Nhớ mãi Thiếu tướng - Anh hùng Nguyễn Bá Tòng - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 08:58 22/12/2019 Lượt xem: 1.021
NHỚ MÃI THIẾU TƯỚNG – ANH HÙNG NGUYỄN BÁ TÒNG
 

                      

Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND NGUYỄN BÁ TÒNG, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12 đã từ biệt đồng chí, đồng đội Trường Sơn chúng ta vào 14 giờ 5 phút ngày 14/12/2019 (tức ngày 19 tháng 11 Kỷ Hợi) tại nhà riêng, Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội. Đồng chí sinh ngày 19/11/1946; quê quán: Trịnh Xá, Bình Lục, Hà Nam; 53 năm tuổi Đảng.
Lễ tang Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng đã được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, từ 9 giờ 30 phút ngày thứ bảy 21/12/2019 tại số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội trong niềm tiếc thương của đồng chí, đồng đội, bạn bè thân hữu, họ hàng và gia đình. Đồng chí Nguyễn Bá Tòng đã được an nghỉ tại Nghĩa trang công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
    Quê gốc Hà Nam nhưng đồng chí Nguyễn Bá Tòng sinh ra tại thị trấn Kép, Bắc Giang và lớn lên tại Yên Bình, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Học xong lớp 7, ngày 10/9/1965, Nguyễn Bá Tòng lên đường nhập ngũ. Anh là lính Đại đội pháo cao xạ 100 ly của Quân khu Việt Bắc. Từ năm 1965 đến năm 1968, anh cùng đơn vị đánh hàng trăm trận với máy bay Mỹ, bảo vệ các mục tiêu ở Lạng Sơn, Thái Nguyên và Việt Trì. Trong những ngày đối đầu với máy bay Mỹ, ngày 11/12/1966, anh đã vinh dự trở thành đảng viên cộng sản.
Sau khi Bác mất, Đại đội 4, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 304 B của anh được lệnh hành quân bổ sung cho chiến trường. Sau đó cả đơn vị được lệnh bổ sung cho Bộ Tư lệnh 559. Đại đội 4 của anh được điều về E công binh 98. Anh được phân về C6, D2, E98. Đơn vị của anh tham gia mở đường và bảo đảm giao thông tại BT42, BT34. Cuối năm 1970, anh lại cùng đơn vị quay ra tuyến ngoài mở đường 16A, 16B, 16D, mở rộng đường 9, rồi khôi phục đường ở A Sầu, A Lưới. Dấu chân người lính công binh Nguyễn Bá Tòng đã in trên nhiều tuyến đường quan trọng, nhiều trọng điểm ác liệt của Trường Sơn.  
Rạng sáng 12 tháng 3 năm 1971, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã bước vào đợt tổng công kích thứ 2. Lúc này, Binh trạm 27 được lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức 150 xe của tiểu đoàn 62 và tiểu đoàn 965 chở đạn pháo, thuốc quân y và lương thực tiếp tế cho các đơn vị tham gia mặt trận.
Đơn vị công binh của Nguyễn Bá Tòng thời gian ấy chốt giữ bảo đảm giao thông tại dốc U Bò gần ngã ba Chà Lỳ trên đường 16. Đêm ấy, đoàn xe chở đạn bắt đầu vượt dốc. Chiếc xe đi đầu đội hình bất ngờ bị máy bay AC 130 bắn trúng, bốc cháy. Đồng chí lái xe bị thương. Anh chỉ kịp mở cửa cố thoát ra khỏi chiếc xe đang bốc cháy. Tổ công binh của Nguyễn Bá Tòng trực ở đỉnh dốc vội lao ra dập lửa và cứu chữa thương binh. Nhưng cả 4 chiến sĩ công binh đều bị thương. Chiếc xe chở đạn bén lửa vẫn đang bốc cháy. Đoạn đường dốc này khá hẹp. Những chiếc xe khác không thể vượt qua chiếc xe bị cháy để tiếp tục hành quân. Tình hình vô cùng nguy cấp cho cả đoàn xe.
Đang trực ở hầm bảo đảm giao thông ở dưới chân dốc thì Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Tòng nhận được lệnh qua điện thoại mang bộc phá lên giải quyết thông đường.
 Anh lao ra khỏi hầm hộ tống chạy thẳng lên đỉnh dốc. Trên đầu, AC130 vẫn điên cuồng vãi đạn xuống mặt đường đỏ lừ. Ngọn lửa đã gần trùm kín thành xe. Lửa táp vào anh rát bỏng. Nguyễn Bá Tòng nhanh chóng xác định vị trí đánh bộc phá. Giành giật với giặc lửa từng phút, từng giây. Nguyễn Bá Tòng đã “kích hoạt” khối bộc phá thành công. Anh vội lao ra khỏi chiếc xe. Chạy chưa đầy 15 mét thì bộc phá nổ. Một tiếng nổ kinh hoàng. Áp lực của khối bộc phá đẩy Nguyễn Bá Tòng ngã lăn xuống ta luy âm. Chiếc xe zin 130 bị hất bay khỏi mặt đường rơi xuống vực. Mặt đường không hề hấn gì.
  Nguyễn Bá Tòng bị sức ép, ngất đi. Đường thông, đoàn xe của D62 và D965 sau đó đã vượt dốc an toàn kịp thời tiếp đạn cho các đơn vị tham gia Chiến dịch.
Nguyễn Bá Tòng bị ngất sâu. Mãi cho tới ngày hôm sau anh mới tỉnh. Đôi tai của anh hoàn toàn điếc đặc. Hành động dũng cảm, quyết đoán ấy của Nguyễn Bá Tòng đã giúp anh trở thành Anh hùng LLVTND, ngày 11/11/1973.
