"Hồi ức bên nồi bánh chưng" - Phạm Tiến Đặng

Ngày đăng: 09:31 09/02/2016 Lượt xem: 528

 

 

 

HỒI ỨC BÊN NỒI BÁNH CHƯNG

 

 

Tác giả Phạm Tiến Đặng

 

          Chiều hai chín. Ba thằng lính cựu binh Trường Sơn chúng tôi chung nhau con heo nhà nuôi, mổ thịt chia nhau ăn Tết. Thực ra tụi tôi cũng chẳng có ý thể hiện "đẳng cấp" và muốn vất vả làm gì. Chỉ tại thời gian vừa qua xem tivi, đài, báo thấy quá nhiều vụ vận chuyển gà, heo bốc mùi thiu, thối. Lợn, bò thì không những nuôi bằng thuốc tăng trọng, tạo nạc...Mà khi giết mổ lại còn bơm nước bẩn vào để tăng thêm trọng lượng. Gà, vịt thì sơn phết hoá chất cho đẹp, hoa quả thì phun thuốc kích thích rồi dùng hoá chất ủ, ngâm cho nhanh chín có mầu bắt mắt, láng lẩy...Chỉ vì muốn có nhiều lợi nhuận mà những tư thương gian manh đã nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để móc túi người tiêu dùng. Hậu quả tất yếu là bệnh tật, là con đường đến nghĩa trang thật gần của những con người vô tội do vô tình ăn phải những loại thực phẩm bẩn như vậy !

        Vất vả cả năm làm lụng, mưu sinh vì miếng cơm, manh áo. Ba ngày Tết con cháu được nghỉ về vui xuân, đón Tết xum họp gia đình. Cứ như mọi năm ra chợ mua. Lỡ không may mua phải "thịt tái chế". Con cháu về vui Tết đón xuân. Vui đâu chẳng thấy, lại ngộ độc thực phẩm! Ngày xuân phải khăn gói quả mướp đi tiếp ứng ở bệnh viện thì còn xung sướng nỗi gì..?

      Cái ngày tụi tôi rời quê hương lên đường nhập ngũ đâu có biết gói bánh chưng, bánh đòn, bánh tét ! Chiến tranh qua đi. Mấy chục năm xa quê "tha hương cầu thực". Nay tuổi chí ít đứa nào thấp nhất cũng đã lục tuần. Ba đứa chúng tôi ngả heo xong. Nhờ người hàng xóm ngoài Bắc mới vào lập nghiệp, giúp gói và chỉ dẫn tụi tôi tập gói bánh chưng. Có lẽ nhờ "cái gien" lính Trường Sơn phản ứng nhanh và thông minh có sẵn từ cái thời mịt mù khói lửa...Chỉ nhanh, chậm vài gây là có thể phải hy sinh mạng sống - nên tụi tôi chỉ nhìn người hàng xóm gói mẫu xong một cái, là cả ba đứa đều gói được gọn gàng đẹp đẽ và vuông vức đến lạ !

   Nhậu xong. Tụi tôi cho con cháu nghỉ ngơi, tuỳ nghi "di tản" lên phòng khách mở Karaoke tập làm ca sỹ Đan Trường, Phương Thanh...Ba thằng lính già pha bình trà ngồi canh nồi bánh chưng nghe con cháu hát những bản nhạc: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Một đời người một rừng cây...Và chúng tôi cùng nhau tán dóc...Phải nói nếu ai đó bỏ công sưu tầm và ghi lại những câu chuyện "tự chế" của lính Trường Sơn, rồi in thành truyện, thì có lẽ không chỉ bác Ba Phi ở Việt Nam mà ngay cả những nhà văn có khả năng trào phúng nhất Thế giới cũng phải ngả mũ, nghiêng mình bái phục.

     Cái bếp lò TK90. Chỉ cần bỏ vào ba que củi, chẳng mấy chốc đã làm nồi bánh chưng sôi lên ùng ục...Màn đêm đen thậm. Những cơn gió lành lạnh thổi nhẹ. Hai thằng đồng đội tôi khi chiều nhậu vô tư, sau chầu hưng phấn kể chuyện của lính...Đã lủi vô nhà kiếm võng ngả lưng. Còn lại mình tôi bên nồi bánh chưng rực lửa. Đêm quê tĩnh lặng  quá!

