Phim, nước mắt và đất

Ngày đăng: 07:22 28/09/2017 Lượt xem: 608


                   
                              Phim, nước mắt và đất



                                                         Nguồn:Báo Điện tử Một Thế Giới


Chuyện ông chủ một doanh nghiệp vận tải sông (VIVASO) có tên Nguyễn Thủy Nguyên bỗng chốc "nổi như cồn" trong cả nước khi dân tình biết chuyện ông "thôn tính" Hãng phim truyện Việt Nam và đã chiếm cổ phần chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của nó. Bản thân ông Thủy Nguyên cũng thừa nhận mình không am tường "nghệ thuật thứ bảy" nhưng vẫn tham gia dự thầu khi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có chủ trương cổ phần hoá hãng phim từng một thời vang bóng... Như vậy cũng có thể tạm đoán ra ý muốn, tham vọng của ông.

 

 



Hãng phim truyện Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng
 
 
Người ta đồ rằng ông "thôn tính" hãng này là do nó đang có trụ sở rộng 5.000 m2 đẹp long lanh, thuộc dạng "đất kim cương" (chứ không phải chỉ là đất vàng), vừa ngay giữa Thủ đô lại còn nằm ngay mép Hồ Tây với biết bao truyền thuyết liêu trai, thơ mộng của nó. Ấy là chưa kể hãng này còn có nhiều đất ở thành phố Hồ Chí Minh và khu Phim trường quốc gia bên Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội .

Chắc thế thật, bởi ông đâu có phải là người đam mê nghệ thuật điện ảnh, đâu có đau đáu với nó và khát vọng muốn thổi luồng gió mới cho nó hồi sinh sau nhiều chục năm hãng này sống lay lắt, dặt dẹo thê thảm. Những nghệ sĩ chân chất và "chết" vì nó phần nào cũng do quen "bú sữa ngân sách". Khi xoá bao cấp, bước vào vòng xoáy của cơ chế thị trường, tình hình trở nên khó khăn với họ. Người nghệ sĩ đâu có giỏi làm kinh tế nên xem ra họ cũng rất "amateur" khi phải tự tìm đường mưu sinh và làm nghệ thuật theo niềm đam mê, như một thứ "nghiệp" của họ...

Trong nội vụ cổ phần hoá (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam vào gần 2 năm trước, tôi nghiệm ra rằng hình như cả 3 phía : Bộ VH-TT&DL (cơ quan chủ quản, nơi xét duyệt CPH hãng phim), rồi Hãng phim truyện Việt Nam (đơn vị buộc phải CPH theo chủ trương chung của nhà nước) và VIVASO, doanh nghiệp tham gia làm cổ đông chiến lược và nay là ông chủ của Hãng phim truyện Việt Nam đều có gì đó chưa ổn, cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Bộ chủ quản về văn hoá mà sao lại xem nhẹ văn hoá? 

Nghe ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trình bày, tôi hiểu thêm rằng đã 20 năm nay, Hãng phim truyện Việt Nam luôn bị nợ và lỗ. Lỗ lũy kế kể từ năm 2004 đến ngày 30.9.2014 đã lên tới 39,9 tỉ đồng. Ấy là chưa nói họ cũng chỉ dám chi 1/2 lương cho người lao động so với mức lương tối thiểu mà nhà nước quy định. Cũng may là có đến 90% doanh thu của hãng vẫn từ nguồn kinh phí của nhà nước thông qua hỗ trợ đặt hàng làm phim.

Nghe mà thấy thật thê thảm vì đời sống của người nghệ sĩ quá dặt dẹo, đành rằng họ cũng tự bươn chải bằng đủ thứ công việc khác nhau bên ngoài để mưu sinh, nếu không thì sống sao nổi? Bộ rất biết và rất hiểu chuyện này. Nhưng phải chăng cũng có phần nào chính từ nguyên do này dẫn tới việc bộ chủ quản đã có ý rũ bỏ hãng càng nhanh càng tốt khi bộ cũng tỏ ra bất lực sau cuộc "cách mạng" năm 2010 cho đổi tên hãng thành Công ty TNHH MTV để dần dần tiến đến cổ phần hóa?

Song, từ nhận thức như trên đến việc bộ chủ quản đã thấy như "mừng hú", cứ như rũ bỏ được "cục nợ" cho nhẹ gánh khi chỉ có duy nhất ông đại gia hành nghề vận tải thủy đến gạ mua để "chọn mặt gửi vàng", thì thật không hay chút nào. 

Dù thế nào đi nữa cũng cần hiểu cuộc "gả bán" như vậy là đã báo trước điều không tốt lành cho số phận của gần trăm cán bộ công nhân viên, của các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, quay phim, họa sĩ... Thử hỏi cách làm thiếu cân nhắc đó liệu có đáng mừng không khi người mua không có một chút am tường về nghệ thuật điện ảnh và không thực tâm làm điện ảnh nếu không muốn huỵch toẹt ra rằng họ đang có một ý định khác với việc đầu tư để làm phim. 

