NHỮNG NGƯỜI DÂN MIỀN BIỂN ĐẾN VỚI TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 10:31 08/09/2021 Lượt xem: 238
NHỮNG NGƯỜI DÂN MIỀN BIỂN ĐẾN VỚI TÂY NGUYÊN

Tùy bút: Phan Vĩnh Điển

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Trung đoàn đã chuyển sang mô hình Nông trường quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Lúc này số bộ đội nữ đã hết hạn nghĩa vụ. Trung đoàn lần lượt tổ chức cho chị em xuất ngũ trở về địa phương tiếp tục sản xuất hoặc đi học đại học hay học nghề. Một số chị em, liên hệ xin được vào công tác tại một số cơ quan các tỉnh miền Trung hay thành phố Hồ Chí Minh; Trung đoàn đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chị em được chuyển công tác.
Những chuyến xe ra quân đầu tiên đã đưa chị em xuống ga Nha Trang để lên tàu chở về địa phương. Không khí buổi chia tay thật khó tả, vui buồn đan xen. Vui vì mình được ra quân về sum họp với gia đình gặp lại bố, mẹ, anh, chị em sau hơn 3 năm xa cách. Buồn vì phải chia tay với bạn bè, đồng đội sau bao năm gắn bó, yêu thương. Chia ngọt sẻ bùi, cùng bao nhiêu kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ. Sống hồn nhiên, vô tư cống hiến cho Tổ quốc và mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, mưa dầm và đất đỏ mến người. Đi đâu đất đỏ cũng dính chặt lấy bàn chân như níu giữ, không muốn rời xa… 
Buổi sáng ngày chia tay với chị em, Sơn dậy rất sớm; vì nói thật đêm qua Sơn có ngủ được đâu. Cứ trăn trở, băn khoăn nhớ lại những kỷ niệm vui chung với chị em, đồng đội. Có những kỷ niệm riêng, thầm yêu, trộm nhớ mà không dám thổ lộ; vì sơn cũng còn rất trẻ, đang ở độ tuổi đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người. Luôn khao khát được yêu thương, sống hồn nhiên vui vẻ như mọi người. Nhưng khổ nỗi cấp trên lại giao cho mình một cương vị làm chính trị viên khi còn rất trẻ. Với cương vị ấy, buộc Sơn phải đứng đắn, phải gương mẫu, không thì rất khó thuyết phục được các cô gái trẻ đẹp, vô tư và tràn đầy sức sống này.
Sơn đi xuống các trung đội và tiểu đội để chia tay với mọi người, đi đến đâu cũng thấy chị em khóc sụt sùi. Có lúc lại rộ lên như một dàn đồng ca đầy nước mắt… Sơn bắt tay các cô gái nói lời tạm biệt mà dưng dưng không nói nên lời. Bàn tay nhỏ xinh xắn ngày nào, nay đã lên trai sạn, không kém bàn tay của các chàng trai sơn tràng. Nhìn chiếc ba lô đã bạc mầu vẫn lẹp sép như ngày đầu nhập ngũ mà không khỏi chạnh lòng… Đúng như nhà thơ Chế Lam Viên đã viết:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn… 
Để thay thế cho chị em bộ đội, tiếp tục xây dựng nông trường và chăm bón cà phê. Nông trường về các huyện ven biển của các tỉnh miền Trung để tuyển công nhân vào xây dựng nông trường. Đi đến đâu mọi người cũng rất phấn khởi, nồng nhiệt đón tiếp và muốn vào Tây Nguyên để xây dựng Nông trường.
Mọi người tâm sự, như các năm trước đây, chắc mọi người chưa muốn đi. Vì biển xanh, cát trắng đã bao đời yêu thương, gắn bó, nuôi sống con người với những mẻ lưới đầy cá, tôm. Với biết bao phong tục, tập quán vui buồn gắn bó ngàn đời nay… Trước đây, một chuyến đi biển chưa cần phải đi xa bờ nhiều, trở về là gia đình có thể sống được cả tuần; có khi cả tháng.
