Con mèo đen-Truyện ngắn của Nguyễn Duẫn
Ngày đăng:
02:26 01/09/2017
Lượt xem:
820
Con mèo đen
Truyện ngắn của Nguyễn Duẫn
Chị Thu - Chị tôi - nuôi một con mèo đen tuyền, bộ lông óng mượt như nhung. Chị Thu thích lắm, ngày nào cũng âu yếm vuốt ve như đứa trẻ mới lớn. Anh rể bảo: « Mèo đen quí lắm, nó có thể nấu cao chữa được nhiều bệnh, đem bán một con chắc cũng được vài trăm ». Từ ngày đó chị tôi chăm sóc nó kĩ lưỡng lắm. Chị cho nó ăn những món ngon, chải chuốt, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày như mẹ chăm con. Rồi cái ngày con mèo mẹ đẻ được bốn con mèo con toàn màu đen, chị tôi bảo vệ nó như vật quí trong nhà.
Ông Quang - người hàng xóm - cũng có một con mèo mướp. Ngày ông Quang sang nhà chị tôi chơi, chị khoe con mèo đen của chị đã đẻ và chị Thu còn cho ông Quang hay, mèo đen có giá trị chữa bệnh, nhất là bệnh ung thư. Ông Quang tỏ vẽ thích lắm, rồi ông bảo với chị, mèo nhà ông cũng vừa mới đẻ.
Ngày tháng trôi qua bốn con mèo đen của chị Thu lớn lên, nhưng càng lớn thì màu đen của nó cũng mất dần và thay vào đó là bộ lông màu mướp. Chị tôi than thở: « Chắc là mình ăn ở thế nào nên trời bắt tội biến bốn con mèo đen thành bốn con mèo mướp ». Thế là mất toi mấy triệu bạc. Lâu nay chị cứ ao ước bán được mèo, có tiền chị sẽ mua một bộ áo dài truyền thống để mặc trong các ngày Hội. Thế mà bây giờ… !
Chuyện này thì chỉ Thằng Thìn - cháu tôi - biết vì nó thỉnh thoảng sang nhà ông Quang chơi. Nó cứ phân vân không hiểu sao mèo ông Quang mấy hôm trước chính mắt nó trong thấy bốn con mèo con màu mướp mà giờ lại có bốn con mèo đen đẹp thế. Nghĩ mãi rồi nó cũng lờ mờ hiểu ra. Có một lần nó bắt gặp ông Quang mua hộp thuốc nhuộm tóc màu đen ở hiệu thuốc nhuộm. Thìn luận rằng: « Ông ta đã mua thuốc nhuộm tóc rồi nhuộm đen cho bốn con mèo mướp, nhân cơ hội nhà mình sơ suất ông ta sang tráo đổi. »
Rồi cái gì đến nó cũng phải đến. Ngày ông Quang mang mèo ra chợ bán thì thằng Thìn, đội mũ, trùm mặt, đeo kính đen đi theo ông và nó là người trả giá cao nhất trong những người mua. Ông Quang mừng quýnh cầm xấp tiền dày cộm không cần đếm lại, ba chân bốn cẳng về nhà. Nhưng thật ra trong xấp tiền đó chỉ có hai tờ hai bên là tiền thật còn các tờ ở giữa toàn là tiền âm phủ.
Ông Quang dò la tung tích rồi cũng biết thằng Thìn làm cái trò đểu đó. Hai nhà láng giềng to tiếng, xích mích nhau. Chị Thu cho ông Quang là kẻ hám tiền nên làm xằng bậy. Ông Quang cho rằng thằng Thìn là thằng đểu, quân lừa đảo.