   Ngày ấy... chiều 26 tháng chạp năm 1972. Chúng tôi đang đóng quân ở khu vực Phù Trường – Keng Nhang bên Lào. Anh em trong Sư đoàn bộ 471 hối hả đi kiểm những cành mai vàng bên suối, những giò phong lan rừng đẹp nhất để trang trí đón xuân. Phòng Hậu cần tất tả chuẩn bị thực phẩm, để lên tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sỹ đón mừng năm mới trong không khí vui tươi, náo nhiệt...bởi những tin  thắng lợi dồn dập bay về không chỉ trên các mặt trận mà ở cả bàn đàm phán Pari về đình chiến tại Việt Nam. Khi đó tôi đang ở Phòng Tham mưu Vận chuyển. Hai cái Tết 1971- 1972 vì nhiệm vụ tôi đã "phải" ăn Tết cùng anh em dưới đơn vị kho hàng, nên chắc mẩm Tết này sẽ được ăn Tết cùng với anh em ở Phòng Tham mưu Sư đoàn bộ. Ai ngờ mới sáng ra, lãnh đạo Phòng gọi lên giao nhiệm vụ: Trực tiếp xuống kho hàng đầu mối của Binh Trạm 44 kiểm tra, thống kê nguồn hàng... báo cáo gấp về Phòng, để kịp thời điều phối chi viện cho chiến trường Tây Nguyên. Nhận lệnh từ Tham mưu trưởng, tôi lại hối hả khoác ba lô, đeo sắc cốt lên đường làm nhiệm vụ. Cái lứa tụi tôi khi ấy còn trẻ lắm ! Mới vào cái độ tuổi hai mươi vô lo, vô nghĩ. Chẳng bận tâm gì ngoài hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được trên giao. Miễn sao " đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào", giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc, để Bắc Nam xum họp một nhà như sinh thời Bác Hồ Kính yêu hằng mong ước.

          Mặt trời xế bóng, tôi tới kho hàng. Vừa bước chân vào căn nhà nửa chìm, nửa nổi của ban chỉ huy đại đội, tôi đã gặp ngay anh Chính, anh Thuận, chính trị viên và đại đội trưởng kho hàng. Thấy tôi, anh Chính nheo mắt chọc quê: - Ê này sỹ quan trẻ. Tớ cứ tưởng Tết này cậu chê dưới đại đội chúng tớ nghèo nên ở trên Sư đoàn ăn Tết đón xuân có trà ngon, thuốc thơm rồi chứ ? Tôi vừa cởi bỏ chiếc ba lô xuống bàn, vừa trao đổi với hai anh về nhiệm vụ mà tôi được lãnh đạo  giao xuống đơn vị ngay trong ngày giáp tết. Nghe xong anh Chính vỗ vai tôi : - Cậu yên tâm ! Cứ nghỉ ngơi uống nước rồi ra suối tắm rửa. Xong lên ăn cơm. Sáng sớm mai anh em mình bắt tay ngay vào việc. Chỉ vài tiếng sau là cậu sẽ có số liệu chính xác báo cáo về Sư đoàn được rồi. À ! Chiều nay đại đội mình đãi cậu món nai rừng anh em vừa bẫy được lúc sáng đấy. 

