HỒ CHÍ MINH VỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Hồ Văn Chi
"...Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Danh nhân văn hoá thế giới đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hoá mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của văn hoá nhân loại..."(TTXVN)
Về văn học, Người để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm có giá trị. Riêng về thơ, theo " Thơ Hồ Chí Minh"- nhà xuất bản Nghệ An, năm 2003 và " Nhật ký trong tù"- nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2002, có tổng cộng 296 bài (136 bài tiếng Việt, 160 bài chữ Hán. Riêng "Nhật ký trong tù" có 135 bài). Các bài thơ chữ Hán của Bác chủ yếu là thơ Đường luật và phần lớn theo thể thơ tứ tuyệt (bốn câu bảy chữ).
Bản thân tôi, tuy không biết chữ Hán, nhưng khi đọc các bài thơ chữ Hán (qua phiên âm và qua bản dịch), đặc biệt là các bài thơ Đường luật của Bác đã vô cùng khâm phục sự uyên thâm của Người.
Từ khi mới học làm thơ Đường luật, tôi thường đọc rất nhiều lần các bài thơ của Bác, để qua đó học tập thêm về bố cục, về niêm, luật, đối ngẫu v.v...; đặc biệt là sự tự nhiên, không gượng ép, không cường điệu...trong thơ Bác.
Những bài thơ Đường luật của Bác mà tôi rất thích như:
Các bài tiếng Việt: Tức cảnh Pắc Bó, Cảnh khuya, Sáu mươi tuổi, Thăm lại hang Pắc Bó, Mừng xuân 1967, Mừng xuân 1968...
Các bài chữ Hán: Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Thu dạ (đêm thu), Tư chiến sỹ ( nhớ chiến sỹ), Đăng sơn (lên núi), Thất cửu ( sáu ba tuổi)...
Đặc biệt là một số bài trong tập " Nhật ký trong tù" mà tôi rất tâm đắc như: Thế lộ nan (đường đời hiểm trở), Học dịch kỳ (học đánh cờ), Vọng nguyệt (ngắm trăng),Tẩu lộ (đi đường), Mộ (chiều tối), Lộ thượng ( trên đường), Văn thung mễ thanh (nghe tiếng giã gạo), Trúc lộ phu (phu làm đường), Dạ bán (nửa đêm), Bất miên dạ (đêm không ngủ), Tích quang âm (tiếc ngày giờ), Thu dạ ( đêm thu), Tình thiên (trời hửng), Khán Thiên thi gia hữu cảm ( cảm tưởng đọc "Thiên thi gia"), Tân xuất ngục đăng sơn (mới ra tù tập leo núi)...
Đọc thơ Bác nói chung và thơ Đường luật nói riêng, ta thấy có rất nhiều điều để chiêm ngưỡng và học hỏi.
Về tư tưởng, quan điểm: Trong bài thơ "KHÁN THIÊN THI GIA HỮU CẢM" Bác đã thể hiện rất rõ:
"Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thuỷ yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong"
Dịch: CẢM TƯỞNG ĐỌC "THIÊN THI GIA"
"Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
( Nam Trân dịch)
Bài thơ đã nói lên tư tưởng, quan điểm của Nhà thơ, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân ta. Đó là, thơ phải có tính chiến đấu, người làm thơ không chỉ yêu thiên nhiên mà hơn thế nữa phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, thơ phải gắn liền với đời sống thực tại, với quyền lợi của đất nước, của nhân dân...
Bác đã thực hiện đúng như vậy. Đọc các bài thơ của Bác, ta thấy không những Người tuân thủ rất đúng luật thơ, rất lãng mãn nhưng cũng rất đầy tính hiện thực và chiến đấu. Tôi rất thích và cảm phục Bác qua bài "NGUYÊN TIÊU":
"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền"
Dịch: RẰM THÁNG GIÊNG
"Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền"
( Nam Trân dịch)
Chỉ với bài tứ tuyệt, hai mươi tám chữ thôi nhưng Nhà thơ không những đã tả phong cảnh đêm rằm tháng giêng đẹp tuyệt vời, trăng sáng lung linh, sông mùa xuân,
nước mùa xuân, liền tiếp trời mùa xuân...với làn hơi nước đêm khuya như khói mờ huyền ảo ở nơi căn cứ địa (thâm xứ), mà còn nói lên phong thái ung dung, lãng mạn, lạc quan của Người khi "giữa dòng bàn bạc việc quân, khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền."
