Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng 30-4-1975

Ngày đăng: 08:15 09/08/2017 Lượt xem: 2.101
 Tài liệu để phục vụ tuyên truyền ở cơ sở nhân kỷ niệm 40 Ngày Chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước của TƯ. Hội trường Sơn.

 

KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG, GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

                        (30/4/1975 * 30/4/2015)

 

Thưa các đồng chí,

Cách đây 40 năm, vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng của Tổ quốc đã tung bay trên nóc dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền, kết thúc 30 năm đấu tranh trường kỳ, anh dũng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Thời khắc lịch sử huy hoàng ấy cũng đã đánh dấu sự kết thúc toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại nhất, chói lọi nhất của lịch sử dân tộc ta.

40 năm sau, hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về cuộc trường chinh kéo dài suốt 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc ta, quân đội và nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng cự kỳ vĩ đại trước một kẻ thù hung bạo, có sức mạnh ghê ghớm về tiềm lực kinh tế và quân sự nhất thời đại, thu non sông về một mối.

Chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử, để cảm nhận giá trị không gì có thể so sánh với chiến thắng vĩ đại này của dân tộc.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình trên 3 nước Đông Dương, tháng 7/1954 đã được ký kết. Nước ta tạm thời bị chia cắt Bắc, Nam bởi vỹ tuyến 17. Song đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai ở miền Nam đã ngang nhiên xé toạc Hiệp định. Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa vũ khí, trang thiết bị quân sự và quân đội viễn chinh vào miền Nam núp dưới danh nghĩa là cố vấn quân sự. Mỹ ngụy đã tiến hành một cách tàn độc cuộc thanh trừng những người yêu nước, kháng chiến và gia đình họ trên toàn miền Nam; chúng âm mưu tiến hành lập ấp chiến lược trên toàn nông thôn miền Nam.

Trước diễn biến mới của cách mạng miền Nam, Đảng ta và Bác Hồ đã kịp thời cho ra đời Nghị quyết 15 - Nghị quyết về cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam - tháng 1 năm 1959, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam nhằm thống nhất đất nước. Có thể nói Nghị quyết 15 của Đảng đã thổi một luồng gió mới hừng hực khí thế tiến công trên toàn miền Nam. Cách mạng miền Nam đã chính thức bước vào một cuộc đấu tranh mới: Vũ trang cách mạng tiến công địch bằng quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đảng ta đã xác định rõ ràng hai nhiệm vụ chiến lược cho cách mạng Việt Nam, là: Tiến hành công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đưa miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước.

Đây là một sáng tạo vĩ đại và vô cùng đúng đắn của Đảng ta trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Sự độc đáo là ở chỗ: Hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau được tiến hành đồng thời ở cả hai miền nhưng có chung một mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghị quyết 15 như luồng gió mới thổi bùng khí thế đấu tranh cách mạng ở miền Nam: Phong trào “đồng khởi” từ Bến Tre, nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương miền Nam. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập; Tháng 1 năm 1961, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Những tổ chức mới ra đời đã tạo ra động lực mới khích lệ phong trào chống Mỹ ngụy lan rộng trên khắp miền Nam…Trước tình hình ấy, Mỹ lập tức tăng cường cố vấn quân sự ở miền Nam. Tháng 6/1961, Mỹ tiến hành một chiến lược mới: “Chiến tranh Đặc biệt” trên toàn miền Nam, theo công thức: cố vấn quân sự Mỹ cộng với quân đội ngụy Sài Gòn với vũ khí, trang bị và tài chính Mỹ tiến hành bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

Ngày 2/1/1962, Chiến thắng Ấp Bắc (Cai Lậy, Mỹ Tho) của quân và dân miền Nam mở đầu cho sự phá sản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” – các chủ bài của “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy.

Ngày 27/3/1964, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Nhân dân miền Bắc phải ra sức làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt…”

Ngày 2/12/1964, với chiến thắng Bình Giã của quân dân ta đã đánh dấu sự thảm bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.

Vì vậy, đế quốc Mỹ đã quyết định tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam. Ngày 5/8/1964, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng trận đầu của không quan Mỹ đánh phá miền Bắc, bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắt sống giặc lại Mỹ.  

