Hoàng Văn Kính – Truyện ngắn nhân ngày lễ độc thân 11/11 Gia đình không hôn thú

Ngày đăng: 05:17 11/11/2024 Lượt xem: 38
Hoàng Văn Kính – Truyện ngắn nhân ngày lễ độc thân 11/11
Gia đình không hôn thú
(Truyện ngắn) 
 
      Sống chung trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng là hai người phụ nữ một già, một trẻ. Gọi là trẻ nhưng một người cũng sắp sang tuổi bốn lăm, còn người kia bước qua tuổi năm mươi. Họ không phải là ruột già, nhưng đã ở cùng nhau gần chục năm rồi. Hai người đàn bà cùng với đứa con gái nhỏ sống lặng lẽ, nương tựa vào nhau đắp đổi qua ngày.
Người trẻ hơn tên là Thịnh, quê ở một xã ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Hồi còn trẻ là một cô gái tươi tắn, xinh xắn, nhanh nhẹn, vừa học hết cấp hai chị xung phong nhập ngũ và được bổ xung vào một đơn vị Công binh trên tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn. Ngày đêm đối đầu với bom đạn; điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn; những trận sốt rét triền miên đã cướp đi mái tóc đen, dài óng ả và làn da trắng mịn. Sau ngày đất nước thống nhất, chị được cho đi học ở một trường Cao đẳng sư phạm ngay tỉnh nhà.
     Các anh chi đã có gia đình, ra ở riêng. Cô giáo Thịnh sống cùng bố mẹ, dậy mẫu giáo ở một trường mầm non trong làng. Hai bẩy tuổi vẫn độc thân. Ở vùng quê nghèo con gái mười bẩy, mười tám đã lấy chồng, có con, người như chị thuộc dạng quá lứa lỡ thì. Lúc con đường liên tỉnh được mở rộng, chị đem lòng yêu một anh kĩ sư cầu đường và họ đã nhiều lần ăn nằm với nhau như vợ chồng. Chị cần hơi ấm của một người đàn ông, chị khao khát có một đứa con. Khi cây cầu nối nhịp qua con sông quê, anh ta được chuyển đến một công trình ở tỉnh khác. Chị chờ, chờ mãi chẳng thấy anh về để thực hiện lời hẹn ước lúc chia tay sau cái đêm ân ái cuối cùng.
      Những lời đường mật rót vào tai chị: Anh yêu em, anh không đành lòng để em lại một mình, nhưng vì công việc mình đành tạm thời chia tay. Em đợi anh, muộn lắm là một năm nữa anh sẽ về, chúng mình làm đám cưới, xây dựng mái ấm gia đình. Em nhớ dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng phải nuôi dưỡng đứa con trong bụng thật tốt. Chị thủ thỉ: Vất vả mấy em cũng chịu được, chỉ mong anh luôn mạnh khỏe sớm về với mẹ con em. Công việc mà em, vả lại bố anh đang ốm, anh phải tranh thủ ghé thăm cụ, mai em vay mượn cho anh ít tiền, lĩnh lương khi nào gom đủ anh sẽ gửi về.
     Hôm anh sách vali lên đường, chị dúi vào tay anh hơn chục triệu. Hồi ấy đấy là số tiền lớn lắm, chị phải vay mượn của các anh chị em, họ hàng và bạn bè thân thiết. Chị tin anh như tin chính bản thân mình.
    Trời cho chị một đứa con gái xinh xắn trong tiếng èo xèo, dị nghị của làng xóm. Bố mẹ chị không chịu nổi những lời đàm tiếu cay nghiệt của thiên hạ về một đứa con gái mất dậy không chông mà có con cùng với bệnh tật và tuổi tác hai cụ lần lượt ra đi để lại cho chị khối tài sản gồm ngôi nhà tranh ba gian xệp xệ với hai sào ruộng. Chờ mãi chẳng thấy tiền người kia gửi về chị đành phải bán đi tất cả để trang trải nợ nần. Anh chị em, họ hàng thân thiết coi chị là một kẻ xấu xa, lăng loàn, một đứa con bất hiếu, nhìn chị với con mắt ngờ vực, đối sử với chị như kẻ xa lạ.
