Người cán bộ của lòng dân - Bút ký của Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 10:51 30/04/2015 Lượt xem: 685

 

NGƯỜI CÁN BỘ CỦA LÒNG DÂN

 

Bút ký của Phạm Tiến Đặng

 

 

 

Nắng Bình Thuận mùa này đổ lửa. Tôi về xã Đông Hà huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận. Chiếc xe Nuvo chỉ chạy được vận tốc cao nhất là 60km/h. Bởi nắng và gió. Từng cơn gió bất chợt ào ào thổi tới như hất từng nắm bụi cát vô mặt. cách nay hơn mười năm tôi từng có dịp đi trên tuyến đường này nhiều lần. Thời ấy đường nhỏ, chỗ trải nhựa chỗ không, ổ gà, ổ trau, ổ voi nhiều vô kể… Loáng thoáng những căn nhà leo teo, những vườn điều xơ xác, những vùng cỏ khô ngút ngàn tầm mắt… nếu ai đó vô tình đốt lên chút lửa thì có lẽ chỉ thoáng chốc cả vùng rộng lớn sẽ thành biển lửa ngút ngàn.

vậy mà hôm nay đây tuyến đường từ ngã ba Ông Đồn Xuân Lộc đi Đức Linh đã rộng mở thoáng đãng phong quanh, nhà cửa đua chen mọc lên như nấm. Những vườn cây xanh ngút ngàn tầm mắt. Những vườn điều, vườn tiêu nhờ bàn tay cần cù khuya sớm chăm sóc của nông dân thời đổi đổi mới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đã cho người dân nơi đây có cuộc sống ấm no và thay đổi từng ngày.

Cách đây vài tháng, tôi được đi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hội truyền thống Trường Sơn Bình Thuận về chỉ đạo và dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn xã Đông Hà. Gặp lại các nam thanh nữ tú trước đây trong rừng Trường Sơn. Nay tóc ai cũng hai màu muối sương, sói bạc. Các đồng chí, đồng đội tôi ngày ấy tráng kiện là thế, xinh tươi là thế, thoáng chốc qua đi quãng thời gían bốn mươi năm ai cũng lên chức ông nội, bà ngoại cả. Đại hội diễn ra trong bầu không khí vui tươi, thắm tình đồng chí, đồng đội của những con người một thời vào sinh ra tử, thành công công tốt đẹp.

Hôm ấy tôi để ý tới đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, bởi lẽ khi anh lên phát biểu chào mừng Đại hội của những cựu binh Trường Sơn với lời ý chân thành, nhẹ nhàng nhưng làm người nghe vô cùng xúc động. Đại ý lời anh Nguyễn Hữu Cải: “Thưa các đồng chí, chúng tôi là thế hệ đi sau, rất ngưỡng mộ hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong đó có những người lính Trường Sơn, chiến đấy hy sinh trong muôn ngàn gian khổ. Các đồng chí còn lại hôm nay qua cuộc chiến tranh rất quý, rất hiếm. Chúng tôi rất trân trọng công lao và thành tích của các đồng chí. Rất mong các đồng chí phát huy tinh thần người cựu binh Trường Sơn anh hùng. Sống vui, sống khoẻ, gương mẫu trong mọi lĩnh vực để làm gương cho chúng tôi và nhân dân, con cháu noi theo học tập…”.

Sau Đại hội tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hội đi thăm một số gia đình anh chị em hội viên. Hỏi thăm đồng đội về người đại diện cho địa phương lên phát biểu trong đại hội hôm nay, ai cũng tấm tắc khen ông Chủ tịch. Tôi thoáng nghĩ: “mấy đồng chí mình khen có lẽ vì được ông chủ tịch quan tâm đến hội truyền thống Trường Sơn xã, thôi thì để khách quan mình tự tìm hiểu xem sao…!”

Tôi ghé quán Café, anh chủ quán là người hoạt bát vui vẻ. Nhấp ngụm Café anh mang ra, sau vài câu bông đùa xã giao để làm quen, tôi hỏi: “Này! ông chủ tịch xã ở đây thế nào? – Anh chủ quán đang sởi nởi cười vì câu bông đùa của tôi, nghe hỏi khựng lại nhìn tôi từ đầu đến chân, một thoáng cau mày anh nói: “ Các ông có là công an hay gì đi nữa về mà điều tra ông Chủ tịch ở đây thì càng chứng minh ông ấy trong sáng thêm thôi”.

Tôi vội giải thích: “tôi chỉ là người qua đường, trước đây qua vùng này thấy tẻ nhạt, nay qua lại thấy cuộc sống, nhà cửa của dân thay đổi nhiều quá nên hỏi vậy thôi”. Anh chủ quán à lên một tiếng, tiếp lời: “Nói thật nhé! Ông chủ tịch xã chúng tôi thuộc hàng quý, nay làm việc chỉ biết hết lòng lo cho dân và liêm khiết lắm!”