Trước tình hình Mỹ, ngụy ở miền Nam bị thua đau, Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Ngày 8/3/1965, tại cảng Đà Nẵng, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam.  Hơn 50 vạn lính Mỹ và chư hầu đã có mặt tại miền Nam trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược.

               Cả hai miền Nam Bắc cùng bước vào cuộc chiến tranh  xâm lược mà đế quốc  Mỹ tiến hành với một quy mô ác liệt với vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thời đại.

       Ngày 5/5/1965, Bác Hồ đã ra lệnh Tổng động viên ở miền Bắc. Hàng chục vạn thanh niên miền Bắc đã nhập ngũ theo yêu cầu của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Cuối năm 1965 đến tháng 4 năm 1966, ta đã bẻ gãy cuộc phản công chiến lược lớn nhất của Mỹ ngụy với mục tiêu “tìm diệt” lực lượng chủ lực của Quân giải phóng. Tháng 10/1966 đến tháng 4/1967, chúng ta lại bẻ gãy cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 của Mỹ ngụy trên toàn miền Nam.

Để ngăn chặn lực lượng chi viện của ta ở Trường Sơn, Mỹ đã mở Chiến dịch Khe Sanh, Quảng Trị. Từ 20/1 đến 15/7/1968, ta đã đánh bại hoàn toàn Chiến dịch Khe Sanh, buộc Mỹ phải rút chạy thảm bại khỏi Khe Sanh.

Từ 30/1 đến 3/3/1968, quân và dân toàn miền Nam đã tiến hành cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân. 65 thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam rung chuyển trước sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Buộc Mỹ phải  tuyên bố xuống thang chiến tranh. Tổng thống Jonson đã tuyên bố ngừng nén bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và buộc phải ngồi vào đàm phán về hòa bình  ở Việt Nam tại Pari. Ngày 25/1/1969, Hội nghị Pari 4 bên bàn về hòa bình ở Việt Nam đã chính thức khai mạc. Đây là thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao và là kết quả  thắng lợi trên mặt trận quân sự trên chiến trường của ta.

Đế quốc Mỹ đã sử dụng canh bạc cuối cùng là dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải phòng và nhiều thành phố, thị xã khác trên miền Bắc. Nhưng quân và dân ta đã làm nên  một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Chỉ hơn 10 ngày cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 64 máy bay các loại trong đó có 34 máy bay B52 của đến quốc Mỹ. Buộc chúng phải ngồi lại Hội nghị Pari.

Kết thúc cuộc chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc, 4.181 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên vùng trời miền Bắc.

Ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ đã buộc phải ký kết Hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam, buộc Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Hiệp định Pari về Việt Nam là một thắng lợi to lớn của chúng ta trên mặt trận ngoại giao. Hiệp định tạo thuận lợi để chúng ta tiến tới lật đổ chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

              Đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên; Ngày 8/10/1973, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết hạ quyết tâm giải phóng miền Nam; Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Ngày 29/3/1975, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn TP. Đà Nẵng, tiêu diệt 120.000 quân ngụy, làm ta rã 130.000 quân, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh ngụy, sư đoàn thủy quân lục chiến, 4 liên đoàn biệt động quân, xóa sổ hoàn toàn Quân khu 1 và Quân đoàn 1 ngụy.

          Ngày  14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử.

          Từ 26 đến 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã diễn ra và kết thúc vĩ đại, thu non song về một mối. Chúng ta đã đập tan toàn bộ quân ngụy và hệ thống chính quyền nguỵ Sài Gòn trên toàn miền Nam, thu 500 pháo, 400 xe tăng thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3000 xe quân sự, thu 270.000 súng các loại…

    Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã kết thúc vĩ đại, viết nên trang sử vàng rực rỡ oai hung nhất của dân tộc.