Nay dù có đi biển xa, hoặc gần cũng kiếm được rất ít cá, tôm. Có nhiều chuyến biển, sau khi trừ đi chi phí còn lỗ nặng. Cho nên, đa số các gia đình phải chạy ăn từng bữa, làm thêm các nghề phụ như buôn bán, đan lưới nhưng cũng chẳng đủ ăn. Có chuyến những người đàn ông đi biển gặp bão là cả làng thao thức cả đêm nhìn ra biển để ngóng trông chồng, con trở về. Sáng ra, có những gia đình không may, có người không trở về là cả làng đau buồn, u uất cả mấy tháng trời…
 Nay nếu được tuyển vào làm công nhân nông trường, có tiền lương, có lương thực được nhà nước cấp ổn định, trước mắt là 6 tháng thì còn gì bằng. Nhưng mọi chuyện đều không đơn giản. Vì những bàn tay quen chèo thuyền và kéo lưới ngày xưa; nay phải cấm cuốc, xẻng, rồi sẽ sao đây ? Thời tiết Tây Nguyên ngày đó, còn rất khắc nghiệt. Nắng hạn, khô hanh, mưa dầm, sốt rét là nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi được nghe người thân đã từng vào Tây Nguyên kể lại.
Để chuẩn bị đón tiếp công nhân vào xây dựng nông trường; lãnh đạo Nông trường đã chuẩn bị mặt bằng các khu dân cư theo quy hoạch. Chỉ đạo các đại đội sản xuất cho bộ đội xây dựng mỗi hộ gia đình một căn nhà 2 gian được lợp bằng cỏ tranh, trát vách đất và cấp phát cho mỗi gia đình 2 hoặc 3 tấm phản gỗ do bộ đội đóng để nằm tạm trong những ngày đầu họ vào xây dựng Nông trường còn lạ đất, lạ nước. Mỗi khu dân cư còn được đào sẵn một vài giếng nước, để các gia đình lấy nước về nấu ăn, sinh hoạt. Các dụng cụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng đều được cấp phát tới từng hộ gia đình công nhân để sẵn sàng sản xuất.
Những gia đình công nhân mới vào xây dựng Nông trường được nhận tiêu chuẩn gạo của nhà nước cấp theo tiêu chuẩn nhân khẩu và tiền lương bao cấp trong 6 tháng đầu tiên đều rất phấn khởi; tin tưởng vào cuộc sống trên vùng đất mới, giầu đẹp và đầy hứa hẹn này.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau là họ bắt đầu thấm nỗi khó khăn vất vả, trên vùng đất mới đầy khắc nghiệt. Là những người nông dân, nhưng lâu nay chỉ quen nghề chài lưới, nay họ phải làm quen với việc cuốc đất, làm cỏ cà phê thật là vất vả. Mùa khô thì nắng cháy lưng, mùa mưa thì người lúc nào cũng ướt sũng, cũng là mùa, muỗi rĩn sinh sôi, nẩy nở rất nhiều. Đã có nhiều gia đình công nhân bị sốt rét. Bắt đầu đã có những ca sốt rét ác tính bị tử vong; nhất là có một vài trẻ em không thể cứu chữa được. Làm cho một số công nhân hoang mang dao động, muốn trở về địa phương… 
Có trường hợp thanh niên rất khỏe mạnh, đẹp trai quê ở Cao Bằng là người nhà bộ đội của Nông trường giới thiệu, tình nguyện đưa cả gia đình vào xây dựng nông trường không may bị sốt rét thể xuất huyết. Bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện của sư đoàn để điều trị. Nhưng do tập quán ở quê, hễ cứ đau bụng hay một số bệnh khác, thường dùng thuốc phiện để chữa bệnh, gây nên hiện tượng loãng máu. Bệnh viện đã huy động hết các loại thuốc tốt nhất để điều trị mà không sao cầm được máu cho bệnh nhân, dẫn đến tử vong khi tuổi đời mới ngoài hai mươi.
Nhiều người già và công nhân trước đây có bệnh mãn tính, nay gặp thời tiết mới, không thuận lợi các bệnh cũ lại tái phát. Trong những ngày này, không ngày nào là ngày Nông trường không phải bố trí xe chở bệnh nhân chuyển viện cấp cứu với nhiều loại bệnh khác nhau. Có trường hợp nữ công nhân có sẵn bệnh nền về đường tiêu hóa, lại bị đau ruột thừa, phải mổ. Ca mổ diễn ra tốt đẹp, sang ngày thứ 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hoạt được; nhưng bệnh biến chứng rất nhanh, làm bệnh nhân tử vong sau một vài ngày.
Người chồng tuổi đã khá cao, khuôn mặt khắc khổ, không đủ tiêu chuẩn làm công nhân của nông trường; nhưng muốn theo vợ cùng vào xây dựng nông trường. Ông đã trải qua 2 đời vợ, 3 con còn rất nhỏ, ôm xác vợ mếu máo khóc, giọng ồm ồm nói: “Anh đã thấy em trung tiện được anh đã mừng; thế mà em lại bỏ anh đi…”. Làm mọi người có mặt ai cũng cảm động không cầm được nước mắt cho hoàn cảnh éo le của họ!  