Tôi lấy trong túi cóc ba lô ra hai bao thuốc BRao và một gói trà Hồng đào, quà riêng của Thủ trưởng phòng tặng tôi khi ông vừa giao xong nhiệm vụ. Đặt lên bàn biếu hai anh. Anh Thuận hồ hởi : - Trà đặc biệt này phải pha bằng cái ấm "yêu thương"của ông Chính uống mới hết sẩy. Chứ uống bằng cái ấm gò từ pháo sáng kia thì chỉ có phí trà. Nghe Đại đội trưởng nói vậy, anh Chính vào hầm kèo moi từ trong ba lô ra chiếc ấm men Trung Quốc được gói bọc cẩn thận bằng một miếng vải đỏ. Anh cười: - Cái thằng cha Thuận này nó tăm biết anh có chiếc ấm trà kỷ niệm ngày cưới, cứ gạ mang ra pha trà hoài nhưng anh không chịu. Thôi hôm nay cũng ngày giáp Tết lại có chú em đồng hương mang trà ngon từ Sư đoàn về, mình phá lệ một bữa mang ra pha trà cùng uống cho vui. Nghe Anh Chính nói vậy. Anh Thuận cười hà hà...trêu: - Hôm nay ông mà không mang ra pha trà, cứ gói bọc ủ hoài lâu ngày nó teo đi không vừa đấy! Nghỉ phép về teo rồi còn vòi đâu mà rót ? Anh Chính liền chạy qua bên kia bàn túm lấy anh Thuận đấm thùm thụp mấy cái vào lưng. - Cái thằng này chỉ giỏi võ mồm. Con thì chỉ có vịt bầu, còn tớ ấm teo đâu không biết cưới xong là đã có thằng cu rồi. Rủi chiến tranh có mệnh hệ gì, đã có người thắp nhang và nối dõi tông đường. Chứ vịt bầu thì suốt ngày chỉ luẩn quẩn, lạch bạch mà thôi. Ba anh em chúng tôi cùng cười vang trong căn nhà hầm. Anh Chính cầm chiếc phích nước sôi rủ: - Chiều mát rồi ta ra bộ bàn ghế ngoài sân uống trà đi các cậu. Tôi bóc bao thuốc lá tiêu chuẩn Tết của mình mời hai anh thưởng thức. Phải công nhận lúc đó thuốc hút của bộ đội chúng ta đâu đã có đầu lọc mà sao thơm ngon đến thế ! Hút hơi nào là muốn ém cho hết vào phế quản và lồng ngực. Ăn uống thì kham khổ. Lăn lộn, vất vả. Bom đạn thì ác liệt suốt ba trăm sáu mươi năm ngày cả năm. Mà sao chẳng thấy thằng lính nào vì thuốc lào, thuốc lá mà ho sù sụ thế mới lạ. Tụi tôi thường bảo loại thuốc hút ngày xưa không có hoá chất, còn bây giờ tuy có đầu lọc, hút rất thơm là do các nhà sản xuất đã hấp tẩm hoá chất mà thôi.

 

 

Bếp ngày tết ở Trường Sơn ( Ảnh minh họa )

 

  Ba chúng tôi chưa kịp uống xong ấm trà thì tiếng máy bay phản lực của nguỵ quyền Sài Gòn đã lao xuống gầm rít...bom nổ. Theo phản xạ chúng tôi chỉ kịp nằm xoài xuống đất. Mảnh bom văng rít rít, khói bụi mịt mù...Sức ép của quả bom địch thả nổ cách chúng tôi chừng bảy mét đã thổi tung chiếc bàn trà được ghép bằng tre, chiếc ấm trà bay lên tận trạc cây dính chặt vào mà không vỡ. Tôi đứng dậy nhìn...Trời ! Anh Chính đã hy sinh. Một mảnh bom găm trúng ngực, máu phun trào ướt đẫm. Đại đội trưởng Thuận thì bị thương ở tay do đất đá văng vào. Tôi cùng anh em trong đại đội kho bung ra cấp cứu, tải thương và an táng cho ba đồng chí đã hy sinh. Chiều tối, nhìn mâm cơm với đĩa thịt nai bóp tái, măng rừng hầm xương thơm ngon, nóng hổi mà trưa nay anh em trong tổ hậu cần mới giăng bẫy được. Không ai trong đơn vị còn có tâm trí để cầm đũa. Không riêng tụi lính trẻ chúng tôi, mà cả anh Thuận và những cựu binh lớn tuổi đã dày dạn trong bom rơi, đạn nổ. Mắt ai cũng đỏ hoe vì thương anh Chính và hai đồng đội trẻ đã hy sinh, ngay trước thềm năm mới tưởng đã được an bình sau hiệp định Pari. Thế mới biết ! Đảng ta đã nhận định rất sáng suốt: Đế quốc Mỹ trong cuộc chiến hao người tốn của đã thua đau trên các mặt trận. Nhằm cứu vãn tình thế buộc chúng phải mở chiến dịch đưa B52 ra ném bom rải thảm hòng huỷ diệt Hà Nội thủ đô và là trái tim thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng định biến chúng ta trở về thời kỳ "đồ đá" đã hoàn toàn thất bại. Chúng buộc phải ký kết Hiệp định Pari. Nhưng nguỵ quyền Sài Gòn vẫn bằng mọi cách phá hoại Hiệp định. Chúng giành dân, lấn đất. Bởi đã được " người bạn, người đồng chí tốt" của chúng ta ở phương Bắc bật đèn xanh cho biết đã rút hết những sư đoàn về nước và ngưng tất cả mọi khoản viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đổi lại Hạm đội Bảy của Mỹ sẽ án binh bất động. Khi Trung Quốc đưa quân đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trận chiến ăn cướp biển đảo không cân sức ấy, đến nay dù đã mấy chục năm trôi qua...Nhưng trong lòng người dân nước Việt không ai là không biết, không ai là không nhớ: Hải chiến Hoàng Sa. 

