Kết quả ấn tượng từ cuộc thi LBTS và GSTS

Ngày đăng: 07:34 19/05/2016 Lượt xem: 428

KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG

TỪ CUỘC THI “LỤC BÁT TRƯỜNG SƠN”

VÀ “GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG SƠN”

Đại tá – Nhà văn Phạm Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ TƯ. Hội

Trưởng ban Tuyên truyền Thi đua, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi.

Các đồng chí thân mến,

Năm 2013 và 2014, cuộc thi viết “Ký ức Trường Sơn” do Hội truyền thống Trường Sơn – Đường hồ Chí Minh Việt Nam phát động đã thắng lợi tốt đẹp. Cuốn sách “Ký ức trường Sơn” gồm 2 tập, mỗi tập dày 320 trang đã ra mắt và được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao.

Thành công của cuộc thi “Ký ức Trường Sơn” khẳng định tiềm năng văn học của Bộ đội Trường Sơn là rất dồi dào. Trường Sơn đã đang và mãi mãi là nguồn xúc cảm, là kỷ niệm thường nhật trong ký ức và tình cảm của các chiến sĩ Trường Sơn; Trường Sơn là đề tài có sức hút kỳ lạ không chỉ với Bộ đội Trường Sơn mà cả của những ai đã từng đi qua Trường Sơn... Những người trong cuộc viết nên Trường Sơn huyền thoại, không gian và thời gian một thời tạo nên ký ức Trường Sơn thì đang trôi dần về quá khứ... Các chiến sĩ Trường Sơn – những người đã viết nên Trường Sơn huyền thoại, hôm nay trở về với cuộc sống đời thường, họ lại tiếp tục viết nên những kỳ tích mới. Biết bao tấm gương đẹp của Trường Sơn ngày hôm qua, tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay...

       Vì vậy, tại Hội nghị BCH trung ương Hội ngày 6/12/2014, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam quyết định phát động cuộc thi thơ “Lục bát trường Sơn” và cuộc thi viết “Gương sáng Trường Sơn”. Văn bản về cuộc thi nhanh chóng được chuyển tải trong hệ thống tổ chức của Hội tại 48 tỉnh, thành phố và 84 đơn vị truyền thống trong cả nước. Trang thông tin Trường Sơn của Hội nhanh chóng đăng tải thể lệ và có nhiều bài viết hướng dẫn, tuyên truyền về 2 cuộc thi này.

Công ty Dược phẩm Eco với nhãn hàng Sâm Alipas đã tài trợ cho 2 cuộc thi này của Hội.

Cuộc thi dường như đã khơi đúng mạch nguồn xúc cảm, đánh thức tiềm năng dồi dào về thơ ca của các chiến sĩ Trường Sơn. Cuộc thi ngay lập tức cuốn hút và lan tỏa nhanh chóng, được các hội viên Trường Sơn trong cả nước hưởng ứng sôi nổi, nhiệt tình. Cuộc thi còn cuốn hút nhiều đối tượng ngoài Bộ đội Trường Sơn tham gia dự thi. Hội Trường Sơn Nam Định và Hội Trường Sơn Lâm Đồng đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát động cuộc thi trong toàn tỉnh. Nhiều địa phương, đơn vị đã thành lập Ban Tổ chức cuộc thi tại địa phương, đơn vị mình. Nhiều Hội, Ban Liên lạc cấp huyện đã nhanh chóng phát động hướng ứng cuộc thi và tập hợp, tuyển chọn tác phẩm dự thi có chất lượng gửi về TƯ. Hội dự thi.

Cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn”, Ban Tổ chức đã nhận được 4.955 tác phẩm dự thi của hơn 3000 tác giả trong cả nước. Trong đó gần 4.000 tác phẩm đã được giới thiệu trên Trang thông tin Trường Sơn. Ngày 23/12/2014, Trang thông tin Trường Sơn công bố 5 bài thơ đầu tiên gửi về dự thi của Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ, CLB nghệ thuật Trường Sơn. Sau đó, Ban Biên tập liên tiếp nhận được thơ của hội viên Trường Sơn gửi dự thi qua đường thư điện tử. Bình quân mỗi ngày Trang thông tin Trường Sơn giới thiệu hàng chục tác phẩm thơ và bài viết dự thi. Năm xưa Trường Sơn là một chiến trường tác chiến hợp đồng binh chủng, thì hôm nay trong cuộc thi “Lục bát trường Sơn” chúng ta lại thấy đội quân binh chủng hợp thành ấy lại “ra quân”. Chiến sĩ lái xe, chiến sĩ công binh, giao liên, quân y, cao xạ, chiến sĩ kho, chiến sĩ bộ binh, chuyên gia giúp bạn, vận tải đường sông, thanh niên xung phong... của 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc ngày nào đều có bài dự thi. Tác giả cao tuổi nhất dự thi là đồng chí Nguyễn Sĩ Nhiếp ở thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh, sinh năm 1930. Nhà thơ, nhà báo CCB Lệ Bình – Trưởng cơ quan Đại diện báo Thiếu niên tiền phong tại TP. Hồ Chí Minh, là một người lính của chiến trường B3 năm xưa. Anh đã gửi tập “Nhật ký Trường Sơn” dự thi gồm 29 bài thơ được làm trên đường hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường (trong thời gian từ tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 1971). Nhiều cháu là sinh viên cũng hăng hái gửi thơ dự thi. Các cháu chỉ biết Trường Sơn qua sách báo, phim ảnh, qua những câu chuyện kể của người thân mình. Nhưng cảm phục trước sự hy sinh to lớn và chiến công huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn, các cháu đã viết nhiều bài thơ khá cảm động.

