Chòng chành...Thơ - Bùi Việt Thắng

Ngày đăng: 05:03 07/09/2022 Lượt xem: 159

CHÒNG CHÀNH... THƠ

(Bốn đoản khúc về thơ Nguyễn Thị Vân Ngà)

BÙI VIỆT THẮNG

1.“Im lặng là vàng”, “Khởi thủy là lời”. Hiểu theo cách nào cũng có thể thấu triệt chân lý tối thượng. Đọc tập thơ mới Đừng bảo em lặng im (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) của Nguyễn Thị Vân Ngà tôi cứ như người bâng khuâng, váng vất “chọn một dòng hay để nước trôi”. Bề ngoài, Vân Ngà sục sôi, cháy bỏng cứ như Hỏa Diệm Sơn. Nhưng bên trong, tôi ước đoán, lại là một cõi mông lung mơ hồ, đôi khi tựa hoang hoải. Nói khác đi, Vân Ngà là một cá tính mang tính nhị nguyên, phân cực rất rõ - trào dâng hân hoan đấy mà yếu mềm cô đơn ngay đấy; phơi bày ruột gan đấy nhưng lập tức giấu mình nhanh nhạy ngay đấy trước những làn tên mũi đạn vô tình hay hữu ý đấy của thiên hạ (vì thế nên bài thơ Đạn và em khá hy hữu và độc đáo). Nhưng có nét sau đây thì tôi thấy chị nhất quán, thủy chung hết mực - dâng hiến cạn kiệt cho Nàng Thơ. Nếu trong đời đôi khi sự tận hiến của người thơ không được đền đáp, bù đắp tương xứng thì trong thơ Vân Ngà triệt để tận hiến tất cả tâm hồn và sức lực, cho đến lúc tàn hơi không thể làm gì hơn. Nhưng có vẻ như hoàn toàn thỏa mãn vì được phóng chiếu, giải phóng năng lượng sáng tạo. Là tôi cứ mường tượng như thế. Đừng bảo em lặng im là tập thơ thứ tư của Nguyễn Thị Vân Ngà. Nếu tôi không nhầm thì ban đầu chị dự định đặt cho đứa con tinh thần của mình một cái tên nghe có vẻ xa xôi và huyền bí  - Bờ nhân gian. Riêng tôi, thích cái tên được đổi mới và trình làng văn, nghe có vẻ đời hơn, gần gũi hơn, thiết thân hơn, đại chúng hơn. Bốn tập thơ, chưa phải là nhiều nhưng không thể nói là ít với một người làm thơ nồng nàn như Vân Ngà.

2.Làm thơ là nhằm để nói cái riêng tư, cá nhân. Nhưng nếu chỉ như thế thì thơ sẽ trượt về “tự ngã trung tâm”, đào bới cá nhân, chui vào tháp ngà, đễ dẫn đến nguy cơ “mũ ni che tai”. Tiếp nhận Đừng bảo em lặng im của Nguyễn Thịn Ngà, tôi thấy, chị đã cân đối trong thơ mình “riêng” và “chung” vởi tỷ lệ khá cân xứng 50/50. Nhưng phần hay, theo tôi, lại là những bài thơ viết về cái “riêng”, cái “là tôi” (nhan đề bài thơ đứng đầu tập có tựa Là tôi). Tôi thích những cách thổ lộ, chia sẻ, giãi bày của nhà thơ về đấng sinh thành của mình -từ người cha (Tiếng vọng từ tâm, Dáng cha, Lên non tìm động hoa vàng, Rót), đến người mẹ (Bến bờ của mẹ, Mẹ tôi). Đúng như câu ca dao: “Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thơ hay viết về tình mẫu t nhiều bài hay, câu hay, song tôi vẫn riêng yêu thích câu thơ: “Mẹ là khung cửa, mẹ là vách phên” (Mẹ tôi) của nguyễn Thị Vân Ngà - cái hay của sự mộc mạc, chân phương, đạt tới tối ưu “cái đp là sự giản dị”. Những vần thơ hay về các đấng sinh thành có ngọn nguồn từ đạo lý, tình nghĩa. Thơ hay nhưng nghiêm ngắn, kể cả khi viết về người cha uống rượu: “Cháu con cười nói trên môi/ Rót cha nửa chén, cha ngồi nhâm nhi/ Giọt này cha hỏi những gì/ Giọt này cha dặn phải đi đúng đường” (Rót).

