Những chiếc hầm dọc đường 20.

Ngày đăng: 10:55 08/06/2016 Lượt xem: 723

 

                               NHỚ NHỮNG CÁI HẦM, NHÀ HẦM

                               DỌC ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG!

                                                                                            Ký sự của Hồ Bá Thâm

 

            Thời chống Mỹ cứu nước trên dọc đường Trường Sơn không thể không nhớ và không kể về những cái hầm, nhà hầm rất giản dị và đầy thân thương với nhiều kỷ niệm sinh tử, buồn vui!          

     Nhờ những cái hầm kỳ diệu!

         Đó là khi đại đội 168 TNXP, chúng tôi phụ trách đoạn đường nam Cà Roòng từ Km 54 đến 59 (đầu mùa khô 1966-1967). Việc chỉ đạo của đại đội làm hầm trú ẩn là hết sức nghiêm khắc và phải thực hiện vì sinh mệnh của mình và đồng đội ngay cả ở khu trú quân, nhưng nhiều nhất là ở dọc tuyến đường mình phụ trách. Lúc máy bay đánh bom, bắn phá là phải xuống hầm trú ẩn ngay. Tất nhiên việc ứng xử lại tùy lúc. Chẳng hạn, khi nghe máy bay gầm, tiếng bom đạn rít là nằm/ lăn ngay xuống đất, nếu chạy vào hầm có khi nguy hiểm, bị nó phạt ngang người như chơi…

        Hầm trú ẩn lúc đầu là hầm hàm ếch, thường đào bên phía ta luy dương. Có lần khi máy bay AC130- máy bay “bà già” phát hiện có chúng tôi trên tuyến… Lúc đó là 6h 30 tối, chúng thả pháo sáng. Đêm ấy nó thả không ngớt, cả đêm suốt đêm sáng trưng hơn cả ban ngày. Thả pháo sáng xong nó gọi máy bay phản lực ra thả bom và băn rốc két mỗi khi thấy bóng người và xe ô tô lên. Ngồi trong hầm, thỉnh thoảng chúng tôi ló đầu ra ngoài/ hay đứng ra ngoài và dùng súng trường bắn nó khi nó hạ xuống thấp/ chắc nó cũng sợ nên đêm ấy bom không trúng đường, cũng không trúng xe, rốc két cũng không trúng luôn. Sáng ra, 5- 6 h sáng trắng rừng pháo sáng như có cả rừng đàn cò lớn đậu vậy (tôi nhớ vậy, vì sau này sống ở Nam bộ từng thấy những rừng cò như thế).

            Có một lần khủng khiếp hơn. Cũng vào thời gian ấy. Chiều tối một hôm tôi đang trực ban (lúc này tôi là trung đội phó) ở km 54 nam Cà Roòng, đang kéo xe cút kít trên tuyến thì bỗng máy bay địch xuất hiện. Nó quay lại bắn rốc két trúng luôn xe cút kít. May tôi vừa xuống hầm kịp. Sau đó là bom ầm ầm…Mỗi lần máy bay rú xuống thấp là co mình lại hồi hộp. Nghe ầm một tiếng mới biết mình sống! Cứ thế hồi hộp 30-45 phút ở trong hầm. Hầm này là hầm chữ A đào dọc ta luy âm khá chắc chắn. Đúng là nhờ ông bà phù hộ hay bom đạn tránh mình không biết nữa, nhưng phải cảm ơn những chiếc hầm (về sau hồi tưởng lại tôi thường nói vui vậy).

            Lần sau này là con may hơn chăng?.

Đó là mùa khô năm 1968, máy bay địch càng đánh phá suốt ngày đêm. Lúc này tơi đa là chính trị viên trưởng trưởng đại đội 1 quê Hà Tĩnh, đội 23 TNXP phụ trách khu vục trọng điểm nhầm Cà Roòng, chủ yếu ở phía bắc. 

