CHIỀU MUỘN
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Đã nhiều năm nay, cứ khi chiều muộn về (theo cách gọi của dân làng Đông), nghĩa là khi mặt trời đã xuống khuất sau dãy núi đất phía tây làng người ta lại thấy cô Lụa ra nghĩa trang của xã, đến ngồi bên ngôi mộ của chồng, ngôi mộ giả, bên trong không có hài cốt, ôm tấm bia đá khắc tên chồng, liệt sĩ Lê Văn Thành nói điều gì đó, tiếng nhỏ tiếng to không ai nghe được Lụa nói. Lụa cứ ngồi như thế đến khi gà lên chuồng mới về. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông hay mùa hè cả ngót chục năm nay Lụa không bỏ sót chiều nào.
Xã Liên Thanh có cả hàng ngàn người hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ. Khi xây nghĩa trang, xã có chủ trương từ đầu, xây mộ cho những người con trong xã hy sinh ở khắp chiến trường xa gần chưa quy tập được hài cốt. Chỉ cần có giấy báo tử là cũng được xây mộ, dựng bia. Mộ xây xong, đậy nắp lại, khi nhà nước và gia đình quy tập được hài cốt mang về, Ban thương binh xã hội xã chỉ việc mở nắp mộ, an táng hài cốt vào, đậy nắp, gắn xi lại là xong. Trường hợp của Thành, chồng của Lụa cũng nằm trong trường hợp có giấy báo tử mà chưa tìm ra hài cốt.
Lụa chiều muộn ra nghĩa trang ngồi bên mộ hời của chồng trò chuyện, những ngày nắng lại mang áo quần của chồng ra phơi, vừa phơi vừa ngắm nghía áo quần cũ của chồng cười hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...” bài hát khi Thành còn ở nhà thường hát mỗi khi làng tổ chức liên hoan văn nghệ vào dịp lễ Tết. Thành có giọng hát hay, giọng nam cao vút như giọng hát của nghệ sĩ Quốc Hương hát trên đài. Lụa yêu giọng hát của Thành, yêu một cách mê muội mỗi khi nghe Thành hát. Từ mê giọng hát, Lụa đã yêu Thành và Thành cũng yêu Lụa, một hoa khôi của làng Đông. Hai người đã thành vợ, thành chồng.
Thấy những việc làm khác thường của Lụa, dân làng Đông cho rằng Lụa đã điên, chỉ có người điên mới làm vậy. Chồng đã tử trận đời tám hoánh, giấy báo tử của đơn vị đã đưa về rõ mười mươi mà còn mơ tưởng hão huyền. Chỉ có kẻ tâm thần, kẻ điên mới có hành động kỳ cục. Mọi người nói vậy. Riêng Lụa, Lụa không tin chồng mình đã hy sinh. Như có linh cảm mách bảo, chồng mình, anh Thành vẫn còn sống nhưng còn có chuyện chi đó chưa về với gia đình, quê hương mà thôi. Người luôn khẳng định nói Lụa điên là ông Kiết, chú ruột của Thành chồng Lụa. Từ ngày ông bà Thanh, cha mẹ của Thành, anh ruột của ông qua đời, ông Kiết chỉ muốn đuổi Lụa ra khỏi nhà để chiếm lấy ngôi nhà cổ ba gian làm bằng gỗ lim, được Bộ Văn hóa xếp hạng là nhà cổ, có tuổi đời ngót hai trăm năm. Ông Kiết có ý định lấy ngôi nhà để cho thằng con trai thứ ba của ông về ở. Mặc dù các con của ông đã có nhà cửa đàng hoàng trên phố huyện.
Cũng cần nói thêm về ông Kiết. Trong những năm chiến tranh, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của xã Liêm Thanh, gia đình khá giả, ông lo lót với huyện, tỉnh, tìm đủ cách để cả ba thằng con trai ông không đứa nào đi bộ đội, ở nhà học hành đỗ đạt rồi đi làm cán bộ nhà nước.
