Lê Hồng Huân - Người ghi chép lịch sử Hội bằng hình ảnh

Ngày đăng: 07:04 07/09/2017 Lượt xem: 4.811
LÊ HỒNG HUÂN - NGƯỜI GHI CHÉP LỊCH SỬ HỘI
BẰNG HÌNH ẢNH


Ghi chép của Phạm Thành Long
 
       “Người ghi chép lịch sử Hội TS bằng hình ảnh”. Anh em trong Ban Tuyên truyền – Thi đua và Ban Biên tập Trang thông tin và Bản tin Trường Sơn chúng tôi vẫn gọi anh Lê Hồng Huân - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, quay phim Lê Hồng Huân bằng một danh xưng như thế. Gọi thế chẳng ngoa chút nào. Có thể nói gần như tất cả hoạt động của Trung ương Hội, hoạt động của Hội nhiều địa phương, đơn vị kể từ ngày thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đến nay đều được anh ghi chép bằng ảnh và bằng hình ảnh video.
       Có một chuyện thật thú vị về “chỗ đứng” của anh Lê Hồng Huân hôm nay ở Ban Tuyên truyền – Thi đua.
      Sau Đại hội thành lập Hội – 5/7/2011, Ban Chấp hành đã tiến hành xây dựng bộ máy của Cơ quan Trung ương Hội. Ban đầu, các đồng chí Thường trực có ý định sắp xếp anh Lê Hồng Huân làm Phó Trưởng ban Lịch sử - Truyền thống. Nhưng anh Huân đã chủ động đề nghị được chuyển sang Ban Tuyên truyền – Thi đua. Vì, niềm say mê và cũng là thế mạnh của anh hiện nay là quay phim và chụp ảnh. Sang Ban Tuyên truyền, anh sẽ phát huy được thế mạnh của mình. Khi xem và chọn những hình ảnh anh Huân chụp tại Đại hội lần thứ Nhất để làm tư liệu cho cuốn Kỷ yếu Đại hội, với con mắt nghề nghiệp, tôi thấy những bức ảnh quá được. Tôi trao đổi với anh Phạm Hoa mời anh về Ban Tuyên truyền Thi đua của chúng tôi. Hai ý tưởng vô tình gặp nhau. Thế là Quyết định được thực hiện. Anh Lê Hồng Huân chính thức được Thường trực Hội bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Tuyên truyền Thi đua kể từ sau Đại hội thành lập Hội lần thứ Nhất, năm 2011.
      Từ tháng 7 năm 2011 đến nay, chiếc Suzuki của anh đã dong duổi không biết bao lần trên hầu khắp các cung đường của các địa phương phía Bắc này. Anh bảo tôi: Từ Thừa Thiên Huế trở ra, không còn tỉnh nào là anh chưa từng đặt chân đến. Tất nhiên là trên chiếc xe Suzuki của anh rồi. Có tháng, chả tuần nào anh không bươn bả trên các nẻo đường. Thấy mật độ đi lại quá nhiều như vậy, có lần tôi ái ngại hỏi anh:
       - Bác đi nhiều thế có mệt không? Anh cười lớn – một đặc điểm không trộn lẫn của anh:
       - Đi thế anh khỏe ra em ạ. Ngồi ru rú ở nhà anh cuồng chân, cuồng tay lắm. Cứ ngồi ôm vô lăng là vô tư em ạ! Nói rồi anh lại cười lớn. Tôi nhìn anh, tin anh nói thật. Tôi nhìn anh, dáng người gày gò, ăn uống lại khá kiêng khem thế, không hiểu năng lượng trong anh ở đâu ra mà nhiều ghê ghớm thế! Cách đây hai ba năm, chả hiểu sao cái tai trái của anh bỗng nhiên dở chứng. Nghe chỉ còn 1-2%. Cái tai phải nghe cũng kém hẳn. Coi như điếc. Có lẽ là hậu quả của 17 năm khoác áo lính trong đó có hơn 11 năm ở Trường Sơn của anh? Anh phải mang tai nghe. Mà người có đôi tai kém thường không cảm nhận được cường độ âm thanh giọng nói của mình. Từ đấy, anh nói năng oang oang. Người ngoài không biết chuyện đôi tai của anh thì cảm thấy hơi khó chịu khi nghe cường độ đề-si-ben hơi cao trong phát âm của anh. Nhưng anh em cùng cơ quan Trung ương Hội thì cảm thương cho đồng đội. Âu cũng là di chứng của chiến tranh bây giờ chúng mới phát tác.
