Chiến tranh vệ quốc ở quốc gia nào cũng vậy, vai trò của người lính là tiên quyết cho chiến thắng hay chiến bại ... Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng chứng minh hùng hồn điều ấy - Bao cuộc chiến, bao kẻ thù đều được đẩy lùi bằng lòng yêu nước, ý chí " Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của người lính ... Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã đi qua gần bốn chục năm nhưng mỗi người dân Việt chúng ta mãi mãi không bao giờ quên bao người lính, với tinh thần và ý chí ấy họ đã anh dũng hy sinh để gìn giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc .
Những ngày này cả nước đang có những hoạt động ôn lại lịch sử và tưởng nhớ công lao các anh hùng Liệt sỹ trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - Trang thông tin Trường Sơn xin tái giới thiệu bài viết có chủ đề về người lính mà với tinh thần và ý chí " Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" họ đã gác lại tất cả để dành cho nhiệm vụ vinh quang - Ra trận giữ đất thiêng Tổ quốc... Bài viết có tựa đề " Kể về anh - Người trong bài viết: Bức thư 34 năm thất lạc của một Liệt sỹ" của tác giả Phạm Sinh - Bài đã đăng trên Trang thông tin Trường Sơn ngày 08 tháng 9 năm 2014.
Ban biên tập Trang thông tin Trường Sơn
KỂ VỀ ANH - NGƯỜI TRONG BÀI VIẾT:
“ BỨC THƯ 34 NĂM THẤT LẠC CỦA MỘT LIỆT SĨ ”
Thưa các đồng chí và các bạn ! Chuyện tôi kể thêm chẳng gì đáng nói nếu nó không gắn liền với bài viết “Bức thư 34 năm thất lạc của một liệt sĩ ” - Bài viết nói về lá thư mà Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa viết và chưa kịp gửi cho người yêu sắp cưới thì anh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Chuyện là thế này: Tôi biết anh Nguyễn Thái Hòa từ những năm cuối thập kỷ 60 - Khi ấy tôi mới khoảng 13 - 14 tuổi. Gia đình bố mẹ anh là hàng xóm thân cận của gia đình bố mẹ tôi. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN của Đế quốc Mỹ đã đưa gia đình anh lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thương đau - Bố đẻ anh (ông Nguyễn Văn Khải) là xã viên thuộc đội vận tải đường sông của HTX sản xuất muối Duyên Hải xã Hải Hòa huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Đội vận tải này có nhiệm vụ chuyên vận chuyển muối từ Hải Hòa - Hải Hậu đi cung cấp cho các đầu mối phân phối cho chiến trường và các tỉnh miền Bắc … Vào những năm giữa thập kỷ 60 đến giữa thập kỷ 70, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt. Trên tuyến sông duy nhất mà đoàn thuyền vận tải thường hành trình, ngoài sự săn tìm trên không để ném bom hủy diệt, giặc Mỹ còn thả xuống mặt sông hệ thống thủy nôi dày đặc nhằm phá hủy, tiêu diệt các phương tiện vận tải trên sông. Trước thực trạng này, nhiệm vụ của đội vận tải đường sông là rất quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm và lòng dũng cảm của các xã viên là thuyền viên. Họ được coi như đội quân cảm tử giống như các chiến sỹ trên các đoàn tàu không số của Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ. Và, ông Nguyễn Văn Khải - bố đẻ của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa là một trong số những người ấy …
Thế rồi vào một ngày cuối năm 1969, một tin sét đánh đến với gia đình Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa. Đoàn thuyền vận tải của HTX Duyên Hải đang hành trình trên đoạn thượng lưu thuộc cửa sông Lạch Giang ( Sông Ninh Cơ Nam Định ) thì con thuyền số 1 mà ông Nguyễn Văn Khải tham gia điều khiển gặp phải thủy nôi. Sau loạt tiếng nổ rung trời và bụi nước mù mịt cả khúc sông, con thuyền số 1 tan thành từng mảng. Vỏ thuyền trôi lềnh bềnh trên mặt sông. Tất cả 5 người đi trên con thuyền chỉ còn lại 1 người bị thương nặng còn 4 người kia đều mất tích trong số đó có ông Nguyễn Văn Khải bố của anh Hòa … Sau 3 ngày tìm kiếm thi thể của 4 người đã được đưa lên mặt nước. Một đám tang tập thể đã diễn ra trên địa bàn HTX Duyên Hải trong không khí đầy đau thương và cả căm thù bọn Đế quốc Mỹ của cộng đồng dân cư. Trong lễ tang, tôi còn nhớ anh Hòa trên đầu đội vành khăn tang, mắt đẫm lệ, hai tay anh dang ra như muốn ôm cả lấy chiếc quan tài của bố mình và miệng anh đã khàn vì khóc. Trong tiếng khóc nức nở ấy anh luôn nhắc câu : “ …Bố ơi! Con sẽ trả thù cho bố … ”. Sau khi bố anh qua đời, mọi khó khăn và thách thức về cuộc sống gia đình đều dồn lên vai mẹ anh và cả anh trong khi anh mới 17 tuổi và dưới anh còn 3 người em nhỏ.
