Hội thảo với Chủ đề: “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1971 đến năm 1975”.
HỘI THẢO KHOA HỌC VAI TRÒ CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRONG CÁC CHIẾN DỊCH
CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC - TỪ NĂM 1971 ĐẾN NĂM 1975
Đoàn Chủ tịch Điều hành Hội thảo
Sáng nay, ngày 17/5/2024, tại Cơ quan Binh đoàn 12 ở Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự - Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Binh đoàn 12 đã phối hợp tổ chức Hội thảo với Chủ đề: “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1971 đến năm 1975”.
Đến dự Hội thảo quan trọng này, có Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự. Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hữu Ngọc, Tư Lệnh Binh đoàn 12. Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam. Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung uơng, Hội Trường Sơn Việt Nam, Binh Đoàn 12 và các nhà khoa học…
Báo cáo Đề dẫn và Phát biểu của Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng nêu rõ vai trò quan trọng và sự hy sinh, đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn; từ ngày 19/5/1959 Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559) có nhiệm vụ mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn. Trong suốt 16 năm hoạt động (1959 – 1975), Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh không chỉ giữ vững vai trò là tuyến chi viện chiến lược mà còn là tuyến chiến trường tổng hợp hết sức ác liệt; đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thống nhất đất nước.
Tại cuộc Hội thảo Ban Tổ chức đã nhận được hơn 60 Báo cáo tham luận, của các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan trong và ngoài quân đội, các tướng lĩnh, sỹ quan, các nhà khoa học và nhiều nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu, đóng góp, xây dựng và phát triển tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Ngoài Báo cáo Đề dẫn, tại Hội thảo đã có 8 Báo cáo tham luận trực tiếp được báo cáo trong hội thảo và tập Kỷ yếu dầy gần 1000 trang là những số liệu, tài liệu mới rất có giá trị trong nghiên cứu; làm sáng tỏ hơn nữa những giá trị lịch sử của tuyến Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sự hy sinh to lớn của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày đêm chiến đấu chống lại sự đánh phá dã man, ác liệt nhất của kẻ thù có nền công nghiệp và vũ khí hiện đại hơn chúng ta hàng trăm lần… Mà chúng ta vẫn nhất định không chịu khất phục, quyết tâm giành chiến thắng.
Bằng phương pháp luận khoa học, tiếp cận khách quan, tư duy logic, đổi mới. Hội thảo tập trung luận giải sâu sắc vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1971 đến 1975, với các chiến thắng lớn quan trọng. Trong đó, Bộ đội trường Sơn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chi viện kịp thời sức người, sức của, vũ khí, lương thực để tiền tuyến đánh thắng…
Điển hình là Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào năm 1971. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đặc biệt, từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường để đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Với phương châm và mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Tổng Tư lệnh. Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển nhiều Binh đoàn chủ lực của Quân đội ta, đưa một khối lượng vật chất, kỹ thuật to lớn tới chiến trường miền Nam. Luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom, mìn; vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc cầu mới cho cho quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn. Góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; đánh tan bè lũ tay sai bán nước, thu non sông về một mối, tiến tới thống nhất đất nước.
Hội thảo kết thúc bằng báo cáo Tổng kết Hội thảo cô đọng và súc tích của Viên trưởng Viện Lịch Sử Quân sự; với nhiều vấn đề lý luận và thực tế mới trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta…
Kính mong các dồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội và các nhà khoa học; tiếp tục có những nghiên cứu mới, sáng tạo để không ngừng làm sáng tỏ hơn nữa về lý luận quân sự tài tình của Đảng và Quân đội ta; trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược vận chuyển trên tuyến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh anh hùng và huyền thoại.
Các đại biểu Dự Hội thảo
Thượng tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phát biểu Tham luận tại Hội Thảo
Các Đại biểu Dự Hội thảo
Các Đại biểu chụp ảnh Lưu niệm
Bài và ảnh: TS. Phan Vĩnh Điển - Lê Huân
BTV Ban TTTĐ, Hội Trường Sơn Việt Nam