       Ở cái tuổi 75 rồi nhưng dường như anh Lê Hồng Huân không cảm nhận được tuổi tác của mình. Anh vẫn đi, vẫn làm việc như chẳng hề có sự cảm trở nào về sức lực. Mấy lần hai anh em có chuyến đi công tác chung. Tôi bảo, hôm nay đi xe của em. Em sẽ đón anh. Nghe thế, anh Huân dãy nảy lên: Không. Đi xe của anh. Đồ đoàn của anh lỉnh kỉnh lắm. Anh để sẵn trên xe rồi. Đi xe anh cho tiện. Thế là tôi phải nghe theo. Nghe anh Hoàng Anh Tuấn và mấy anh ở chung đơn vị với anh Lê Hồng Huân ở Trường Sơn cho biết: Anh Huân là một tay lái xông xáo và dũng cảm. Có nghĩa là anh chả biết sợ là gì! Bây giờ ngồi bên “ghế phụ” trong những lần đi công cán cùng anh, tôi chả thấy “bóng dáng” một tay lái Trường Sơn xông xáo, chả biết sợ là gì ở anh nữa. Thay vào đó là sự điềm tĩnh và từ tốn trên vô lăng. Thú thật, nhiều lúc anh đi cẩn thận quá mà tôi thấy sốt ruột. Tôi đã bảo:
       - Khi về để em lái đỡ anh nhé!
       Người ta khi đã có tuổi thì đầm tính hơn hồi trẻ tuổi. Vì thực tế cuộc sống đã dạy con người ta như thế. Chả thế mà trong “thiền”, các bậc cao minh thường dạy người ta nên “sống chậm thôi”! Mọi thứ từ nói năng, đi đứng, ăn uống nếu quá nhanh thì chẳng tốt tý nào! Anh Huân hình như đã học được ở các bậc cao minh ít nhất là trong việc đi đứng trên đường hôm nay.
      Ở anh, chúng tôi rất thích cái tính thẳng thắn của anh. Có gì không phải là anh nói ngay, chả bao giờ để bụng. Trong cuộc sống, sợ nhất là những người “để bụng”. Rất may là mấy anh em trong Ban Tuyên truyền – Thi đua của chúng tôi chả ai có tính thế. Có gì là nói thẳng băng ngay. Quân hàm, chức vụ ở Ban này ai cũng xem “nhẹ như lông hồng”, chả quan trọng gì. Nghỉ hưu rồi hãy gạt bỏ chức tước địa vị ở phía sau để mà làm việc cho Hội. Tôi rất khoái quan niệm vô cùng chí lý của anh: “Quan trọng nhất là hôm nay anh làm được gì cho Trường Sơn! Quá khứ của anh cũng quan trọng đấy nhưng mà để dùng tùy lúc thôi!”  Bởi thế mà anh em trong Ban Tuyên truyền – Thi đua sống và làm việc với nhau vô cùng thoải mái. Ai cũng tôn trọng nhau, chân tình và thẳng thắn. Người lớn tuổi, người trẻ tuổi hơn, người quân hàm cao, người quân hàm thấp nhưng tất cả đều chan hòa và dễ chịu trong làm việc và quan hệ. Ơn giời trong Ban ai cũng “chịu chơi” và rộng rãi. Chả ai có tính “đếm hột muối trong lọ” cả.
       Thời ở Trường Sơn, tôi ở sâu tận Đèo Long, sông Bạc và Ngã ba biên giới. Còn anh Huân ở ngoài Binh trạm 14 rồi khu vực hoạt động của Sư đoàn 571 ở bắc Quảng Trị. Vì thế chúng tôi chả biết nhau. Chỉ khi cùng hoạt động trong Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và sau này là Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thì chúng tôi mới biết nhau. Thú thật là hơn 6 năm công tác, làm việc cùng nhau nhưng tôi “biết” về anh Huân không nhiều. Dường như mỗi ngày tôi càng hiểu thêm một tý về anh. Cách đây hơn 57 năm, chàng trai