Từ nhỏ cho đến khi lớn lên, Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa là người có phong cách sống lành mạnh, chân tình, chịu thương chịu khó, thông minh và được mọi người quý mến. Anh ít hơn anh trai tôi ba tuổi nhưng là bạn thân với anh tôi nên rất hay sang nhà tôi chơi. Phong cách sống và những gì có trong anh đã gây ấn tượng tốt trước bố mẹ và anh chị em trong gia đình tôi. Chính vì vậy mà bố mẹ tôi coi anh như một người con trai trong gia đình … Tôi yêu quý anh và đặc biệt mến mộ anh ở cái tài câu cá và thổi sáo trúc. Tôi nhớ đi đâu anh cũng mang theo cây sáo trúc. Những bài anh hay thổi là: “ Anh vẫn hành quân; Lý hoài Nam; Quảng Bình quê ta ơi; Hành khúc ngày và đêm … ”. Khi ấy ở quê tôi phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng rất phát triển. Anh Hòa là một diễn viên và nhạc công có tầm của địa phương nên người ta hay ví tiếng sáo của anh với tiếng sáo của nghệ sỹ sáo trúc Đinh Thìn. Anh thân thiện và rất yêu mến trẻ thơ. Các em nhỏ có nhu cầu, anh sẵn lòng làm sáo tặng cho và còn dạy các em thổi sáo nữa. Tôi cũng là ( học sinh ) lớp học sáo trúc của anh. Một kỷ niệm không quên giữa tôi và anh đó là anh và tôi lại là bạn câu cá rất thân với nhau, dù tôi kém anh đến bốn tuổi … Anh dạy tôi câu và nhiều ngày đi câu cùng tôi. Nhiều lần tôi câu được ít cá hơn anh, anh đã san bớt phần cá câu được của mình cho tôi để tôi có nhiều sản phẩm về báo cáo thành tích với bố mẹ mình...
Cuộc chiến chống Mỹ đang còn rất gay gắt, gia đình anh là đối tượng được chính quyền địa phương quan tâm (coi như bố anh là Liệt sĩ chống Mỹ) nên địa phương không có ý định gọi anh lên đường nhập ngũ. Nhưng có lẽ lời nói của anh trước linh sàng người bố năm nào đã thôi thúc và là động lực để anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 01 năm 1972 nguyện vọng của anh đã được đáp ứng. Anh gia nhập quân đội, vào chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, đơn vị anh chuyển địa điểm ra đóng quân ở tỉnh Nghệ An.
Thưa các đồng chí và các bạn ! Một tình tiết rất đặc biệt mà tôi kể trong câu chuyện này là nói đến chị Thúy ( Phạm Thị Thúy ) - Người con gái trong thư mà Liệt sĩ Hòa nhắc đến lại chính là con gái của ông bác tôi. Chị Thúy được bác tôi nuôi ăn học. Học xong phổ thông chị vào học tại Trường sư phạm Nam Hà theo hệ ( 10+3) và trở thành cô giáo trẻ trường làng. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh Hòa về phép. Trong dịp nghỉ này, anh thường qua lại nhà tôi. Theo lời kể sau này của mẹ tôi thì có lần anh Hòa đến chơi, mẹ tôi có bảo anh là: “ … Cháu còn ở quân ngũ thì xem mà lấy vợ đi để vợ cháu nó về đỡ đần cho mẹ già của cháu… ” . Thế rồi như có sự sắp đặt, một lần kia anh Hòa lại ghé sang gia đình tôi thì anh bắt gặp chị Thúy cũng vừa đến thăm bố mẹ tôi … Và chẳng hiểu duyên số gì mà một thời gian ngắn làm quen hai người đã thường xuyên viết thư cho nhau. Họ đã yêu nhau … Khi biết anh Hòa và chị Thúy yêu nhau, bố mẹ tôi mừng lắm, nhất là mẹ tôi. Cụ thường nói với mọi người: “… Cháu Thúy nó lấy được thằng Hòa làm chồng thì là phúc lớn cho gia đình họ hàng nhà mình … thằng Hòa nó ngoan, tôi quý nó lắm …”.
