Căn cứ Đoàn K20

Ngày đăng: 08:12 29/01/2023 Lượt xem: 465
CĂN CỨ ĐOÀN K20



Đồng chí Nguyễn Đức Phương trong vai "Ông Chủ lớn", Đoàn trường Đoàn K20

      1. Tên Di tích: Căn cứ Đoàn K20 (của Đoàn 963)

      2. Địa điểm: Đoàn K20 có căn cứ đóng tại bản Xen Kẹo, huyện Phu Vông (Muang Phouvong), tỉnh At Ta Pư, sát biên giới Lào - Campuchia. Đối diện với bản Xen Kẹo phía bên kia biên giới là đồn biên phòng Đôn Phầy, huyện Siêm Pạng, tỉnh Stung Treng, Campuchia.

       3.Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích
       Tháng 7-1963, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 963, do Trung tá Nguyễn Đức Phương trong vai “ông chủ lớn” phụ trách.
Đoàn có nhiệm vụ thu mua lương thực, thực phầm, thuốc men, xăng dầu... cung ứng cho các cho các đơn vị bộ đội chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 9-1963, Đoàn 963 bắt đầu thu mua thóc, gạo ở Chăm Pa Xắc, Lào nhưng cách thu mua này không bền chắc, không an toàn. Cấp trên đồng ý chuyển hướng thu mua sang Campuchia.
Đầu năm 1964, Nguyễn Đức Phương được Bộ Quốc phòng đồng ý thành lập Đoàn K20 (Đoàn có 20 đồng chí). K20 chọn một khu rừng cạnh bản Xen Kẹo để đóng quân. Xen Kẹo thuộc đất Lào nhưng chỉ cách đồn biên phòng Đôn Phầy của Căm Pu Chia có 3 km. Được sự giúp đỡ của các đồng chí Cách mạng Lào và nhân dân địa phương nên “ông Chủ” đã bắt mối được với “sếp Sun”- Đồn trưởng Đôn Phầy. Nhờ đó, các mối hàng từ Siêm Pạng, Strung Treng được đưa lên bán cho “ông Chủ” dưới sự bảo trợ của lính và quan đồn Đôn Phầy. Từ Siêm Pạng lên Đôn Phầy chỉ chở hàng bằng ca nô ngược sông Sê Kông rất nguy hiểm do có nhiều ghềnh thác và số lượng rất hạn chế. Với sự khéo léo và tinh khôn, “ông chủ” đã lôi kéo được viên Huyện trưởng huyện Siêm Pạng cho làm “chui” đường bộ từ Siêm Pạng lên Đôn Phầy. Với mối lợi lớn cho riêng mình, viên quan huyện đã đồng ý cho những “cu li” của “ông chủ” lên mở đường.Những “cu li” là bộ đội Công binh Trung đoàn 98 đã ngày đêm mở đường. Chỉ trong 1 tháng, đoạn đường 60 km đã mở thông từ Siêm Pạng đến Đôn Phầy. Đây là đoạn đường “cơ giới” đầu tiên Công binh Trường Sơn mở trên đất Campuchia.
        Đường được mở, các mối hàng có điều kiện cung ứng cho “Ông Chủ” với số lượng lớn hơn. Các kho của Đoàn K20 đặt ở gần bản Xen Kẹo được xếp đầy hàng đủ các chủng loại: lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu...“Ông Chủ” không phải chỉ có K20, mà còn nhiều điểm thu mua khác, ngay tại Siêm Pạng cũng có điểm thu mua. Vì vậy từ các điểm thu mua hàng được gùi bộ về S9 (Phi Hà, Xê Xụ) cung ứng cho các đơn vị Tây Nguyên và Nam Bộ. Một tuyến đường gùi thồ được hình thành từ Siêm Pạng qua K20, Tà Ngâu, Lâm Phu...về Phi Hà, Xê Xụ được hình thành mang tên Đường C4. Tuy nhiên, khối lượng hàng lớn, phương thức gùi thồ không thể đáp ứng được. Đầu năm 1966, theo điều động của Tư lệnh 559, Trung đoàn Công binh 98 đã nâng cấp Đường C4 từ Phi Hà đi Siêm Pạng thành đường cơ giới. Đường cơ giới mới mở lấy tên là C49 dài 204 km. Đường 49 sau này trở thành một trục „đường ngang‟ đặc biệt quan trọng và duy nhất có chức năng vận chuyển hàng từ phía Nam lên phía Bắc và ngược lại.
       Căn cứ của Đoàn K20 vẫn hoạt động cho đến năm 1970.

                                                Trích sách “131 Di tích và Địa danh Trường Sơn”
 

tin tức liên quan