NỖI NIỀM CỐ HƯƠNG- Lê Lân

Ngày đăng: 10:53 08/08/2017 Lượt xem: 633

      
                                                             NỖI NIỀM CỐ HƯƠNG
         

         
          Vào dịp đầu xuân năm mới, ông Lâm mới có chuyến về thăm quê lâu lâu để bàn với con cháu thực hiện một ý định mà lâu nay ông cứ canh cánh trong lòng. Đó là việc tu sửa lại ngôi nhà từ đường, mảnh vườn hương hoả của tổ tiên cha mẹ ông để lại, để làm bến đậu cuối đời nơi chôn rau cắt rốn.
          Đã 45 năm xa quê đi bộ đội, hết chiến tranh đi học rồi ra nhận công tác ở thành phố cách nhà gần trăm cây số. Bây giờ đến tuổi nghỉ hưu ông mới có thời gian để tâm suy ngẫm và hoài niệm về những kỷ niệm vui buồn, ký ức tuổi thơ, thời trai trẻ mà mình đã gắn bó với ngôi nhà, làng quê và những người thân thích ở cái làng Tam Lễ, xã Quỳnh Châu xưa kia nghèo khó của vùng đất bán sơn địa phía tây huyện Quỳnh. Tất cả cứ lần lượt hiện về chắp nối như một cuốn phim tài liệu dài trong tâm trí ông.
          Ông sinh ra trong một gia đình được coi là khá giả trong làng. Là con trai một nên được cưng chiều từ bé. Lúc còn nhỏ đã phải mang cái tên xấu xí là thằng Mày (của đi xin), mẹ ông bảo đặt tên vậy để dễ bề nuôi nấng. Ngay cả cái nhà này gồm 5 gian, 4 vì gỗ quý sắc mộc cũng đã song hành cùng cuộc đời ông (ông bao nhiêu tuổi nhà bấy nhiêu năm). Khi có con trai đích tôn nối dõi tông đường, bố ông mới kêu thợ phát mộc làm nhà. Đến nay ngôi nhà đã 70 năm, nhưng nếp gỗ Đinh Hương vẫn còn nguyên vẹn, vững chãi, kiểu dáng vẫn không lạc hậu với mốt nhà tứ trụ chữ Đinh, tầm oai cổ nghé ở nông thôn. Ngôi nhà vừa ở vừa được dùng làm từ đường tế tổ của dòng họ Lê, vì bố ông là tộc trưởng. Với ý nghĩa ấy mà cách đây gần 20 năm, khi chuyển cả gia đình vào thành phố sinh sống, nhiều người hỏi mua ông cũng không bán, để vậy nhờ các cháu trông coi, giữ lấy của gia bảo mà ông cha để lại.
          Cuộc đời công tác của ông cũng lắm gian truân, không “ba chìm bảy nổi” thì cũng gập ghềnh so với cái tuổi Đinh Hợi (1947) của ông. Gia cảnh chẳng giàu có gì, chức tước cũng không hơn người. Bản chất con người ông là luôn cố gắng giữ gìn phẩm chất của anh cán bộ công chức mẫn cán, chỉn chu với công việc, để khi hạ cánh được an toàn, thanh thản. Cái được lớn nhất của ông là 4 đứa con đều tốt nghiệp đại học và có công ăn, việc làm ổn định. Ông bà đã có cháu nội, cháu ngoại vui vẻ tuổi già, được bạn bè nể phục, quý trọng.
          Hồi nhỏ ông được tiếng là thông minh sáng dạ, ham học và học giỏi. Lên 7 tuổi học xong vỡ lòng là đặc cách vào học luôn lớp 2 trường làng. Năm nào ông cũng được nhà trường khen thưởng là học sinh khá, giỏi. Những năm học cấp 3 trường huyện là quãng đời đẹp nhất của tuổi học trò. Tốt nghiệp phổ thông hệ 10/10 vào mùa hè năm 1966, lẽ ra ông sẽ được tiếp tục học lên đại học hoặc đi học nước ngoài (hồi ấy chiến tranh nên chỉ xét tuyển chứ không thi). Nhưng hiềm nỗi lý lịch thân nhân gia đình ông là thành phần địa chủ quy sai trong CCRĐ, nên ông chẳng được đi đâu và phải quay về địa phương sản xuất với gia đình. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn nuôi một quyết tâm là phấn đấu tốt, hy vọng xã hội sẽ thay đổi cách nhìn về đấu tranh giai cấp. Là người có học trong làng, lại có năng khiếu văn hoá, văn nghệ, ông tích cực tham gia phục vụ trong phong trào văn hoá, thông tin tuyên truyền của xã, như viết kẻ khẩu hiệu, sáng tác ca dao, kịch ngắn dân ca, dàn dựng chương trình cho đội văn nghệ (cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn), biểu diễn phục vụ nhân dân sản xuất và chiến đấu ở địa phương trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” thời chiến. Hợp tác xã Đại Xuân quê ông được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình kiểu mẫu vùng bán sơn địa của huyện nên được tập trung đầu tư phát triển về nhiều mặt. Thành tích hoạt động công tác của ông được mọi người ghi