làng Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội Lê Hồng Huân (sinh ngày 25/4/1943), vừa tròn 17 tuổi đã trở thành công nhân Nhà máy Bia Hà Nội. Anh nhanh chóng trở thành người thợ đứng máy điều khiển dây chuyền sản xuất bia một cách ngon lành. Khi vừa tròn 3 năm mặc áo công nhân, Lê Hồng Huân đã lên đường nhập ngũ. Tháng 4/1963, anh được vào học trường lái xe quân đội 225 ở Sơn Tây. Sau 6 tháng học tập, tốt nghiệp xuất sắc, anh được giữ lại trường làm giáo viên. Tháng 2 năm 1964, anh xin về đơn vị. Cùng tháng ấy Trung đoàn 245 của anh hành quân vào Trường Sơn. Anh trở thành chiến sĩ lái xe của Tiểu đoàn 52 của Tuyến 1 rồi Binh trạm 14. Mấy năm liền, anh ở cùng đại đội 1 do anh Hoàng Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội bây giờ) làm Chính trị viên đại đội. Từ Đại đội phó Đại đội 1, anh được điều sang Đại đội 4, Tiểu đoàn 52 làm Đại đội trưởng. Anh cùng được bổ nhiệm Đại đội trưởng một ngày với Anh hùng Kim Ngọc Quảng. Năm 1972, anh được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 52, sau đó chuyển về Tiểu đoàn 70, rồi về Trung đoàn bộ Trung đoàn 11, Sư đoàn ô tô 571. Từ Trung đoàn bộ, anh lại được điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 76. Những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh là Tiểu đoàn phó phụ trách thu dung đội hình của Tiểu đoàn. Anh ngồi chỉ huy đội hình của Tiểu đoàn trên xe của Phan Văn Quý (Phan Văn Quý năm 1976 được phong danh hiệu Anh hùng LLVT ND). Sau giải phóng, anh được điều về làm Trợ lý Kế hoạch, Phòng Tham mưu Sư đoàn 571. Tháng 6 năm 1980, anh chuyển ngành về công tác tại Tổng Công ty Quá cảnh thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Một thời gian sau anh chuyển sang Tổng Công ty Vật tư Vận tải thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Năm 2003 anh chính thức cầm sổ hưu…
        Không biết có phải tình cờ hay số phận đã chọn anh đến với quay phim chụp ảnh. Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, khi đi giao hàng, anh suy nghĩ: Nếu khi giao hàng mình chụp ảnh và quay lại toàn bộ cảnh giao hàng tại điểm giao hàng rồi mang về cho chủ hàng xem lại. Hình ảnh sẽ là lời nói trung thực nhất cho công việc của anh. Chắc chắn chủ hàng sẽ vô cùng tin tưởng vào công việc mà anh thực hiện hợp đồng. Cách làm khác người của anh khiến các chủ hàng rất khoái. Họ tận mắt thấy hàng hóa được giao một cách cẩn thận, rõ ràng qua từng khuôn hình. Vì thế, chủ hàng rất tín nhiệm chàng lái xe cẩn thận và đầy trách nhiệm như anh. Từ đấy họ luôn tín nhiệm ký hợp đồng với “tay lái xe” khác người như anh. Niềm say mê quay phim, chụp ảnh cứ lớn dần và ngấm vào anh lúc nào không biết. Anh tìm sách, tìm thầy học hỏi thêm kỹ thuật và kinh nghiệm chụp ảnh và quay phim...
       Nghỉ hưu, anh càng có điều kiện thỏa mãn niềm đam mê quay phim, chụp ảnh. Anh tự trang bị cho mình công cụ tốt nhất có thể. Chiếc máy ảnh, chiếc máy quay phim của anh thuộc loại hàng “độc”. Chúng gọn nhẹ nhưng có độ phân dải rất cao, ngang với các loại máy chuyên dụng của các nhà đài. Vì thế, hình ảnh anh quay và chụp có độ nét “long lanh”.