Đứng trước tình hình khó khăn, căng thẳng này, Lãnh đạo Nông trường phải phát động toàn thể cán bộ, chiến sỹ nông trường xuống từng hộ gia đình để truyên truyền, động viên các gia đình công nhân và vận động công nhân phải nằm màn, đi tất và hun muỗi vào mỗi buổi tối. Các y, bác sỹ phải tập trung cao độ để cứu chữa bệnh nhân, có trường hợp phải bố trí người ra tận Hà Nội để mua loại thuốc đặc hiệu về để cứu chữa bệnh nhân.
Nhờ có các biện pháp phòng chống sốt rét quyết liệt, tích cực, cây cỏ, bụi rậm được phát quang; dần dần căn bệnh sốt rét cũng được đẩy lùi. Vụ thu hoạch cà phê đầu tiên được mùa, đời sống công nhân và gia đình được cải thiện. Mọi người đã tin tưởng vào tương lai trên vùng đất mới…
Tuy nhiên, thói quen của người nông dân và tư duy sản xuất nhỏ, tính tư hữu còn rất cao; chưa thể một sớm một chiều khắc phục ngay được. Việc nhà của họ thì đa số họ làm rất tốt. Lúc này trên rừng còn nhiều gỗ quý, Nhiều gia đình công nhân đã tranh thủ khai thác, dựng lại được những căn nhà gỗ 3 gian lợp ngói khang trang, sạch sẽ hơn nhà tranh nhiều.
Nhưng cũng có gia đình lười lao động, nhà có tới 4 con nhỏ, và cả bố mẹ già trên 80 tuổi cùng vào với gia đình. 2 gian nhà tranh được nông trường xây dựng cho cách đây hơn 2 năm, nay vẫn nguyên như thế ! Sơn hỏi, anh chủ nhà, sao ở giữa rừng mà anh không chịu đi kiếm tre gỗ và sửa lại nhà cho rộng ra, và đóng thêm giường hoặc làm sạp cho gia đình nằm. Có khó khăn gì thì nói nông trường và bà con giúp đỡ. Ai lại để nhà trật trội như thế ! Có mỗi 3 tấm phản cá nhân thế này thì đêm 2 cụ ngủ đâu ? Anh ta trả lời hồn nhiên: Hai cụ nằm chung một phản ! Ôi trời, thẩm nào người ta nói: “Sống với nhau cho đến đầu bạc răng long”…!
Thời kỳ này, công việc tập thể vẫn chủ yếu là giao cho công nhân làm việc trả lương theo công nhật. Còn một số công nhân có tay nghề mộc, thợ nề được Nông trường chọn lọc làm công việc xây dựng nhà ở, trường học… thì họ vẫn làm qua lao đại khái, vô trách nhiệm.
 Sơn nhớ mãi một lần Sơn cùng với đồng chí Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật xuống kiểm tra việc xây dựng trường học. Thì thấy rõ hơn việc làm tắc trách của họ. Cửa sổ họ lắp thì vênh váo, không đóng vào được trong những ngày trời mưa. Nền lớp học được láng xi măng thì trũng sâu ở giữa, trông như lòng của một cái mong. Mưa hắt vào nước đọc thành vũng, các cháu học sinh con em họ, đi vào nước dính lép nhép, dính cả lên bàn nghế của các cháu…
Sơn trao đổi với đồng chí Phó Giám đốc, tập hợp anh em công nhân xây dựng lại phê bình họ tại chỗ. Vì việc làm cẩu thả đó, làm hại ngay chính con em mình. Trong khi Nông trường bộn bề công việc, vẫn phải dành kinh phí để chăm lo xây dựng trường cho con em công nhân, thế hệ tương lại của Nông trường sau này, còn họ thì làm ăn như vậy đấy !
Trên đường về, Sơn trao đổi với đồng chí Phó Giám đốc, chắc Nông trường mình phải thay đổi cách quản lý chứ không thể làm theo kiểu bao cấp này được nữa rồi. Trong khi cả nước đã bước vào thời kỳ đổi mới; nhất là trong nông nghiệp việc khoán 10, khoán 100 đến từng hộ gia đình, như một luồng gió mới thổi vào mặt trận nông nghiệp. Từ chỗ phải nhập khẩu hàng ngàn tấn lương thực mỗi năm, nay đã có lương thực để xuất khẩu.
