GIỚI THIỆU CHÙM TÁC PHẨM THƠ VĂN CỦA ĐINH CÔNG NGUYỆT
TRƯỞNG BAN LL TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN TỈNH TÂY NINH
Tác giả Đinh Công Nguyệt
Đinh Công Nguyệt sinh năm 1945 – Quê quán: Khả Phong – Kim Bảng – Hà Nam. Hiện ông đang thường trú tại Ấp Bình Long – Xã Thái Bình – Huyện Châu Thành – Tỉnh Tây Ninh. Ông là Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn tỉnh Tây Ninh.
Đinh Công Nguyệt là người lính đã từng “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” – Một người lính mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn nhớ hoài “ một thời máu lửa” biểu hiện bằng những vần thơ mộc mạc, đầy chất lính và xúc động lòng người… Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng chiến đấu, ông luôn miệt mài lao động, giữ vững Truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ; của người lính Trường Sơn và ông từng là người tiên phong trong công tác xây dựng và phát triển Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn tỉnh Tây Ninh.
Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn vừa nhận được từ ông một số bài văn thơ mà ông lần trong ký ức của mình ngày ấy và cả hiện hữu hôm nay… Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trang Thông tin Trường Sơn những tác phẩm nói trên của ông Đinh Công Nguyệt.
KÍNH TẶNG
TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN
( NGUYÊN TƯ LỆNH BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN)
(Thể thơ khoán thủ)
|
TƯỚNG, quân một lòng một dạ
ĐỒNG quyết tâm đánh Mỹ đêm ngày
SỸ càng luyện tâm càng trong sáng
NGUYÊN Trường Sơn đất nước không quên
ĐINH CÔNG NGUYỆT
|
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
thăm Chiến trường Trường Sơn
TƯỞNG NHỚ
ĐẠI TÁ ĐẶNG TÍNH
( NGUYÊN CHÍNH ỦY BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN)
(Thể thơ khoán thủ)
|
CHÍNH ở nơi đây một con đường
ỦY quyền vào tuyến lửa Trường Sơn
ĐẶNG mang bao niềm tin son sắt
TÍNH tình ghi nỗi nhớ không quên
ĐINH CÔNG NGUYỆT
|
GỬI VỀ ĐẠI HỘI
“Kính tặng Đại hội ii Hội TTTrường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam”
Anh về Đại hội Trường Sơn
Cho em nhắn gửi biết ơn mấy lời
Trường Sơn dài rộng một thời
Quân đi như nước sáng ngời niềm tin.
Mừng công Đại hội hôm nay
Kể làm sao hết dựng xây nghĩa tình
Trường Sơn ác liệt đã từng
Đội bom, tắm đạn vẫn cùng bên nhau.
Thắng Mỹ ta được về đây
Tan hoang bom giặc giờ cây xanh rừng
Bao nhiêu Liệt sĩ anh hùng
Ai giàu, ai có… xin đừng quên nhau.
Gửi anh chỉ được mấy câu
Buồn vui ta được đó đây thật mừng
Lập công khen thưởng tưng bừng
Anh còn, chị khỏe, em mừng em thưa.
Đất này một nắng hai mưa
Có Đảng có Bác sớm trưa vững bền
Thương nhau ngày ấy bây giờ
Báo công với nước hẹn chờ năm sau.
Đinh Công Nguyệt
NHỚ ANH ĐẶNG TÍNH
“Kính viếng anh Đặng Tính và các anh hung liệt sĩ nhân dịp 27/7”
Ấm trong giọng nói anh xưa
Xanh trong trùng điệp sớm trưa vọng về
Thủ Trưởng ơi! Thật không ngờ
Biết đâu nhanh chậm một giờ mà chi?
Trường Sơn còn nhớ mọi khi
Ở đâu anh cũng thầm thì tiếng thơ …
… Trông anh đôi mắt sáng ngời
Dáng thon nhỏ nhắn nụ cười Trường Sơn
Sống trong bom đạn đường trơn
Gạo hết, nước cạn lại cơn rét rừng
Ở đây ác liệt đã từng
Dẫu no dẫu đói vẫn cùng có nhau.
Hôm trước sống, chết hôm sau
Xa xôi vẫn đến, nơi đâu cũng tìm
Thương người chiến sĩ bao nhiêu
Bô Lô Ven lạnh sớm chiều cứ đi …
… Anh ơi! Trên tuyến lửa này
Đi xa anh nhé ! nhớ ngày Trường Sơn…
Đinh Công Nguyệt
ĐÔI DÒNG KÝ ỨC VỀ ANH
Anh Đặng Tính tên thật là Đặng Văn Ty, sinh năm: 1920 tại làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Hòa, Hà Đông nay là thành phố Hà Nội. Tham gia cách mạng năm 1944, người sáng lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Chí Linh, Hải Dương, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương 1946, Chính ủy mặt trận đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng 1951, 1953; Cục trưởng Cục Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, đại biểu Quốc hội khóa III, khóa IV; chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn, tháng 10/1971 đến 3/4/1973.