3. Nhưng khi nói thơ Nguyễn Thị Vân Ngà có cái hay bởi nó “chòng chành”, đôi chút “nghiêng ngả”, vượt thoát không hẳn bởi chứa chất nhiều bản năng thăng hoa như ai đó từng nhận xét. Rõ ràng thơ Nguyễn Thị Vân Ngà mạnh về bản năng, hồn nhiên,  thảng hoặc nhi nhiên. Lại thêm đôi khi phảng phất đó đây khí vị của phồn thực nên dễ nhập vào bình dân, đại chúng, như kiểu viết: “Trăng luồn qua tóc chui vào ngực xuân” (Biển Bình Sơn). Tôi hình dung, người thơ rất thích biển, nhất là biển đêm, nên: “Vì yêu biển cũng ngô nhê/ Cũng khờ khạo cả - bốn bề nước vây/ Chồm lên từng đợt sóng đầy/ Xô ta hổn hển cát dày hân hoan” (Biển đêm). Với tình yêu - điều muôn thuở của nhân loại - người thơ lúc nào cũng như trong trạng huống phân thân, khi thì: “Trên xe chở chát cùng chua/ Má môi se lạnh gió lùa báo xuân” (Chòng chành); lúc thì: “Chưa làm tch lục tình yêu/ Mà em gia hạn đã nhiều vách ngăn” (Con đèo tình yêu). Nói thơ Nguyễn Thị Vân Ngà có cái hơi hướng chòng chành là vì đôi khi có v như thách thức với đời, với người: “ Rằng em dại dột đã nhiều/ Bỗng dưng em quyết cuối chiều là anh/ Thế gian mang đỏ, chìa xanh/ Em đi tìm bóng vàng anh đội đầu/ Ừ liều, thì có sao đâu/ Anh cười trên sóng mắt nâu khạo khờ/ Nửa đời mà vẫn ngây thơ/ Thì thôi em chọn để chờ yêu anh” (Thì sao).

4. Điệu nói là biệt sắc thơ Vân Ngà, tôi gọi là thơ chòng chành. Phải biết bản tính người thơ này pha trộn tự nhiên trong mình cả chất núi vùng Tây Bắc (cội rễ sinh thành) và chất đồng bằng Bắc miền Trung (không gian sinh tồn) mới có thể cảm hội hết cái “mùi chữ” trộn lẫn hương rừng và hương lúa, hương rừng và hương biển, hương rừng và hương phố thị. Nghĩa là một cuộc “hội nhập” giữa hoang sơ, nguyên bản với phồn tạp, rối ren; một cuộc giao lưu giữa “tĩnh” và “động”. Điệu nói trong thơ Vân Ngà, tôi hình dung, pha trộncái vẻ “thơ thơ ngây ngây” của một cô sơn nữ với cái vẻ đỏng đảnh, thm chí đôi khi chao chát rất có duyên của cô thôn nữ miền xuôi: “Tan ra là để tụ ngưng/ Lên cao, hơi nước thường ngừng tinh khôi/ Càng lên cao càng dễ rơi/ Theo mùa ầng ậng nổi , trôi ém quầng/ Tan thành đám, kết thành tầng/ Chảy thành dòng, đóng thành băng đen trời/ Bồng bềnh thế, đẹp tinh khôi/ Là mây sao vẫn tự rơi xuống bùn” (Là mây sao cứ tự rơi). Điệu nói độc sáng trong những câu thơ gần với văn xuôi: “ Anh rót mộng mơ bằng những vần thơ/ Em chưa đọc nên hồn càng mê đắm/Thời công nghệ, tin dán bay thăm thẳm/Mỗi lời yêu anh chuyển động mấy người/ Em sợ phía sau cái nửa miệng nhếch cười/ Em s cái xao xuến dành người không xứng đáng/ Đừng bảo sao em lặng im lảng tránh/ Có lẽ nào/ Em chờ đợi/ Vô duyên” (Đừng bảo em lặng im).

