Tưởng nhớ Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn - Chùm bài viết của Lê Lợi, Hội viên TS TP Nam Định

Ngày đăng: 06:02 01/04/2016 Lượt xem: 461

 

TƯỞNG NHỚ CỐ NHẠC SỸ TRỊNH CÔNG SƠN

 

 

         Ban biên tập Trang TT Trường Sơn nhận được chùm bài của Lê Lợi - Bác sỹ chuyên khoa I - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nam Định - CCB Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Lào - Hội viên Trường Sơn TP Nam Định viết về tâm cảm của mình với Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Cố nhạc sỹ (01/4/2001 – 01/4/2016)

 

         Xin trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn  một số bài trong chùm bài mà tác giả Lê Lợi vừa gửi đến cho chúng tôi:

 

 

 

 

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

***

 

CÁT BỤI

                                                                                  

 

         Người nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn đã ngao du ở Một cõi đi về, nếu còn sống chắc rất cảm động khi biết rằng tại một vùng biển xa xôi và hoang dã của đất Bắc có một cô bé khi mới học lớp Một tình cờ nghe được giai điệu của bài hát Cát Bụi đã mê ngay và mê nhạc của ông từ đó đến giờ. Không biết đến hôm nay khi tròn Hai mươi tuổi, cô bé có biết nguồn gốc sáng tác bài hát đó không, tôi thì đã đọc bài viết của ông trên tạp chí Thế giới Âm nhạc, số 1-1998, đại ý nội dung như sau:

 

         “Vào một buổi chiều, Trịnh khi ấy còn rất trẻ, một mình đến rạp Casino xem phim Hiệp sỹ mù nghe gió kiếm tập 6, trong tập này Hiệp sỹ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp, Hết phim, Trịnh lang thang trên phố, nhưng cái đoạn phim ngắn ngủi đó lại làm Trịnh buồn, chiều về nhà ông đọc lại cuốn Zorba le Grec. Đến đoạn Zorba than thở: Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa. Tiếng hót mày làm tan nát tim ta thì Trịnh gấp sách lại. Có cái gì thật trùng hợp trong một buổi chiều, một nỗi buồn hay  một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong Trịnh. Ông ra đường, đến quán quen thuộc sau đó khi trên đường trở về nhà trong đầu bỗng vang lên tiếng hát, nó lặp đi, lặp lại nhiều lần và hát thành tiếng khe khẽ. Khi về tới nhà, lấy giấy bút ghi lại thì bài hát đã gần hoàn chỉnh. Hôm sau đem hát cho một số  bạn nghe thì hầu như ai cũng thích.

 

 

         Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi ... Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi mất rồi.”

 

         Cát bụi, tôi nghe lần đầu là ở cậu lính tân binh người Phú Lộc, Huế hát khi  cậu ta được bổ sung vào đơn vị tôi ở đất Nam Lào khói lửa. Huế lúc ấy thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Cái tỉnh lớn gộp từ 3 tỉnh có bề ngang hẹp nhất và bờ biển dài nhất nước đã đưa về tiểu đoàn tôi một cậu lính quê Phú Lộc, đàn ghita hay, hát giỏi. Trước đó, thi thoảng tôi nghe nhạc Trịnh từ những anh bộ đội ở chiến trường miền Nam trở về Bắc. Ngoài ba lô con cóc và con búp bê biết mở mắt, nhắm mắt, các anh còn mang theo những băng cassette và chỉ dám mở nghe thật nhỏ. Thú thực, lần đầu tiên ghé tai nghe trộm qua bức vách đất của ngôi nhà lá thấy nhạc của miền Nam nhẹ nhàng, da diết khác hẳn dòng nhạc hành khúc, hoành tráng của miền Bắc. Nghe trộm bởi vì chủ nhân của những băng nhạc đó đâu dám mở công khai, lúc đó tội nghe “nhạc vàng” là nghiêm trọng lắm. Làm sao mà lời ca lại có thể sướt mướt, ủy mị “Chiều nay còn mưa, sao em không lại, Nhỡ mai, trong cơn đau vùi, làm sao có nhau…” ?