nhận, đánh giá tốt song vẫn không sao vượt qua được định kiến của người đời... Ông cam chịu mọi thiệt thòi mả không hình dung ra nguyên cớ và cũng chẳng biết trách ai? Vào thời điểm cuộc kháng chiến CMCN bước vào giai đoạn quyết liệt sau chiến dịch tết Mậu Thân năm 1968, có đợt tổng động viên huy động lực lượng cho tiền tuyến lớn, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Vào lính, cũng nhờ có chút “tài vặt” nên ông lại có cơ hội phát huy sở trường của mình, trở thành anh lính trợ lý đồ bản của Ban tác chiến Sư đoàn, thuộc Bộ tư lệnh Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Hết chiến tranh được chuyển ngành đi học. Ông thi đậu vào trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Cuộc đời đã sang trang, có cơ hội làm lại nên ông lao vào học như “người đứt bữa được ăn no”, để thực hiện những ước mơ hoài bão của mình.
          Ra trường nhận công tác ở thành phố gặp lúc khó khăn của thời bao cấp sau chiến tranh. Hàng tháng ông phải chắt chiu từng đồng lương, nhu yếu phẩm, làm thêm nghề phụ gia công để có tiền gửi về trợ giúp gia đình. Phấn đấu trì trật mãi rồi ông cũng được kết nạp vào Đảng ( thời kỳ đổi mới đất nước), được đề bạt làm cán bộ quản lý của ngành, ông lại có điều kiện phát huy khả năng lãnh đạo đơn vị phát triển, khởi sắc. Lúc này vợ ông ở quê đã xồn xồn cho ra đời 4 đứa con 2 trai 2 gái, với triết lý của người nhà quê là “con một cháu bầy”, phúc phận ăn nhờ về sau (cũng may là sinh trước thời điểm chứ không thì cũng rắc rối cho ông). Bây giờ, đã qua cái đận vất vả nuôi con ăn học, nhưng nghĩ lại ông thấy rất đỗi tự hào với ý chí quyết tâm vượt khó của mình. Đứa nào học hết cấp 2, ông tời vào thành phố xin cho học ở các trường cấp 3 có tiếng và đều thi đậu vào các trường đại học. Nay các cháu đều đã trưởng thành, đó là điều làm ông mãn nguyện.
          Theo thời gian, ông đã hợp lý hoá gia đình vào định cư ở thành phố. Sống giữa nơi đô hội phố phường vợ ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Bây giờ đến tuổi nghỉ hưu, ông mới có ý định sẽ quay về nơi quê hương bản quán. Khi nói ra điều đó có người đã can ngăn, cho rằng ông là người hoài cổ, là hâm tỷ độ. Bao người muốn vào thành phố không được, ông lại bỏ phố về quê là nghĩa làm sao? Vào ngưỡng tuổi già, ở thành phố dẫu sao cũng có nhiều thuận lợi, lúc ốm đau bệnh tật hiểm nghèo, gần bệnh viện vẫn hơn chứ?.
          Nhưng bản tính ông là vậy, cái gì đã nghĩ đúng là làm. Quan điểm của ông là “ly hương chứ không ly quê”! Nhà cửa ở phố ông giao lại cho con, ông trở về với quê ông chứ đi đâu mà sợ? Ở quê bây giờ trong phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã thay đổi nhiều rồi. Thị trấn Tuần nay đã thành phố núi, nhà cửa đàng hoàng mọc lên san sát, có đủ nhà hàng, cửa hiệu, dịch vụ tấp nập suốt ngày, đường giao thông đi lại thuận tiện... Chỉ có bản chất người dân quê ông là vẫn vậy, luôn thuỷ chung tình nghĩa xóm làng. Vui vẻ tuổi già nơi quê kiểng cũng có cái hay, ông sẽ có cơ hội thực hiện những điều mình ấp ủ, mong muốn bấy lâu với quê hương, tổ tiên, họ mạc. Cùng vui thú với bạn bè trang lứa bên ấm nước chè xanh mà hàn huyên bao chuyện thế thái nhân tình. Một cuộc sống yên bình, thanh thản chắc gì ở phố đã có được. Nghĩ vậy, ông Lâm thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành tại ngay ngôi nhà cũ của mình. Một giấc ngủ viên mãn, nơi bến quê neo đậu của cuộc đời./.
                                                                               
                                                                                     Lê Lân
                                                              Hội viên Hội VHNT Trường Sơn 
                                                         (ĐC: Số 47, Đặng Thúc Hứa, Tp.Vinh, Nghệ An)
                                                                          ĐT: 0913 274 551           

 


tin tức liên quan