          Vì thế ! Trong không khí vui mừng chiến thắng ta vừa dành được trên bàn đàm phán. Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho bộ đội trên tất cả các mặt trận: Chuẩn bị đón xuân nhưng không được lơ là thiếu cảnh giác và lúc nào cũng phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động nỗ lực tái chiếm đất đai và dành dân của địch.

          Đêm đó tôi đã khóc hết nước mắt vì thương anh Chính - người anh đồng hương, người chính trị viên hiền lành dễ mến. Anh luôn gương mẫu và yêu qúi, đùm bọc anh em chiến sỹ như những đứa em ruột thịt trong nhà. Có lẽ giờ này nơi vùng núi cao của hậu phương Miền Bắc, cô giáo Hảo và đứa con trai hai tuổi mới bi bô tập nói của anh, trong cái giá lạnh đầu xuân đang vui vẻ quây quần bên bếp lửa nhà trường.  Chị chăm sóc, động viên và cùng các em học sinh người dân tộc chuẩn bị những món ăn ngon đón mừng năm mới.  Chị có biết chăng người chồng thân yêu nhất của mình vừa mới hy sinh ?

          Mới cách đây hai tháng, trong chuyến xuống kho công tác lần trước, buổi tối hai anh em căng võng nằm dưới nhà hầm. Tôi nghe anh Chính tâm sự... Anh kể cho nghe về vùng đất quê anh - nơi có nhiều mái đình, chùa rêu phong cổ kính, về những làn điệu dân ca...Và về mối tình của người chiến sỹ với cô giáo miền xuôi đã tình nguyện lên dạy học ở vùng cao biên giới. Nơi  ấy muốn lên tới trường phải đi bộ hết nửa ngày vượt qua bao đỉnh đèo, khe suối...Lần đáyanh về phép. Nhân đi dự một đám cưới đồng đội. Ông tơ, bà nguyệt xe duyên thế nào anh, chị lại được bạn bè xếp ngồi chung một bàn. Đám cưới ngày ấy đơn sơ lắm ! Chỉ vài tút thuốc Tam đảo, Trường Sơn. Thêm ít bánh kẹo, vài ký trà và liên hoan văn nghệ. Hát bộ thôi. Đâu có đàn, trống loa đài gì mà vui và hạnh phúc trọn vẹn, thuỷ chung hết mực. Đâu có như bây giờ phú quí sinh lễ nghĩa. Nghe nói có những đám cưới con của mấy ông bà  đại gia chi ra cả chục tỷ. Rượu ngoại, thức ăn thừa mứa... Đón dâu là cả đoàn xế hộp. Ấy vậy mà cưới nhau về chưa tới ba năm. Chồng có bồ và vợ cũng đã ém sẵn cho mình một phi công khoẻ đẹp. Báo hại Toà án phải tăng thêm viên chức để chuyên thụ lý và giải quyết các vụ chanh chấp tài sản ly hôn.  