Sau lần ấy Nguyễn Bá Tòng lại bị thương lần thứ hai trong khi làm nhiệm vụ. Mảnh bom găm và bụng, vào chân. Một mảnh bom vẫn găm vào bả vai anh cho tới tận bây giờ…
Từ một người lính trưởng thành qua chiến đấu trên Trường Sơn Anh hùng, Nguyễn Bá Tòng được bồi dưỡng, đào tạo trở thành cán bộ chính trị. Anh tốt nghiệp Học viện Chính trị, rồi cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân (1984-1989). Tháng 2/1996 đến tháng 5/2005, anh là Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12. Tháng 1/3/2007, anh được nghỉ hưu. Cũng từ năm 2007, anh được Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ chí Minh Việt Nam mời tham gia Phó Trưởng ban Liên lạc. Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (tháng 7/2011), Nguyễn Bá Tòng được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội nhiệm kỳ II của Hội, (tháng 9/2016), đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Hơn 8 năm qua, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội phụ trách công tác Truyền thống – Lịch sử, đồng chí đã cùng với Thường trực và Ban Thường vụ đóng góp công sức và trí tuệ vào đề án trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần công nhận 46 Di tích lịch sử Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt…
Là một thương binh, nhưng anh còn bị nhiễm chất độc hóa học. Từ nhiều năm nay đồng chí Nguyễn Bá Tòng đã mang nhiều trọng bệnh: Suy tim độ 4 và tràn dịch màng phổi. Cháu trai đích tôn của đồng chí cũng là nạn nhân chất độc da cam…
Anh vẫn tâm sự: “Tôi mắc nợ Trường Sơn nhiều lắm. Chính Trường Sơn đã tôi luyện để tôi trưởng thành như hôm nay…” 
Bởi thế, dù sức khỏe hạn chế, nhưng vì Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Bá Tòng không nề hà tham gia nhiều chuyến đi chỉ đạo công tác Hội tại nhiều địa phương trong cả nước; đi khảo sát nhiều địa điểm di tích lịch sử Trường Sơn…
Hơn một tháng nay, anh đã hai lần vào bệnh viện điều trị tràn dịch màng phổi. Vừa xuất viện được 2 ngày, anh lại nhận lời tham dự Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên toàn quốc lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 12/12/2019 tại Hà Nội vừa qua. Sáng 13/12/2019, anh còn tham dự cuộc gặp mặt các tướng lĩnh nghỉ hưu do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức. Sáng 14/12/2019, anh vẫn ngồi vào bàn làm việc. Đến khoảng 14 giờ thì anh bị một cơn đau tim đột ngột. 14 giờ 5 phút, đồng chí Nguyễn Bá Tòng đã trút hơi thở cuối cùng trên tay người vợ thân yêu của mình.
Khi được hỏi về bí quyết của một cán bộ chính trị, đồng chí Nguyễn Bá Tòng, tâm sự: “Với mình trước hết đó là sự chân tình. Người cán bộ chính trị nếu không có tấm lòng chân tình với anh em, đồng đội thì khó có thể hoàn thành tốt được công việc. Tất nhiên, là cán bộ chính trị còn phải đòi hỏi có trình độ và năng lực chuyên môn cùng sự nhạy cảm trong mọi tình huống…”
          Phải chăng với phương châm này mà trong suốt quá trình công tác từ khi còn làm một tiểu đội trưởng đến “Chính ủy” của một Binh đoàn đã giúp anh thành công?   
Đi nhiều thì tốn kém tiền bạc và sức khỏe. Nghĩ nhiều cho công việc thì tổn hại sức lực. Không một đồng phụ cấp, nhưng anh và lãnh đạo cùng các cộng sự ở Trung ương Hội không mảy may tính toán cho riêng mình. Tất cả đều vì Trường Sơn và trả nghĩa cho Trường Sơn, như anh đã nhiều lần chân tình tâm sự. Đó không chỉ là phẩm chất của một người Anh hùng khi “đã hạ cánh an toàn” về với cuộc sống đời thường như Tướng Nguyễn Bá Tòng, mà còn là phẩm chất của nhiều vị tướng lĩnh và sĩ quan của Hội Trường Sơn ở mọi miền đất nước hôm nay.
Thiếu tướng – Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Bá Tòng ra đi là một tổn thất lớn cho Hội Trường Sơn Việt Nam. Anh là một vị tướng giản dị, chân thành, hiền lành và ít nói. Anh ra đi để lại nhiều nỗi tiếc thương cho đồng chí, đồng đội.
50 năm gắn bó với Trường Sơn cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, Anh hùng Nguyễn Bá Tòng là một người lính Trường Sơn đặc biệt. Gần như cả cuộc đời đã chiến đấu và cống hiến cho Trường Sơn, vì Trường Sơn huyền thoại; dành tâm huyết, sức lực của những năm tháng cuối cuộc đời để góp phần làm cho Trường Sơn sống mãi không chỉ hôm nay mà còn cho mai sau.
Anh là một người lính – một vị tướng – một Anh hùng Trường Sơn sống mãi trong nỗi tiếc thương và cảm phục của đồng chí, đồng đội Trường Sơn.
 
Phạm Thành Long
Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan
test 123