Ông Quang tức lắm, ông làm đơn trình công an phường về việc thằng Thìn lừa tiền ông. Thằng Thìn, chị tôi và ông Quang được triệu tập lên trụ sở Ủy ban phường. Chị tôi đem những ấm ức lâu nay ra tra vấn ông hàng xóm, nói những suy nghĩ của mình về tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau mà sao ông đã làm những chuyện không đạo đức, không đứng đắn. Ông Quang đỏ mặt, tía tai chối quanh, cho rằng chị tôi vu khống và ông nằng nặc đòi công an giải quyết vụ trả tiền âm phủ của thằng Thìn. Thằng Thìn kể lại việc ông Quang mua thuốc nhuộm tóc để nhuộm mấy con mèo mướp cho mọi nghe, khi đó ông Quang mới thú nhận những lỗi lầm mà ông đã gây nên, âu cũng là do lòng tham mà ra. Rồi ông hứa từ rày không tái phạm nữa và xin làm người hàng xóm tốt của nhau. Công an phường phạt hành chính ông về tội tham lam, gây mất an ninh khu phố. Thật tội nghiệp cho ông, ông mếu máo :
- Vợ tôi dạo này ốm nặng, tiền tích cóp được mấy đều đưa đi bệnh viện mua thuốc chữa trị hết rồi ! Biết làm sao đây ?
Chị Thu thấy thương tình, tha thứ tội lỗi và xin công an miễn phạt tiền rồi cho ông bắt bốn con mèo mướp về.
Nhìn bốn con mèo đen to, đẹp sởn sơ, mượt mà lòng chị tôi vui lắm. Vuốt ve mấy con mèo trong lòng như cục cưng, chị tôi lẩm bẩm: « Thế mới biết, gậy ông…lại đập lưng ông ».
Tối, tôi sang nhà chị chơi và nói :
- Chị Thu này ! Em thấy mọi việc đã ổn mà chưa ổn.
- Cậu nói thế nào chị không hiểu ! Mọi việc đã rõ ràng rồi. Ông Quang cũng đã thừa nhận, Công an đã giải quyết, nhà mình cũng đã tha thứ…
- Lâu nay vợ chồng ông Quang là người tốt được mọi người yêu quý. Ai cần việc gì ông cũng giúp đỡ. Tính tình ông bà hiền lành, ít nói. Mà bà Thành - vợ ông Quang - đau gì chị có biết không ? Hay ngày nào cũng ôm ấp mấy con mèo mà quên mọi người xung quanh ?
Lúc đầu chị tôi cứ khăng khăng : « Kệ lão, cho lão chết, ai bão lão tham ! » . Nhưng cái lòng tốt, cái tình làng nghĩa xóm trong lòng chị cũng trỗi dậy, rồi chị nói :
- Hay ngày mai cậu sang chơi xem sự thể thế nào ?
Tôi xách cân đường, nãi chuối sang nhà ông Quang lúc khí sớm. Nhà vắng vẻ, không gian trầm lắng, lành lạnh như có ám khí. Có tiếng ho khe khẽ, thểu não. Bà Thành nằm thoi thóp, cựa quậy như đang giằng xé để cứu vớt những sức lực cuối cùng. Tôi chưa kịp chào thì ông Quang đã cất tiếng từ ngoài ngõ :
- Anh Tài sang chơi ! Phiền cho anh quá. Lại còn quà cáp gì nữa đây ?
- Dạ ! Không có gì chú. Nghe thím ốm nên tôi sang thăm thôi mà.
Tiếng là người hàng xóm, nhưng tôi ít sang nhà chú. Tôi là sáp nhỏ, hơn nữa chú Quang lại không con cái gì nên cũng ít giao lưu bạn bè. Chú nhiệt tình với lối xóm nhưng tính khí chú rạch ròi, thẳng thắn, ít nói nên mọi người nể là phần nhiều.
Chú rót nước mời tôi uống, rồi chú chậm rãi nói :- Anh Tài này ! Tôi có lỗi với chị Thu lắm, tôi thấy xấu hổ với lối xóm. Tôi đã già một đời mà còn trót dại !
Tôi an ủi chú : - Chuyện qua rồi mà chú ! Thím đau ốm gì đã lâu chưa, mà sao chú chẳng cho ai hay biết để lối xóm còn sang chơi thăm hỏi, động viên ?
Uống một hớp nước cho êm giọng rồi chú buồn buồn kể cho tôi nghe chuyện nhà của chú.