     Không thể héo mòn chờ đợi, lúc ấy chị đã ngoài ba mươi. Chị linh cảm có chuyện chẳng lành, chẳng còn hy vọng nào cả  chị  lặng lẽ dắt con khăn gói tha phương đi tìm anh. 
    Mò mẫm lên tận một vùng quê bán sơn địa khỉ ho cò gáy, chị bàng hoàng nhận tin anh ta đã có vợ, có con. Thất vọng ê chề, không còn mặt mũi nào trở lại quê nhà, còn một ít tiền ít ỏi giành dụm được chị mua miếng đất nhỏ cạnh một quả đồi, dựng túp lêu làm chỗ nương thân. Mưu sinh bằng nghề ngồi chợ buôn bán vặt. Lo cho đủ ngày hai bữa ăn, mọi sinh hoạt tối thiểu và chuyện học hành cho con đã khiến chị không còn thời gian để ngẩng đầu lên. Không như thế thì sống sao được.
    Những ngày ngồi chợ, chị quen một người phụ nữ tên Thái. Chị này đã luống tuổi ngày nhặt phế liệu, tối lại quay về lấy góc chợ làm nhà. Chị Thái bị dị dạng, thọt một chân, người thấp bé, dáng đi tập tễnh, siêu vẹo. 
Hai chị em tâm sự, chị Thái kể: Chị không còn nhớ quê mình ở đâu. Hồi còn bé khi sinh ra chị lành lặn, đến năm lên ba sau một trận ốm sốt li bì chị bị bại não cũng may mà đến bây giờ vẫn còn nhúc nhắc đi lại được – Chị bảo: chỉ biết đến thế thôi, ngoài ra chị không nhớ gì cả. Nói xong, chị ôm mặt khóc như một đứa trẻ.
     Ngay lúc ấy chị đã nghĩ: Cuộc đời của chị Thái chắc đã phải trải qua rất nhiều bi ai, chắc chị không muốn nhắc lại. Mãi sau này Thịnh mới biết từ sau cái lần thập tử nhất sinh ấy chị Thái đã bị bỏ rơi, phải tự mưu sinh từ năm lên bẩy tuổi khi cha mẹ mỗi người đi một con đường riêng. Họ phủi tay, không ai muốn đèo bồng một đứa trẻ dị dạng, tật nguyền. Chị em mình đều là người tha phương, đều có hoàn cảnh bất hạnh nhưng em còn hơn chị là có một đứa con để sống và hy vọng. Chị  về sống với em, con em cũng là con chị, nhà em cũng là nhà của chị. Thôi, chị sống đầu đường xó chợ hàng chục năm nay quen rồi. Về sống chung chị sợ làm phiền em…còn con em nữa. Chẳng có gì phiền cả, ba người phụ nữ sống với nhau có gì mà phiền. Còn con em chị không phải lo, cháu nó ngoan lắm vả lại cũng lớn rồi, biết cái gì nên và không nên làm. Về với mẹ con em, chị em mình sẽ xây dựng một tổ ấm, chị sẽ là bác cả trong gia đình, chị không phải suy nghĩ gì, mọi chuyện của gia đình em lo được.
      Từ ngày chị về ở cùng căn nhà thêm người, thêm tiếng cười nói. Con bé bỗng dưng có thêm một người mẹ nữa. Thời gian trôi đi, căn nhà cấp 4 lợp tấm xi măng ngày càng xuống cấp, mưa thì dột, hè thì nóng như rang buổi trưa toàn phải ra ngồi gốc cây, đông thì lạnh gió thổi hun hút. Vất vả cả ngày được lúc thư thái cũng không ngon giấc.  