Bàn bên, có cặp vợ chồng có lẽ làm nghề kinh doanh nông sản nghe vậy cũng góp vào: “Ai chứ ông Cải Chủ tịch thì dân xã chúng tôi không những kính trọng mà còn quý nữa. Ông làm Chủ tịch nhưng chưa bao giờ tơ hào gì một chút của dân. Có việc, tụi tôi lên xã gặp ông thấy việc đúng là ông giải quyết liền.” Chị vợ chỉ tay về phía người phụ nữ trung tuổi vừa bước vào: “Đó, không tin anh hỏi bà An công tác phụ nữ ở thôn này nhiều năm rồi là biết ngay.” chị An nghe chuyện nhẹ nhàng giải thích với tôi, “bà con họ nói về chú Cải đúng đấy anh ạ! Chú ấy làm Chủ tịch xã được lòng dân lắm, làm việc thì tận tuỵ đâu đó rõ ràng. Tư cách phẩm chất và tác phong làm việc của chú Cải đều được các ban ngành trong xã quý mến trân trọng. Chú ấy không tơ hào, nhũng nhiễu chút gì của ai đâu. Trong các buổi họp chính chú ấy thường nhắc nhở cán bộ dưới quyền - Ai mà lợi dụng chức vụ nhũng nhiễu tơ hào một chút của dân, dân mà phản ảnh chú đưa ra kiểm điểm cho nghỉ việc liền!” không phải khoe với chú chứ, chú Cải Chủ tịch xã chúng tôi vừa làm vừa học đã tốt nghiệp thạc sĩ rồi đấy. Các cán bộ chủ chốt của Uỷ ban nếu muốn về làm việc ở đây thì đều tốt nghiệp đại học cả. Như chú Cải nói: “Làm cán bộ bây giờ phải có trình độ mới cập nhật thông tin chính xác, giải quyết công việc nhanh gọn mà hiệu quả”.

Hôm nay tôi quay lại xã Đông Hà chỉ với mục đích tìm hiểu thêm cho rõ, để mắt thấy tai nghe về anh. Vì xe chạy chậm nên 11h20 phút tôi mới tới Uỷ ban. Tìm lên phòng Chủ tịch tôi nghĩ chắc anh Cải đã về rồi nhưng không, vừa bước tới cửa phòng tôi thấy ông Chủ tịch còn đang giải thích với một bác nông dân về một vài thắc mắc… thấy tôi anh niềm nở mời vào, vừa giới thiệu, anh vừa giải thích với tôi: “Bác ấy trồng tiêu mà năng suất không đạt nên nhờ tôi tư vấn giúp”. Tôi liền vào đề: Nghe nói anh Cải có một mẫu tiêu trồng bốn, năm năm rồi thu hoạch khá lắm? Anh cười: cũng tạm thôi anh ạ! Tôi trồng được hơn hecta có 1.350 trụ, năm 2014 tức là sau bốn năm trồng, tôi thu được ba tấn. Năm 2015 chắc sản lượng có khá hơn.

Tôi hỏi anh: “Giá tiêu giờ bao nhiêu một 1kg” Anh trả lời: “ Giá hiện tại 190.000đ/kg anh ạ!”. Tôi nhẩm tính năm 2014 vừa rồi, làm kinh tế vườn anh đã có hèm hèm sáu trăm triệu. Tôi nói với anh: “Ông Chủ tịch bớt chút thời gian cho đi thăm vườn tiêu được không?” anh cười trả lời “Được chứ! Tôi cứ hết giờ làm rảnh chút nào là ra thăm vườn tiêu. Nhưng giờ cũng muộn rồi, mời anh ghé nhà làm chén cơm canh lót dạ rồi đi!”.

Sau bữa cơm đạm bạc với tô canh và mấy khúc cá kho. Hai anh em chúng tôi cùng ra thăm vườn tiêu, từ nhà anh ra tới rẫy cũng chừng non ba cây số. Nhìn những trụ tiêu thẳng hàng ngay lối, lá xanh mơn mởn trĩu hạt. Dưới những gốc tiêu mát rươị từng bầy gà nằm nghỉ trưa tránh nắng. Tôi mừng cho anh, người Chủ tịch xã biết chăm lo cho dân và làm kinh tế giỏi. Không những mừng cho anh mà tôi vui hơn khi biết anh cũng đã từng là người lính như tôi. Có khác chăng tôi là người lính Trường Sơn trong thời chống mỹ, còn anh là người lính khi đất nước đã được giải phóng thanh bình. Tháng 9/1982 anh vào quân ngũ và được đào tạo ở trường quân chính Hoà Cầm - Đà Nẵng, ra trường mang hàm thiếu uý. Rồi cũng một thời làm nhiệm vụ bên đất bạn Campuchia sau đó được điều về đơn vị 482 tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1986 anh phục viên, về nhà anh chuyên tâm vào học và tham gia công tác địa phương đến nay. Anh được phong hàm thiếu tá dự bị, chính trị viên tiểu đoàn và là đại biểu hội đồng nhân dân huyện.

Chia tay anh, tôi thật lòng ngưỡng mộ người cán bộ như anh, người lãnh đạo được dân tin yêu, Đảng giao trọng trách. Trong thời buổi kinh tế thị trường nơi này, nơi kia còn có những cán bộ lợi dụng chức quyền nhũng nhiễu, ăn bớt ăn xén, tham nhũng của dân thì ở nơi này xã Đông Hà huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận, có người Chủ tịch vừa hồng vừa chuyên. Làm được như vậy, phải chăng trong anh đó là bản lĩnh người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, người CCB  cộng với bản chất Đảng viên Cộng Sản - Nguyễn Hữu Cải thật xứng đáng là người Đảng viên chân chính, là người đại diện của lòng dân. Xứng đáng là một CCB gương mẫu

 

 

Phạm Tiến Đặng

Hội truyền thống Trường Sơn Bình Thuận

 

tin tức liên quan