Anh Đặng Tính đã hy sinh vào khoảng 15 giờ 30 chiều 3/4/1973, quãng đường ngang từ Pắc Xoòng đi A Tô Pơ, đây là quãng đường cũ từ lâu cả bạn và ta đều không sử dụng, cách chốt Pắc Xoòng chừng 15 cây số. Trời có mù lẽ ra đã kết thúc lộ trình 1 ngày nhưng anh Tính, anh Bình lại quyết định tranh thủ đi thẳng lên chốt thăm Bộ đội, anh Kiên, anh Miên và cả anh Danh thuyết phục can ngăn rằng ở các trục đường giáp ranh địch rất hay gài mìn đánh xe nhưng mọi lời khuyên không làm chính ủy Đặng Tính thay đổi việc lên chốt thăm Bộ đội, buộc lòng anh Kiên phải nghe theo với điều kiện Chính ủy phải chạy sau xe anh Kiên 30m, bánh xe của anh Tính phải đúng bánh xe đi trước. Ở quãng đường bằng xe sau bám vết xe trước bình an vô sự nhưng đến một chiếc cầu nhỏ xe anh Đặng Tính láng sang một bên bánh xe đè phải mìn chống tăng. Mìn nổ xe bị hất tung một quãng chừng 20m, người trên xe đều hy sinh gồm: anh Đặng Tính, anh Vũ Quang Bình, Nguyễn Xuân Yêm, nhạc sĩ Trịnh Qúy, 1 bác sĩ và lái xe đã hy sinh.
Thi hài anh Đặng Tính được Nhà nước đưa ra nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội, thi hài anh Bình, anh Yêm được an tang tại Lệ Ninh, Lệ Thủy Quảng Bình, hiện nay ở nghĩa trang Trường Sơn có lập 3 ngôi mộ tượng trưng với mong muốn các anh luôn có mặt trong đội ngũ của người lính Trường Sơn để những người sống và những người đã ngã xuống vì tuyến đường, vì sự Thống nhất đất nước và nghĩa vụ Quốc tế, đồng thời cũng để mọi người đến với nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn sẽ không bao giờ quên các anh, đặc biệt là chính ủy Đặng Tính…
Bài thơ này tôi viết để kính viếng đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến, trong đó có anh Đặng Tính. Là Chính ủy anh đã để lại cho cán bộ, chiến sỹ bao niềm kính yêu thương nhớ. Đối với chúng tôi anh là người cha, người anh gần gũi thân thiện, giản dị chân thành. Khi anh hy sinh (ngày 03 tháng 4 năm 1973), mẹ anh đã 90 tuổi, Cụ ốm đau bệnh tật nằm ở ngôi nhà dưới. Không hề biết người con trai đã hy sinh. Ở nhà trên, đồng đội của người con trai mẹ đang làm thủ tục đưa anh Tính về với Tổ tiên. Không ai dám nói để mẹ biết, mẹ bị sốc vì đau buồn. Chỉ có vợ anh và 3 người con gái được biết…
Tôi còn nhớ khi mùa khô 1972 ta và bạn giải phóng Thị xã Mường Mày A Tô Pơ Lào. Anh đã vào F471 để đi thăm khu mới giải phóng, tôi là Chiến sĩ Quân y được đi cùng đoàn khi đến một cây cầu đã cũ có từ thời Pháp trên đường vào Mường Mày, khi sắp qua cầu thì thanh cầu bị gãy do quá lâu ngày, chiếc xe đã bị tuột xuống chân cầu rất may con suối nông mùa khô đã cạn, xe chỉ bị mắc kẹt dưới chân cầu. Đêm cả đoàn phải nằm lại mắc võng bên con suối cạn cạnh chiếc xe con. Sáng hôm sau đơn vị Công binh đã tổ chức kéo chiếc xe lên. Chúng tôi đến thị xã Mường Mày lúc 8 giờ sáng hôm sau. Đêm ấy, cả đoàn được nghe anh nói chuyện rất vui anh bảo chúng tôi, anh đang tập làm lều thơ, lán thơ, một hai năm nữa tổng tuyển cử thống nhất Bắc Nam. Anh làm được nhà thơ, anh mời cả đoàn thăm nhà thơ mới của anh, thăm mẹ thăm vợ và 3 đứa con gái của anh, cậu nào có duyên thì tớ đồng ý liền… Không ngờ cái nghiệp chướng lại đến với anh ở một cây cầu khác… Chỉ một quả mìn tưởng đã câm lặng không ai còn biết nữa, đã giết chết anh và đồng đội mùng 3 tháng 4 năm 1973. Những tưởng anh quyết tâm đến thăm chiến sỹ trên chốt Pắc Xoòng động viên Chiến sĩ, nắm tình hình khu mới giải phóng làm việc với Chính quyền bạn. Sau đó, anh ra Bắc báo cáo với Trung ương. Nếu anh không hy sinh thì năm 1974 anh sẽ được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng phụ trách phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Mẹ của anh, vợ và các con anh, những năm ác liệt thời chống Pháp anh làm gì và thời chống Mỹ bom đạn ác liệt như thế anh ít được quan tâm đến gia đình, chỉ phong phanh biết rằng anh làm công tác của Đảng. Mẹ và vợ con anh chỉ sau này mới biết qua câu chuyện của đồng đội và những Chiến sỹ của anh kể. Sự chịu đựng tuyệt vời của gia đình anh giặc lùng, giặc bắt, giặc vây thời chống Pháp, bom đạn khủng khiếp thời đánh Mỹ và chế độ bao cấp thiếu thốn khôn cùng, mẹ và gia đình không hề kêu ca trách móc điều đó đã chấp cánh cho anh trên mọi nẻo đường…
Năm 2010 anh Tính được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Công nhận lão thành Cách mạng. Lúc này mẹ anh đã mất lâu rồi, vợ anh (chị Mùi) cũng mất năm 1996, chỉ còn 3 người con gái của anh.
Sự sống của anh trong lòng nhân dân, với Bộ đội Phòng không Không quân, Cán bộ và Chiến sĩ đường Hồ Chí Minh là quý nhất, lâu bền nhất. Tôi không khóc … mà sao lòng nức nở …
Anh ơi! … Trên tuyến lửa này
Đi xa anh nhé … nhớ ngày Trường Sơn
Đinh Công Nguyệt
Trưởng Ban Liên lạc TT Trường Sơn tỉnh Tây Ninh.