Đại tá về hưu - Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 06:30 08/05/2022 Lượt xem: 407
----------------------- 

Đại tá về hưu
Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

 
         Ông Khởi về làng với quân hàm Đại tá. Ông là Dược sỹ quân y, Thương binh nặng mất sức 81%.
        Người cần vụ đi theo thuê một chiếc xe xích lô chở đồ đạc trên ga về làng. Có mấy đứa con nít chạy theo. Ông lấy trong ba lô ra mấy gói kẹo dừa: “Đặc sản Bến Tre chính cống đó các cháu ạ. Nào. Đứng xếp hàng lại rồi bác chia cho”. Ông Khởi lấy tay chỉ từng đứa trẻ. “Cháu này là con cái nhà ai, còn cháu kia …”. Chúng rối rít trả lời nhưng rốt cuộc ông chẳng biết con cái ai cả. Ngày ông đi Bộ đội, bố mẹ chúng còn đỏ hỏn, có người chưa sinh.
         Biền biệt xa quê mấy chục năm ròng. Bà con xóm giềng nghe tin ông về chạy đến. Có người hóng hớt, tài sản ông chẳng có gì. Một chiếc ba lô với hai cái bao tải đựng đầy cây thuốc nam. Đơn vị định làm cho ông một ngôi nhà hai tầng nhưng ông từ chối. Huyện đội cử một người về phục vụ. Ông nói: “Đồng chí về đây sinh hoạt với ai. Chả nhẽ sinh hoạt với hội cựu chiến binh của xóm à? Thôi, về đi. Tôi đã báo với huyện đội rồi”.   
         Thế đấy! Ông Khởi chẳng muốn phiền ai. Căn nhà duy nhất trong xóm không mắc điện. Ông lí sự “Các đồng chí ở Trường Sơn thì lấy đâu ra điện. Tôi sống vậy quen rồi”. Ngày hè ông chỉ phe phẩy cái quạt mo. Thấy thế, chi hội Cựu chiến binh đến mượn nhà của ông để sinh hoạt. Đó là cái cớ để mắc điện vào nhà cho ông. Chẳng nhẽ đi sinh hoạt mỗi người cầm theo một cái quạt mo. Có điện rồi mà chẳng mấy khi ông bật đèn. Ông thường đi ngủ từ khi trời mới sâm sẩm tối.
                                                          * * *
       Từ ngày về quê ông khỏe hẳn ra. Năm giờ sáng ông dậy tập thể dục rồi đi bộ ra trạm bưu điện huyện nhận thư báo. Ông nói đi bộ khỏe người. Ông đọc báo một tiếng đồng hồ rồi mới đi tưới vườn cây thuốc nam và nấu cơm ăn.
         Họp Đảng bộ, ông đến sớm hơn 15 phút. Ai mà đến muộn 5 phút là ông phê bình ngay. Ông dám phê bình cả Bí thư Đảng ủy. Ông gay gắt đề nghị khai trừ người em họ ra khỏi Đảng. “Năm bốn lăm chú chưa đến mười tuổi. Chú mần răng đi cướp được Chính quyền để mà hưởng chế độ tiền khởi”. Ông em ngẩn mặt: “Anh em trong nhà mà anh. Em đã khai tuổi lên để hợp lí hóa hồ sơ. Các anh làm tướng, làm tá. Em ở nhà trông coi mồ mả ông bà tổ tiên. Một tí quyền lợi, một chút danh dự để tự hào với bà con mà không được sao?”. “Không được! Đói thì bươi đất nhặt cỏ mà ăn. Danh hão. Tiền là của dân, của nước”. Ông lấy toàn bộ tiền người nuôi dưỡng thương binh nặng cho người em.
         Ông khui tiếp một lô, một lốc những người khai man trong xã. Tay cán bộ ủy ban chữa lại tên bằng tốt nghiệp cấp 3 của người anh thành tên mình để ngoi lên ghế Phó Chủ tịch. Mấy cô chạy bằng tốt nghiệp cấp 3 để học sư phạm mầm non. Ông đưa ra tòa một cán bộ chính sách ăn chặn tiền Thương binh liệt sỹ. Kết quả anh này phải vào tù.