Sau đó, Nông trường đã tiến hành khoán vườn cây đến hộ gia đình công nhân và các công việc lao động, xây dựng khác cũng đã được khoán theo công việc. Từ đó, ý thức của công nhân được nâng lên, vườn cà phê được làm sạch cỏ, bón phân theo đúng quy trình, không còn hiện tượng bớt xén phân bón hóa học mang về nhà tăng giá nữa; mà ngược lại nhiều gia đình đã huy động thêm nguồn vốn mua thêm phân bón cho cà phê. Nhờ vậy, vườn cà phê vươn lên xanh tốt, năng xuất và chất lượng tăng cao. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được cải thiện, nâng lên đáng kể, các cháu nhỏ được cắp sách đến trường… 
Sơn nhớ mãi có một lần Sơn cùng với đồng chí Giám đốc nông trường xuống kiểm tra việc làm và đời sống của công nhân ở Đội 3. Ông đội trưởng, trước đây là bộ đội Trường Sơn, nay là Cựu chiến binh của Nông trường, rất nhiệt tình trách nhiệm với sản xuất và giúp đỡ, chăm lo đến đời sống của các gia đình công nhân gặp khó khăn. Nhưng phải nói thật là gia đình ông đông con, bà vợ thì luộm thuộm, nhà cửa bề bộn, không được sạch sẽ cho lắm. Nhưng ông rất nhiệt tình mời đồng chí Giám đốc và anh em trong đoàn kiểm tra vào nhà chơi. Nể ông đội trưởng quá, Giám đốc và Sơn cùng vào thăm gia đình.
Sau một hồi tìm kiếm, ông lôi trong gầm giường ra một chai rượu cao và mang ra bộ ấm chén, bụi bẩm đen sì sì chắc lâu ngày chưa rửa. Rất nhanh, ông lấy ngay ngón tay cũng đen sì sì, quyệt một vòng quanh miệng chén, rồi giót rượu ra và nói lắp: Mời các anh uống uuoống.. ly rượu cao cho nó bổ. Sơn nhìn thấy cách ông rửa chén và giót rượu ra mời mà sợ chết khiếp !
Sơn cầm chén rượu lên mà chưa dám uống. Song nhìn thấy đồng chí Giám đốc đã uống một hơi cạn luôn rồi. Chả lẽ mình không uống, thôi cũng đánh nhắm mắt, làm một hơi cho xong. Lúc ra về, Sơn tả lại cách ông đội trưởng rửa chén và giót rượu cho đồng chí Giám đốc nghe và hỏi: Chắc anh không nhìn thấy ? Ông Giám đốc cười và nói, tôi nhìn thấy cả đấy; nhưng chẳng lẽ không uống, ông ấy sẽ nghĩ mình coi thường người ta. Thôi rượu nó tiêu diệt hết vi trùng ấy mà, đừng lo !
Thời gian sau, nông trường phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở và trường học; vì không thể để các cháu đã học hết cấp I phổ thông mà không có trường cấp II và cấp III. Nhưng nếu cứ đi mua vật liệu xây dựng như gạch ngói, từ Vạn Ninh, Khánh Hòa lên Tây Nguyên để xây dựng, thì vừa đắt đỏ, vừa tốn kém công sức, chi phí vận chuyển.
Học tập một số đơn vị bạn, Nông trường tiến hành khảo sát, tìm thấy mỏ đất sét ở một số đầm lầy và vùng trũng có thể làm gạch được. Quyết định lựa chọn một số thanh niên công nhân khoẻ mạnh, nhiệt tình thành lập một Đội sản xuất vật liệu xây dựng do sĩ quan trẻ Trần Văn Tú phụ trách. Tự tìm tòi, xây dựng lò đốt gạch thủ công quy mô nhỏ, sau tiến lên quy mô sản xuất lớn.
Mẻ gạch đầu tiên ra lò, không khác gì ngày hội lớn của Nông trường. Giám độc Nông trường thưởng cho Đội khai thác một bữa liên hoan vui vẻ là một con bò và 10 lít rượu. Cả Ban Giám đốc, Đảng ủy, Thư ký công đoàn cùng xuống dự liên hoan vui vẻ với anh em.
