" Thăm thẳm Hà Giang" - Bác sỹ Lê Lợi CCB Sư đoàn 968 Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 05:32 05/03/2018 Lượt xem: 1.722
THĂM THẲM HÀ GIANG
Bác sỹ Lê Lợi
CCB Sư đoàn 968
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 
   
Tác giả chào cờ trên đỉnh Lũng Cú


Lũng Cú nhìn từ bản đồ giống như đầu mũi tên ...


Đường lên cột cờ Lũng Cú
         Đối với dân miền xuôi gần biển như tôi thì địa danh Hà Giang nghe xa xôi lắm. Hà Giang với Mèo Vạc, Đồng Văn, Mã Pì Lèng ... là vùng biên viễn, là nơi trấn ải cực Bắc, từ xưa đã có những thổ hào xưng vương, các Triều đình phong kiến cũng phải nể nang một phần. Đây là nơi hiểm trở, vó ngựa leo dốc đá chùn chân, lại là nơi có cái hoa tam giác mạch chỉ nghe đã thấy vời vợi.

       Gần sắp hết khoảng thời gian làm công chức nhà nước, cuối năm 2017 lần đầu tiên tôi đến với Hà Giang. Hà Giang có cái gì huyền bí mà cũng rất đỗi quen thuộc bởi những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, nơi đây đã thấm máu của dân và quân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Biên giới phía Bắc, các bạn tôi có người nằm lại đất này khi chưa một lần cầm tay bạn gái.

       Dọc đường tới Hà Giang, dòng Lô hờ hững, êm đềm trôi, cái màu xanh của dòng nước chảy qua vùng núi rừng lặng lẽ, có đoạn trơ sỏi, đá không còn đâu cái hùng vĩ, gào thét của dòng nước qua các ghềnh thác hiểm trở bởi 4 cái đập được đắp làm thủy điện. Có lẽ bây giờ và sau này, các thế hệ chỉ được biết cảnh bao la, hùng vĩ của Sông Lô qua bài hát Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ năm 1947 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

       Xâm xẩm, xe chạy ngang Vị Xuyên. Nhớ những năm 1979-1990, đặc biệt giai đoạn 1984-1989, khi tôi cùng đồng đội của Sư đoàn 968 quân tình nguyện đang tiễu phỉ ở vùng Hạ Lào mênh mông, góp phần giữ yên phên dậu phía Tây của Tổ Quốc thì Vị Xuyên từng là chiến trường ác liệt, ở đây quân và dân ta phải đương đầu với nửa triệu binh sĩ của quân phương Bắc xâm lược. Thấm thoát đã gần 40 năm trôi qua. Vị Xuyên tối hôm nay, đèn điện rực sáng cả vùng, gió đã “thôi không mang mùi đạn bom, vết thương đang lành” như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Thành phố Hà Giang đẹp và nhỏ nhắn, nằm gọn trong một thung lũng bốn bên là núi, có dòng sông Lô chảy trong thành phố. Buổi tối, trong cái se lạnh chúng tôi được thưởng thức món rượu ngô miền núi đá, còn nguyên mùi khói với ánh mắt nồng nàn của cô bác sĩ người dân tộc Tày, đồng nghiệp lần đầu gặp ở tỉnh Biên cương.
 