Chú Quang và thím Thành cũng đã một thời « xẽ dọc Trường Sơn đi cứu nước », chú là bộ đội lái xe, còn thím là Thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn. Đôi trai gái có một tình yêu lãng mạn hết sức lính. Xe anh bộ đội được cô thanh niên xung phong trẻ nhất đơn vị dẫn đường qua vùng có bom nổ chậm, khi cô vừa quay lưng thì bom nổ. Quả bom hất tung người con gái lên cao rồi rơi xuống trước mặt anh « xế ». Như một phản xạ, anh lính trẻ ôm chầm lấy cô gái rồi hô hấp nhân tạo. Mọi người trong đơn vị kịp chạy ra đưa lên xe của chú về Trạm quân y tuyến sau. Mảnh bom găm vào đùi làm máu chảy nhiều. Vừa bị sức ép, vừa mất máu nên phải cần máu để truyền. Trong đơn vị chủ yếu là nữ lại hay bị sốt rét nên chẳng ai còn đủ sức cho máu. Lúc đó chỉ có chú Quang là có nhóm máu phù hợp. Sau khi cho máu xong nghỉ ngơi chốc lát, người lính trẻ tiếp tục lên đường cho kịp đồng đội. Chú bảo, về đến đơn vị chú cứ ân hận mãi vì chưa kịp hỏi tên cô gái. Còn cô thanh niên xung phong sau khi lành vết thương cứ ao ước một lần gặp được người cứu mình.
Bà Thành cựa quậy, tiếng rên khe khẽ yếu ớt. Ông Quang đến bên đắp lại chăn cho bà, nhìn bà một lúc ông buồn bã lắc đầu :
- Chắc bà nhà tôi không qua khỏi, ung thư phổi giai đoạn cuối rồi anh Tài ạ !
Tôi nhìn ông ái ngại : - Thím mắc bệnh hiểm nghèo này đã lâu chưa ? Sao chú không đưa đi bệnh viện K trung ương chữa cho thím. Còn nước còn tát mà !
Hớp một ngụm nước cho bớt khản giọng, ông không trả lời câu hỏi của tôi, ông kể tiếp.
Rồi một dạo chuẩn bị cho chiến dịch mùa Xuân 1975, xe của ông đi qua đơn vị thanh niên xung phong đang tu sửa tuyến đường bị bom đánh nát. Gặp một cô gái đang giặt bên suối, anh lính « xế » hỏi chuyện. Biết được đây là đơn vị của cô thanh niên xung phong mà mình cho máu đang đóng quân ở đây anh mừng lắm.
- Tên cô ấy là gì vậy ? Anh lính hỏi.
- Tên là Sơn, là Trường Sơn. Trả lời xong cô gái nhìn anh rồi cười khúc khích. Biết đây là anh lính đã cứu mình hôm nọ nhưng cô muốn đùa một tý cho vui.
Ông Quang vào đơn vị hỏi mãi, tìm mãi chẳng có cô nào tên Trường Sơn cả, biết mình bị mắc lừa, ông quay lại để tìm cô gái bên suối.
Rồi ông và bà Thành cũng tìm được nhau. Sau ngày đất nước thống nhất hai ông bà kết duyên vợ chồng. Ông Quang chuyển ngành về lái xe cho một công ty, còn bà Thành chăm lo ruộng vườn bếp núc. Sống với nhau đã gần 5 năm mà chẳng thấy bà mang thai, ông đưa bà đi khám và được biết do bị sức ép của quả bom đã cướp mất khả năng làm mẹ của bà. Ông bà buồn lắm. Bà Thành cứ dục ông Quang lấy vợ bé để có con nối dõi, nhưng ông không chịu cứ ở vậy cho đến bây giờ.
Ngày qua tháng lại, ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, được bà con lối xóm yêu mến. Từ ngày ông về hưu, hai ông bà tham gia vào Hội Cựu chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn (TTTS), Hội Người cao tuổi. Ông bà gương mẫu chấp hành tốt mọi qui định của Hội, của địa phương, tham gia tốt mọi phong trào hoạt động của các Hội.
