9 yếu tố then chốt giúp ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

Ngày đăng: 09:26 06/11/2024 Lượt xem: 25

9 yếu tố then chốt giúp ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

H
Mimosa 
Phản hồi: 0
 
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Mỹ đã kết thúc nhanh chóng và ít kịch tính hơn nhiều diễn biến chiến dịch tranh cử suốt mấy tháng qua, cũng như tất cả những dự báo cho đến lúc cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu.

Kết quả diễn ra khá bất ngờ khi ứng viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump dẫn trước từ đầu đến cuối và nhanh chóng cán mốc 277, vượt 270 phiếu đại cử tri tối thiểu cần thiết, trong khi đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris có 224 phiếu đại cử tri.

Vậy đâu là lý do làm nên chiến thắng của ông Trump trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng lần thứ 3 này? Dù trong cuộc bầu cử lần này, các vấn đề quốc tế đóng vai trò khá nổi trội so với những lần trước, các vấn đề trong nước vẫn là quyết định đến chiến thắng cuối cùng.

Yếu tố bên trong​

Thứ nhất, sau 4 năm dưới chính quyền Biden-Harris do đảng Dân chủ lãnh đạo, dù cũng đạt được những thành tựu nhất định, không ít cử tri Mỹ vẫn nghĩ rằng đất nước đã đi sai hướng. Theo công bố thăm dò của ABC/Ipos ngày 3/11, có 74% người được hỏi nghĩ như vậy. Đây có lẽ chính là điểm yếu lớn nhất mà bà Harris với tư cách là Phó Tổng thống không thể không chịu trách nhiệm, đã được ông Trump triệt để khai thác.

Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" tuy không còn mới nhưng khi "đất nước rơi xuống vực thẳm" như ông Trump miêu tả nước Mỹ thời Biden-Harris đã đánh trúng tâm lý của đại đa số người Mỹ và phát huy tối đa tác dụng trong cuộc bỏ phiếu lần này.

Thứ hai là về kinh tế, dù không thể phủ nhận những thành công của chính quyền hiện tại, nhất là việc đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, củng cố giá trị đồng USD. Nhưng việc để giá cả sinh hoạt leo thang, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu, đã ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đa số người lao động và dân nghèo trong xã hội.

Trong khi đó, dù rời chính quyền đã 4 năm, danh tiếng của ông Trump về khả năng điều hành nền kinh tế tốt hơn vẫn còn khá đậm trong đa số người Mỹ khiến họ quyết định bỏ phiếu cho cựu Tổng thống với hy vọng ông sẽ chèo lái con tàu kinh tế giữa sóng to gió lớn hiện nay thành công hơn người của đảng Dân chủ.

Theo khảo sát của New York Time/Siena College tháng 10 vừa qua, có đến 75% cử tri cho biết nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tồi tệ. Còn theo công bố mới nhất của Bộ Lao động Mỹ ngay trước thềm bầu cử, công ăn việc làm, điểm sáng hiếm hoi của chính quyền Biden-Harris, có tỷ lệ tăng trưởng rất yếu ớt.

Thứ ba là về vấn đề nhập cư, cựu Tổng thống đã dùng làn sóng nhập cư (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp qua biên giới Mexico vào miền Nam nước Mỹ) để biến đó thành nguyên nhân của mọi khó khăn về kinh tế - xã hội ở Mỹ hiện nay mà người bản xứ rất dễ chấp nhận dù điều đó không hoàn toàn chính xác, và quay sang ủng hộ việc siết chặt nhập cư, giữ lại việc làm và phúc lợi xã hội cho người Mỹ như ông Trump đã hết sức nỗ lực triệt để vận động.

Thứ tư, dù có ưu thế trong một bộ phận cử tri về vấn đề quyền phá thai, bình đẳng giới và chống phân biệt giới/chủng tộc, cũng như trong cuộc bầu cử từ 8 năm trước, xã hội Mỹ dường như vẫn chưa sẵn sàng có một nữ tổng thống dù là da trắng, và lại càng chưa với một người còn là da màu, gốc Á-Phi.

Thứ năm, việc ông Trump không công nhận thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và liên tục cảnh báo dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể là "Tôi chỉ thua vì có sự gian lận trong bầu cử" cũng như những cáo buộc pháp lý triền miên trên nhiều lĩnh vực mà cựu Tổng thống phải gánh chịu có thể đã tạo ra tác dụng ngược với đối thủ của ông. Trong con mắt nhiều người Mỹ khắp cả nước, ông Trump là nạn nhân của chiến dịch "săn lùng phù thủy" do những người có quyền lực tiến hành với ông, từ đó họ muốn thông qua lá phiếu bầu cho ông để "bù đắp" lại sự bất công đó.

Thứ sáu là trái ngược với bà Harris, ông Trump đã không có được sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng Cộng hòa, thậm chí còn bị nhiều quan chức cấp cao cũ công khai phê phán là một bất lợi. Nhưng việc đảng Dân Chủ thay đổi ứng viên quá gấp gáp, vội vàng không chỉ khiến bà Harris, người thực sự chưa có nhiều kinh nghiệm về mọi mặt so với ông Trump, đã có quá ít thời gian để hiểu toàn bộ tình hình và có đầy đủ chiến lược, sách lược tranh cử hiệu quả cần thiết. Không những thế, việc ông Biden dường như đã bị ép rút lui còn tạo cảm giác các nhân vật ảnh hưởng nhất trong đảng Dân chủ bí mật "gạt" Tổng thống sang một bên, điều khó có thể được chấp nhận được với những người thực sự tin vào các tiêu chuẩn dân chủ đích thực.