       Sau khi làm việc tại thành phố Hà Giang, chúng tôi đi Đồng Văn. Cũng phải mất gần 5 giờ đồng hồ, chiếc xe ô tô mới đưa chúng tôi qua hơn 130 km theo đường 4C từ thành phố Hà Giang qua những con dốc quanh co, uốn lượn tới cổng trời Quản Bạ, qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, bạt ngàn núi đá hùng vĩ của cao nguyên đá để tới phố cổ Đồng Văn.
      Trên đường đi, chúng tôi tranh thủ dừng chân và ngắm nhìn núi đôi Cô Tiên có hình dáng như bầu ngực căng tròn của người phụ nữ. Thật tuyệt vời của tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất cực Bắc của nước Việt. Trên đường đi, nhìn ngang, nhìn dọc lúc nào cũng thấy những khối đá tai mèo xanh xám, hết sức hùng vĩ.
Chúng tôi tới dinh thự vua Mèo cổ kính, huyền bí tại xã Xả Phìn, huyện Đồng Văn. Đường dẫn vào dinh được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Đây là công trình độc đáo, được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt với các hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi,… là những con vật từ xưa tượng trưng cho quyền quý và hưng thịnh. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc.. vừa là nơi ở, vừa là pháo đài phòng thủ để chống trả các cuộc tấn công từ bên ngoài, được xây dựng tròn 1 thế kỷ từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Chúng tôi chậm rãi đi thăm các phòng ở, lên cả tầng áp mái nhìn ra bên ngoài qua các lỗ châu mai. Không gian tĩnh lặng dường như vẫn thấy những bóng áo chàm xanh, lưng đeo súng kíp rong ruổi trên yên ngựa giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bên ngoài dinh thự, những hàng thông, sa mu sừng sững như chứng tích của lịch sử một thời vang bóng.
       Rời dinh thự vua Mèo, xe đưa chúng tôi về với thị trấn Đồng Văn. Buổi tối tại phố cổ Đồng Văn, chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê tại khu chợ cổ và xem một thanh niên người H’Mông biểu diễn khèn và sáo Mèo. Trong tiếng khèn âm vang, tiếng sáo réo rắt, miệng thổi, chân uốn lượn, đến khi cao hứng, người thanh niên này còn lộn đầu, tì vai xuống đất, miệng vẫn không rời chiếc khèn...
       Trong sương đêm bảng lảng, chúng tôi thong thả, khoan thai dạo phố cổ. Mỏi chân, chúng tôi sà vào một quán bên đường và ngồi hơ tay vào bếp lửa để kiếm tìm hơi ấm khỏi buốt giá với cái lạnh ở độ cao trên ngàn mét. Bên cạnh những ngôi nhà được xây tường trình bằng đá, nền lát đá và lợp ngói âm dương còn giữ lại nét đặc trưng của phố cổ thì thật tiếc là tại đây cũng đã có nhiều nhà nghỉ, khách sạn được xây dựng cao tầng bằng bê tông làm phá vỡ cảnh quan...
       Sáng hôm sau trước khi đi Lũng Cú, chúng tôi đến ăn sáng tại hiệu bánh cuốn bà Hà ngoài 80 tuổi ở phố cổ, nghe bà kể chuyện trên 60 năm trước đã từng phục vụ vua Mèo những năm 1953-1954 của thế kỷ trước. Bánh cuốn mỏng, được cuộn với nhân là thịt và hành, ăn thật ngon.
       Xe khởi hành đi Lũng Cú. Trên bản đồ thì Lũng Cú như một mũi tên xuyên thẳng vào đất đối phương. Trên độ cao gần 2000 m, thấp thoáng ẩn hiện trong từng dải sương mù, những ngôi nhà nhìn xa như những chuồng chim trông thật cheo leo của người Lô Lô sinh sống. Cảnh tượng thật hùng vĩ, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam, Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.
       Tại Lũng Cú, chúng tôi thăm trạm Y tế, đi lên quần thể Cột cờ, nghiêm trang chào lá cờ Tổ Quốc. Lá cở rộng 54m 2 tượng trưng cho 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam hiên ngang trong gió. Vẫn nghe tiếng ùng oàng liên tục và từng đám khói trắng cuộn lên ở bên kia biên giới. Nghe dân bản địa nói chuyện, tiếng mìn nổ triền miên phía bên kia, không hiểu là do họ phá đá làm kinh tế hay tập trận. Thấy ấm lòng khi gặp từng đoàn người, ta có, tây có, cả già lẫn trẻ không quản đường xá xa xôi, hiểm trở cứ lần lượt hướng về Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ Quốc.
       Trên đường trở về, chúng tôi qua thung lũng Sùng Là, ghé thăm phim trường “Nhà của Pao” tại Làng Văn hóa Du lịch Lũng Cẩm. Từng ruộng tam giác mạch trải dài, nở hoa tím, hồng phơn phớt đón hàng đoàn khách du lịch tới thăm và chụp ảnh. Những chiếc bánh làm bằng bột của quả tam giác mạch ăn ram ráp cứ đọng mãi trong miệng khi chúng tôi về xuôi.
       Không biết vào năm 2019, kỷ niệm 40 năm chiến tranh Biên giới chống quân xâm lược, tôi có dịp quay lại Hà Giang không?

Tác giả bên dòng sông Lô - Đoạn qua thành phố Hà Giang


Dinh thự Vua Mèo tại Hà Giang


Cùng bạn bè đi ăn bánh cuốn - Đặc sản tại Hà Giang


Ghé bên hàng của người dân bản xứ bán củ cải đỏ...
 

tin tức liên quan