"Càng quy hoạch càng rối" - Góc nhìn của Đặng Hùng Võ

Ngày đăng: 07:49 13/11/2023 Lượt xem: 75
GÓC NHÌN

Càng quy hoạch càng rối

Đặng Hùng Võ

Đặng Hùng Võ

Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Tôi vẫn nhớ buổi hội thảo về Dự án Luật Quy hoạch tại trụ sở Quốc hội trước ngày xem xét thông qua. Khi đó, một đại biểu có ý kiến: Quy hoạch là quy hoạch gì? Quy hoạch cán bộ có được điều chỉnh trong Luật này không?

Người tham dự có vẻ đăm chiêu vì câu hỏi. Sau đó, một người trong Ban Soạn thảo giải thích đây là "quy hoạch tổng thể phát triển", tức là mọi thứ phục vụ cho phát triển đều được quy hoạch theo Luật này. Câu trả lời vẫn chưa đúng câu hỏi. Cán bộ là yếu tố then chốt cho phát triển nhưng trong Luật Quy hoạch đã được thông qua, không thấy nội dung nào "quy hoạch cán bộ".

Từ 1998, lúc tôi đang làm việc tại Tổng cục Địa chính, Thủ tướng đã vài lần yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Tổng cục Địa chính ngồi lại, cùng thảo luận, tháo gỡ sự phức tạp trong nhiều loại quy hoạch mà các cơ quan cấp bộ không thể thống nhất. Ngồi lại cũng vài lần, nhưng không thể tháo gỡ được vì cơ quan nào cũng cho là quy hoạch của mình mới quan trọng. Gốc gác của vấn đề là Nhà nước đã chuyển đổi mô hình phát triển bằng kinh tế thị trường, nhưng cán bộ quản lý vẫn theo "tư duy bao cấp", lấy quy hoạch làm chỗ dựa để khẳng định quyền lực của mình.

Khoảng năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng một luật chuyên về quy hoạch nhằm thống nhất công tác này phục vụ phát triển kinh tế. Tôi được phân công cùng nhiều người thuộc Vụ Quy hoạch nghiên cứu, đánh giá hiện trạng hệ thống quy hoạch.

Khi đó, nước ta đã có 58 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh 115 loại quy hoạch, với 19.331 bản quy hoạch, phải chi khoảng 3 nghìn tỷ đồng cho chu kỳ 10 năm với các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện rất khác nhau.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch, Ban Soạn thảo đã mời chuyên gia từ các nước công nghiệp tới Việt Nam để nghe họ trình bày kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì rất nhiều, nhưng có thể tóm lại mấy vấn đề chính: Quy hoạch là việc tìm cách chia sẻ hợp lý tài nguyên thiên nhiên gắn với không gian mặt đất phục vụ đầu tư phát triển bền vững; Các nước chỉ có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, không có quy hoạch; Chỉ còn quy hoạch sử dụng đất với ý nghĩa phân vùng sử dụng đất, và quy hoạch đô thị, bao gồm cả các khu chức năng phi nông nghiệp có nhiều thay đổi để phát triển. Vì những kinh nghiệm này mà dự thảo Luật Quy hoạch không có đối tượng quy hoạch là gì, chỉ giải thích "đây là quy hoạch tổng thể".

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, để chuẩn bị lập quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030. Theo quy định chung, hệ thống quy hoạch bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất, và các quy hoạch ngành; Quy hoạch vùng (vùng địa lý kinh tế); Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Ngoài hệ thống quy hoạch quốc gia nói trên, Luật này quy định loại "quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành" tại Phụ lục II, trong đó có 38 quy hoạch cụ thể gồm cả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, và quy hoạch thứ 39 gồm "các quy hoạch khác có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành".

Dàn dựng pháp luật là vậy, nhưng Luật Quy hoạch 2017 không quy định về quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và quy hoạch đô thị - nông thôn. Bên cạnh đó, Luật này khẳng định không có quy hoạch xây dựng, và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Dựa vào nội dung quy hoạch thứ 39 trong Phụ lục II nói trên, rất nhiều quy hoạch khác được phục hồi trong các luật chuyên ngành sửa đổi. Sự rắc rối trong pháp luật về quy hoạch lại từng bước hiện nguyên hình trở lại, thậm chí có thể còn nặng nề hơn xưa.

Quy hoạch, kế hoạch là công cụ tối thượng để điều hành đất nước trong "nền kinh tế nhà nước chỉ huy tập trung" (kinh tế bao cấp khi xưa). Trong thời xưa đó, công tác lập quy hoạch, kế hoạch do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (to hơn cả siêu bộ) điều hành. Khi chuyển đổi từ "kinh tế bao cấp" sang "kinh tế thị trường", rất nhiều học giả đưa ra ý kiến thảo luận, viết rất nhiều bài báo chuyên sâu về nội dung "sự thay đổi công tác quy hoạch, kế hoạch khi vận hành kinh tế thị trường". Có ý kiến đã cho rằng cần thay đổi cả tổ chức, tức là chuyển tên Bộ phụ trách về quy hoạch sang thành Bộ Kinh tế. Quy hoạch từ công cụ pháp lệnh cần phải chuyển sang thành công cụ định hướng để nhường chỗ cho các quy luật thị trường "vùng vẫy". Thế nhưng, các nhà quản lý vẫn níu kéo cách quy hoạch theo kiểu cũ để bảo vệ quyền lực.

Hiện nay, luật pháp quy định về quy hoạch có chiều phức tạp hơn, mà chi phí từ ngân sách cho quy hoạch có chiều tăng cao hơn. Tôi hỏi các nơi đang xây dựng các hạng mục quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017, con số được ghi nhận sơ bộ là cũng phải chi hơn 7 nghìn tỷ đồng, vượt xa con số đã phải chi cho các loại quy hoạch trước ngày Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành. Tổng lại thì chi phí chắc chắn tốn kém hơn xưa, mà bức tranh quy hoạch còn rắc rối hơn xưa.

Vừa rồi, thị trường bất động sản đã "đứng bóng" vì rơi vào nhiều vướng mắc pháp luật. Các tỉnh cho biết có hai nguyên nhân lớn nhất: một là khó khăn trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, cũng như phục vụ nhu cầu của dân, do quy hoạch còn nhiều "vênh váo"; và hai là khó khăn về định giá đất sao cho phù hợp thị trường do quy định của pháp luật không cụ thể. Vậy nên quy hoạch vẫn là một nguyên nhân chính gây tổn hại cho phát triển thị trường bất động sản.

Như vậy, yêu cầu về đổi mới công tác quy hoạch, đặt ra từ 1998, đến nay không những chưa được giải quyết, mà còn có biểu hiện phức tạp và tốn kém hơn. Giải pháp cần thực hiện là định vị lại công tác quy hoạch sao cho hợp lý đối với nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang thị trường. Việc này không thể giao cho bất kỳ Bộ nào thuộc Chính phủ thực hiện. Đã đến lúc Quốc hội phải tự giải quyết nhờ một ban tư vấn bao gồm các chuyên gia có chiều sâu về tri thức và nhiều kinh nghiệm từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội.

Đặng Hùng Võ
PS st theo VnExpress

tin tức liên quan
test 123