Thương tiếc nghệ sĩ nhiếp ảnh TS Vương Khánh Hồng

Ngày đăng: 10:42 27/03/2018 Lượt xem: 7.231
THƯƠNG TIẾC NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH
TRƯỜNG SƠN VƯƠNG KHÁNH HỒNG

        

 

                Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trường Sơn Vương Khánh Hồng -
  Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - Hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng
                                                  (1944 -2018)


        Sáng nay, khi họa sĩ Đức Dụ gọi điện báo tin cho tôi: “Vương Khánh Hồng mất rồi, Thành Long biết chưa?”. Tôi bàng hoàng! Anh Đức Dụ bảo, một người cháu của anh Hồng báo tin cho mình như thế! Thật không thể tin nổi. Anh Vương Khánh Hồng vẫn khỏe lắm kia mà. Anh chỉ bị hơi cao huyết áp thôi. Sao anh ra đi nhanh và đột ngột thế? Anh Đức Dụ bảo, người cháu của anh Hồng bảo: Anh Hồng ra đi vì bị đột quỵ đột ngột.
        Tôi vội điện cho anh Nguyễn Ngọc Phát, Chi hội trưởng Hội VHNT Hải Phòng. Anh Phát cũng sững sờ. Thật không tin nổi. Mới đây, anh Vương Khánh Hồng là một trong 7 hội viên sáng lập Chi hội VHNT Trường Sơn TP. Hải Phòng... Đang ăn cơm, anh Phát đã phi xe đến ngay gia đình anh Vương Khánh Hồng. Rồi anh Phát báo tin cho tôi: Anh Vương Khánh Hồng mất vào 17 giờ 30 phút ngày 26.3.2018. Lễ viếng anh Vương Khánh Hồng từ 14 giờ chiều nay 27.3.2018. 14 giờ chiều mai, 28.3.2018, lễ truy điệu và đưa tang anh được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân khu 3, Bến Bính, Hải Phòng. Anh được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Đinh Hải, quận Dương Kinh, Hải Phòng...
       Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trường Sơn Vương Khánh Hồng sinh năm 1944. Cha anh hoạt động cách mạng ở Thái Lan nên sinh anh ở đây. Cha anh quê gốc ở xã Phước Điền, Hải Lăng, Quảng Trị.
       Năm 1961, khi 18 tuổi, anh cùng gia đình về nước trong đợt hồi hương của Việt kiều tại Thái Lan. Anh cùng gia đình về sống tại số 15/45 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng từ đó cho tới nay.
       Năm 1968, khi đang là cán bộ của Công ty Nhiếp ảnh Hải Phòng, anh nhập ngũ và vào Trường Sơn. Vào chiến trường, anh trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559.
       2000 ngày lăn lộn trên khắp các nẻo đường của chiến trường Trường Sơn, ống kính máy ảnh của Vương Khánh Hồng đã kịp ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp, chân thực, nhiều sự kiện, nhiều gương mặt cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều binh chủng và thanh niên xung phong Trường Sơn trong cuộc sống và chiến đấu gia khổ, ác liệt... Nhiều bức ảnh của anh đã trở thành vô giá, là tài sản quý về Trường Sơn. Cùng với nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trường Sơn Hoàng Kim Đáng, Vương Khánh Hồng là 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều ảnh đẹp, ảnh quý về Trường Sơn nhất Việt Nam. Trường Sơn đã làm nên tên tuổi của Vương Khánh Hồng. Chính những bức ảnh quý về Trường Sơn đã giúp anh vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012, với Cụm ảnh “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ”: Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu trên đường Trường Sơn; Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu bộ đội và những cánh rừng Trường Sơn; Đoàn xe vận tải vượt trọng điểm Km 33 đường “K” Tây Trường Sơn; Xe bọc thép phóng từ rà phá bom mìn trên trọng điểm đường Tây Trường Sơn; Tổ trinh sát “Công binh: trên trọng điểm đỉnh đèo “Tha Mé” Tây Trường Sơn-Nam Lào; Sức sống và vẻ đẹp Trường Sơn.
      Anh còn nhận được nhiều giải thưởng khác:
      -“Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu trên đường Trường Sơn” (giải nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974)
      -“Mở đường qua ngầm” ( giải nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1975)
      -"Cánh tay công nghiệp" (Huy chương Bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng lần thứ VIII)...
       Khi khánh thành Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (khai trương vào dịp 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, tháng 5 năm 1999), anh Vương Khánh Hồng đã hiến tặng 600 tấm phim quý về Trường Sơn. Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, anh tiếp tục trao tặng tiếp, tổng cộng 2 lần là 1.000 tấm phim gốc về Trường Sơn. 
       Trường Sơn được Vương Khánh Hồng coi là quê hương thứ hai của mình và tự hào nói đến nó như nói đến quãng đời đẹp nhất, đáng tự hào nhất của mình.  Trở về từ Trường Sơn với quân hàm thượng úy, anh lại tiếp tục công tác tại Công ty Nhiếp ảnh Hải Phòng cho tới khi nghỉ hưu. Cả đời Vương Khánh Hồng gắn bó với sự nghiệp nhiếp ảnh.  
       Trong con mắt của đồng đội, đồng nghiệp, Vương Khánh Hồng là một người nhỏ nhẹ, khiêm tốn và thân thiện.
     Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng - tổ trưởng tổ phóng viên ảnh Trường Sơn đã có lần nhận xét về người đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp Vương Khánh Hồng, rằng: “Vương Khánh Hồng là người có nghiệp vụ tốt, chụp giỏi, rất xông xáo, năng nổ, có ý thức kỷ luật cao. Anh được gọi là “ngọn cờ hồng” của Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị  Bộ Tư lệnh Trường Sơn”.  
       Ban Liên lạc Ngành Tuyên huấn Trường Sơn họp mặt truyền thống, ít khi nào anh Vương Khánh Hồng vắng mặt. Ngày 7.4.2018 tới đây, những người làm công tác tuyên huấn ở Trường Sơn sẽ không còn được thấy anh nữa rồi!
        Anh ra đi, nhưng hình ảnh về anh và những bức ảnh quý vô giá về Trường Sơn của anh còn mãi!
        Những người lính Trường Sơn - đồng đội, đồng chí của anh không bao giờ quên Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trường Sơn Vương Khánh Hồng của mình...
 
         Phạm Thành Long

MỘT SỐ ẢNH VỀ TRƯỜNG SƠN CỦA NGHỆ SĨ VƯƠNG KHÁNH HỒNG
 
 

Chiến sĩ thông tin Trường Sơn giữ vững liên lạc thông suốt
 


Tiếp nước.



Văn công phục vụ tại trận địa 14 ly 7.



Vượt bom trên Trường Sơn.



Xưởng sửa chữa trong đại ngàn Trường Sơn.




Chiến sĩ đường ống xăng dầu Trường Sơn.



Khoảng khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Sơn.












 

tin tức liên quan