    Trong tiết mục văn nghệ hôm đó, thế quái nào người dẫn chưong trình tổ chức đưa anh chị bốc thăm lên hát, lại trúng ngay bài song ca: Hành khúc ngày và đêm. Thế là sau những tràng pháo tay dài cổ vũ. Anh chị đã cùng nhau song ca: …Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch...Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào...Thế rồi ! Chỉ bốn ngày sau đám cưới người đồng đội anh chị được hai gia đình đồng thuận tổ chức lễ thành hôn. Đám cưới của người sỹ quan trẻ và cô giáo vùng cao thật hân hoan, náo nhiệt. Bạn bè, bà con đến dựng rạp, chung vui mừng anh chị xoong nồi, chăn chiếu, bát chén và cả mấy bộ ấm, phích nước pha trà. Sau năm ngày hết phép. Chia tay người vợ trẻ, anh mang theo kỷ vật ngày cưới là bộ ấm trà vào chiến trường để làm kỷ niệm và chia vui cùng anh em trong đơn vị. Chiếc ấm trà khi bom nổ đã thổi tung lên nhưng không vỡ mà dính chặt vào chạc cành cây.

  Sáng sớm. Tôi trèo lên cây cẩn thận gỡ chiếc ấm trà mang xuống. Sau khi xin phép anh Thuận đại đội trưởng kho hàng. Tôi đã gói chiếc ấm"yêu thương" vào mảnh vải đỏ của anh, cùng những lá thư chị Hảo gửi cho anh trong suốt hai năm từ mái trường vùng cao nơi hậu phương Miền Bắc, và cuốn nhật ký anh Chính đã viết về những ngày đạn bom khốc liệt...Tình yêu, nỗi nhớ người vợ - cô giáo thảo hiền và đứa con trai bé bỏng từ khi sinh ra vì cuộc chiến mà anh chưa một lần gặp mặt. Tôi tự hứa: Ngày gần nhất về phép tôi sẽ lên thăm mẹ con chị và chuyển tận tay cho chị những kỷ vật của anh.

   Thế rồi cuộc chiến đã chuyển sang bước ngoặt thần tốc. Sau khi ta giải phóng Buôn Mê Thuột, nắm chắc thời cơ và vận mệnh quốc gia, từ Tổng hành dinh Võ Đại Tướng chuyển đi mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa"... Bộ đội Trường Sơn đã cùng toàn quân tạo nên những cánh quân, những binh chủng hợp thành rầm rập tiến thẳng vô giải phóng Sài Gòn. Đập tan sào huyệt cuối cùng của chế độ nguỵ quyền tay sai bán nước, tạo nên bản hùng ca Đại thắng Mùa Xuân 1975. Giang sơn thu về một mối. Dân ta được hoàn toàn tự do, độc lập ! 

   Mải lo công tác tiếp nhận, kiểm kê và quản lý các kho hàng quân địch để lại. Mãi tới cuối năm 1976 tôi mới được cấp trên cho về nghỉ phép. Tìm lên mái trường vùng cao, nơi cô giáo Hảo đang hàng ngày đứng lớp. Hỏi thăm và leo bộ tới gần trưa, tôi mới tới được ngôi trường nội trú. Gọi là trường cho oai chứ thật ra nơi đây chỉ có hai căn nhà tranh tuềnh toàng xiêu vẹo. Một căn để bàn ghế cho học sinh ngồi học. Căn đối diện được ngăn ra một gian đầu chái cho cô giáo ở, gian còn lại là nơi ở nội trú cho các em học sinh người dân tộc. Cô Hảo vẫn còn đang đứng lớp !