            Một buổi chiều khoảng hơn 3h hơn gì đó khi tôi dang trên đường đi về phía km 50 thì máy bay phản lực từng tốp ào dến thả bom thật rủng rợn (sau này mới biết là do một đơn vị pháo hành quân qua, vì trời sáng, không kịp vượt ngầm Cà Roòng, đã trú lại ở ven đường trong rừng cây thưa ở km 50-51, bị lộ, máy bay C130 phát hiện được mà như tôi đã kể trong bài Kà Roòng không thể nào quên). Hôm đó tôi kịp vào hầm và gặp ngay một nữ TNXP cùng đơn vị. Cả hai mỗi lần máy bay gầm xuống thả bom đều co người lại và không ít lần O ta đã ôm chầm lấy tôi vì sợ…, sau đó thẹn thùng thả ra…thật ra đó là chuyện rất bình thường, không có gì! Hơn 1h trong hầm, sau khi máy bay hết đợi oanh tạc, chúng tôi mới ra khỏi hầm, hú vế! Dọc đường về thấy nhiều bộ đội bị thương và hy sinh đau xót và căm giận quá trời…Nếu có hầm, hay đủ hầm thì số cán bộ, chiến sĩ bộ đội đó sẽ giảm thương vong đi nhiều!

            Chuyện là… ngoài hầm!          

        Nhớ một lần.... là hơn 6h tối, ở km 49, chúng tôi cho xe chở đá xuống ngầm Kà Roòng, thì bỗng máy bay địch xuất hiện, thả bom phá, bom bi vào đội hình. Một số đội viên theo xe xuống bốc đá đã bị thương, một nữ TNXP đã hy sinh, như tôi cũng đã nói tới trong bài Kà Roòng không thể nào quên, do không kịp xuống hầm kịp mà sao kịp được trong tình huống ấy chứ, vừa nhảy xuống xe thì bị luôn…(tôi đoán vậy!)

         Sau khi đưa số anh em bị thương lên hầm hộ tống nơi trực, nghỉ tạm của cán bộ chiến sĩ của đại đội (giữa hai trận bom đánh) ở Km 49 nói trên, thì máy bay quay lại ném bom tiếp, đợt này rồi đợt khác. Hầm hộ tống là kiều hầm chữ A nhưng lớn và rộng hơn (khoảng 10 người ở trong đó được), trên còn lát bằng cây trên còn đổ đất dày, chống được đạn và bom sát thương, bom chặt… Còn nếu bom tấn trúng hầm thì… chỉ có lạy chúa (sau này mới biết lạy chúa)!

      Hôm đó có một quả bom đã trúng… miệng hố bom cách hầm vài mét. Thật hú vế, may thay! Nghe anh em kể lại và sáng hôm sau tôi có lên đồi xem lại đúng là như vậy. Hôm ấy nếu trúng hầm chắc gần chục chị em chiến sĩ đội viên (đang do y tá Nguyễn Quang Báu cấp cứu trong đó) hy sinh! Lúc bom đánh gần hầm, tôi còn ở dưới ngầm, cõng cô Liên bị hy sinh, bom bi vào thái dương và ngực trái. Trên đường cõng cô Liên ngược lên thì xe ô tô vận tải tranh tủ giữa hai đợt bom ồ ạt xuống ngầm và vượt ngầm…(như tôi đã có lần kể lại). Cung may, nếu đoàn xe xuống sớm hơn, hoặc máy bay địch ra chậm hơn thì không biết đoàn xe sẽ thế nào?

          Những chiếc hầm và nơi chúng tôi đóng quân làm đường, giữ đường 20 QT như thế không thể kể hết. Tôi chỉ kề hồi ở khe Ny. Năm 1967-1968 địch đã phát hiện và đánh liên tục vào trọng điểm Cà Roòng dồn dập hơn tần suất nhiều hơn, dày hơn, ác liệt, tàn nhẫn hơn. Máy bay chụp ảnh liên tục. Chúng thả cả biệt kích và “cây nhiệt đới” để do la. Có thể chỗ đóng quân bị lộ. Bom nổ chậm, bom bi đã thả xuống nơi đóng quân nhiều lần gây nguy hiểm cho đơn vị. Chúng tôi cũng đã thay đổi chỗ ở nhưng thật khó tránh!

        Lúc này ngoài hầm bình thường nơi đóng quân thì lán trại không còn làm dạng nhà nổi trên đất bình thường nữa, mà là nhà hầm! Đào một vùng đất sâu xuống 1,6m rồi dựng nhà lên che mái sát đất miệng hầm luôn. Trên dưới mài nhà là từng bó bằng cây nứa khô buộc lại xếp chồng lên nhau nhằm chống bom bi, hạn chế mảnh bom. Hai bên nhà còn hai cái hầm lớn, khi cần chui vào hầm.

      Vào hầm là để tránh bom đạn, chẳng ai thích ở trong hầm cả…

Lửa gần rơm, chắc gì đã cháy!