   Thưa các đồng chí,

Kỷ niệm 40 năm Ngày đất nước Toàn thắng, hôm nay nhìn lại, Bộ đội Trường Sơn càng thêm tự hào về sự đóng góp vô cùng to lớn của mình vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Lịch sử 16 năm của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là biểu hiện sáng ngời về khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Thưa các đồng chí,

Sự ra đời của Đoàn 559 - Tuyến chi viện chiến lược 56 năm trước là một nhu cầu tất yếu khách quan, là một sáng tạo chiến lược thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Để Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh được giao, Đảng ta, Quân đội ta đã đầu tư cao nhất có thể cho Bộ đội Trường Sơn trưởng thành nhanh chóng.

Đối mặt với kẻ thù tàn bạo và điều kiện rất khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn phát triển nhanh chóng về lực lượng. Từ 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, hơn 2 năm sau - ngày 23/10/1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp Sư đoàn; đến ngày 3/4/1965, Đoàn 559 được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Từ tháng 7 năm 1970, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao nhiệm vụ chỉ huy thống nhất toàn bộ lực lượng của ta hoạt động ở Nam Lào. Đến năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Tất cả các lực lượng của Trường Sơn vào trận với ý chí: “Vì miền Nam ruột thịt. Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn".

Bộ đội Công binh Trường Sơn ngoài việc xây dựng hệ thống đường cơ giới dài gần 20.000 km, tạo nên một “trận đồ bát quái” trên Trường Sơn còn từng bước vô hiệu các loại bom mìn hiện đại nhất của Mỹ như từ bom phá, bom nổ chậm, bom phát quang, bom bi nổ chậm, nổ ngay, bom từ trường nhiều thế hệ… Họ đã chiến đấu vì sự sống còn của con đường: “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”;

Bộ đội vận tải thực hiện nhiệm vụ theo phương châm: "Hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là thắng lợi", “còn người còn xe, còn hàng”,  xứng đáng là lực lượng “gan vàng dạ ngọc”.

Bộ đội phòng không: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn",“dõi nòng pháo theo bánh xe lăn”;

Bộ binh Trường Sơn “Dũng cảm, mưu trí” cùng với quân và dân các tỉnh Trung - Nam Lào giải phóng hành lang, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ  địa bàn, bảo vệ tuyến đường;

 Bộ đội thông tin Trường Sơn: “Coi dây như ruột, coi cột như xương. Bảo đảm thông tin liên tục thông suốt trong mưa bom, bão đạn”;

Lực lượng giao liên Trường Sơn xứng đáng với 10 chữ vàng: “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”;

Bộ đội đường ống xăng dầu đã tạo ra "Một dòng sông mang lửa" kỳ vĩ xuyên dọc Đông, Tây Trường Sơn;

Bộ đội quân y đã cứu chữa hàng vạn thương bệnh binh Trường Sơn và của các chiến trường cùng hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo cho nhân dân trên địa bàn hoạt động. Đội ngũ văn hóa nghệ thuật Trường Sơn đã góp phần động viên dũng khí chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn…

Nhờ những phẩm chất cao đẹp sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng ấy mà Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng nên một Trường Sơn huyền thoại.

Yêu cầu của các hướng chiến trường ngày một lớn. Thế và lực của chúng ta ngày một thay đổi. Bộ đội Trường Sơn đã lớn mạnh không ngừng trở thành Binh chủng hợp thành hùng hậu. Đến thời điểm năm 1973, quy mô của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã lớn mạnh vượt tầm của một đơn vị cấp Quân khu thông thường, tác chiến với quy mô hợp đồng binh chủng lớn. Việc thành lập các Sư đoàn binh chủng, đặc biệt là việc thành lập 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu với hơn 5.000 chiến xa là một sáng tạo đặc biệt, chưa có trong lịch sử quân sự thế giới, giúp Bộ đội Trường Sơn tập trung sức mạnh, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ to lớn mà Quân đội giao phó trong giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ đội Trường Sơn ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược còn  trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lớn: Tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968);  Tham gia Chiến dịch Khe Sanh; Trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào riêng lượng của Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay, thu hàng trăm xe, pháo các loại; Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972, Bộ đội Trường Sơn đã huy động nhiều đơn vị tham gia Chiến dịch và phục vụ hậu cần trực tiếp cho các lực lượng bảo về Thành Cổ.