         Dai dẳng nhất là cái vụ dời trụ sở ủy ban ra khỏi khuôn viên đình làng. Ngôi đình đã sáu trăm năm, được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Vậy mà họ ngang nhiên xây tòa nhà ba tầng giữa sân đình giống như ngay trên sống mũi lại mọc lên một cái nốt ruồi to đùng. Cuối cùng hai cán bộ chóp bu của xã lần lượt bị hạ bệ.
        “Chống phải xây”. Ông Khởi khoa tay phát biểu trước Đảng bộ. Có người nói “Hay anh ra ứng cử làm một nhiệm kỳ”. “Không được. Tôi đã già với lại cả xã thiếu gì người mà để một Thương binh nặng như tôi làm lãnh đạo. Phải bồi dưỡng lớp trẻ lên thay thế”. Nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi được ông giới thiệu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Oái oăm, có người kết nạp hôm trước, hôm sau đã bị khai trừ. Tội đánh mẹ vì tranh chấp tiền người cha để lại.
         Ông Khởi buồn lắm. Ông không còn hăng hái như buổi mới về. Đứa cháu nói: “Hay chú lấy vợ đi. Nói dại, mai sau chú ngã bệnh thì…” Đứa cháu chưa dứt lời, ông quát: “Trẻ nít biết gì. Từ nay chú cấm mày không được nhắc lại chuyện này một lần nào nữa”. Từ khi ông về làng, tôi chưa thấy một phụ nữ nào đến trò chuyện cùng ông.
                                                           * * *
        Gió rít từng chặp bên ngoài cửa sổ. Ngớt mưa, nước biển dâng lên ngâm trên cánh đồng làng mấy ngày trời. Kiểu này thì sang năm mùa màng thất bát mất thôi. Đang mơ màng ông nghe tiếng gõ cửa.
         - Ai đấy! Đêm hôm khuya khoắt ai đến nhà ông vào cái giờ này nhỉ. Có cả tiếng trẻ con. Ông sờ soạng đi bật công tắc điện. Điện mất. Ông sực nhớ điện đã bị cắt mấy ngày nay rồi. Bây giờ ông mới thấy cái cần thiết của ngọn đèn điện trong nhà. Ông luống cuống đi châm đèn. Một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, vai mang  bọc áo quần, tay xách một cái bị. Chị ta vừa đi vừa rên hừ hừ. Hai đứa trẻ, mũi dãi nhớt nhát. Chị chới với bước đến nắm lấy cánh cửa và ngã khuỵu xuống. Gạo với khoai sắn khô trong bị chảy ra. 
       - Nước! Cho tôi miếng nước. Giọng chị thều thào. Chị ta bị sốt cao quá, trán vã đầy mồ hôi. Ông dìu người phụ nữ lại giường rồi lại lấy phích nước rót cho chị một cốc. Uống xong, người đàn bà bắt đầu run cầm cập. Thế này là sốt rét rồi. Hồi ở Trường Sơn biết bao đồng đội của ông đã từng ngã xuống với căn bệnh chết tiệt này. Có hôm đi giữa rừng già ông bắt gặp một bộ xương khô nằm trên chiếc võng dù. Người lính bị sốt rét rừng quật ngã khi lạc đơn vị. Ông đi lấy 2 thìa cà phê trà hoa cơm cháy pha với nước sôi cho chị uống. Đây là loại thảo dược ông trồng được trong vườn, loại này điều trị sốt rét rất hiệu quả. Hai đứa trẻ nhìn ông mếu máo. Chắc chúng đói. Ông nhóm lửa bắc nồi cháo.
        Người đàn bà đi kinh tế mới được ba năm thì chồng chết. Chị dắt hai con trở về quê ngoài Bắc thì trúng ngay cơn bão. Đường ray bị lở, tàu trật bánh. Ba mẹ con lang thang đi các làng ăn xin. Ông đã báo cáo trường hợp này với công an xã. Thôi thì “cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp”. Hoàn cảnh đất nước bị bao vây cấm vận. Thuốc tây khan hiếm. Trong làng ông đã có hơn một chục mạng người bị sốt rét ác tính quật đổ khi đi tìm trầm. May mà còn một ít thuốc kí ninh, một ít thuốc bổ, tiêu chuẩn chế độ của ông. Bầy gà hai chục con, ông làm thịt gần hết. Ngấm thuốc, chị hồi phục rất nhanh, chị giúp ông nội trợ trong nhà. Chị băm, phơi lá thuốc. Chị lấy giấy báo gói từng thang cho người bệnh. Nhiều buổi chị cùng ông ra làm cỏ quanh vườn. Ba sào vườn, làm ở đầu này thì cỏ mọc đầu kia. Chị muốn ở lại đền ơn ông. Nhưng ông cười : “Tương lai chị còn dài. Chị về quê, tôi cho một ít tiền làm vốn”. Người đàn bà cảm động lắm. Hai má ửng đỏ. Đôi mắt long lanh, ngời lên dưới ánh điện. Hai đứa trẻ nô đùa chạy nhảy. Chúng đã quen coi đây như ngôi nhà của chúng.
