Lực lương phòng không Trường Sơn trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào 1971

Ngày đăng: 08:21 26/05/2024 Lượt xem: 377
LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TẠI CHỖ CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI “CUỘC HÀNH QUÂN LAM SƠN 719”


Đại tá NGUYỄN QUANG HÙNG (Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn cao xạ 377)
 
 

Một khẩu đội súng phòng không Trường Sơn 1971
 
      Trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719, Mỹ-ngụy huy động một lực lượng lớn máy bay đánh phá, nhằm tiêu diệt các lực lượng ta, cắt đứt hoàn toàn hành lang chiến lược Trường Sơn, cắt đứt mạch máu chi viện chính cho chiến trường Miền Nam. Cùng lực lượng phòng không của các đơn vị, lực lượng phòng không tại chỗ của Bộ đội Trường Sơn đã tạo thành lưới lửa, bắn hạ nhiều máy bay địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971.
      Từ rất sớm Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định và dự báo về khả năng địch mở cuộc tiến công quy mô lớn nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược; đồng thời chỉ thị chuẩn bị sẵn các phương án đối phó, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động của địch. Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng phòng không, tháng 10 năm 1970, Bộ Quốc phòng đã quyết định cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập thêm Cục Tham mưu Phòng không; đồng thời, điều động đồng chí Nguyễn Quang Bích - Nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tháng 12 năm 1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho Tham mưu trưởng tác chiến Ngô Huy Biên và Phó Chủ nhiệm Chính trị Võ Sở đi thị sát địa bàn, lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng và thế trận phòng không, sẵn sàng tác chiến.
       Giữa tháng 1 năm 1971, đồng chí Phạm Hàm - Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, truyền đạt mệnh lệnh dự kiến của Tổng Tham mưu trưởng: “Địch sẽ sử dụng lực lượng lớn bộ binh của ngụy Sài Gòn cùng quân Hoàng gia Lào và Thái Lan, dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ mở chiến dịch lớn nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn ở trục ngang theo Đường 9”. Ngày 28 tháng 01 năm 1971, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch phản công; phân công Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện thế trận phòng không của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các lực lượng phòng không của Bộ phối thuộc.
       Lực lượng phòng không Trường Sơn lúc này được Bộ tăng cường cho chiến dịch lên đến 5 trung đoàn, trong đó có 1 trung đoàn Tên lửa (Trung đoàn 275) cùng 10 tiểu đoàn Cao xạ, 25 đại đội, 33 trung đội súng máy 14,5mm  và 12,7mm với 326 pháo cao xạ, 360 khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm tác chiến. Trên cơ sở nhiệm vụ tác chiến, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn bí mật cơ động lực lượng triển khai thành thế trận bảo vệ khu vực hậu cần và tuyến hành lang vận chuyển chiến lược.
Ngày 30 tháng 1 năm 1971, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, huy động 40.000 quân ngụy Sài Gòn và 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất cùng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào. Địch tiến công các điểm cao dọc Đường 9, hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Bản Đông - Sê Pôn, lập tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương, đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào và bịt được tuyến chi viện chiến lược - “Con đường sống” của ta vào chiến trường miền Nam.
        Bộ Tổng Tham mưu ra chỉ lệnh cho Bộ đội Trường Sơn: Bình tĩnh khéo léo lừa địch, nhử địch vào sâu, cất vó một trận, diệt trực thăng đích đáng để địch biết thế nào là “Đường Hồ Chí Minh”. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cử Phó Chính ủy Lê Xy và Phó Chủ nhiệm chính trị Võ Sở xuống Trung đoàn 591 chỉ đạo tổ chức đánh địch và động viên tinh thần chiến đấu. Địa bàn Trung đoàn 591 đảm nhận chính là địa bàn trung tâm chiến dịch. Muốn đến Sở chỉ huy Trung đoàn phải xuyên qua vùng chiến sự ác liệt, sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
       Sáng ngày 8 tháng 3 năm 1971, từng đàn trực thăng địch bay rợp trời, được hỏa lực của máy bay cường kích, pháo binh và B.52 dọn đường, ồ ạt đổ quân chiếm các điểm cao ở nam và bắc Đường 9, khu vực Bản Đông. Các cỡ pháo cao xạ, súng máy phòng không, các vũ khí bộ binh ta đồng loạt nổ súng, tạo ra một lưới lửa dày đặc, bắn rơi hàng loạt trực thăng ngay khi chúng chưa kịp đổ quân.
       Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 591 ở khu vực Bản Đông - Cha Ki do Thiếu tá Lê Văn Lẫm chỉ huy, ngay trong ngày đầu tiên đã bắn rơi 5 trực thăng địch.  Các trận địa của Trung đoàn bị máy bay cường kích tập trung đánh phá ác liệt, nhưng các pháo thủ vẫn chiến đấu mưu trí, ngoan cường, dù nhiều chiến sỹ bị thương hoặc hy sinh khi đang ngồi trên mâm pháo.
 
Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của Quân Lực VNCH sang Hạ Lào
Chiến thuật "trục thăng vận" của Mỹ - Ngụy trong Lam Sơn 719 (1971) đã hoàn toàn thất bại
 
Tính chung, trong 2 ngày 8 và 9 tháng 2 năm 1971, các đơn vị phòng không Trường Sơn đã bắn rơi 50 chiếc máy bay các loại. Ở bắc Bản Đông, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 591 cao xạ do Trung đoàn trưởng Lê Sĩ Lẫm chỉ huy đã bắn rơi 19 máy bay lên thẳng. Tổ súng máy 12,7 li của Binh trạm 41 bắn rơi 13 chiếc ở khu vực Bản Đông và cầu Cha Ky. Hai tiểu đoàn 18 và 35 súng máy 14,5mm của Binh trạm 27 bắn rơi 15 chiếc tại cao điểm 500 và 300. Tiểu đoàn 75 Công binh của Binh trạm 41 chốt ở cao điểm Cu Bốc bắn rơi 5 chiếc trực thăng, bẻ gãy 10 đợt tiến công của quân biệt động ngụy, diệt 100 tên.
       Nhận tin thắng lợi những ngày đầu, ngày 10 tháng 2 năm 1971, Quân ủy Trung ương gửi thư: “Biểu dương chiến công đầu của các đồng chí… Mong các đồng chí phát huy thắng lợi, nêu cao quyết tâm, tranh thủ thời cơ, vượt mọi khó khăn đánh cho địch những đòn đau hơn nữa, mạnh hơn nữa, bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hạ nhiều máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh...hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và mục tiêu của chiến dịch, bảo vệ bằng được đường chiến lược Hồ Chí Minh”.
Trong các ngày tiếp theo, tất cả đơn vị phòng không của Bộ đội Trường Sơn và các đơn vị cao xạ phối thuộc tiếp tục chiến đấu quả cảm, mưu trí, bắn cháy thêm nhiều máy bay địch. Ngày 12 tháng 2, Tiểu đoàn 161 chốt tại cao điểm 229, sử dụng mìn định hướng và súng chống tăng diệt 10 xe tăng, bắn rơi 9 máy bay địch. Ngày 13 tháng 2, một phân đội của Tiểu đoàn 35 công binh Binh trạm 33 chốt giữ ở cao điểm 639 phía đông Tha Mé, đã bắn rơi 7 máy bay, diệt 50 tên địch, buộc chúng phải chuyển hướng đổ quân xuống cao điểm 723 và đèo Yên Ngựa. Từ ngày 28 tháng 2 đến 1 tháng 3 năm 1971, trên cao điểm 550, Đại đội 4 súng máy 12,7mm và Tiểu đoàn cao xạ 4 của Binh trạm 41 đã bắn rơi 14 máy bay, diệt 41 tên địch.
        Các ngày 27, 28 tháng 2 và ngày 5 tháng 3 năm 1971, địch dùng trực thăng đổ quân xuống dãy cao điểm Phu Ta Lăng (cao điểm 639, 229) ở nam Đường 9, đã bị Bộ đội Trường Sơn bắn rơi 40 máy bay lên thẳng, diệt gọn một đại đội địch.
Phối hợp với các trận đánh ở trung tâm chiến dịch, các lực lượng của ta hoạt động ở bắc Quảng Trị đã tập kích vào các vị trí xuất phát của trực thăng địch tại Sa Mưu, Ái Tử, Tà Cơn, phá hủy 40 máy bay lên thẳng.
      Ngày 18 tháng 3 năm 1971, trước đòn tấn công như vũ bão của các đơn vị chủ lực và các lực lượng tại chỗ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, địch bỏ Bản Đông rút chạy tán loạn. Nắm thời cơ, các lực lượng của ta truy kích địch, lực lượng phòng không bắn rơi 52 máy bay các loại, trong đó, Tiểu đoàn 69 Trung đoàn tên lửa 275 đã bắn hạ 1 chiếc B52.           
Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 nghìn tên địch, phá huỷ, phá hỏng hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi hơn 500 máy bay và nhiều loại vũ khí, phương tiện khác. Riêng lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay, trong đó có 310 trực thăng, thu 24 khẩu pháo, 6 xe tăng, xe bọc thép, 91 xe quân sự khác, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược.
          Với việc chuẩn bị tốt chiến trường, bố trí lực lượng phòng không hợp lý, dự kiến chính xác các vị trí đổ quân của địch, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn đã bảo toàn được lực lượng trước những hoạt động đánh phá dọn bãi, dọn đường của không quân địch và sẵn sàng nổ súng tiêu diệt khi chúng lọt vào lưới lửa phòng không đã giăng sẵn.
         Bộ đội Trường Sơn nói chung, lưới lửa phòng không nhiều tầng, dày đặc tại chỗ của Trường Sơn nói riêng, đã chiến đấu quả cảm, mưu trí, hiệu quả làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ, ngụy, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971.
                                                                                   
                                                                                           NQH
 
 
 

tin tức liên quan