"Vợ chồng già" - TG: Lê Hứa Huyền Trân

Ngày đăng: 07:11 19/04/2022 Lượt xem: 226
---------------------------------------------------
VỢ CHỒNG GIÀ
 Lê Hứa Huyền Trân
 
       Từng đọt nắng nghiêng mình như phủ xuống bầu không khí đượm buồn thêm cái nóng khiến lòng dạ con người trở nên thiêu đốt. Ngày hôm nay, ông Văn cũng ra đi, ở trên bầu trời đầy những nắng cao kia, tôi chợt thấy như có những đám mây đang lồng vào nhau che bớt cái oi ả của mùa hè. Những đám mây đang ôm lấy nhau cứ như cách bà Thảo ôm lấy người chồng già của mình, vỗ về ông như cái cách bà vẫn đối xử với người bạn đời đã ở cùng mình rất lâu những tháng năm từ xưa ấy.
       Tôi là sinh viên thuê trọ ở cạnh nhà ông bà ngót cũng hơn năm. Trong căn nhà nhỏ ấy chỉ có vỏn vẹn hai vợ chồng già rau cháo nuôi nhau bằng những đồng lương hưu còm cõi nhưng chưa khi nào ngớt tiếng cười vui. Đôi khi, sau những lúc bài vở đầy mệt nhọc, khi tôi chịu khó lắng tai nghe những câu đùa của ông bà, có thể tôi khó cản được những câu chuyện hài đó nhưng tôi lại nghe tiếng cười đầy trong trẻo của hai người. Cứ tựa như chỉ cần người kia đùa là người này sẽ cười, thấu hiểu lẫn nhau, yêu thương nhau vậy.
       Vì biết tôi là sinh viên từ xa đến trọ học, những khi nấu cơm xong, ông hay nhắc bà gọi tôi qua ăn chung, khi thấy tôi e ngại, thậm chí còn xin gửi ít tiền coi như là đỡ đần thêm chút đồ ăn cho ông bà, ông lẫy:
- Cái con bé này giỏi bày vẽ. Rau ông trồng thì đầy ra đấy, hai miệng già này ăn có tẹo, được là bao. Mà có bán buôn gì đâu, để nó héo ra cũng uổng. Thôi thì ngại vậy từ giờ khi học xong thì ra vườn rau với ông, phụ ông làm.
       Ấy thế mà tôi lại thành “người phụ việc” cho ông lúc nào không hay. Tôi rất thích nhìn cách ông chăm bà. Ông kể bà vốn sức khỏe yếu, sau khi sinh hai mụn con tưởng là đã đến cửa tử nhưng rồi thương chồng con như thế nào lại vượt qua nhưng kể từ bấy thì sức khỏe xuống hẳn, chỉ có thể nằm nhà lo quán xuyến mọi việc trong nhà.
- Nhưng việc nhà cực lắm đấy, cực hơn khi ông đi làm ở ngoài nhiều.
- Ông đi làm mới cực, từ hồi trẻ tới giờ bà chỉ nằm nhà rồi thi thoảng nấu cơm, giặt đồ. Mình ông phải bươn chải lo nuôi hai đứa nhỏ ăn học rồi thuốc thang cho bà đấy.