Chuyện tình yêu của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa và chị Phạm Thị Thúy mộc mạc và đơn giản vậy đấy. Hình như nó được anh Hòa hóa thân từ bài hát “ Hành khúc ngày và đêm ” mà tôi còn nhớ ngày xưa anh hay thổi sáo trúc. Anh là một quân nhân, còn chị là một cô giáo. Ý trí, tâm hồn và hoàn cảnh chẳng khác nào ca từ “… Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch, bồi hồi đêm xuất kích chờ nge tiếng pháo ran. Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào … đốt cháy lửa tình yêu …”. Tình yêu của anh chị đẹp và trong sáng lắm. Sau Tết năm 1979, tôi nhận được thư nhà (khi đó tôi đang công tác tại một đơn vị quân đội tại khu vực biên giới Tây Nam) và được biết gia đình, họ hàng đôi bên có dự định sẽ tổ chức đám cưới cho anh Hòa và chị Thúy vào tháng 3 ( tháng 2 âm lịch ) năm này.
Nhưng rồi lại một bất ngờ ập đến. Cuộc chiến biên giới phía Bắc bùng nổ. Đơn vị anh Hòa được lệnh hành quân cấp tốc từ Nghệ An lên biên giới Lạng Sơn chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Lá thư của anh Hòa viết vội cho chị Thúy được ra đời trong hoàn cảnh đó (19/2/1979). Và đây cũng là lá thư cuối cùng anh viết cho chị bởi hơn 2 tuần sau đó ( ngày 02 tháng 3 năm 1979 ) anh Hòa đã anh dũng ngã xuống trong mịt mù khói lửa đạn bom trên một vùng biên cương Lạng Sơn. Thật nghiệt ngã thay, ngày anh hy sinh lại không xa lắm so với thời điểm mà gia đình và họ tộc đôi bên dự định sẽ làm đám cưới cho anh và chị Thúy. Đau thương vô hạn đến với gia đình, họ hàng; đến với mọi người. Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa ra đi trong lòng thương tiếc của quê hương, gia đình, họ hàng và của bạn bè của cả anh và chị. Với chị Thúy có lẽ không nỗi đau đớn và mất mát nào sánh được bởi cuộc tình của chị với anh Hòa đã bị chia ly bởi một cuộc chiến đầy dã tâm của kẻ cướp nước …
Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa ra đi với một lá thư trong ba lô anh viết và chưa kịp gửi cho người yêu sắp cưới của mình. Bức thư là một động lực để chị Ngô Thị Thúy Hằng, người sáng lập và điều hành Trung tâm MARIN ( Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ ) đã viết trên Facebook cá nhân: "Người Liệt sĩ ấy mất đi, đã để lại cho cuộc đời một tình yêu đẹp. Tình yêu đất nước biên cương cao hơn tình yêu lứa đôi. Trong tình yêu lứa đôi ấy có hình ảnh, lý tưởng của đất nước".
