Ngày thứ 2 hoạt động tri ân tại Quảng Trị

Ngày đăng: 09:39 18/07/2018 Lượt xem: 578
NGÀY THỨ 2 HOẠT ĐỘNG TRI ÂN TẠI QUẢNG TRỊ

      Chúng tôi rời KS Royal Đồng Hới, Quảng Bình lúc 7 giờ. Đoàn thẳng hướng trên đường Hồ Chí Minh về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
     Đã nhiều lần tới viếng các đồng đội ở Nghĩa trang Trường Sơn nhưng hôm nay trong chúng tôi ai cũng hồi hộp, trào dâng cảm xúc thương cảm xen lẫn tự hào. Nhiều chúng tôi đều có người thân, đồng đội mãi mãi yên nghỉ tại đây…
     Trước khi xe đến Nghĩa trang Trường Sơn, đồng chí Phạm Thành Long đã kể chuyện về xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn; kể về những câu chuyện lạ trong quá trình xây dựng và vai trò quyết định sáng suốt và tầm nhìn vượt thời gian của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khi ông đề suất việc tổ chức cất bốc hài cốt Liệt sĩ Trường Sơn ở Tây Trường Sơn về đất mẹ thân yêu ngay sau Hiệp định Pari; chuyện về việc đích thân Tư lệnh lội bộ, vạch rừng tìm địa điểm xây dựng nghĩa trang và sự kiện động thổ xây dựng nghĩa trang Trường Sơn ngày 24-2-1975… Kết thúc câu chuyện của mình, đồng chí Thành Long khẳng định: Sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là vị tướng có tầm và có tâm nhất của quân đội ta… Đồng chí Thành Long cũng giới thiệu với mọi người đồng chí Tạ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nữ CSTS Thái Bình một chiến sĩ của Tiểu đoàn 674 – một trong 6 đơn vị vinh dự trực tiếp xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
      Tạ Thị Hạnh tâm sự với đồng đội trong niềm xúc động: Những ngày tháng xây dựng nghĩa trang Trường Sơn là những ngày tháng mà em không bao giờ quên. Nó hằn sâu trong ký ức mà mỗi khi nhớ về nó thì cứ như hôm qua vậy… Ngày ấy chúng em là những cô gái mới 21 – 22 tuổi đời. Thế mà nhiều ngày liền, chúng em đã mang những bộ hài cốt của liệt sĩ đi làm vệ sinh sạch sẽ trước khi đưa hài cốt các anh vào tiểu. Ngầy ấy chúng em không ai biết sợ là gì. Ai cũng làm việc với một niềm thương cảm. Nhiều chúng em vừa tắm rửa xương cốt các anh mà nước mắt rơi lã chã vì thương cảm. Nhiều anh, hài cốt không còn nguyên vẹn. Thương lắm! Chúng em ai cũng coi hài cốt liệt sĩ đồng đội như chính người thân của mình… Tiểu đoàn trưởng Lương Ngọc Trác của chúng em đã ghi danh sách 700 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn rồi chôn dưới chân Đài Tổ quốc ghi công. Ông bảo: 700 anh chị em chúng ta mãi mãi sống với liệt sĩ Trường Sơn. Đấy là niềm tự hào của Tiểu đoàn 674 chúng ta… 