Điệu nói, tuy nhiên nếu bị lạm dụng sẽ có nguy cơ biến thơ thành văn. Nhưng nếu khéo léo (trên một nền tảng chân thành) sẽ có hiệu ứng ngh thuật cao,kéo người đọc đến gần thơ hơn trong sự đồng cảm hồn nhiên nhất. Lời nói “anh nhé!”, hay “nhé anh!” của cô gái thốt lên như bất chợt, như vô tư, vô tìnhtrong một tình huống tâm trạng đặc biệt lại đằm chất thơ: “ Anh đừng vươn mình ếch đỏ/ Cũng đừng châu chấu giấu mình/ Thằn lằn ngụy trang màu đất/ Đâu con người tht của anh/ Tháng năm cho nhau nhựa sống/ Thức dậy là gọi em ơi/ Buồi trưa nhớ em nhìn chút/Ôm em đêm ngắm sao trời/ Chẳng trường tồn bao danh lợi/ Thì anh là chính anh thôi/ Biết dìm em trong sâu lắng/ Yêu em như chết lịm rồi” (Nhé anh). Điệu nói trong thơ Vân Ngà, không gì khác, là giọng của người phụ nữ (đang yêu say đắm, hay đã thành nghĩa tao khang) bao dung, độ lượng khiến người đàn ông muốn bỏ ra đi phải ân hận: “Cuộc đời dài nếu anh nhỡ thương ai/ Người đàn bà trong em đủ bao dung lần nữa” (Người đàn bà trong em).

Điệu nói trong thơ Vân Ngà, trong vài trường hợp, làm bật lên lối diễn đạt và biểu cảm mới mẻ (cũng có thể nói là ngộ nghĩnh): “Chắc là sông oán lòng người/ Đêm qua bật dậy sông ngồi cả đêm/ Xưa kia dòng chảy êm đềm/ Vì người đào, đắp, kè thềm vách ngăn” (Trò cuyện với sông lớn).

Vĩ thanhCó thể ai đó đọc thơ Vân Ngà sẽ nghĩ, thơ người này nghiêng về “đời”. Nhưng đọc kỹ theo cách của tôi, lại thấy “đạo” và “đời” trong thơ chị thật song toàn, chỉ có điều “đạo” thường được giấu kín trong những hình hài thanh cao, còn “đời” thì được “phô” ra dưới thanh thiên bạch nhật, như thể sờ mó được, nắm bắt được. Tôi nghĩ, Nguyễn Thị Vân Ngà là người mộ đạo trong máu huyết (còn việc có là phật tử hay con chiên hay không lại là chuyện khác). Ai đã biết đến tích SALA, giác ngộ về nó sẽ đồng cảm với người thơ: “ Nghe tiếng mõ/ Tiếng kệ kinh/ Chuông ngân tám cõi gần xa/ Bến giác nào trong ta?/ Dòng tháng tư/ Kiết hạ qua/ Rồi tháng bảy/ Vu Lan tới/ Nơi thiền môn/ Cửa từ bi đón đợi/ Rạp mình con sám hối/ Phật từ tâm/ Tự lòng thỉnh tiếng chuông” (Đêm dưới gốc SALA). Những câu chữ thơ trong lành, thanh lọc tâm hồn con người vốn đang dễ rơi vào vòng tục lụy. Thơ hướng tới chân - thiện - mỹ là vậy./.

Hà Nội, gần Trung thu, 2022

B.V.T

tin tức liên quan