Các đồng chí và các bạn ạ ! Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với anh và đương nhiên cũng rất ấn tượng về anh. Anh mất đi là tổn thất lớn cho gia đình và người thân của anh. Chị Thúy của tôi mất đi người chồng tương lai như ý. Còn tôi thì mất đi một người anh rể tương lai đầy mến phục. Ngày anh nhập ngũ (tháng 01 năm 1972 ) về sau cũng là cái mốc thời gian mà tôi và anh không còn lần gặp lại … Năm 2009, gia đình anh và chính quyền địa phương cùng Hội CCB xã tổ chức đón hài cốt anh về với quê hương. Khi biết chương trình ấy tôi mừng lắm. Tôi cho đây là lần cuối cùng mình được gặp lại anh và tôi nghĩ rằng mình phải làm việc gì đây dù là rất nhỏ để tri ân về sự hy sinh của anh … Và rồi tôi đã xin phép được chính tay mình làm một đĩa hình ghi lại những hình ảnh về buối lễ truy điệu cho anh. Những hình ảnh mà Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương, gia đình và bạn bè đón anh như đón đứa con thân yêu đi xa trở về …
Viết bài này là những điều sự thật tôi kể về anh - Người liệt sỹ mang tên Nguyễn Thái Hòa. Những điều sự thật tôi kể về chị Phạm Thị Thúy người chị của tôi và là người vợ chưa cưới của liệt sỹ Nguyễn Thái Hòa. Chẳng hiểu sao tôi vẫn chưa tin rằng anh Hòa đã hy sinh và tôi vẫn linh cảm anh còn đang sống và sống mãi, sống trong lòng đồng đội yêu quý của anh; sống trong lòng người thân … và những bước anh đang đi vẫn như đang hòa điệu với giai điệu bài sáo trúc “ Anh vẫn hành quân ” ngày nào anh vẫn thổi cho chúng tôi nghe …
Tôi có ý định Ngày 27 tháng 7 năm nay tôi sẽ mang trang viết này cùng với bài “ Bức thư 34 năm thất lạc của một liệt sĩ ” đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Hòa (nơi có phần mộ danh dự của anh ) để dâng và hóa mã nhằm gửi tới hương hồn anh cùng hương hồn tất cả các đồng đội đang nằm bên anh lời tri ân của những người đang được sống và hưởng cuộc sống thanh bình nó đã được xây lên bằng máu thịt của các anh ./.
Sau đây tôi xin giới thiệu lại tới các đồng chí và các bạn bài viết “Bức thư 34 năm thất lạc của một liệt sĩ” của tác giả Hoàng Phương - Bài được trích từ nguồn vnexpress.net.
Bức thư 34 năm thất lạc của một liệt sĩ
Viết thư cho vợ sắp cưới nơi quê nhà chưa kịp gửi, Nguyễn Thái Hòa đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979. Lá thư lưu lạc suốt 34 năm qua đã được trao lại cho người yêu liệt sĩ hôm 23/9.
Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa quê Hải Hậu, Nam Định, sinh năm 1952. Thư ghi ngày viết 19/2/1979, chỉ hai hôm sau khi chiến tranh biên giới bắt đầu. Khi đó, đơn vị của chuẩn úy Hòa (Chính trị viên phó Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337) nhận lệnh hành quân cấp tốc từ Nghệ An lên Lạng Sơn.
Người lính ấy cũng buồn vì trong khoảnh khắc, anh thấy mình cô đơn và nhớ người yêu da diết bởi cả hai sẽ phải xa nhau thêm vài năm nữa. Có những dự cảm không lành, anh vẫn tin tưởng "chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé".Bức thư viết vội chỉ 3 tiếng trước khi đơn vị lên đường, gửi người yêu tên Thúy. Câu văn rõ ràng, mạch lạc ghi lại cảm xúc của người lính trước giờ ra trận. Trong thư, người chiến sĩ bộc bạch lòng mình với tâm trạng bâng khuâng, vì đó là đêm cuối cùng ở Nghệ An để chuẩn bị bước chân vào cuộc chiến mới. "Nơi đó cuộc chiến đã và đang diễn ra [...] Nơi đó có đồng đội đang chờ anh".