     Một buổi tối, sau khi cơm nước xong bác cả móc túi đưa cho mẹ con chị một bọc tiền:
-Trong này có hơn hai trăm triệu. Số tiền cả đời bác tích cóp được, có giữ cũng chẳng để làm gì, mẹ con em cầm lấy để chi tiêu, trang trải việc nhà. Với bác được sống với mẹ con em, được mẹ con em thương yêu, đùm bọc là đủ rồi.
-Chết không được sao bác lại làm thế. Số tiền này quá lớn mẹ con em không dám nhận, bác cứ giữ lấy phòng khi ốm đâu.
Cô con gái cũng chen vào: Mẹ cháu nói đúng đấy, tiền cả đời bác giành dụm, bác cứ giữ lấy. Bác cứ ở đây, dù bác không có gì mẹ con cháu vẫn nuôi bác, vẫn coi bác là người nhà cơ mà. Bác không phải lo nghĩ gì cả. Nhưng cháu hỏi thật nhé: mỗi ngày nhặt phế liệu bác kiếm được bao nhiêu tiền mà tiết kiệm được nhiều thế.
-Trong số tiền ấy có hai trăm  triệu là tiền bác nhặt được – Rồi chị kể: Cách đây hai năm, một buổi chiều chập choạng tối lúc đang xách túi phế thải về sau cùng thì cái chân thọt vấp phải mô đất, bác ngã sấp mặt, hai tay với ra phía trước. Bỗng bàn tay phải vồ phải một bọc nilon. Thuận tay bác cầm lên, mở ra xem thì đấy là một bọc tiền chắc của nhà nào không để ý tưởng rác đem vất đi. Số tiền quá lớn không phải chỉ riêng với bác mà là mơ ước cả đời của rất nhiều người. Cả đêm ấy bác mất ngủ rồi quyết định: Không phải tiền của mình làm ra, đấy  là mồ hôi nước mắt của người khác phải trả lại cho người ta. Nhưng chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy ai kêu mất để mà trả. Bãi thải là nơi tập kết rác của cả huyện biết của ai mà đi tìm để trả lại cho họ.
-Em  giữ lấy cho chị vui, coi như đây là tiền chung của cả nhà. Theo chị thì trước mắt phải sửa lại cái nhà, chứ ở như thế này khổ lắm có an cư mới lập nghiệp rồi cũng phải mua cái tivi lấy cái mà xem, một cái bếp ga để nấu nướng cho đỡ vất vả và mua một cái máy tính cho con bé nó học chứ cứ phải đi học nhờ tội nghiệp lắm. 
Cả ba người phụ nữ ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt của tình yêu thương trong lúc khốn khó.
Cuộc sống dần ổn định, đỡ vất vả hơn. Sau khi cái chợ tạm được xây dựng lại, thấy hoàn cảnh vất vả, lại là người thực thà, tử tế, có học, địa phương giao cho chị làm Trưởng ban quản lí chợ. Đang phân vân có nên nhận hay không, bác Thái động viên:
-Địa phương đã tin tưởng thì nhận đi, tiền thù lao tuy không cao nhưng ổn định vẫn hơn buôn bán vặt thu nhập thất thường.
-Em chỉ sợ không có thời gian lo chuyện nhà.
- Chị bàn thế này: Em cứ lo việc ngoài chợ, chuyện nhà cửa, con lợn con gà, vườn tược, cơm nước giặt giũ để chị lo, lúc nào rảnh rỗi chị đi nhặt ve chai thêm thắt tý nào hay tý ấy. Chị em mình phải tạo điều kiện để con bé nó tập trung vào học.
-Nhưng… - Chị làm được, không nhưng gì cả.
-Chị đã nói thế thì em xin nghe, nhưng chị phải hứa với mẹ con em không được đi nhặt ve chai nữa, chị đã lớn tuổi vả lại sức khỏe cũng yếu rôi, được lúc nào thư thả chị cứ nghỉ ngơi. Kiếm tiền nuôi gia đình là việc của em.