     Câu chuyện của Tạ Thị Hạnh chưa kết thúc thì xe của đoàn đã tiến vào cổng Nghĩa trang Trường Sơn. Điều vui mừng là, đoàn đại biểu của Ban Liên lạc Nữ CSTS tỉnh Quảng Trị đã chờ đoàn chúng tôi tại đây. Đoàn do chị Nguyễn Thị Thắm, Ủy viên CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn dẫn đầu. trong đoàn còn có đồng chí Lê Văn Hói, Phó trưởng Ban Liên lạc truyền thống trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Anh Hoàng Kiền giới thiệu với chúng tôi: Đây là đồng chí Hồ Vơi, nguyên Trưởng ban Liên lạc Trường Sơn huyện Đắc Krông. Anh em chúng tôi đã gặp nhau và quen biết trước đây. Lần ấy, anh Hồ Vơi đi họp mang theo 4 lít mật ong. Tôi hỏi thì anh chân thật cho biết: Mình mang mật ong đi bán để có tiền đi họp nhưng chưa có ai mua. Thấy vậy tôi liền bảo anh: Để tôi mua giúp… Kỷ niệm của chúng tôi là vậy. Anh Hồ Vơi là lính gùi thồ Trường Sơn…
        Chúng tôi nhanh chóng làm lễ dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ rồi tiến vào khu Đài Liệt sĩ Trường Sơn. Sau khi làm thủ tục tại đây để kính cáo với các Anh hùng, liệt sĩ đồng đội rằng “Hôm nay, 12-7-2018, nhằm ngày 29 tháng 5 Mậu Tuất, chúng tôi đoàn công tác của Hội Nữ CSTS và CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn cùng Công ty Đầu tư kinh doanh phát triển nhà và Thương mại Hà Nội tới dâng hương kính viếng anh linh của các anh, các chị…”. Chị Trần Thị Chung là người vô cùng chu đáo. Chị biết trong số hơn 30 thành viên của đoàn quê ở 6 tỉnh thành phố. Chị cho sắp 6 túi lễ để các anh các chị trong đoàn tỏa về làm lễ, dâng hương tại 6 khu mộ của: Hà Nội, Hà Tây cũ, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Chúng tôi tỏa về các khu nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ đồng hương.
      Rời Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi đến Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Nơi đây yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, liệt sĩ từ khắp miền Tổ quốc yên nghỉ tại đây. Nghĩa trang Đường 9 sau đợt trung tu lớn năm  2015-2016 bây giờ khang trang và đẹp quá. Không gian nghệ thuật kiến trúc hiện đại – dân tộc và rất đẹp của cảnh quan khu tưởng niệm của Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Làm thủ tục tâm linh tại đây, chúng tôi tiến hành đặt lễ, dâng hoa, dâng hương. Trong tiếng nhạc trầm hùng, chúng tôi nghiêng mình tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ. Thật khó diễn đạt tình cảm của chúng tôi khi dâng nén hương thơm tại Nghĩa trang Đường 9.