Chỉ tính 174 tác phẩm lọt vào Chung khảo, chúng ta đã thấy một “bức tranh” khá sinh động và đặc sắc về cuộc thi này. Phạm Đăng Kiểm và Phạm Thị Nhung là cặp vợ chồng hội viên Trường Sơn ở Phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn Bắc Ninh. Anh chị nguyên là quân y sĩ của Đội Điều trị Binh trạm 35, Sư đoàn 471 Trường Sơn. Anh chị kết duyên đầu năm 1972 ở Nam Lào. Họ đều có tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo. Điều rất bất ngờ và xúc động là người có tới 7 tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo lại là một hội viên Trường Sơn khiếm thị. Đó là đồng chí Đặng Thanh Nghị ở xã Vũ Lăng, Tiền Hải, Thái Bình. Hội viên Trường Sơn Nguyễn Tất Đình Vân ở thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh gửi dự thi gần 100 bài thơ có chất lượng. 3 tác phẩm của Nguyễn Tất Đình Vân đã lọt vào Chung khảo. Bài “Tắm suối” của anh đã đoạt Giải Ba. Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch TƯ. Hội có 3 bài thơ vào Chung khảo. Đặc biệt, Trung úy, hội viên Tạ Bá Hận, thôn Công Hà, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Anh là bệnh binh bị ung thư giai đoạn cuối. Bệnh tình hiểm nghèo không ngăn được dòng cảm xúc tuôn trào về Trường Sơn trong anh. 3 bài thơ của anh đã lọt vào vòng Chung khảo. Trong đấy, bài “Nỗi đau da cam” của anh đã đoạt giải Giải Ba…Còn rất nhiều điều đáng nói như thế về cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” của chúng ta.

Ở cuộc thi lần này, các nhà thơ, nhà văn chuyện nghiệp đã rất hài lòng về sự làm việc chuyên nghiệp của Ban Tổ chức cuộc thi. Ban Giám khảo Sơ khảo đã làm việc khách quan, công tâm đầy trách nhiệm. Các tác phẩm được chọn vào Chung khảo đều được xóa tên tác giả và địa danh, chỉ ghi số mật danh. Khi tác phẩm chấm Chung khảo tới tay các thành viên Ban Chung khảo bảo đảm bí mật tuyệt đối về xuất xứ của tác phẩm. Căn cứ điểm của các thành viên Ban Chung khảo, Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi vào bảng điểm tổng hợp. Kết quả điểm bình quân của các thành viên Ban Chung khảo là căn cứ để lựa chọn thứ tự các tác phẩm đoạt giải theo thể lệ. Và cuối cùng, khi có kết quả sơ bộ, Ban Giám khảo đã họp toàn thể để trao đổi, thống nhất quan điểm và bỏ phiếu để lựa chọn các tác phẩm đoạt giải.

Đại tá, Nhà thơ quân đội Vương Trọng – nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thành viên Ban Giám khảo đã nhận xét: “Với số lượng và chất lượng cuộc thi “Lục bát Trường Sơn”, tôi có thể khẳng định cuộc thi của chúng ta có thể sánh ngang với bất cứ cuộc thi thơ tầm cỡ quốc gia nào.   Đặc biệt, tôi đánh giá cao chất lượng thơ từ cuộc thi này. Chất lượng của những tác phẩm đoạt giải có thể sánh ngang với nhiều cuộc thi thơ có tên tuổi được tổ chức tại Việt Nam. Nhiều bài thơ ngoài giá trị về nội dung, còn rất thành công về nghệ thuật ngôn từ thơ lục bát. Có rất nhiều bài thơ, khổ thơ, câu thơ hay và khá chuyên nghiệp...”

Đại tá, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Trưởng ban Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nhận xét: ... “Theo tôi, phần lắng đọng nhất, sâu nhất của cuộc thi này là những bài thơ viết về thân phận người lính Trường Sơn và người thân của họ sau chiến tranh. Những mất mát, thiệt thòi mà họ phải chịu đựng trong và sau cuộc chiến lâu dài, phản ánh đúng sự khốc liệt, nghiệt ngã vô cùng của hiện thực đã qua. Chiến tranh đã lùi xa hằng ba, bốn thập kỷ, chúng ta có cơ hội nhìn lại năm tháng đã đi qua một cách điềm tĩnh và toàn diện hơn. Hy sinh, mất mát là quá lớn. Hệ lụy của chiến tranh để lại chẳng bé nhỏ chút nào. Vết thương dẫu liền sẹo vẫn còn những nhức buốt trong tim. Khi trái gió trở trời, khi thế thái nhân tình đầy quanh co, giông bão thì những nhức buốt kia lại quặn xiết hơn...”