       Hội nghèo, có tiền đâu mà trang bị phương tiện và công cụ cho các thành viên của Ban tác nghiệp. Tất cả mọi người đều tự lo trang bị cho mình hết. Anh Lê Hồng Huân thuộc người đi tiên phong về việc này.
      Khi tác nghiệp, anh quên hết mọi việc chung quanh. Anh thao tác chụp, quay một cách tự nhiên “bất cần ai”. Những sự kiện quan trọng, để có nhiều góc độ, nhiều khuôn hình đẹp, anh còn mời thêm “đệ tử” kiêm “cố vấn” về quay phim Phạm Ngọc Huệ - cán bộ của Công ty Dihavina đảm nhiệm thêm một máy quay, còn anh một máy. Khi dựng phim, với hai góc quay và hình ảnh xa, gần phong phú, chất lượng video clip của anh đã tiệm cận với người làm nghề chuyên nghiệp. Sau mỗi lần tác nghiệp, anh lại lao vào tự dựng cấp tốc video clip về sự kiện mà anh vừa tham gia để đưa ngay lên “phây - búc”. Lần nào đưa xong, anh cũng điện cho tôi thông báo: “anh đưa lên rồi đấy nhé. Mời em xem”. Với những đồng chí khác ở cơ quan Trung ương Hội, sau khi dự các hoạt động, các sự kiện gì thì được quyền nghỉ ngơi. Còn với anh em trong Ban Tuyên truyền - Thi đua của chúng tôi không thế. Kết thúc mỗi sự kiện là chúng tôi lao vào viết bài, lao vào xử lý hình ảnh, dàn dựng video clip để đưa nhanh nhất sự kiện ấy lên Trang Thông tin Trường Sơn. Anh Huân và chúng tôi nhiều hôm phải làm việc tới hơn 24 giờ đêm là "chuyện thường ngày ở huyện". Có nhiều sự kiện, anh em chúng tôi đưa bài, đưa hình ảnh lên website của Hội rồi. Để kiểm tra xem các báo lớn đưa sự kiện ấy như thế nào. Tìm mãi cả mấy tiếng đồng hồ sau cũng chưa thấy cơ quan báo chí nào đưa, trừ TTX Việt Nam. Chúng tôi thầm tự hào về sự nhanh nhậy của mình dù tuổi cao hơn cánh phóng viên trẻ bây giờ. 
     Có thể nói, toàn bộ video clip đăng trên Trang thông tin Điện tử Trường Sơn từ khi khai trương, (ngày 18/3/2012) đến nay đều do anh đảm nhiệm. Bộ phim dài 60 phút mang tựa đề “Mái ấn Trường Sơn” do Truyền hình Quân đội thực hiện nhân Đại hội nhiệm kỳ II của Hội, toàn bộ hình ảnh tư liệu hoạt động của Hội và các đơn vị địa phương trong phim đều là của anh.
     Hết lòng vì công việc. Hết lòng vì cơ sở, chỉ một cú điện thoại là anh sẵn sàng lên đường đi địa phương. Hội diễn văn nghệ tỉnh Bắc Giang; Hội nghị tổng kết công tác Nữ Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh; Tri ân nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Quảng Ninh; Hội nghị thành lập Ban Công tác nữ tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa; Lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa Trường Sơn cho nữ hội viên Nam Hà, Thái Bình; Tặng lợn rừng giống cho hội viên nghèo Sư đoàn 471; Hành hương tri ân nữ chiến sĩ Trường Sơn tại Quảng Bình của Công ty đồng chí Trần Thị Chung, Phó Chủ tịch Hội TS Sư đoàn 471, rồi chuyến đi tìm hài cốt đồng đội ở Lâm Đồng của Hội TS Ba Đình, Hà Nội… Cho tới Đại hội thành lập Hội của các đơn vị truyền thống; Đại hội các tỉnh, thành phố.vv và vv… Có thể nói đơn vị nào, địa phương nào có hoạt động lớn nhỏ đều tín nhiệm mời anh và tất nhiên anh sẵn sàng có mặt với đầy đủ "vũ khí" để tác nghiệp. Hàng ngàn hình ảnh, hàng ngàn “mét hình” được anh ghi lại sự kiện, ghi lại những hoạt động, ghi lại hình ảnh các nhân vật điển hình… Gần như hình ảnh bìa gần hết các số Bản tin của Hội đều là những hình ảnh “lẩy” ra từ ống kính máy quay, máy ảnh của Lê Hồng Huân. Rồi hình ảnh trên các tờ Lịch Trường Sơn cũng vậy. Không ai khác ngoài tác giả Lê Hồng Huân…
