp sỹ. Nhưng họ lại thường xuyên đeo quân hàm cấp úy, cấp tá. Cá biệt, có vị còn ngồi chỗ trệ trên ghế Chủ tịch đoàn, hoặc là đại biểu cấp trên đến dự Đại hội cấp dưới, hoặc đóng vai khách mời... Tôi biết, có một số vị còn thay tên đổi họ để tránh người khác phát hiện. Ví như họ Vũ thì đổi thành Võ; họ Hà đổi thành họ Hạ; tên khai sinh là Họa nay gọi là Hòa hay Hóa... Tôi có đọc danh sách các Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Việt Nam các cấp, thấy nhiều thủ trưởng cấp tướng gần 20 năm chẳng thấy thêm sao nào! Ấy vậy mà có những vị vẫn tự thăng quân hàm cho mình đến mấy cấp ấy! Nếu các vị này là lính trơn thì còn có thể tất. Nhưng họ lại là cán bộ, đảng viên mà làm như thế coi sao được. Hội Trường Sơn chúng ta cấp nào cũng có Ban Kiểm tra. Vậy sao không vào cuộc kiểm tra tư cách đại biểu để “lột quân hàm” của những vị cố tình “đeo nhầm” này. Theo tôi những vị mạo danh, những vị cố tình “đeo nhầm” quân hàm một cách không trung thực như thế cần loại khỏi BCH các cấp, thậm chí khai trừ khỏi Hội, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, hội viên Trường Sơn. Có như thế mới có thể giáo dục thế hệ trẻ hôm nay được.
       Chuyện thật như đùa. Có vị nữ Phó Chủ tịch Hội cấp tỉnh quân hàm ở Trường Sơn là Trung sỹ nhưng trên ve áo thường trực đeo lon Trung úy!... Ở những cuộc họp mặt của các hội viên nữ Trường Sơn các địa phương, đơn vị, tôi thấy có mấy ai đeo quân hàm hạ sĩ quan, chiến sĩ đâu. Toàn cấp úy cả đấy? Thật lạ!...
      Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ. Những vị cố tình “đeo nhầm” quân hàm, “đeo nhầm” Huân, Huy chương ấy có phải họ gian dối thật không, hay chỉ vì sĩ diện hão? Bệnh sĩ ở không ít người Việt mình nó lớn lắm. Vì sĩ mà không ít người dám làm những chuyện mà một người chân chính không dám làm!
      Có thể nói 100% hội viên Trường Sơn chúng ta đều đã nghỉ hưu rồi. Vậy thì ba cái chức tước, địa vị khi còn đương chức đâu còn quá quan trọng khi đã về hưu! Cái chính là bây giờ ta cống hiến, ta làm cho Hội, cho đồng đội được những gì? Anh Ngô Văn Dụ, nguyên Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp Sư đoàn 471. Năm 1983, anh chuyển ra Bộ Nông nghiệp, chỉ mang quân hàm Đại úy. Sau này anh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Chức vụ của anh có thể sánh ngang với hàm Đại tướng. Ấy thế mà về dự các cuộc gặp mặt với đồng đội Trường Sơn, Đại úy Ngô Văn Dụ trong con mắt của đồng đội anh luôn là “một vị tướng” được kính trọng! Kính trọng không phải vì anh là Ủy viên Bộ Chính trị. Kính trọng bởi anh với đồng đội năm xưa vẫn chân tình, tình cảm, bởi hôm nay anh vẫn hết lòng vì dồng đội, vì Trường Sơn. Quân hàm chỉ là “thứ đánh dấu” trọng trách quân đội trao cho ta khi ta tại ngũ. Nhiều chiến sĩ Trường Sơn cởi áo lính chuyển ngành ra dân sự sau năm 1975. Họ được học hành, được đào tạo và trưởng thành. Nhiều đồng chí là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học, là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tỉnh, Huyện… Họ - những người lính Trường Sơn đã phấn đấu và trưởng thành vượt bậc. Giờ họ lại trở lại hoạt động, cống hiến tiếp tục cho Trường Sơn trong tổ chức Hội Trường Sơn các cấp. Cái ấy quý lắm, trân trọng lắm! Vậy thử hỏi cái quân hàm của họ ngày xưa có ý nghĩa gì với hiện tại lắm đâu? Nhưng khổ một nỗi vẫn còn nhiều người mắc cái bệnh “nhìn quân hàm” để đánh giá địa vị, đánh giá năng lực cống hiến của một người lính Trường Sơn. Thế mới khổ! Chính cái nhìn này của nhiều người đã khiến cho nhiều vị sẵn có “bệnh sĩ” mà đã tự lừa dối chính mình, lừa dối đồng đội khi “đeo nhầm” nhiều thứ! Tôi nghĩ họ chỉ là số ít so với hơn 32 vạn hội viên Trường Sơn chân chính chúng ta. Nhưng những "con sâu ấy vẫn làm ràu nồi canh", cần phải được loại bỏ...
     Chuyện buồn không muốn nói nhưng vẫn xin được chia sẻ cùng đồng đội Trường Sơn.

B.C.H

(P.K.L biên tập)
 

tin tức liên quan