Những giờ phút cuối cùng trước khi hành quân, anh nhắn gửi: "Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em". Anh còn dặn dò cô rằng sẽ trở về và nhắc lại hai lần "chờ đợi anh, nhớ chờ đợi anh em nhé". Cuối thư, anh Hòa dặn người yêu đừng ghi theo địa chỉ cũ, khi nào có địa chỉ mới sẽ báo sau. Nhưng cuối cùng, lá thư không kịp gửi. Chỉ hai tuần sau đó, ngày 2/3/1979, anh hy sinh trên mảnh đất biên giới, hài cốt được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Người lưu giữ bức thư suốt 34 năm qua, đại tá Vũ Đình Đảng (cựu giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) cho hay, năm 1981 ông tiếp nhận vị trí Chính trị viên Đại đội 10, là đơn vị cũ của anh Hòa. Trong một lần kiểm tra sổ sách, giấy tờ đơn vị, ông vô tình phát hiện trong cuốn sổ giao ban của đại đội có một bức thư rơi ra. Bao thư in hình những bông hoa màu đỏ giản đơn, không ghi địa chỉ người gửi lẫn người nhận. Ông tò mò giở lá thư có nét chữ cứng rắn còn đậm màu mực, mới biết đó là của một sĩ quan trẻ gửi cho bạn gái nơi quê nhà. Dò hỏi anh em trong đơn vị cái tên Nguyễn Thái Hòa, họ cho ông biết đó là chính trị viên cũ, đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Từ đó về sau, hễ thấy ai người Hải Hậu (Nam Định), ông Đảng đều dò hỏi, mục đích tìm lại người được gửi bức thư để trao trả nhưng không có hy vọng. Hơn 34 năm trôi qua, cuối cùng bức thư được Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ MARIN tiếp nhận. Việc tìm kiếm người nhận được tiến hành. Người con gái liệt sĩ Hòa nhắc đến trong bức thư tên Thúy, là người yêu, vợ sắp cưới của anh khi đó. Cô Thúy giờ đã nghỉ hưu và sống ở quê cùng gia đình.
"Anh Hòa và chị Thúy yêu nhau, cả nhà đều biết. Hai bên đã xác định ngày cưới vào tháng 3/1979, nhưng rồi anh Hòa hy sinh", người đàn ông tóc muối tiêu rớm nước mắt kể trước khi biết tin anh trai hy sinh, ông còn nhận được thư anh gửi với lời dặn dò: "Trong cuộc chiến này sẽ có sự mất mát. Dù là anh hay em, ai còn sống thì cố gắng chăm sóc mẹ già và các em nhỏ".Khi biết câu chuyện về bức thư cuối cùng, ông Nguyễn Văn Hợp, em trai liệt sĩ Hòa khá bất ngờ. Ông kể, Hòa là con thứ ba trong gia đình, đi bộ đội năm 1972, trước ông 3 năm. Anh Hòa đóng quân ở Nghệ An còn ông làm lính thông tin tại Vùng 1 Hải quân.
Năm 2009, mộ phần liệt sĩ Hòa được chuyển về an táng tại quê nhà. Ngày làm lễ truy điệu cho anh, bà con lối xóm tổ chức chu đáo như đón đứa con thân yêu đi xa trở về. Cả gia đình sau đó đã chuyển từ Hải Hậu sang thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, sinh sống. Hiện, phần mộ anh Hòa nằm lại bên đất Hải Hậu cùng với tổ tiên.
Bức thư bị thất lạc của liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa
19/2/1979
Em thân yêu của anh!
Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường đi chiến đấu. Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh.
Em thân yêu! Ở xa em có thể hiểu được tâm trạng của anh lúc này không em - bâng khuâng, buồn và nhớ da diết, anh bâng khuâng vì đêm nay là đêm cuối cùng ở vùng đất khu 4 này. Ngày mai anh sẽ ra phương Bắc để bước vào cuộc chiến mới.
Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra. [...] Nơi đó đồng đội đang chờ anh. Anh buồn vì những lúc này anh thấy mình cô đơn và buồn tẻ. Anh nhớ em da diết bởi vì anh sẽ phải xa em nhiều năm nữa, chưa biết khi nào anh mới quay trở lại gặp em. Ôm em và hôn em thắm thiết. Tình yêu của em và anh trong những ngày tháng qua đã để lại cho anh tình thương em, yêu em vô bờ bến. Có thể nói rằng mỗi bước đi, mỗi ngày sống anh đều có em…
Em ơi, ngày mai anh đi về phương Bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly! Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ? Chỉ có anh thôi, anh đang sống trong giờ phút chia ly. Bao lời anh nói em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em.
Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của tình yêu. Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.
Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây. Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé. Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã viết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi nốt trang thư trên mảnh đất này. Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.
Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé - tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.
Đêm 19/2.
Anh yêu của em
Tái bút: Anh chỉ nhận được thư em ngày 6/2. Vì chuyển nên đừng ghi theo địa chỉ cũ nữa, khi nào có địa chỉ mới anh sẽ báo tin sau. Anh đã ghi thư cho chị Nhuần + Huệ và em 2 lá. Nhưng mới chỉ nhận được thư em lúc 20h ngày 19/2. (Thông cảm cho anh vì thời gian rất gấp. Ngồi ghi thư cho em ngay trong lúc tất cả đang chuẩn bị lên đường - lính mà em).
|