 

Đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị.
  
       Buổi chiều chúng tôi tới dâng hương tại Đài tưởng niệm tại Thành cổ Quảng Trị. Trước khi vào viếng, đoàn đã được xem bộ phim về lịch sử cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu giữ Thành cổ. Chúng tôi được cô hướng dẫn viên giới thiệu về ý nghĩa của Đài tưởng niệm, về các kỷ vật của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị… Không gian như ngương lại khi CCB - Thượng tá Quang Tuấn – người đọc lời viếng với giọng trầm hùng, tình cảm tri ân các Anh hùng Liệt sĩ Thành cổ... Thượng tá Quang Tuấn là con trai thứ của Chính ủy Sư đoàn 308 Nguyễn Việt. Chính ủy Nguyễn Việt đã hy sinh tại Bản Đông – Lào trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, tháng 2 năm 1971. Có một điều đặc biệt đã xảy ra. Khi đứng chào các Anh hùng, Liệt sĩ, bàn tay của Thiếu tướng Hoàng Kiền cứ run lên bần bật. Một số đồng chí nữ trong đoàn cũng thấy cơ thể mình có biểu hiện đặc biệt: Chân các chị cứ run lên. Nhà giáo Ngô Thị Khiếu, phu nhân của Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết, anh Kiền không bị bệnh ai-giê-mơ. Khi được hỏi, anh Kiền cho biết: Chẳng hiểu sao lúc ấy tự nhiên tay tôi cứ run lên thế… Một số người nhạy cảm với tâm linh đã “nối mạng” với thế giới tâm linh nên họ đã có biểu hiện như vậy. Hiện tượng của anh Hoàng Kiền và một số chị chính là biểu hiện hiện tượng ấy. Các anh linh linh thiêng của Anh hùng – Liệt sĩ Thành cổ - những thanh niên, sinh viên, tuổi đời rất trẻ đã ngã xuống để Tổ quốc ta vinh quang, rực rỡ như ngày nay. Tình cảm của đoàn chúng tôi đã được các anh đón nhận…
      Đoàn đã dâng hương tại nhà Nhà tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên dòng sông và hai bờ Thạch Hãn. Tại đây, sau khi thắp hương, đặt lễ tại bàn thờ Bác Hồ và các Liệt sĩ trên dòng Thạch Hãn, chúng tôi tiến hành thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Trưởng đoàn Trần Thị Chung và đồng chí Nguyễn Thị Thắm lội xuống nâng vòng hoa cùng Giám đốc – CCB Phan Văn Máy và Thiếu tướng Hoàng Kiền trân trọng thả xuống dòng sông Thạch Hãn. Tất cả chúng tôi trào dâng niềm xúc cảm khi cắm những thẻ hương lên chiếc lư hượng bằng đá hoa cương lớn đặt bên dòng sông Thạch Hãn. Ai trong chúng tôi cũng thầm nghĩ: Tình cảm chân tình của mình chắc chắn được các anh đón nhận. Thật vô tình, có một chiếc thuyền con bơi ra mang 2 vòng hoa của đoàn chúng tôi ra thả giữa dòng sông. Ở giữa dòng Thạch Hãn, mùa này nước chảy nhẹ. Hai vòng hoa của đoàn cứ lặng lẽ trôi theo dòng nước trước sự ngắm nhìn của chúng tôi…
      Buổi tối, tại hội trường nhỏ của khách sạn Sài Gòn, đoàn chúng tôi đã có cuộc giao lưu tặng quà các nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Nguyễn Thị Thắm, Ủy viên CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn là “chủ nhà” của cuộc giao lưu đầy ý nghĩa này. Đến dự cuộc giao lưu cùng chúng tôi có đồng chí Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội CCB Quảng Trị, Thượng tá Lê Văn Hói, Phó Trưởng ban Liên lạc Trường Sơn cùng đại diện các nữ chiến sĩ Trường Sơn các huyện của tỉnh Quảng Trị. Rất nhiều bài hát đã được các anh, các chị Trường Sơn Quảng Trị biểu diễn. Tôi đặc biệt ấn tướng khi biết trong số 5 nữ ca sĩ Trường Sơn có chị Đức Minh, nguyên một danh ca của Văn công Trường Sơn. Chị đã 72 tuổi. Thế mà chị vẫn lên sân khấu hát những bài hát về Trường Sơn say sưa như ngày nào chị hát phục vụ đồng đội trên Trường Sơn.
       Phát biểu với các đồng chí Nữ Trường Sơn Quảng Trị, đồng chí Trần Thị Chung xúc động chia sẽ những khó khăn với các chị em Trường Sơn Quảng Trị. Thay mặt CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn và Công ty Đầu tư Kinh doanh phát triển nhà và Thương mại Hà Nội chị đã trao tặng 20 suất quà cho 20 nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Nhân dịp này BLL Nữ Quảng Trị đã vận động để 2 doanh nghiệp tặng quà nữ CSTS khó khăn trị giá 14 triệu đồng…
       Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB Quảng Trị, đồng chí  Trần hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội CCB Quảng Trị cám ơn tình cảm mà CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn đã dành cho các CCB Nữ Trường Sơn Quảng Trị… Cũng tại buổi giao lưu, các đồng chí BLL Nữ CSTS TP. Đông Hà và huyện Cam Lộ cũng bày tỏ tình cảm và kiến nghị với Hội Nữ CSTS và Trung ương Hội chỉ đạo, tạo điều điện để đồng chí Nguyễn Thị Thắm, nguyên Trưởng BLL Nữ CSTS tỉnh Quảng Trị tiếp tục hoạt động cống hiến cho BLL Nữ CSTS…
       Buổi giao lưu, tặng quà kết thúc cảm động trong bài ca Như có Bác trong ngày vui đại thắng.
     
       Thành Long

 
 

Thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn.
 
 
 
 
Tặng quà tình nghĩa các nữ CSTS Quảng Trị.
 
tin tức liên quan
test 123