Giã tâm muốn lấy bằng được ngôi nhà của ông anh, ông Kiết đã thuê người đi khắp xã khao tin con Lụa bị điên. Ông còn sáng tác ra bài vè, dạy cho trẻ con trong làng học thuộc rồi đi khắp làng hát: “Ve vẻ vè ve, đặt về con Lụa / chồng chết xanh cỏ / vẫn còn mơ tưởng / rằng chồng còn sống / chiều muộn ra mộ / ngồi gọi tên chồng / quả thực con điên / ve vẻ vè ve...”.
Lụa lúc này đã ngoài ba chục tuổi. Nhưng nhìn cô vẫn đẹp. Gương mặt trái xoan, da trắng như trứng gà bóc, đôi má lúm đồng tiền. Bộ ngực tròn căng. Những khi ở nhà, Lụa mặc đồng bộ, bên trong không mặc áo ngực, qua lần áo lụa mỏng lộ ra cặp vú trắng hồng, nhô lên, gợi cảm và cả khiêu khích nữa. Ai nhìn vào cũng thấy lòng rạo rực. Trong làng có gã Đoành, phó chủ nhiệm hợp tác xã, dưới quyền ông Kiết. Đoành xấu trai, răng vẩu, vợ bỏ bởi cái tính ham cờ bạc. Đoành rất xi mê Lụa. Nhiều lần Đoành lân la tán tỉnh, nhưng Lụa đã thẳng thừng nói với gã: “Anh xấu như ma, ai thèm”. Ông Kiết biết thằng Đoành thích con Lụa. Một hôm trời mưa, ông cho con gọi Đoành đến nhà bầy mưu cho Đoành chiếm đoạt Lụa. Đoành đội mưa sang nhà ông Kiết. Ông Kiết xua vợ con xuống nhà dưới để ông và Đoành bàn công việc. Hai người ngồi uống trà trong phòng khách. Ông Kiết nhỏ to nói với Đoành:
- Đoành này, chú thích con Lụa đúng không?
Đoành gãi gãi đầu:
- Nhưng con Lụa có để ý gì đến em đâu. Bữa nọ nó còn chửi em, chê em xấu như ma... Ông Kiết mồi một điếu thuốc lào vào nõ điếu, đẩy bát điếu về phía Đoành:
- Thuốc lào Vĩnh Bảo đấy, hút đi.
Đoành quẹt lửa rít một hơi dài, nhả khói cuộn tròn bay lên trần nhà vẻ sảng khoái như một kẻ nghiện ma túy đói thuốc lâu ngày.
- Biết nó không ưng thì phải có cách. Bắt nó phải ưng.
- Cách gì? Sư phụ bầy cho đệ tử với.
Ông Kiết ngồi xích lại gần Đoành:
- Thế này nhé. Tối nay, vào khoảng nửa đêm. Khi xóm làng ngủ say, chú sang nhà con Lụa, lẻn vào buồng của nó. Con Lụa, tôi biết, nó ngủ thường để hờ cửa, nó hy vọng thằng chồng nó còn sống trở về. Chú vào đe dọa, chiếm đoạt thân xác nó. Tôi ở ngoài, nếu nó chống cự thì chú nói: “Cô không cho tôi, mai tôi đi khắp làng nói: Cô đã ngủ với cô tôi. Cô sẽ bẽ mặt với làng xóm. Thanh danh không còn...”. Nếu nó vẫn không thuận thì cậu ho lên một tiếng, lập tức tôi ập vào. Tôi dọa, đưa hai người ra Ủy ban xã lập biên bản về tội ngủ hóa. Chỉ dọa thôi. Chú hiểu không? Qua vụ này trót lọt chú sẽ lấy được con Lụa và tôi cũng đẩy được nó ra khỏi ngôi nhà cổ ấy.