Con bé sáng dạ, học giỏi có tiếng, hết lớp 12 thi đỗ đại học vào một trường danh giá thuộc tốp đầu ở Hà Nội. Một hôm tầm gần trưa có một người đàn ông đi chiếc xe ô tô đen bóng đến nhận con. Lúc đầu chị không nhận ra ai, anh ta ăn mặc lịch sự, tóc bạc trắng, hai bên khóe mắt hằn sâu những nếp nhăn. Chỉ khi anh ta bỏ cặp kính đen cất tiếng chào chị mới nhận ra. Trong câu chuyện quanh ấm tra anh ta xin lỗi, trả lại chị số tiền trước kia  đã vay và mong chị tha thứ rồi kể: Sau khi xa chị, anh ta đã chót yêu và có con với một người phụ nữ con của vị giám đốc Sở xây dựng, cũng từ đấy con đường đi lên rộng mở. Cuộc sống vợ chồng tuy không thật sự hạnh phúc nhưng vẫn có hai cô con gái – Giọng anh ta buồn buồn: 
-Trong một lần hai đứa đèo xe máy  đi sinh nhật bạn lúc về chẳng may bị tai nạn. Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu,  chị nó không qua khỏi còn đứa em bị chấn thương sọ não nằm bất động trên giường phải thuê người giúp việc phục vụ. Cuộc sống của anh chẳng còn gì cả.
-Gia đình em xin chia buồn với vợ chồng anh.
-Hôm nay anh đến đây để xin em cho con bé về ở với anh, anh là bố nó và dẫu sao thì anh cũng có điều kiện để nuôi dậy nó hơn. Anh xin gửi em một số tiền  đủ để em trang trải cuộc sống lúc về già – Anh ta mở cặp đặt bọc tiền lên bàn.
     Nghe nói đến đây chị giận run lên, nếu không kịp kiềm chế thì đã đứng dậy tống khứ ra khỏi nhà.
-Anh nhận nó là con anh vậy lúc sinh con anh ở đâu. Lúc con bé sống bằng nước cháo loãng anh ở đâu. Lúc mẹ con tôi xa cơ lỡ vận anh ở đâu…Đấy là con của tôi. Anh chưa bao giờ có con với tôi cả. Con bé nó không có bố. Nếu không ở vào hoàn cảnh như bây giờ liệu anh có đến đây nhận con? Còn số tiền này to thật nhưng xin lỗi anh mẹ con tôi không cần. Anh thông cảm, xin anh cầm về cho.
Ngồi thần người ra một lúc rồi anh ta cầm bọc tiền ra xe.
     Bác Thái bảo: Em hành sử với lão như vậy là đúng. Nhưng còn việc này nhất thiết phải nói cho con bé biết và nó phải là người quyết định có nhận lão ta là bố hay không.
Chị đem chuyện ấy nói với con và cũng là lần đầu tiên chị kể tường tận cuộc đời chìm nổi, truân chuyên của hai mẹ con. Cả ba người đàn bà lại ôm nhau khóc. Con bé nói nó không nhận ông ấy làm cha.
-Con nghe bác nói này, con phải thật bình tĩnh, suy xét vấn đề cho thật thấu đáo. Mẹ và bác không ép, đấy là quyền của con. Tốt nhất mai con sẽ trả lời mẹ.
    Hôm sau, con bé dứt khoát: Dù trong người con có mang dòng máu của ông ấy, nhưng ông ấy không xứng đáng làm cha của con và con cũng không bao giờ chấp nhận một người đàn ông như thế làm cha của mình. Nhà mình sống thế này là hạnh phúc lắm rồi. Con chỉ cần có mẹ và bác, con cảm ơn mẹ, cảm ơn bác đã nuôi dạy con nên người.
tin tức liên quan