Bài thơ Duật ơi! Đoạt giải Nhất của Phạm Đăng Kiểm, tuy không dài nhưng dung lượng đủ chứa những điều cần nói về Phạm Tiến Duật, về Trường Sơn: Anh theo “Vòng trắng” về trời / “Vòng đen” gửi lại nhắc người mai sau / “Vầng trăng quầng lửa” trên đầu / Cho “Xe không kính” qua cầu Thời gian / Sách đâu mở trắng non ngàn?/ Tiếng cười con gái giòn tan…rừng chiều / Lính Trường Sơn tuổi chớm yêu / Nghêu ngao giăng mảnh trăng treo ngang trời / “Bom rơi mặt lấm”..là cười / “Đông mưa, Tây nắng” thành lời trao nhau / “Rừng không dân” ở nơi đâu? /  Anh về nhen giữa cõi sâu… “Lửa đèn”…

  Cuộc thi Lục bát Trường Sơn không mang tính chuyên nghiệp và không do một cơ quan văn học nghệ thuật tổ chức nhưng nó đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Bởi, trong nhiều tác phẩm dự thi đã có được hai yếu tố cơ bản của thơ là cảm xúc và chất đời sống. Ngoài hai yếu tố trên đây thì một số bài thơ khá còn có chất lượng nghệ thuật cao. Đó là các bài thơ Duật ơi! của Phạm Đăng Kiểm; Nghinh ơi! của Nguyễn Thanh Liêm; Sông thở của Lê Thúy Bắc; Chị tôi của Trần Công Sản; Viết trước cổng chùa của Đặng Khánh Cường…

Ban Giám khảo quyết định trao 1 Giải Nhất, 3 Giải Nhì, 6 giải Ba, 10 Giải Khuyến khích cá nhân cùng 5 Giải Tập thể.

Thưa các đồng chí,

       Cuộc thi viết “Gương sáng Trường Sơn” là thể loại viết về “gương tốt, việc tốt” của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Người viết trước hết phải có con mắt phát hiện những tấm gương tốt của các chiến sĩ Trường Sơn trong cuộc sống đời thường hôm nay. Sau đó, diễn tả nó dưới ngòi bút chân thực và hấp dẫn. Tác phẩm dự thi không phải là cảm xúc có sẵn trong đầu. Muốn có tác phẩm dự thi, người viết phải “đi tìm gương sáng”. Vì thế, muốn có tác phẩm dự thi không đơn giản chút nào.

Cuộc thi “Gương Sáng Trường Sơn” có hơn 100 tác phẩm của hơn 70 tác giả dự thi. Có nhiều bài viết khá công phu với nhiều tư liệu, thành tích của nhân vật “gương sáng”. Nhiều bệnh binh, nhiều thương binh, nữ có, nam có đã vượt lên hoàn cảnh và sức khỏe để xây dựng cuộc sống mới... Các nhân vật trong tác phẩm dự thi đều giàu lòng yêu thương đồng đội. Họ sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ đồng đội về vốn, giống. Nhiều tấm gương hết lòng hoạt động Hội...Những gương sáng ấy đã và đang tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường hôm nay. 26 tác phẩm đã lọt vào vòng Chung khảo. Chỉ cần đọc tít bài ta đã thấy sự phong phú, đa dạng của các “gương mặt sáng”. Tuy nhiên, do không có tác phẩm nào vượt hẳn lên nên Ban Giám khảo đã không tìm được Giải Nhất. Cuộc thi chỉ có 2 Giải Nhì, 5 giải Ba và 7 giải Khuyến khích.

          Trên các số Bản tin Trường Sơn của TƯ. Hội đã giới thiệu nhiều “Gương sáng Trường Sơn” dự thi.

Thưa các đồng chí,

Cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn” đã kết thúc tốt đẹp. Ban Tổ chức cuộc thi đã quyết định xuất bản tập sách “Tỏa sáng Trường Sơn” – công bố các tác phẩm đoạt giải và các tác phẩm vào Chung kết của 2 cuộc thi này. Tập sách là một đóng góp đầy ý nghĩa vào “di sản tinh thần”, vào kho tàng thơ ca của Trường Sơn. 

Thay mặt Ban Tổ chức và Ban Giám khảo, tôi trân trọng cám ơn hơn 3000 tác giả đã làm nên thắng lợi tốt đẹp của cuộc thi “Lục bát Trường Sơn” và “Gương sáng Trường Sơn”. Trân trọng cám ơn Công ty dược phẩm ECO với nhãn hàng Sâm Alipas đã tài trợ cho 2 cuộc thi này của Hội.

Trân trọng cám ơn các thành viên Ban Giám khảo đã lao động đầy trách nhiệm để chọn ra những “hạt ngọc” của cuộc thi này. Tập sách “Tỏa sáng Trường Sơn” là món quà đầy ý nghĩa chào mừng Đại hội nhiệm kỳ 2 Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Trân trọng cám ơn và kính chúc sức khỏe đại biểu khách quý và các đồng chí!

 

 

 

 

tin tức liên quan
test 123