- Cao kiến, cao kiến. Em sẽ hành động theo sư phụ. Kha, kha! - Đoành tỏ ra đắc ý.
Đêm hôm đó, đúng như mưu đồ của ông Kiết vạch sẵn, Đoành mò vào nhà Lụa. Thấy cửa phòng ngủ không cài then, Đoành khẽ khàng đẩy cửa chui vào. Lụa lúc này chưa ngủ, thấy có tiếng động, ngồi dậy thủ thế. Tay với lên đầu giường cầm con dao mác, Lụa thường để sẵn ở đầu giường đề phòng đêm khuya bất trắc. Thấy một bóng người cao to lẻn vào phòng. Lụa quát:
- Ai. Ai...? - Tay phải cầm dao, tay trái liền bật công tắc điện ở phía cuối giường. Chiếc công tắc từ lâu Lụa nhờ thợ điện mắc để đêm ngủ có chuyện bật cho mau lẹ. Đèn phòng sáng trưng. Lụa nhận rõ mặt Đoành:
- Anh Đoành. Đêm tối anh lẻn vào nhà tôi làm gì? Ăn trộm hử? - Chưa kịp để Đoành lên tiếng, Lụa đã dí sát con dao vào cổ Đoành, giọng đanh thép nói:
- Anh cựa quậy tôi sẽ chém.
Đoành vốn là gã nhát gan, sợ co người lại. Lụa xoay người đứng chặn cửa phòng, miệng la lớn cốt để cho hàng xóm nghe tiếng:
- Bớ làng xóm ơi! Có kẻ trộm vào nhà...
Giữa lúc này tổ tuần tra của dân quân xã đi ngang ngõ, nghe tiếng kêu liền chạy vào. Bà con trong xóm cũng kịp hô hoán nhau kéo sang. Ông Kiết đứng núp sau bụi tre, cách nhà Lụa chừng vài chục thước liền chuồn vội về nhà. Mặc Đoành đối phó.
Tổ dân quân cùng bà con xóm làng lập biên bản, giải Đoành về xã.
Sau sự việc đêm hôm ấy, chị em bạn gái trong làng khuyên Lụa nên đi lấy chồng, kiếm lấy đứa con để sau này mà nương tựa. Lụa nói:
- Chồng em, anh Thành chưa chết. Em tin anh ấy còn sống, chắc bận nhiệm vụ nên chưa về thôi. Em tin, em tin. Thế nào anh ấy cũng về. Chồng em cũng sẽ về. Các chị tin em đi.
Mọi người lắc đầu. Lương, cô bạn thân của Lụa nói:
- Hết chịu nổi mày rồi. Mọi người nói mày điên cũng phải.
Lụa vẫn tiếp tục, chiều muộn ra nghĩa trang. Ngày nắng mang quần áo chồng ra phơi và cười hát rất lạc quan, “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...”.
*
* *
Lụa là người vợ hiền, dâu thảo được dân làng Đông ngợi khen; là cô giáo giỏi việc trường đảm việc nhà.
Ngày một buổi lên lớp, một buổi về làm ruộng cày cấy để tăng thêm thu nhập. Hầu hết cán bộ viên chức thời bao cấp ai cũng làm vậy.
Vào năm bảy mươi, chồng ở ngoài chiến trường, cha mẹ chồng, ông Thanh, bà Thạnh lúc này đã ngoài bảy mươi tuổi. Ông Thanh mắc chứng bệnh sâu quảng, hai bắp chân sưng tấy, lở loét, không đi lại được. Suốt ngày ông ngồi trong nhà ôm chân rên la. Bà Thạnh bị lao lực, người gầy yếu, cầm cây chổi quét nhà cũng thở dốc. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một tay Lụa gánh vác. Đồng lương giáo viên tiểu học thấp. Tháng được ba mươi đồng chỉ đủ tiền mua thuốc men cho cha mẹ chồng. Tiêu chuẩn lương thực, tháng được mười ba ki lô gạo. Trong đó cửa hàng lương thực chỉ bán cho một phần hai gạo, còn lại một phần hai bán cho mỳ bột và hạt bo bo. Hàng tháng mua gạo về Lụa mang bột mỳ và hạt bo bo ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn, gạo dành để nấu cơm, cháo cho cha mẹ. Lụa hàng ngày ăn khoai, ăn sắn.