Đầu năm 1975, 3 Sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột. Công binh Sư đoàn 470 Trường Sơn mở các con đường bí mật để các lực lượng tác chiến tiếp cận với thị xã Buôn Mê Thuột, trong đó có con đường bí mật để xe tăng đánh thẳng vào thị xã trong sự ngỡ ngàng của kẻ thù.

Chiến dịch giải phóng Buôn Mê thuột thắng lợi. Lực lượng xe của Sư đoàn 471 đã cơ động Sư đoàn 968 cùng với quân và dân các tỉnh Khu V truy kích địch, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 Sư đoàn (gồm 2 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn ô tô) của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp chiến đấu cùng với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng công binh Trường Sơn đã khôi phục và bắc hàng trăm cây cầu bị địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo đảm cho các đơn vị hành quân thần tốc tiến về Nam dọc quốc lộ 1. Lực lượng xe của 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu 571 và 471 Bộ đội Trường Sơn trước Chiến dịch đã cơ động thần tốc Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 vào thẳng chiến trường Nam Bộ an toàn tuyệt đối trong một thời gian “thần tốc” trước sự bất ngờ và hoang mang tột độ cho kẻ địch.

Lực lượng hàng ngàn chiến xa của Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các Quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và chiếm Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.

Chúng ta có thể khẳng định rằng: Nếu không có gần 5.000 chiến xa của 2 Sư đoàn ô tô chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn thì các lực lượng của Quân đội ta không thể tiến công thần tốc như mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn Miền Nam vĩ đại đã kết thúc. Non sông đã thu về một mối. Tuyến chi viện chiến lược vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn đã khép lại một chương huy hoàng trong lịch sử dân tộc.. 

Trong 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên một hệ thống giao thông kỳ vĩ dài 20.000 km đường xe cơ giới dưới 4 triệu tấn bom đạn dội xuống Trường Sơn và hơn 173.000 trận đánh bằng không quân Mỹ; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường; tổ chức cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, bộ đội, các cháu Miền Nam, các thương bệnh binh… vào ra trên Đường Trường Sơn; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt Sư đoàn quân chủ lực tham gia Chiến dịch, đảm bảo hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các đơn vị, tới các hướng chiến trường; mở 1.400 km đường ống xăng dầu…Trực tiếp tham gia nhiều Chiến dịch lớn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn huy động 6 sư đoàn cùng với lực lượng chủ lực làm nên Chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Trong 16 năm chiến đấu dũng cảm kiên cường, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, Bộ đội Trường Sơn đã có 2 vạn liệt sĩ, hơn 3 vạn thương binh và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP bị nhiễm chất độc da cam.

16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt với 37 điểm Di tích nằm trên địa bàn của 11 tỉnh.

Thưa các đồng chí,

     16 năm chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn đã làm nên một Kỳ tích, một Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

   Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là thể hiện khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Vị trí và tầm vóc của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã vượt lên suy nghĩ ban đầu của Đảng ta, Quân đội ta.

40 năm, hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng ta, về Quân đội ta và Nhân dân ta đã làm nên một Trường Sơn huyền thoại. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP, Dân công hỏa tuyến Trường Sơn cùng đồng bào ba nước anh em trên địa bàn đã góp phần quan trọng biến khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của cả dân tộc ta trở thành hiện thực.

Lịch sử dần lùi xa. 40 năm qua, chúng ta đã nói, đã viết, đã đánh giá nhiều về Trường Sơn, nhưng Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mãi mãi huyền thoại và là đề tài vượt lên thời gian, vượt không gian để chúng ta và bạn bè trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về nó, về những con người và cuộc sống của họ trên Trường Sơn đã làm nên một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của nhân loại ở thế kỷ XX.

Những hội viên Hội Trường Sơn chúng ta hôm nay hãy tiếp tục phát huy phẩm chất Anh hùng của Bộ đội Trường Sơn, có trách nhiệm cùng con cháu để Trường Sơn tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp xây dựng CNXH trong thời đại mới. Đó chính là trách nhiệm trước lịch sử, trước đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên Trường Sơn, trước thế hệ trẻ và dân tộc hôm nay và mãi mãi mai sau.