       Có đợt Đại đội trưởng thì đi chỉ huy bắt biệt kích, số còn lại cán bộ, chiến sĩ ở nhà Ban chỉ huy đại đội cũng đi, một số ra mặt đường, chỉ còn một đội viên trai, một đội viên gái ở nhà… Và không ít lần ở vào thế tế nhị, “khó xử…”!

        Những chuyện như thế nếu với mình thì… Thì có khi may là mình có rào chắn là bí thư chi bộ, chính trị viên trưởng tăng thêm rào cản để làm chủ bản thân, phòng tranh, thế cũng đỡ phần nào. Tuy gần như khó nói trước điều gì nếu “lửa gần rơm” mãi… khi chỉ có 2 người ấy trong cái nhà hầm ấy ban đêm … Nhưng quả thật đã không xảy ra điều gì đáng nói cả! Tóm lại là bình an vộ sự. Đó cũng là một chiến công, chứ sao không!

        Lại may!  May là, có lúc, thật vậy, trước đó đơn vị đã có 2 cặp “anh em kết nghĩa”, “chị em kết nghĩa” đã không may mà bị dính rồi (mà mình thì chưa kết nghĩa đám nào ở đây/ hồi ở trạm II, đèo 1001 thì có một kết nghĩa anh em, do cô gái đề xuất, vì cô ấy có nói mẹ cô ấy cũng gớc Quỳnh Lưu quê tôi (cô ấy ở Đức Thọ, nhưng hai đơn vị khác nhau, ở xa, mới quen, nên không có gì, may chăng?). Một là đại đội trưởng (trung úy, người MN) và một chính trị viên trưởng do “lửa gần rơm”… nên cháy trụi!. Mất chức và chuyến công tác, cô chính trị viên trưởng (bị khai trừ lưu lại, lúc ấy rất nghiêm về chuyện ấy mà, nghĩ lại cũng hơi bị nghiêm quá!!!), cô ấy mất đảng luôn và sau này không có hạnh phúc (không chồng và hai con riêng bồ sau, bất đắc dĩ). Cô này, trước đó đã đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua toàn quốc, nếu không bị vụ… ấy có thể tương lai rất sáng lạn. Từng là “kiện tướng vận tải” vác chở hàng qua đèo 1001 và sau này khi về đường 20 là nhân tố rất nổi. Có thể sẽ được dề nghị phong Anh hùng LLVTND. Và nếu đà đó, cô này khá xinh gái và cao lớn, ăn nói có duyên, có tướng mạo làm quan! (sau này tôi hay nghĩ thế)… thì sẽ được bồi dưỡng, đào tạo, đường tiến bộ lên sẽ đầy hứng khởi, vinh quang! Thật không may cho cô!

      Xin lỗi đã nhắc lại chuyện này, nhưng cũng để thấy thời TNXP không chỉ có máu lửa, anh hùng, bom đạn không mà còn có nhiều chuyện đời thường, tự nhiên khác… kể ra cũng không làm hạ thấp họ. Họ chỉ không may chăng! Đời là vậy mà! Nó sinh động… dù là có thời chiến!

       Trường hợp thừ hai, xin cũng nói luôn, thì chỉ cấp tiểu, trung đội nhưng cà hai cũng đều là đáng viên, sống khá nghiêm túc và là nhân tố tốt, cũng có nhiều thành tích. Nhưng có lẽ hôm chàng chia tay nàng ra Hà Nội, cũng là đi dự đại hội chiến sĩ thi đua, lúc chia tay kẻ ở người đi, bom đạn lại ầm ầm, sống chết từng giây…dưới ánh trăng mơ mộng ảo huyền bên suối A Ky (sau này nghe bạn bè nói thế), nên cầm lòng… không đặng, hay bị “ma” ám, mà bị chăng? Và sau đó cũng bị kỷ luật! Kỷ luật nghiêm lắm.Thời đó nó thế!

        Với nhiều người, và tôi nữa, chính nhờ cái “không may” ấy mà nó cảnh báo, là barie chăng, nên từ đó chúng mình tránh được và an toàn! Nếu bị chắc đời sẽ khác và buồn lắm… Hóa ra mình may mắn hơn!

        Sau này gặp lại người xưa, cả hai đều tự hào một thời sống…rất… nghiêm túc! Đúng vậy! các bạn có tin không? Khi về hưu, trong bối cảnh thoáng như ngày nay, bạn bè, bô lão thường “chọc” tôi một thời sống giữa “rừng hoa”…!  Có một triết lý “lửa gần rơm”, nhưng lửa gần rơm, chắc gì đã cháy!... Đâu phài như gần… xăng bây giờ!