Tôi có phần hoài nghi cách làm thiếu cân nhắc này của Bộ VH-TT&DL liệu có gì đó vội vã theo lối tư duy nhiệm kỳ, bởi nó xảy ra gần như vào cuối nhiệm kỳ của người đứng đầu bộ này? Và bây giờ, ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phải gánh lấy, phải giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm Hoàng Tuấn Anh? Dù không muốn tin vào điều này nhưng để thuyết phục được mọi người rằng không hề có chuyện đó là hơi khó! 

Tại sao chỉ có một nhà đầu tư duy nhất? 

Các nghệ sĩ Hãng phim truyện vốn là những người xa lạ với nền kinh tế thị trường. Khi nghe nói có nhà đầu tư không hề liên quan đến kinh doanh nghệ thuật mua lại hãng phim, bản thân họ không khỏi băn khoăn lo lắng. Tôi vẫn không hiểu trong hoàn cảnh như vậy, Bộ VH-TT&DL đã thẩm định và tiên lượng như thế nào về tương lai của hãng phim với cả một trang sử oanh liệt mà đã để cho chỉ một mình VIVASO tham gia CPH?

Lạ hơn nữa, chỉ có một nhà đầu tư "để mắt" đăng ký trước thông tin mà Bộ thông báo (!?). Bộ thì nói là do căn cứ vào Nghị định 59/2011/NĐ-CP nên có thể chấp nhận khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Liệu có thiếu minh bạch không trong quá trình Bộ VH-TT&DL thẩm định và phê duyệt để VIVASO thành công mà không cần phải có thêm ai "đọ gươm", nhất là đơn vị nói trên lại "i tờ" về nghệ thuật?

Đó là chưa kể chuyện họ loay hoay khi định giá thương hiệu vô hình của hãng phim như thế nào mới thoả đáng. Việc định giá thương hiệu 0 đồng cứ cho là "không sai" đi nữa thì tôi vẫn thấy có gì đó rất khó chấp nhận.  

Giả sử rằng không thể định giá được thì sao không nghĩ đến việc tự nguyện xây dựng một Nhà bảo tàng phim truyện cho điện ảnh nước nhà trên mảnh đất đó như một sự biết ơn của nhà đầu tư kế thừa. Qua đó, những người làm nghệ thuật điện ảnh nói chung sẽ có chốn đi về để hoài niệm, để tự hào với những thành tựu họ có được. Nói ra điều này, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người mím miệng cười tôi. Song, nếu là nhà đầu tư có tâm, có tầm thì rất nên thế. 

Không thể để một hãng phim nổi tiếng như Hãng phim truyện Việt Nam với 400 tác phẩm điện ảnh của biết bao thế hệ nghệ sĩ gây dựng, đồng hành cùng đất nước trong suốt chiều dài của lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà lại là con số 0 tròn trịa, đau đớn như vậy! 

Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc tiến hành thanh tra toàn bộ quá trình CPH Hãng phim truyện Việt Nam mới đây đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức tuyên bố, làm dấy lên niềm tin dù chỉ là nhen nhóm ban đầu, về vụ việc. 

Nhưng rõ ràng qua sự kiện không vui này, tôi nghĩ trách nhiệm cũng có phần thuộc về lãnh đạo của hãng cùng toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ lâu nay vốn sống" hồn nhiên" quá chăng? Họ quen "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" (thơ Sóng Hồng) hơi bị nhiều mà lẽ ra, trong cơ chế thị trường hôm nay, họ cần hiểu không thể có chuyện "bầu sữa" ngân sách nhà nước nuôi mãi họ như vậy mà bản thân họ cũng cần thật năng động và sòng phẳng. Muốn sống được bằng lương chính đáng, cũng phải tạo ra nguồn thu từ các tác phẩm điện ảnh được thị trường đón nhận.

Còn Nhà nước muốn làm phim phục vụ mục đích tuyên truyền thì vẫn phải đặt hàng và trợ sức cho hãng, bởi ở đất nước ta "Văn hoá văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em (văn nghệ sĩ) là người chiến sĩ trên mặt trận ấy" (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Nhìn những giọt nước mắt của các nghệ sĩ hôm rồi rơi trong hội trường của Hãng phim truyện, tôi hoàn toàn hiểu được nỗi cay đắng mà họ đang phải chịu mà một phần lỗi cũng lại do sự vô cảm và thiếu nhạy bén thương trường của cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT&DL và một phần là do chính các nghệ sĩ để nên nông nỗi này.

Đến đây tôi lại liên tưởng và mừng khi đọc báo thấy đưa tin tập đoàn Sun Group vừa tổ chức họp báo ra mắt dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và mời MC nổi tiếng Anh Tuấn về lãnh đạo bởi anh chính là dân học hành bài bản về lĩnh vực đó nhưng đã hai chục năm nay, do không sống được bằng nghề âm nhạc bác học mà phải chuyển hướng mưu sinh khác. Đó là hướng đi đúng của những nhà đầu tư có tâm với nghệ thuật.

tin tức liên quan