Ăn uống thiếu chất, lao động vất vả, người Lụa ốm yếu, da xanh như tàu lá. Có lần lên lớp, đang đứng giảng bài, Lụa ngất xỉu, ngã xuống bục giảng, các thầy cô trong trường phải đưa đi viện cấp cứu.
Thương con dâu vất vả, nhiều lần ông Thanh, bà Thạnh nói với Lụa:
- Khổ thế này con để cha mẹ chết đi, đỡ gánh nặng cho con...
Mỗi lần nghe cha mẹ nói vậy, Lụa chỉ cười:
- Gian khổ mấy con cũng chịu đựng được. Chỉ mong cha mẹ mau khỏi bệnh, sống lâu để đến ngày hòa bình, anh Thanh về, gia đình ta lại xum vầy, hạnh phúc như ngày xưa.
Trong những năm chiến tranh, nam giới ra mặt trận, nữ giới ở hậu phương “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Nhiều tấm gương tỏa sáng như sao trên bầu trời. Lụa là một trong những vì sao sáng ấy.
*
* *
Thành là lính lái xe Trường Sơn. Cuối năm một ngàn chín trăm bảy ba, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tiểu đoàn xe cơ giới của Thành nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hóa vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Đoàn xe gồm hai chục chiếc, qua mười đêm lăn bánh dưới bom đạn của địch đã vào đến Phước Long an toàn, giao hàng cho quân giải phóng miền Đông xong, lúc quay ra, về đến địa danh giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắc Nông thì bị máy bay phản lực địch oanh tạc dữ dội. Cả đoàn xe bị trúng bom cháy trụi. Lái xe hy sinh gần hết. Thành sống sót lạc trong rừng sâu, một tuần lễ sau mới được bộ đội giải phóng, đơn vị tỉnh đội Bình Phước cứu. Thành bị thương vào mặt, vào tay chân, đơn vị đưa về bệnh xá tỉnh điều trị. Đơn vị xe cơ giới của Thành tin rằng Thành đã hy sinh, báo cáo về Ban quân lực Đoàn. Trên cơ sở đó, Ban chính sách Đoàn 559 đã làm giấy báo tử về địa phương.
Sau hơn một tháng điều trị ở bệnh xá tiền phương tỉnh Bình Phước, ra viện Thành xin nhập vào Quân đoàn quân giải phóng miền Đông. Trong chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân một ngàn chín trăm bảy lăm, Lê Văn Thành có mặt trong đoàn quân giải phóng thị xã Phước Long và tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sài Gòn được giải phóng, Bắc Nam thống nhất, binh đoàn của Thành lại về đóng quân ở Tây Ninh làm nhiệm vụ xây dựng đơn vị. Công việc của đơn vị quân đội sau giải phóng bề bộn, nên Thành chưa kịp thư từ về nhà.
Cuối năm bảy tám, Thành nằm trong diện được ra quân. Đang trong thời gian làm thủ tục ra quân thì biên giới Tây Nam có biến. Bọn Pôn Pốt đưa quân sang áp sát biên giới Tây Nam. Quân đoàn của Thành có lệnh chiến đấu đánh đuổi Pôn Pốt, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, theo yêu cầu của mặt trận giải phóng Căm-pu-chia, Quân đoàn của Thành được lệnh tiến sâu vào đất Căm-pu-chia chiến đấu, giải phóng Căm-pu-chia.