Về hình thức: Nhiều bài thơ tứ tuyệt của Bác có kết cấu chặt chẽ, đúng luật; ý tứ súc tích, sâu sắc, chẳng khác gì những bài thơ hay của thơ Đường luật, ví dụ như bài:
THU DẠ
"Trù hoạch canh thâm tiệm đắc nhàn,
Thu phong thu vũ báo thu hàn.
Hốt văn thu địch sơn tiền hưởng,
Du kích quy lai tửu vị tàn"
Dịch: ĐÊM THU
"Bàn việc canh chầy mới tạm ngơi
Gió mưa thu báo lạnh thu rồi
Còi thu bỗng rúc vang rừng núi
Du kích về thôn, rượu chửa vơi"
( Bản dịch: Hồ Chí Minh-thơ-NCB Văn học,HN,1975)
Hay bài:
THUỴ BẤT TRƯỚC
"Nhất canh...nhị canh...hựu tam canh,
Triển chuyển, bồi hồi, thuỵ bất thành;
Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn,
Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh."
Dịch: NGỦ KHÔNG ĐƯỢC
"Một canh...hai canh...lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh."
(Nam Trân dịch)
Về các bài thơ Đường luật tám câu, bảy chữ của Bác: trong "Nhật ký trong tù", Bác chỉ viết hai bài ở thể thơ này là THU DẠ ( ĐÊM THU) và TÌNH THIÊN (TRỜI HỬNG) nhưng cả hai bài về hình thức thì rất đúng luật thơ Đường: khai, thực, luận, kết và niêm, luật đối, vần đều rất chuẩn; các câu đối ngẫu thật chuẩn từng ý từng từ; về nội dung tư tưởng thể hiện rất rõ ràng:
"...Mộc sắc tung hoành như thản khắc
Mân trùng tụ tán tự phi cơ
Tâm hoài cố quốc thiên đường lộ
Mộng nhiễu tân sầu, vạn lũ ti;..."
Dịch:
"...Rệp bò ngang dọc như xe cóc
Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay..."
(THU DẠ (ĐÊM THU), Nam Trân dịch.)
Và: "...
"Phiến thì vũ trụ giải lâm phục,
Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên
Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu
Thụ cao chi nhuận điểu tranh nghiên..."
Dịch:"...
"Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ
Cây cao, chim hót rộn cành tươi..."
(TÌNH THIÊN( TRỜI HỬNG), Nam Trân dịch
Tuy nhiên, khi viết cho quốc dân đồng bào, để ý thơ nhanh chóng phổ cập đến mọi người, Bác đã viết những bài tứ tuyệt theo thể thơ Đường luật nhưng rất súc tích, giản dị, tóm gọn nhiệm vụ chiến lược của toàn dân tộc trong từng năm, từng giai đoạn:
MỪNG XUÂN 1967
"Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta.
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa."
MỪNG XUÂN 1968
"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta."
Điều thú vị ở thơ Hồ Chí Minh, là ngoài thơ Đường luật, Bác còn viết nhiều thể thơ dân tộc như thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, lục bát, tự do v.v... Có những bài thơ viết theo thể tự do nhưng khi đọc lên nghe phảng phất âm hưởng của thơ Đường như bài:
THƠ CHÚC TẾT NĂM 1947
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!"
Như vậy, là dù với thể thơ nào, chữ Hán hay tiếng Việt, thơ Bác Hồ vẫn lấy nội dung, tư tưởng, tình cảm làm trọng.
Đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:
"Vần thơ Bác là vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"
Có nhà văn lớn nước ngoài cũng đã có lời nhận xét về thơ Hồ Chí Minh, đại ý: "Thơ của Chủ tịch Chí Minh đặt cạnh bên những bài thơ Đường không biết bài nào hay hơn bài nào". Thật là, không thể có lời khen nào tế nhị và chính xác hơn!
Đà Nẵng tháng 8/2015
Hồ Văn Chi, năm sinh 1945.
238 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng
Điện thoại: 0983325708
Email: hosychi0101@gmail.com
Thành viên Chi hội thơ Đường Việt Nam tại Đà Nẵng.