          Để quảng bá cho sự lan tỏa của Bản tin Trường Sơn, nhiều số báo anh bỏ tiền túi ra mua hàng trăm số để tặng cho đồng chí, đồng đội các địa phương.
         Anh Lê Hồng Huân có đam mê “ngao du”. Khi thì một mình một xe, khi thì rủ thêm bạn bè, đồng đội. Anh tới những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước. Những chuyến đi ấy, ống kính máy quay, ống kính máy ảnh của anh đầy ắp hình ảnh đẹp từ các địa danh này. Cứ sau mỗi lần “ngao du” trở về, bao giờ anh cũng khoe với tôi về những hình ảnh đẹp mà anh đã quay, đã chụp. Nhiều lần tôi ngồi cùng anh chọn trong số hàng trăm bức ảnh anh chụp về hoa sen ở Hà Nội, ở Bắc Ninh và Bắc Giang… Ảnh chụp về mùa vải ở Lục Ngạn, ở Hưng Yên… Bức hình hoa sen minh họa tít tiêu đề cho các bài báo trên Trang thông tin Trường Sơn từ tháng 5/2017 trở về trước được chọn trong số hàng trăm bức ảnh trong “bộ sưu tập” về sen của anh. Hình ảnh hoa đào rất đẹp minh họa cho các tít bài trên Trang thông tin Trường Sơn bây giờ cũng là của anh. Khi lên Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), gặp các đoàn du lịch, anh tranh thủ lấy Bản tin ra tặng và không quên giới thiệu đôi nét về tờ Bản tin của Hội. Nhiều chuyến đi Mù Căng Chải (Yên Bái), đi Mèo Vạc (Hà Giang)…. chụp ảnh tam giác mạch, anh đều tặng Bản tin Trường Sơn cho nhiều người “không quen biết” trên đường dừng nghỉ. Trên chiếc Suzuki của anh lúc nào cũng có cả tập Bản tin Trường Sơn. Dừng xe ở đâu, thấy đối tượng nào anh cũng tranh thủ biếu, tặng để quảng bá, nhất là gặp các cựu chiến binh… Chưa kể, anh còn chọn hình ảnh tiêu biểu để in vào lịch rất đẹp trên chất liệu mica để tặng nhiều người. Năm 2016, tôi cũng được anh tặng một bloc lịch như thế. Tôi biết, anh đã tặng hàng chục bloc lịch tự làm đầy “chất” Trường Sơn để tặng nhiều đồng đội mà anh quý mến. Anh có những suy nghĩ chả giống ai. Dịp 27/7/2017, 3 nữ chiến sĩ Trường Sơn ở Hà Nam, ở Thái Bình được chị Trần Thị Chung và chị Nguyễn Thị Bình tặng nhà tình nghĩa. Trước đó, anh có mặt trong lần khảo sát của CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn để quyết định xây tặng nhà cho đồng đội. Anh đã kịp ghi lại hình ảnh các chị chụp ảnh chung với Lãnh đạo Hội, Lãnh đạo CLB Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn trước ngôi nhà siêu vẹo, dột nát của các chị. Thế là anh làm 3 Bloc lịch có hình ảnh ấy của mỗi chị để kỷ niệm một thời gian khó…Trong lễ khánh thành 3 ngôi nhà tình nghĩa này, anh không chỉ tặng 3 bloc lịch đặc biệt ấy mà còn tặng 3 đồng đội 3 chiếc đồng hồ treo tường loại to đẹp và chất lượng. Vào Quảng Bình, chứng kiến hoàn cảnh khốn khó của 2 vợ chồng một đồng đội Trường Sơn. Thương cảm trước cảnh hai vợ chồng không có lấy một chiếc giường nằm, anh rút ngay tiền ra tặng… Trường hợp như thế ở anh chúng tôi không nhớ hết. Người ta bảo tính anh rộng rãi. Đúng nhưng chưa đủ. Người rộng rãi nhưng không có trách nhiệm với Hội thì chưa chắc đã có hành động như anh. Anh em chúng tôi càng quý anh ở điều ấy.