1730900229710.png

Ông Trump đã tranh thủ thành công sự ủng hộ của tỷ phú công nghệ Elon Musk (Ảnh: Getty).

Thứ bảy
 là vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông xã hội và các chiến dịch truyền thông số trong chiến thắng của ông Trump. Việc tranh thủ được tỷ phú Elon Musk hết lòng dốc cả tiền bạc và tâm trí ủng hộ không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn giúp ông Trump tận dụng hiệu quả nền tảng X (Twitter cũ) để truyền tải thông điệp trực tiếp tới rộng rãi các tầng lớp cử tri. Các thuật toán mạng xã hội và "bong bóng lọc" đã tạo ra những "phòng vang", nơi những người có cùng quan điểm chính trị liên tục củng cố niềm tin của nhau, khiến thông điệp của ông Trump có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cử tri cả nước.

Thứ tám, tình trạng phân cực sâu sắc trong xã hội Mỹ đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của cựu Tổng thống Trump. Theo đó, khoảng cách ngày càng lớn giữa các nhóm cử tri theo đảng phái, vùng miền, trình độ học vấn và thu nhập đã tạo ra những "phe phái" rõ rệt. Ông Trump đã khéo léo khai thác sự phân cực này bằng cách định hình cuộc bầu cử như một cuộc đấu tranh giữa "người Mỹ chân chính" với "giới tinh hoa thay đổi", thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri cảm thấy bị bỏ rơi bởi hệ thống chính trị hiện tại, đặc biệt là những người trẻ, da trắng.

Đáng chú ý là xu hướng bầu cử của cử tri trẻ đã có những thay đổi đáng kể. Dù thế hệ Millennials và Gen Z thường được cho là thiên về đảng Dân chủ, nhưng trong cuộc bầu cử này, nhiều người trẻ đã bày tỏ sự thất vọng với chính sách kinh tế của chính quyền Biden-Harris, đặc biệt là vấn đề lạm phát, giá nhà ở và nợ sinh viên. Điều này khiến một bộ phận không nhỏ cử tri trẻ hoặc bỏ phiếu cho ông Trump, hoặc quyết định không đi bầu, gián tiếp có lợi cho chiến dịch của cựu Tổng thống.

Cuối cùng là về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Dù đây là chủ đề được nhiều cử tri quan tâm, nhưng không phải là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử này. Thực tế cho thấy những lo ngại trước mắt về kinh tế đã lấn át các mối quan tâm dài hạn về môi trường mà chính quyền Biden-Harris đã đúng khi kiên trì theo đuổi trong những năm qua. Tuy nhiên, lập trường hoài nghi của ông Trump về biến đổi khí hậu và cam kết phát triển ngành năng lượng hóa thạch đã được đón nhận tích cực ở các bang có nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp dầu khí, góp phần mang lại cho ông những phiếu bầu quan trọng ở các bang chiến địa.

Yếu tố phụ trợ bên ngoài​

Còn về các vấn đề quốc tế, với phong cách rất riêng của mình, cựu Tổng thống Trump rất không quan tâm lấy lòng bất kỳ đối tượng nào, dù đó là đồng mình hay đối tác, đối tượng. Ngược lại, triển vọng ông Trump trở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa đã gây tâm lý bất ổn, lo lắng, nghi ngại lớn trong các đồng minh và đối tác, bạn bè thân thiết.

Thực tế là mặt trận đối ngoại trong 4 năm qua cũng là lĩnh vực có thể đã khiến Phó Tổng thống Harris mất sự ủng hộ của nhiều đối tượng cử tri khác nhau trên khắp cả nước. Đó là việc rút quân khỏi Afghanistan hè 2021 đầy tai tiếng, là việc không khuất phục được Nga thông qua Ukraine dù đã phải đầu tư rất nhiều tiền của, vũ khí và thời gian của chính nước Mỹ cùng cả mạng lưới các đồng minh trên toàn thế giới. Hay đó là việc dù là người bảo trợ toàn diện và chắc chắn nhưng vẫn không ngăn được chính quyền Tel Aviv cày nát Dải Gaza, hạ sát thủ lĩnh các phong trào kháng chiến do Iran trợ giúp khiến cả khu vực trở nên bất ổn chưa từng có, và cũng không kiềm chế được Triều Tiên,… khiến chính nước Mỹ và đồng minh trở nên khó khăn và thiếu an toàn hơn… là điểm trừ khiến nhiều cử tri quay lưng với Phó Tổng thống Harris. bầu cử tổng thống Mỹ

Chiến thắng của ông Trump có bất ngờ hay không?​

Xét theo diễn biến chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay, ít nhất là trong hơn 4 tháng qua kể từ khi bà Harris được chọn thay Tổng thống Joe Biden trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ tranh cử với ông Trump, kết cục này là hoàn toàn bất ngờ khi ông Trump đã thắng thuyết phục và chóng vánh. Bởi mọi dự báo trước đó đều cho là cuộc đua sẽ rất sít sao, căng thẳng và có thể chưa sớm xác định được người chiến thắng.

Tuy nhiên, trước đó, một số chuyên gia tỏ nghi ngờ về tính chính xác của các thăm dò đã được tiến hành trong suốt thời gian qua. Nểu điều đó là đúng và như phân tích ở trên, kết quả bầu cử đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng hôm nay không chỉ là hoàn toàn không bất ngờ, mà dường như còn là hợp lý.

tin tức liên quan