 

         Đó là vào đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi có dịp được tiếp xúc với vô vàn là nhạc Trịnh. Nhờ cậu lính tân binh, tôi biết đến dòng nhạc tiền chiến, những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… biết đến các ca sỹ Hùng Cường,  Duy Khánh, Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền…nhưng tôi thích nhất là nhạc Trịnh. Âm điệu đơn giản, tiết tấu chậm rãi, lời ca dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hát. Tất nhiên là hát trộm lúc không có cán bộ.

 

         Lúc ấy, dường như mọi người đều mơ hồ về Trịnh Công Sơn. Người bảo ông đã di tản, người thì nói ông đã chết. Hội diễn văn nghệ đơn vị năm ấy, chúng tôi tập và định biểu diễn bài hát “ Em là hoa hồng nhỏ”, khi giới thiệu tác giả là Trịnh Công Sơn, cấp trên không cho biểu diễn, nói tác giả là phản động !

 

         Tôi lúc đó đã có tới 4 năm ở đất Lào với bao mùa mưa nắng, với sự đùm bọc chở che của nhân dân các bộ tộc Lào hết sức hiền lành, thân thiện dường như không thấy họ mắng chửi nhau bao giờ. Cũng chả hiểu vì sao mà cậu lính trẻ đó lại tin cậy hát cho tôi nghe những bài hát của Trịnh, hồi đó không được phổ biến, dù cho tôi đang là đảng viên, đang là cán bộ chính trị. Cái biền biệt, mênh mông của rừng Lào, cái hùng vĩ của Mekong làm cháy lòng bao thanh niên. Trên cao nguyên Hạ Lào, những đêm trăng sáng, chúng tôi ngồi hát khe khẽ theo lời dạy của anh lính nọ, vì thế nên biết nhiều ca từ của Trịnh. Nhiều từ ngữ thật lạ, nghe mơ hồ. Ngay cả những tên bài hát cũng rất ngắn. Ví như  Ướt mi, Thương một người, Phôi pha, Tuổi đá buồn, Quỳnh Hương, Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Tình Nhớ, Huyền thoại mẹ, Tình xa, Cát Bụi...Tên bài hát dài chỉ một vài như: Em ở nông trường em ra biên giới, hoặc Em còn nhớ hay em đã quên. Sau này, được đi khắp mọi miền Tổ quốc, tôi thấy nhiều quán cafe, karaoke mang tên những đầu đề bài hát của ông.

 

         Quan sát, nắm bắt và cảm nhận đã giúp ông tìm được những nốt nhạc, những ca từ có sức cuốn hút mãnh liệt ví như chỉ lần đầu tiên ra Hà Nội mà ông đã có cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu, rồi hoa sữa, cốm thơm vỉa hè mỗi bước em qua...Có cả bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời, tất cả những chi tiết ấy chắc gì người Hà Nội gốc sống cả đời ở đó có thể diễn tả.  Nhớ mùa thu Hà Nội với giai điệu và lời ca tuyệt đẹp là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội của thế kỷ qua. Hay như Hạ trắng, vì sao lại là Hạ trắng mà không phải Hạ nóng, Hạ nắng, vì sao lại là Biển nhớ mà không phải là Nhớ biển... tất cả những điều đó có lẽ chỉ mình tác giả là lý giải nổi. Tôi rất thích tên những bài hát của ông, từ trước đã muốn viết được một cái gì đó thế nhưng cho đến lúc gặp cái mong manh như Nắng Thủy Tinh của cô bé vùng biển thì mọi thứ trở nên rõ ràng.

 

         Cát bụi rồi trở về với cát bụi. Trong Kinh thánh của Kito giáo có câu như vậy. Nhạc Trịnh còn có Một cõi đi về thấm đẫm kinh Phật. Không hiểu trong số trên 600 bài hát của ông sáng tác có bài nào về Hồi giáo không ?

 

         Trăng tròn rồi trăng khuyết, có hoa nào lại không tàn, đời người hết hợp rồi lại tan, chẳng biết có gì là vĩnh viễn.

 

 

Nghĩa Hưng, 8/2008   

 

 

tin tức liên quan