        Viết đến đây, tôi chợt nhớ nếu như tôi không nhắc đến mối tình rất đẹp của anh ở Trường Sơn thì đó là một thiếu sót lớn. Mối tình Trường Sơn giữa anh và bác sĩ Trần Hoàng Oanh ngày nào là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của anh. Ngày ấy…một lần chở thương binh về Viện quân y 112 trên đường 10 ở Tây Quảng Bình. Anh nghe anh em kháo nhau ở Viện này có một nữ bác sĩ người Hà Nội. Thế là chàng trai làng Kim Mã vội tìm bằng được để gặp em gái đồng hương Hà Nội. Và Trời đã se duyên cho họ. Ngay từ buổi gặp đầu tiên ấy, cô bác sĩ trẻ người quận Hoàn Kiếm và chàng trai làng Kim Mã quận Ba Đình đã cảm tình với nhau. Sau này, biết các bác sĩ, y tá của Viện hàng tháng đều phải hoàn thành chỉ tiêu kiếm củi nộp cho nhà bếp của Viện. Thương các cô gái trẻ vất vả trong đó có em gái đồng hương, thế là trên đường trả hàng ở tuyến trong trở về, đi qua những đoạn rừng bị máy bay Mỹ bắn phá, cây rừng cháy khô, không quản nguy hiểm, Lê Hồng Huân dừng xe nhặt và chặt củi chất đầy xe mang về. Vất vả một chút đấy nhưng anh thấy vui. Nhiều lần, anh ghé vào Viện “úy lạo” đồng hương nhiều xe củi như thế. Sự chịu thương chịu khó của chàng trai làng Kim Mã càng thuyết phục cô bác sĩ trẻ Trần Hoàng Oanh. Một năm sau, năm 1974, họ làm đám cưới… Còn bây giờ thì anh và chị đang sống hạnh phúc bên vợ chồng người con trai duy nhất và 3 đứa cháu nội của họ ở ngõ 143 Kim Mã, trên mảnh đất hương hỏa nhiều đời của gia đình…
          Mấy lần tôi khuyên anh thay chiếc Suzuki chạy đã hơn 12 ngàn cây số của anh. Tôi bảo:
        - Anh nên chọn một chiếc xe số tự động ấy. Số sàn như con Suzuki của anh đi trong phố mệt chân, mệt tay lắm. Anh cười lớn:
        - Anh đi xe số tay quen rồi em ạ. Mà đi số tay cấm có buồn ngủ bao giờ!
       - Nếu thiếu tiền đổi con xe khác, anh nói chị Oanh đưa tiền cho. Nghe nói chị mở những hai cửa hàng thẩm mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi bảo.
       - Ầy dà. Không bao giờ anh tiêu tiền của vợ nhé. Tiền trong sổ tiết kiệm của anh thừa sức để mua chiếc xe mới. Nhưng anh chưa muốn. Hình như câu nói của tôi “chạm” vào anh nên anh tâm sự thật: - Anh chưa bao giờ cầm tiền lương hưu của anh nhé. Anh đưa hết cho chị để lo công việc chung của gia đình. Còn anh, anh tự kiếm tiền để chi tiêu cho riêng mình. Hàng tháng, riêng tiền lãi tiết kiệm của anh cũng đủ tiêu vô tư… Đây lại là một khám phá mới về tính cách khác người của Lê Hồng Huân. Có cái gì đó khá lãng tử trong con người anh. Tôi bắt tay anh rất chặt:
        - Riêng khoản này thì em học tập anh rồi. Từ khi đi làm cho đến khi nghỉ hưu đến giờ, em chả biết đến đồng lương bao giờ. Em cũng đưa hết cho vợ quản lý để chi tiêu cho gia đình. Toàn bộ việc chi tiêu cho bản thân và việc riêng thì em tự kiếm tiền để chi tiêu. Em không có tiền gửi tiết kiệm như anh đâu nhé. Rồi hai anh em cười ngả nghiêng về tính cách chả giống ai của mình.