Rồi một hôm bà Thành đi đánh bóng chuyền hơi, do ham vui nên mặc trời mưa bà vẫn hăng hái đánh cho hết hiệp. Bà Thành về nhà thấy trong người khó ở, ho, sốt kéo dài, uống thuốc không thấy khỏi. Ông Quang đưa bà lên viện điều trị thì bác sỹ chẩn đoán viêm phổi…rồi ung thư phổi. Ông đoán lờ mờ chắc là do sức ép cuả quả bom, do sống ở vùng bị Mỹ rải chất độc da cam khi bà đang còn là Thanh niên xung phong đã làm hại cái phổi của bà, bệnh âm ĩ phát, bây giờ tuổi già nên càng nặng rồi chuyển sang ung thư.
Ông buồn lắm nhưng chẳng nói với bà, chẳng nói với ai. Một mình ông lầm lũi cơm cháo, chăm sóc bà. Rồi cái ngày được chị Thu cho biết mèo đen có thể chữa được ung thư, ông đi lùng mua khắp vùng mà chẳng thấy. Khi biết nhà chị Thu có mèo đen vừa đẻ lại trùng hợp với con mèo mướp nhà ông cũng vừa trở dạ, ông như thoáng nghĩ ra điều gì… !
Sau khi ở nhà chị Thu về ông cứ thao thức suốt đêm, đi vào đi ra tính toán điều gì đó. Bà Thành thấy ông dạo này ít ngủ, tính khí khác thường nên khuyên ông đi khám bệnh xem sao. Rồi bà động viên ông :
- Ông ạ ! Tôi không sao đâu. Sống chết có số, mà tôi thấy mình đang khỏe lắm. Nói rồi bà cầm chổi quét nhà như chứng minh cho ông điều vừa nói. Nhưng cơn choáng làm bà ngã vật xuống ngất xĩu. Bà đâu có biết cơn bệnh của bà là cơn bệnh nan y khó bề chữa trị.
Trong lòng ông Quang như bao mối tơ vò. Rồi ông cũng quyết định việc mình nên làm. Ông suy nghĩ rất nhiều, rồi ông tự vấn an : « Mình có làm cái việc tồi tệ thế nào chăng nữa cũng cứu được một mạng người ».
Từ ngày đổi tráo mấy con mèo đen về, ông chăm chút nó kỹ lưỡng mong sao phép mầu sẽ đến với ông. Nhưng, khi những con mèo vừa lớn sắp bán được cũng là lúc Bác sỹ kết luận bệnh của bà đã vào giai đoạn cuối. Thôi ! thế là bao nhiêu công sức đã thành « công cốc ». Đành vây ! « Đã trót thì phải trét », ông về bán mấy con mèo đen để lấy ít tiền cùng với số tiền hưu ít ỏi gom góp được âu cũng « còn nước, còn tát » để chăm sóc bà.
Tôi nghe ông kể mà trong lòng thấy xót xa, rồi cũng tự trách sao ông kín tiếng đến thế là cùng, không cho ai biết để giúp đỡ thêm.
Kể đến đây nước mắt ông tự nhiên chảy dài trên má. Ông than thở : - Cái số tôi khổ thế, sao ông trời không phụ lòng… ! Tôi có lỗi lắm ! Giá như ngày đó tôi sang nói với chị Thu một tiếng thì.. ! Nói chưa dứt lời, bà Thành lại rên rĩ và xin ông bát nước. Tôi ngồi trầm ngâm mấy phút rồi xin phép ông ra về.
Tôi kể lại chuyện cho chị Thu nghe, chị chép miệng : - Thật tội cho ông Quang quá ! Nếu chị biết mọi nhẽ chắc không làm to chuyện để ông Quang khỏi đau lòng.
Sáng hôm sau chị Thu cùng với Hội CCB, Hội TTTS, Hội NCT của tiểu khu đến thăm bà Thành từ sớm. Ông Quang niềm nỡ đón tiếp mọi người trong niềm vui tình đồng đội. Ông thấy lòng mình được an ủi, thanh thản, thấy như trẻ lại trong đoàn quân xuất trận hôm nào…
Ngọn gió đông đầu mùa se se lạnh, đang nhè nhẹ xạc xào tàu chuối trước sân, nhưng trong lòng mọi người như đang ấm lên bỡi tình làng nghĩa xóm.
Quán Hàu, tháng 7 năm 2017