         Ông Khởi làm thịt một con gà mái hoa vàng liên hoan buổi chia tay. Ông chỉ ngồi trông ba mẹ con ăn. Chị gắp một miếng thịt gà đặt lên bát ông. Ông lấy đôi đũa hất ra giận dữ : “Người ta bảo không ăn là không ăn. Đúng là đồ ... gà mái”. Người đàn bà ngạc nhiên quá độ. Chị ta nhìn ông chực khóc. Chừng như thấy thái độ vô lối của mình, ông rối rít : “Tha lỗi ! Xin đừng chấp. Tôi lỡ lời. Ngày xưa...”. Ông chỉ nói được chừng ấy rồi lên cơn đau tim, ngất lịm. Di chứng chất độc da cam tái phát... Trong cơn mê sảng, ông khóc “Sâm ơi... ”
          ... Sau Mậu Thân nhiều cơ sở của ta bị đánh bật gốc. Trạm xá về đồng bằng phải moi gạo dưới cát. Vừa băng qua con kênh thì một loạt đạn AR. 15 bắn tới. Cậu Sâm bị trúng đạn. Ông Khởi vừa cõng bao gạo vừa dìu anh đến bên một gốc dương. “Các anh”. Một bóng đen xuất hiện. Ông Khởi đặt tay lên cò súng. “Đừng bắn ! Anh cõng anh ấy. Để em vác gạo cho”.
        Đó là một cô gái trẻ, có đôi mắt lá răm rất đẹp. Nước da trắng mịn màng, dáng người thon thả trong bộ bà ba đen. Cô khai tên là Bảy, làm giao liên bị lộ nên phải ra cứ. Sinh viên y khoa hèn chi bắp tay, bắp chân cứ nõn nà. Ông Khởi vui lắm. Mấy tháng trong trạm xá, ngọn lửa tình bùng cháy. Hai người hẹn nhau hết chiến tranh sẽ làm lễ cưới. Đùng một cái cô ta mất tích. Hôm sau, B52 ném bom rải thảm xuống trạm xá. Sâm chết không tìm được xác. Đài Sài Gòn loan tin  chiến công của Nguyễn Thị Bảy, đội viên đội Thiên Nga đã làm nổ tung căn cứ của Việt cộng. Một Tiểu đoàn bị xóa sổ...
                                                      * * *
         Đứa con nuôi của ông Khởi, người nhỡ tàu năm ấy gọi điện cho tôi nói ông rất yếu. Ông muốn nói mấy lời trước lúc đi xa. Xe tôi bon bon lao nhanh về làng cho kịp. Dọc đường đi, những vườn cây thuốc nam lên xanh tốt. Họ hợp đồng trồng cây thuốc cho ông. Nhà thuốc đông y của ông đã sản xuất được thuốc chai, thuốc cao và viên nén. Một chàng trai ra cửa chào tôi: “Ba cháu mong chú lắm, thỉnh thoảng ông lại nhìn đồng hồ”. Một người đàn bà ngồi bên giường bệnh xoa bóp chân tay cho ông. Thời gian không thể xóa hết nét xuân sắc của bà. Ông Khởi mệt lắm. Ông thều thào: “Đây là cô Bảy, sinh viên trường y năm xưa tôi đã nói với chú. Thì ra tôi trách nhầm cô. Bọn thám báo đến phục kích bắt được cô trước lúc ném bom vào trạm xá. Chúng đã tra tấn dã man, đánh giập nát mất hai bàn chân cô. Bây giờ cô phải đi bằng đôi chân giả”.   
 
Hoàng Minh Đức,
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648.
tin tức liên quan