        Chuyện tự mua sắm phương tiện cho mình thì với anh có rất nhiều chuyện hay để kể. 4 anh em trong Ban Tuyên truyền Thi đua: Thành Long, Hồng Huân, Tiến Ích và Quốc Huy chả ai được trang bị bất cứ một phương tiện nào để hoạt động cả. Hội làm gì có tiền. Thế là chúng tôi tự phải trang bị cho mình phương tiện làm việc như máy ảnh, laptop... Với anh Lê Hồng Huân thì chúng tôi thua xa. Anh có tới 2 máy quay phim cá nhân loại sịn, 2 máy ảnh Canon loại đắt tiền, 2 laptop cùng rất nhiều phụ kiện chuyên dụng khác. Có thể nói, anh tự trang bị đầy đủ phương tiện “từ đấu đến chân” luôn. Không may cho anh, trong chuyến đi thăm chiến trường xưa, cuối tháng 3/2017, trên đường từ Viêng Chăn về Lao Bảo, chẳng may chiếc vali của anh không hiểu sao bị rơi mà không biết. Trong đấy có chiếc máy quay phim, một chiếc laptop và nhiều phụ kiện khác, trị giá hơn 50 triệu đồng. Ngay sau 2 ngày trở về Hà Nội, anh đã tìm mua ngay những thứ đã mất để có phương tiện làm việc… Mới đây, để dựng phim một cách ngon lành hơn, anh đã mua một chiếc laptop sịn, giá tới 25 triệu đồng. Chiếc máy này có cấu hình rất mạnh, tốc độ xử lý cao. Vừa mua về, anh đã điện ngay thông báo luôn với tôi:
       -Anh vừa trang bị mới chiếc laptop để dựng phim nhé. Chiếc máy này thì miễn chê rồi em ạ. Anh làm thử, tuyệt vời luôn. Tôi hình dung ra sự vui mừng của anh ở đầu dây bên kia. Chắc anh vui lắm. Điều gì làm anh thỏa mãn thì đấy là niềm vui không thể so sánh đối với anh.
      Tính đến giờ này, phương tiện “nghe, nhìn”, quay, chụp của anh phải tới hơn một trăm triệu đồng. Nhiều người bảo, anh “điên” mới phí tổn như thế. Còn chúng tôi, chúng tôi quý cái “điên điên” ấy của anh. Vì, nếu không có cái tính “điên điên” đáng yêu ấy của những người như anh Lê Hồng Huân thì thử hỏi liệu Hội Trường Sơn Việt Nam chúng ta có được những hình ảnh, những thước phim lịch sử có giá trị trong hơn 6 năm vừa qua hay không? Chắc chắn không.
       Vâng, anh là người ghi chép lịch sử Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam bằng hình ảnh. Nghệ sĩ quay phim và nhiếp ảnh Lê Hồng Huân xứng đáng với cái tên gọi như thế! 

        PTL

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TÁC NGHIỆP CỦA NGHỆ SĨ LÊ HỒNG HUÂN







NS Lê Hồng Huân tác nghiệp trong Đại hội thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh (2 ảnh trên).



Bức ảnh kỷ niệm của NS Lê Hồng Huân trong lần du lịch.



NS Lê Hồng Huân với cô gái dân tộc.



NS Lê hồng HUân tặng lịch, tặng đồng hồ mừng tân gia nhà tình nghĩa của đồng đội TS tại Đông Hưng và Vũ Thư, Thái Bình (ảnh trên và ảnh dưới).








NS Lê Hồng Huân tác nghiệp trong lần Tư lệnh Binh đoàn 12 Nguyễn Anh Tuấn đến thăm Hội TSVN.



NS Lê Hồng Huân được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà, ngày 10-8-2017.



NS Lê Hồng Huân và đồng đội trong lần thăm chiến trường xưa 2012 trước hang Tám Cô.



Một bức ảnh đẹp của NS Lê Hồng Huân
tin tức liên quan