Trong một trận chiến đấu quyết liệt với địch ở Siem Reap diễn ra suốt ba ngày, ba đêm, quân ta giải phóng được Siem Reap. Thành bị thương cụt một chân trái, và mù mắt phải do dính phải một quả mìn của địch ở bìa rừng. Thành được một gia đình người Căm-pu-chia, gốc Việt, gia đình này cũng vừa thoát khỏi lưỡi búa tử thần của bọn Pôn Pốt. Gia đình đưa Thành về băng bó vết thương cẩn thận bởi cô con gái cả của gia đình, cô Nguyễn Thanh Mai là y tá. Sau hai tháng, vết thương lành lặn, Thành lại sức, được gia đình đưa về Việt Nam.
Về Việt Nam, đơn vị đưa Thành đi điều dưỡng ở trại thương binh Cần Thơ. Thành là thương binh nặng được chăm sóc đặc biệt. Sau một năm điều dưỡng ở Cần Thơ, Thành đề nghị với Ban giám đốc trại cho Thành được chuyển ra Bắc điều dưỡng để có điều kiện về thăm gia đình. Thông cảm với những thương binh quê miền Bắc, Ban giám đốc trại đưa Thành về điều dưỡng ở Trại điều dưỡng Nam Hà, trụ sở ở huyện Thanh Liêm, cách nhà Thành chừng năm cây số.
*
* *
Vào một buổi chiều muộn cuối thu, gió heo may se lạnh. Lụa sau khi ở nghĩa trang về, đang chuẩn bị nấu cơm tối thì nghe tiếng xe ô tô bấm còi toe toe ở ngoài đầu xóm, ngừng tay, Lụa chạy ra ngõ xem xe của ai vào xóm mình. Xe tiến vào cổng nhà Lụa. Lụa hồi hộp, tim đập thình thịch, chưa hiểu chuyện gì thì chiếc xe con băng ca màu trắng xịch trước cổng, cửa xe mở ra, người lái xe xuống, mở cửa xe sau, một người đàn ông chống nạng, tay phải vịn vào vai người lái xe bước ra khỏi xe. Lụa đứng sững người rồi bật khóc:
- Anh. Trời ơi anh Thành còn sống! Anh Thành phải không?
Lụa chạy vội ra ôm lấy Thành.
Thành cũng giàn giụa nước mắt:
- Em. Lụa của anh!
Lụa và người lái xe dìu Thành vào nhà.
Bà con trong làng nghe tin Thành còn sống trở về ai cũng sửng sốt. Chỉ vài phút sau bà con cô bác kéo đến nhà Lụa chật ních.
Những lời thăm hỏi hối hả. Làm vỡ tan cái bầu không khí vắng vẻ, buồn tẻ bao năm nay trong cái ngôi nhà cổ của Lụa. Mọi người nói: “Chỉ tiếc ông bà Thanh không còn sống đến hôm nay”.
Lụa mừng vui khôn xiết, cô kêu bạn bè bắt gà mổ thịt. Lụa mừng rỡ nói: “Tối nay Lụa sẽ làm cỗ thết đãi bà con cô bác, bạn bè trong làng. Chúng ta sẽ liên hoan suốt đêm”.
Trong bữa tiệc liên hoan mừng Thành còn sống trở về cả làng đến đông đủ chỉ thiếu gia đình ông Kiết. Mai, bạn thân của Lụa dõng dạc tuyên bố: “Từ hôm nay mọi người không được nói con Lụa điên, Lụa chiều muộn nữa nhé”. Mọi người vỗ tay, cùng nhau hát vang bài hát lâu nay Lụa thường hát:
“Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao...”
Ngoài trời ánh trăng rằm tỏa sáng mênh mang; gió đồng làng thổi vào mát rượi mang theo cả hương lúa chiêm thơm phức!.
Nha Trang, tháng 5-2018
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh.06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang. DĐ: 0908.625.369