Ảnh minh họa
 
       Nhìn cách ông bà luôn tôn trọng và nghĩ rằng người kia vất vả hơn bản thân mình khiến tôi cảm thấy tình cảm của họ thật ấm áp, như cái nắng chảy dài sân lúc này đây. Cách đây mấy năm, bà bị tai biến, nhập viện cấp cứu ngay hôm Tết, cái Tết ấy coi như ông bà không có, rồi sau đó bà liệt hẳn một bên người, làm việc gì cũng phải có ông đỡ đần. Ngày đó, ông còn làm trên xã, sau xin về hưu luôn rồi suốt ngày ở nhà chăm bà, đỡ việc cho bà. Cứ tới mỗi bữa cơm, ông đều chậm chạp dìu bà ngồi ra cái tràng kỉ giữa nhà, lót một cái gối êm phía sau lưng bà, rồi lại chậm rãi đi bới cơm, dằm ra thật nhuyễn, và mỗi ngày đều cố gắng đi chợ đổi món cho bà khỏi chán.
- Bệnh hay nhạt miệng lắm, mà không chịu ăn thì lại nhập viện như ngày ấy.
       Thi thoảng tôi có hay hỏi hai anh chị nhà đâu thì chợt thấy mắt ông bà đỏ hoe nên cũng ngại hỏi. Có đôi khi tôi nghe kể họ đều lấy vợ lấy chồng trên phố rồi thi thoảng cách hai ba mùa tết mới về thăm nhà, có gì đó thuộc về điểm dừng nên tôi cũng hiểu không nhắc nữa. Ông bà đối xử với tôi như con cháu trong nhà, vẫn hay nói có tôi nên bữa cơm bớt hiu quạnh. Còn với tôi, khi được chứng kiến cảnh vợ chồng già hạnh phúc bên nhau lại khiến như tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống như đang được đọc một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Thi thoảng nửa đêm, tôi nghe tiếng ông đi hái lá, rồi cái ấm nước cũ được hun giữa đêm giữa làn khói cay xè mắt, như kịp biết tôi sẽ hỏi gì ông vội nói:
- Gần đây bả hay nhức chân, ông nấu nước thuốc ngâm chân cho bả dễ ngủ. Khi tôi giúp ông bưng chậu nước vào nhà, tôi thấy ông nhẹ nhàng đỡ bà dậy rồi ngồi trên cái ghế thấp dưới sàn, nâng chân bà ngâm vào thau nước rồi cứ thế rưới nước thuốc và coi thử nước có nóng quá không cho bà khỏi nhói. Cứ thế ông vừa xoa bóp chân, vừa rưới nước lên cho bà, không hiểu sao khung cảnh ấy làm tôi ứa nước mắt…
       Bà mất trong một ngày nắng hè qua những tháng ngày cầm cự với căn bệnh khiến bà liệt nửa người. Ngày bà đi, ông như chết lặng không nói được gì, cũng là lúc lần đầu tiên tôi gặp được gia đình hai người con của ông.         Chiếc xe hơi to tướng đỗ xịch trước cổng và những con người mang hào nhoáng phố thị bước xuống, nhưng chưa vội khoác chiếc khăn tang ngay mà cứ nhìn xung quanh căn nhà rồi bàn tán:
- Nghe nói sắp giải tỏa rồi thì căn nhà này được tiền lắm. Bảo bố bán đi mà cứ bảo để vợ chồng già ở, nay mẹ mất rồi thì anh coi mà liệu khuyên bố bán đặng còn chia nhau, cứ lương ương mất giá.
- Mày cứ từ từ, nói be bé chứ ông già nghe thì khổ
- Ông chả nghe được đâu, già lắm rồi nói thẳng bên tai chưa chắc đã nghe được.
       Tôi chợt nhìn sang ông, không hiểu sao tôi lại cảm thấy ông nghe tất cả, chỉ có điều nỗi đau mất đi bà khiến ông không thiết điều gì cả. Tôi chỉ có thể cùng ông lo đám tang giữa lúc đám con cháu không ngừng khuyên ông bán nhà rồi cùng lên phố, họ hứa sẽ cho ông vào viện dưỡng lão…
       Bẵng đi ít hôm, ông chủ động sang phòng trọ tôi, ông cho tôi xem rất nhiều ảnh ông bà, lại kể tôi nghe không có ông, bà sẽ không làm được gì cả. Tôi chỉ biết biến mình thành một cuốn nhật kí ghi chép lại tình sử hai người.
       Ngày hôm sau, ông mất. Tôi muốn khóc nhưng không khóc được, vì có cảm giác ông đã sẵn sàng để ra đi. Sau khi tang sự ông xong tôi cũng chuyển nơi thuê trọ, cũng không biết căn nhà đầy kỉ niệm ấy rồi sẽ được các người con xử lí như thế nào. Tôi chỉ biết, ở nơi trời cao ấy, tôi tin ông bà vẫn đang luôn yêu thương bao bọc nhau như ngày xưa ấy. Thế là đủ rồi.
 
Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Địa chỉ : 1083/30 TRẦN HƯNG ĐẠO ,tổ 17B, KHU VỰC 4,
PHƯỜNG ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH
Sđt : 0972076980

 
tin tức liên quan