KỶ NIỆM VỚI ĐẠI TÁ TRẦN VĂN PHÚC 30 NĂM TRƯỚC
Từ trái sang: Trần Văn Phúc, họa sĩ cùng đi, Nguyễn Minh Đỉnh, đồng chí lái xe, Vũ Trình Tường
trong chuyến·đi khảo sát Nghĩa trang Trường Sơn cuối năm 1993
Đại tá Trần Văn Phúc- Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty XD Trường Sơn đã vĩnh biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng lúc 10g20 ngày 10-01-2023. Ông là một cán bộ kỹ thuật Cầu đường vào Trường Sơn từ năm 1965. Sau mười năm chiến đấu trên các cung đường, trọng điểm, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông lại tiếp tục công tác tại Binh đoàn 12- Tổng công ty XD Trường Sơn.
Ông là một cán bộ nhiệt tình, chu đáo làm việc rất bài bản. Tôi đã có nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc và vẫn còn lưu giũ nhiều kỷ niệm cùng ông. Tôi xin kể lại một kỷ niệm với ông 30 năm trước, mà đến nay tôi vẫn nhớ như in. Đó là vào đầu năm 1993, khi Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn đã khánh thành được 16 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp, nhiều hạng mục cần bổ sung cho đồng bộ. Trước hiện trạng đó, nguyên Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên viết một bức thư kêu gọi các địa phương có liệt sĩ ở Nghĩa trang LSTS, các doanh nghiệp công đức để cải tạo nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn và giao cho Binh đoàn 12 làm Chủ đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp. Binh đoàn 12 giao cho Viện Thiết kế làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế, Xí nghiệp 334 thi công, Ban Quản lý 6 là Đại diện Chủ đầu tư, đồng chí Trần Văn Phúc thay mặt Bộ Tư lệnh chỉ đạo chung. Một chiến dịch đi quyên góp, huy động vốn từ các địa phương, các doanh nghiệp lớn đã được Binh đoàn 12 thực hiện. Kết quả đã quyên góp được trên 1 tỷ đồng (bao gồm cả đóng góp bằng hiện vật).
Trần Văn Phúc và Vũ Trình Tường chụp ảnh trong chuyến đi
Được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đồ án thiết kế cải tạo Nghĩa trang, tôi đã có nhiều đợt khảo sát thực địa và tham dự các cuộc họp triển khai nhiệm vụ cùng Trần Văn Phúc theo sự chỉ đạo trực tiếp từ nguyên Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên.
Rất nhiều hạng mục được nâng cấp và xây dựng mới bàng nguồn vốn xã hội này: Cải tạo hồ nước, xây dựng hàng rào, cải tạo đảo trên hồ, xây dựng bãi đỗ xe, hoàn thiện đường giao thông nội bộ, cải tạo cổng nghĩa trang, xây dựng mô hình Hầm chỉ huy, xây dựng hệ thống cấp điện, trồng cây phủ kin nghĩa trang, nâng cấp các khu mộ … Mỗi hạng mục ông đều là người chỉ đạo từ thiết kế đến thi công. Tôi đã cùng ông có hàng chục chuyến đi từ Hà Nội- Quảng Trị, có lần đã ở lại Đông Hà hàng tuần lễ.
Tuy là nguồn vốn xã hội, nhưng việc quản lý và sử dụng rất có hiệu quả. Cũng trong thời gian này ông còn chỉ đạo các đơn vị cắm các bia Di tích trên 11 tỉnh của Việt Nam. Các Bia đúc bằng bê tông cốt thép đúc sẵn, có khắc chữ chìm trên bê tông. Hiện các bia ấy vẫn còn tồn tại ở nhiều di tích quan trọng.
Sau hơn một năm thi công, năm 1994, Dự án nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn đã hoàn thành. Qua lần trực tiếp làm việc dưới sự quản lý của ông, tôi thầm khâm phục tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ, sự chu đáo, cẩn trọng trong công việc.
Tôi viết những dòng này như nén hương tưởng nhớ Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn- Đại tá Trần Văn Phúc.
Tin: Vũ Trình Tường