    Thời đó chưa có  điện thoại để liên lạc. Bằng lá thư tôi đã gửi cho chị nhận được tháng trước. Với linh cảm, trực giác chị đã biết chú bộ đội trẻ lên trường tìm chị hôm nay với mục đích gì rồi. Cô Hảo cầm phích nước sôi trong bàn tay run run, nứt nẻ pha trà mời khách. Cậu con trai năm tuổi từ phòng nội trú bên cạnh chạy về. Thấy có chú bộ đội, nó lễ phép vòng tay : - Cháu chào chú bộ đội ạ ! Nói rồi cháu Chuyên (con anh Chính) quay sang hỏi mẹ : - Mẹ ơi thế mấy ngày nữa bố mới về để ăn Tết cùng mẹ con mình ? Cô Hảo bồng đứa con trai bé bỏng vào lòng xoa đầu rồi chỉ lên di ảnh của anh Chính nựng : - Bố con đã về với mẹ con mình lâu rồi, ngày nào chẳng cùng vui đùa, cười với con sao ? Tôi nhìn lên bàn thờ anh. Một tấm gỗ mỏng bào nhẵn, trong bát nhang một nén hương đang cháy dở, vài cành hoa rừng được cắm trong chiếc lọ lục bình và bức hình anh đang cười rất tươi trong trang phục người lính ! Cháu Chuyên nũng nịu : - Con ứ chịu đâu. Con muốn bố cùng chơi với con cơ ! Tuổi nhỏ thật vô tư. Nhưng câu nói của cháu Chuyên đã làm cho lòng những người lớn chúng tôi vô cùng đau xót. Không muốn để con trẻ nhìn thấy mình khóc. Chị Hảo thả cu Chuyên xuống và giục : - Con qua chơi với các anh chị học sinh để mẹ còn tiếp khách ! Cu Chuyên dạ rồi chạy đi…

 

 

( Cô giáo hướng dẫn học sinh tránh máy bay trên đường về nhà - Ảnh minh họa )

 

   Tôi mở chiếc ba lô mang kỷ vật của anh ra trao vào tận tay cho chị. Bàn tay chị run run khi mở miếng vải đỏ. Những giọt nước mắt chị lặng thầm đổ xuống ướt đẫm ngoài bìa cuốn nhật ký của anh. Tôi biết chị đã gắng  kìm lòng để không bật lên tiếng khóc làm xôn xao đến lũ trẻ phòng bên. Những học sinh đã từ lâu chúng luôn yêu quí và xem chị như là người mẹ.

   Chờ cho chị đọc hết những dòng nhật ký của anh. Tôi kể cho chị nghe về những ngày tháng anh ở Trường Sơn đã sống, công tác và chiến đấu ra sao...Chị lặng im nghe về cách sống, tình yêu thương đồng đội cũng như lòng dũng cảm của anh trong công tác và chiến đấu luôn là tấm gương sáng để lớp lính trẻ chúng tôi soi vào học tập. Trên gương mặt buồn đau của chị những giọt nước mắt tự lúc nào đã không còn rơi nữa. Thay vào đó là ánh mắt tự hào về một người chồng, người sỹ quan quân đội nhân dân đã sống và chiến đấu thật kiên cường. Dù anh đã hy sinh, nhưng sự hy sinh của anh vẫn mãi để lại trong lòng những người đồng đội như chúng tôi sự kính trọng và khôn nguôi tiếc nuối.

    Hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng như bao người lính Trường Sơn được chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ. Vì cuộc sống mưu sinh tôi cùng gia đình vào Miền Nam sinh sống. Thỉnh thoảng tôi và chị điện thoại cho nhau động viên, trao đổi tin tức. Cu Chính giờ đã lớn. Học hết cấp ba, theo gương cha cháu xin thi vào Trường sỹ quan Quân đội. Tốt nghiệp với tấm bằng ưu, cháu được đặc cách phong hàm trung uý và được Quân đội cử đi đào tạo tiếp ở nước ngoài. Cháu không muốn đi học vì xa mẹ, thương mẹ già ở nhà một mình vất vả, cô đơn. Chị đã động viên cháu cứ yên tâm đi học. Có kiến thức sau này về sẽ phục vụ cho Quân đội tốt hơn góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Đó mới chính là lòng hiếu thảo và trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc của mình. Mẹ con mình ở đây cùng với bà con dân bản lâu rồi. Con đừng lo ở nhà mẹ đã có bà con dân bản quan tâm, giúp đỡ…