Cuối buổi liên hoan Đoàn Thanh niên của đội sản xuất biểu diễn một số tiết mục văn nghệ tự bên, tự diễn rất hay. Sơn cùng tham gia biểu diễn văn nghệ với anh em và phát hiện ra một số anh em trong đội khai thác vật liệu xây dựng rất có năng khiếu, đàn và hát rất hay, kể cả anh chàng sĩ quan trẻ là Đội trưởng đội khai thác, đánh đàn ghi ta rất hay…
Thời kỳ này, Sơn đang là Thư ký (bây giờ là Chủ tịch) công đoàn Nông trường; quyết định thành lập đội văn nghệ để luyện tập biểu diễn văn nghệ quần chúng phục vụ bà con và công nhân Nông trường. Đồng thời, chuẩn bị tham gia Hội diễn Văn nghệ quần chúng của Sư đoàn. Sau này, đội văn nghệ còn có nhiều buổi biểu diễn, và chiếu phim phục vụ miễn phí cho bà con xã Phú Xuân (là những người dân, trước đây ở thành phố Huế) vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, sát với Nông trường.
Để phát triển và duy trì được đội văn nghệ là biết bao công sức vất vả của người quản lý và sự nhiệt tình, khổ luyện của anh, chị em diễn viên. Vì là lao động nghệ thuật, tự nguyện nên vừa phải nghiêm khắc; nhưng cũng phải mền mỏng mới động viên được anh chị em lao động nghệ thuật, sáng tạo. Không thể có bộ mặt buồn thiu mà hát hay được.
Sơn nhớ mãi, có một lần, một cô giáo dạy ở trường cấp I của Nông trường có giọng hát hay; nhưng từ trước đến nay, chủ yếu là tự học, tự hát chay; chứ có được ai dạy luyện tập cho cô hát bao giờ đâu. Nhưng cô rất nhiệt tình và thích hát, Sơn giới thiệu cô vào Đội văn nghệ để đi biểu diễn. Trong một lần biểu diễn cô hát đơn ca, anh chàng Tú, sĩ quan đẹp trai, chỉ tội hơn đen vì đốt lò gạch, đệm đàn.
Cô giáo đang hát thì anh chàng đệm đàn bỏ đi vào trong sân khấu, không thèm đệm đàn nữa. Sơn hỏi tại sao ? Anh ta nói, hát sai nhạc, không thể đệm đàn được. Sơn rất bực, nhưng cố nén lại và nói, thôi cậu ra đệm đàn tiếp cho cô ấy đi. Ai lại đang đệm đàn lại bỏ vào thế, người ta cười cho. Văn nghệ quần chúng thì đàn phải theo hát chứ, có phải ca sĩ chuyên nghiệp đâu. Lựa mà đánh, sau này luyện tập cho cô ấy dần dần. Sau này họ lại yêu nhau và thành cặp vợ chồng yêu văn nghệ nhất, tình nguyện ở lại xây dựng Nông trường lâu dài…
Không ngờ trong Hội diễn văn nghệ lần thứ nhất của sư đoàn, Đội văn nghệ của Nông trường đạt giải nhất. Cả đêm hôm ấy, đội văn nghệ gần như thức trắng  để liên hoan, những nắm tay chúc mừng, những cái ôm hôn thật chặt và ly rượu mềm môi… Sáng cả đội dậy sớm lên xe trở về đơn vị. Trước khi về đơn vị, theo đề nghị của anh em trong đoàn. Sơn cho xe chạy quanh sư đoàn và hát vang bài ca Nông trường cho đến khi về đến Nông trường cũng chạy quanh một vòng Nông trường hát vang bài ca tự sáng tác về Nông trường yêu dấu của mình…
Sau hơn hai mươi năm Sơn mới có dịp lần thứ 2 quay lại thăm Nông trường; quả thật quang cảnh nay đã đổi thay quá nhiều. Nhiều chỗ thân quen trước đây, nay không còn nhận ra nữa, Trụ sở Nông trường xây cao 3 tầng, có cả sân ten nits, bể bơi… Nhà công nhân tất cả đã là nhà ngói, nhiều nhà xây cao 3 đến 4 tầng. Các cháu nhỏ, vai quàng khăn đỏ ríu rít vui đến trường. Nông trường nay đã có cả trường Phổ thông Trung học là trường trọng điểm của huyện.
Sơn đến thăm gia đình anh bạn bộ đội năm xưa tình nguyện chuyển ngành tại chỗ ở lại xây dựng Nông trường có đầy đủ các cháu nội, cháu ngoại. Cô con gái xinh đẹp năm xưa nay đã là cô giáo trường Phổ thông Trung học ở Nông tường.
Ôi một sự thay đổi diệu kỳ từ rừng khộp, cỏ tranh năm xưa, nay đã thành rừng cà phê, cây trái xanh thắm, giầu đẹp tựa giấc mơ…     
 

tin tức liên quan