           

Ôi những cái hầm!

 

            Ngay những ngày ở khe Ny, có hôm gần sáng, bom giặc đánh vào lán trại, đơn vị, khu trú quân (trên đường bay thẳng Cà Roòng – AKy). Nguyễn Thị Thúy Vinh, cô y tá xinh gái hát hay bài “Hoa Pơlang”… và mấy cán bộ trung đội ngủ ở lán trúng đội bộ, bị thương khi lao vào hầm. Vinh đã hy sinh. Lạ thay trưa hôm đó đại đội phòng không 12 ly 7(đơn vị kết nghĩa với chúng tôi ở gần đó bên bờ khe Ny, mà chính trị viên là đồng chí Xuyên hay sang chỗ đơn vị tôi trao đổi công việc) đã bắn rơi một máy bay Mỹ gần đó. Trong bài thơ viết về cô Vinh y tá ấy sau này của tôi, có câu kết: “Em có giật mình/ khi chúng đâm nhào xuống đất?” là nói về sự kiện… trả thù cho đồng đội bằng chiến thắng ấy của đơn vị bộ đội kết nghĩa!

           Một chuyện khác. Sau này khi tôi đã ra Hà Nội học (đầu năm 1969), ngày nào cũng nhớ đồng đội ở Trường Sơn da diết là vì vậy… Khi tôi vào Nam công tác, mấy lần ra dạy lớp cao học ở trường đại học Duy Tân, Đã Nẵng, có lần tìm gặp đồng đội cũ, là Ngô Công Điểm, đội viên đại đại 168 sau này là đại đội 3 TNXP thuộc Đội 24 rồi 25, có kể lại câu chuyện đau thương của đồng đội.

          Đó là những năm 1968-1972, khi đại đội 3 lên mở đường tránh 20C, 20 D… Có lần ở khu vực “cửa tử” đèo Phu Lai Nhích - cua Chữ A, cũng đầy ác liệt. Một lần bom B52 đánh trúng cửa hầm, nhiều cán bộ đội viên chết ngạt và hy sinh, trong đó có 2 bạn thân của tôi quê ở Nghi Công, Nghi Lộc (Nghệ An), cũng là kiện tướng vận tài một thời và là cán bộ đại đội giỏi.. Nghe kể mà buồn đau quá chừng!

         Đó là chưa nói về cái hang đá - “cái hầm tự nhiên” (Hang Tám Cô) ở Trà Ang, ở nơi 8 cô gái TNXP quê Thanh Hóa tuổi xuân thì chuẩn bị ra Bắc đi học… đã không may trước tội ác của quân thù, còn nằm lại đó mãi mãi những linh hồn bất tử thiêng liêng trong cái hang cái hầm bất đắc dĩ đó! Bỗng nhớ cái hang đá đó, cuối năm 1965 đầu năm 1966, chúng tôi, đại đội 168, khi tôi mới là tiểu đội trưởng, từng ở đoạn đường Tân Trạch và cũng từng trú trong hang đá đó, nhưng may lúc đó kẻ thù chưa phát hiện ra… ! (Hồi đó, ở đó với TNXP chúng tôi còn có cả nhóm cán bộ kỹ thuật của Binh trạm 14 xuống hướng dẫn đơn vị nữa. Nhóm có Anh Thọ- sau này là đại tá, anh Cận, Anh Thược họ Hồ Bá và cũng có nhiều kỷ niệm hay).

         Đó cũng là chuyện những cái hầm! Thế đấy! bom tránh ta hay ta tránh bom, đâu là may rủi, đâu là nhờ quân ta khôn, biết phòng tránh phần nào?   

          Nói về cái may (số phận?): có lần, tôi bị bom nổ chậm nổ sát dăm mét bất tỉnh nhận sự, tỉnh ra mới biết bị thương nhẹ… thế là sống! Và thế là: “bom đánh chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết, chết chưa chắc đã hết! có gì mà sợ chứ!”, như triết lý vui thời ấy ta hay đùa cùng nhau vậy!

      Nhưng không thể không nói rằng, nhờ những cái hầm, nhà hầm ấy, nó đã cứu sống bao người, bao đồng đội và tôi! Thật cũng không uổng công là những năm tháng ở Trường Sơn, chúng tôi đã dào không biết bao nhiêu là hầm và bao nhiêu lần chuyển địa điểm và dựng lán trại để được thuận tiện và an toàn!.