   Mùa hè vừa qua, tôi cùng với các cháu cựu sinh viên ra trường làm ăn thành đạt đi làm công việc thiện nguyện. Đoàn đi trao những phần quà để giúp cho các cháu nghèo vùng cao chăm ngoan, hiếu học. Mấy chục năm trôi qua. Lần này tôi mới có dịp cùng đoàn thiện nguyện về thăm và tặng quà cho các cháu nơi ngôi trường xưa chị dạy học. Con đường vào trường giờ đã được nhà nước đầu tư bê tông hoá sạch sẽ khang trang. Hai căn nhà lá tranh xêu vẹo năm xưa giờ đã được thay bằng ngôi trường hai tầng khang trang, ngói đỏ. Chị đã nghỉ hưu. Mái tóc dài đen mượt năm xưa nay đã quá nhiều sợi bạc. Gặp lại tôi, chị khoe : - Cháu Chuyên của chú mới bảo vệ suất sắc luận án Tiến sỹ. Năm ngoái cháu đã được phong hàm Đại tá rồi. Cháu đang công tác ở Hà Nội cứ muốn đón mẹ về dưới đó ở cho vui. Nhưng chị không chịu. Chị bảo đã quá nửa đời lên đây dạy học sống cùng bà con dân bản. Tuy vùng sâu vùng xa này cuộc sống tiện nghi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng bù lại là tình người chân thành, ấm áp, khí hậu trong lành, yên tĩnh không náo nhiệt ồn ào như những nơi phồn hoa đô thị. Chị giơ tay coi đồng hồ rồi bảo tôi : - Chắc chỉ ba mươi phút nữa là thằng Chuyên về tới. Hôm kia nhận được tin chú cùng đoàn thiện nguyện lên. Chị đã gọi điện báo cho cháu biết. Chuyên nó mừng lắm. Tuy bận nhưng nó cũng báo cáo xin nghỉ hôm nay để về gặp chú, người đồng đội năm xưa của bố nó. Để được trực tiếp nghe chú kể về người bố năm nào đã hy sinh đang còn nằm lại trên dải đất Trường Sơn. Rồi nhờ chú giúp chỉ dẫn cho cháu sơ đồ khu vực nơi anh Chính nằm xuống, để đi tìm hài cốt của anh đưa về an táng tại quê nhà. Làm xong việc đó thì mẹ con chị mới yên tâm và mãn nguyện.

  Tôi trêu chị : - Chị cứ ở trên này không về Hà nội với cháu phải chăng vì tiếng gọi con tim với bác nào ở đây rồi ?

   Chị thật thà : - Không có đâu chú ! Tình yêu của tôi từ lúc còn trẻ cho đến bây giờ chỉ dành cho duy nhất một người là anh Chính mà thôi. Trước đây vợ chồng tôi đã thống nhất đặt tên con là Chuyên. Là có ý như các cụ ngày xưa đã dạy: Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Tuy Chinh đã hy sinh. Nhưng đã để lại cho tôi giọt máu của anh ấy. Cháu Chuyên giờ đã khôn lớn, vậy là tôi đã làm tròn bổn phận của người làm vợ, làm mẹ rồi.

   Tiếng pháo hoa đón giao thừa rộn rã, tiếng BTV trên truyền hình trân trọng giới thiệu Chủ tịch Nước đọc thư chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ, đồng bào, chiến sỹ cả nước cùng bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài. Chương trình truyền hình đã cắt ngang hồi ức của tôi về những con người trong những tháng năm trên những cánh rừng Trường Sơn hoa, lửa...

    Hai thằng bạn lính Trường Sơn của tôi giật mình tỉnh giấc. Chúng chạy xuống. Thằng Thắng hỏi lớn : - Nồi bánh chưng ông canh thế nào rồi, đã chín chưa ? 

   Ba người lính già Trường Sơn chúng tôi nắm tay nhau cùng vô nhà uống trà đón mừng năm mới và nghe Chủ Tịch Nước đọc thư chúc Tết !

                                  

                              Phạm Tiến Đặng

                Sư Đoàn 471- Hội TTTS Bình Thuận

 

tin tức liên quan