Và những cái hầm, nhà hầm đầy tình nghĩa đồng đội.

         Những cái hầm, nhà hầm ấy đầy tình nghĩa đồng đội, ôm những giấc ngủ sau ngày  đêm chiến đấu, lao động căng thẳng và cũng ôm đầy những giấc mơ tuổi trẻ…và cả những lúc bị thương hay bệnh tật…Những cái hầm, nhà hầm ấy như người chị người mẹ thật thân thương, ôm ấp chúng ta!

          Tôi vào Trường Sơn mùa Thu năm 1965 nhưng mãi tới 1968 mới bị sốt rét, trong khí một số anh chị em đã bị từ đầu năm 1966. Những khi bị sốt rét lên cơn, thật là mệt quá!. Người chăm sóc tôi lúc khó khăn, nguy kịch ấy ngoài y tá Phạm Thị Hường, Nguyễn Quang Báu thì người bón cho tôi từng thìa cháo và lo tất cả mọi chuyện lúc đó, là Lê Thị Nghiêm, trợ lý hậu cần đại đội (sau này vào Sài Gòn công tác và nghỉ hưu nên chúng tôi đã gặp nhau khi tôi còn ở Kiên Giang).

          Còn khi ra Hà Nội học Lớp phóng viên VNTTX thì khi tôi bị sốt rét phải vào bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (gần ga Hàng Cỏ) là bạn Hoàng Đình Tiến, quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là trợ lý Đội 3 cùng được ra Hà Nội hoc cùng lớp phóng viên VNTTX nói trên là người chăm sóc tôi tận tình (nay Hoàng Đình Tiến đã nghỉ hưu  ở Giai Lai, nguyên Phân xã trưởng TTXVN)! Thật quý hóa vô cùng nghĩa tình đồng đội!

            Trở lại những cái hầm, nhà hầm ở Trường Sơn. Ôi những cái hầm, nhà hầm! Chuyện về những cái hầm, nhà hầm với tôi là đầy kỷ niệm vậy đó. Đúng là những cái hầm, nhà hầm thân thương, gần gũi ấy, nhưng đã sau gần 50 năm, giờ chắc chẳng còn dấu vết gì, nhưng trong ký ức chúng tôi thì vẫn rõ mồn một và còn mãi mãi. Chỉ có đời con cháu mình là khó hình dung nó mà thôi, nếu không có những dòng này! Vì với thời gian, cái còn lại hữu hình duy nhất là con đường.

          Và cũng lâu rồi dù vẫn nhớ nhưng hôm nay tôi nghĩ cần kể lại dù sơ lược về những cái hầm, nhà hầm ấy như là chứng tích vừa hữu hình vừa vô hình góp phần làm nên lịch sử đường 20 QT huyền thoại và đầy chất trử tình. Tôi đã viết thơ, trường ca, ký ức về con đường này, nhất là về Cà Roòng (xem thêm trên Veb Hội truyền thống Trường Sơn).

         Bây giờ nhớ lại, không thể không tri ân những cái hầm, nhà hầm thời chống Mỹ ấy, dù do mình chủ động xây nên nhưng có không ít lần đã cứu sống mình và đồng đợi, ít nhất là không bị thương. Và cũng trong những cái hầm, nhà hầm với tôi, chúng tôi, những đồng đội một thời còn nhiều kỷ niệm buồn vui, ôi một thời còn ngây thơ mà nghiêm túc! Những cái hầm, nhà hầm không còn vô tri vô giác mà có linh hồn người đầy cảm xúc của những chàng trai cô gái tuổi 18, 20 thời ấy, hừng hực tuổi xuân, đã nén lại, để “tất cả cho tiền tuyến” (như khẩu hiệu và tim gan lúc ấy), đánh thắng quân thù, ôi một thời mà mãi mãi!

          Ôi “những cái hầm, nhà hầm” trên dọc đường Trường Sơn- 20 QT, nó cũng là một phần không tách rời của “cái huyền thoại” kỳ vĩ nói trên, mà sao không nói, không kể, không ghi công cho nó được!

 

                                                          TPHCM, ngày 5/8/2016     

                                                                   HỒ BÁ THÂM

                                      Nguyên Chính trị viên trưởng đại đội 1-TNXP,

                                                              Đội 23, đường 20 QT

 

 

 

tin tức liên quan