Chuyện tình trên cao nguyên,truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 07:08 12/08/2018 Lượt xem: 542


                                  CHUYỆN TÌNH TRÊN CAO NGUYÊN

                                           Truyện ngắn của Xuân Tuynh

 

           Việt tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp (Khoa nuôi trồng) loại ưu, được Bộ điều về công tác ở Nông trường cà phê Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, chiểu theo nguyện vọng của Việt. Bởi nơi đây là vùng đất Việt đã từng sống, chiến đấu trong những năm chiến tranh chống Mỹ.


          Ban giám đốc Nông trường nhận thấy Nguyễn Quốc Việt một đảng viên trẻ, lại trải qua quân ngũ, Việt được bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội vườn ươm. Đây là một đội quan trọng của Nông trường. Cây cà phê có được xanh tốt, lớn lên cho ra nhiều trái đạt chất lượng cao, tất cả phụ thuộc vào khâu chọn giống.


          Đội vườn ươm của Việt có mười nhân viên, năm nam, năm nữ, tất cả đều mới ở trình độ trung, sơ cấp trồng trọt. Vừa ra trường, kinh nghiệm công tác chưa nhiều. Nguyễn Quốc Việt, bản chất người lính, Việt về công tác ở đội chỉ trong một thời gian ngắn đã hòa nhập được với mọi người. Trong đội ai cũng yêu quý Việt, một kỹ sư trẻ tuổi, đẹp trai, tính tình hòa nhã lại có khiếu văn nghệ. Việt có giọng hát dân ca Bắc bộ nền nã. Mỗi lần sinh hoạt đội, sau khi trao đổi công việc xong, mọi người lại yêu cầu Việt hát. Việt ở Hà Nam, quê hương núi Đọi - sông Châu, cái nôi của các làn điệu dân ca Bắc bộ như: Hát đối, hát mời trầu, hát giao duyên... Bài hát “tủ” của Việt là bài: “Mời trầu”. Mỗi lần Việt cất lên tiếng hát mọi người chỉ biết ngồi há hốc mồm ra mà nghe. Trong “Mời trầu” có hai chỗ hát. Nhưng anh chị em trong đội thích nhất chỗ hai. Đây là chỗ hát nói về đôi trai gái tỏ tình với nhau rất tình tứ, kín đáo, tế nhị:

“Đứng ở đàng xa, yêu nhau đứng ở đàng xa, con mắt liếc lại, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần. Anh còn son, em vẫn còn son, ước gì ta được, ước gì ta được làm con một nhà. Anh về, em về... thưa với mẹ cha...”.


            Trong đội ươm, Việt để ý đến Lê Thị Hoài Thanh, một cô gái ngoài hai mươi tuổi, có làn da trắng nõn, gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen tròn như đôi mắt bồ câu. Thanh quê ở Tam Quan - Bình Định. Tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp, ra trường về làm việc ở Nông trường được hai năm. Lê Thị Hoài Thanh là một cô gái sống nội tâm, yêu nghề, say sưa với công việc. Từ ngày Việt được bổ nhiệm về làm đội trưởng, Thanh tỏ ra quý mến Việt. Trong công việc hai người rất hiểu nhau. Những dự án Việt đề xuất, Thanh là người luôn ủng hộ đầu tiên. Ngày làm việc, tối hai người cùng nhau đi dạo quanh phố thị, chuyện trò tâm sự. Thanh rất muốn nghe Việt kể về quê hương Núi Đọi - sông Châu nơi đã sản sinh ra những làn điệu chèo, làn điệu dân ca trữ tình đằm thắm; Việt thì muốn được nghe Thanh kể về Tam Quan xứ dừa xanh biển mặn. Cứ như vậy tình yêu của Việt và Thanh ngày một lớn dần. Anh chị em trong đội đồng tình ủng hộ, vun đắp cho mối tình của Việt và Thanh. Chỉ có điều Thanh thấy băn khoăn về thân phận của mình. Bởi Thanh là con gái của một gia đình có tội với dân tộc. Ba Thanh từng là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thanh sợ khi Việt biết được điều này thì Việt sẽ không còn yêu mình. Gia đình Việt là gia đình “đỏ”. Bản thân Việt là một sĩ quan quân đội; một đảng viên Cộng sản. Vì lý do đó mà Thanh chưa dám nhận lời cầu hôn của Việt.


            Vào một đêm mùa hè, trời cao nguyên trăng thanh gió mát, Việt đưa Thanh ra ngoại ô thị xã, chọn một nơi vắng vẻ, hai người ngồi tâm sự. Thanh đắn đo suy nghĩ một hồi lâu mới rụt rè hỏi Việt:

- Anh Việt này... nếu... nếu... em... Vừa mở lời Thanh cảm thấy băn khoăn không biết mình có nên nói ra với anh về gia cảnh nhà mình không? Thấy Thanh ngập ngừng muốn nói với mình một điều gì đó hệ trọng mà chưa đủ can đảm nói ra. Việt gặng hỏi:

- Em có điều gì muốn nói với anh? Sao không nói, cứ ấp a, ấp úng. Giữa anh và em còn có điều chi phải giấu nhau. Thanh hít một hơi thật sâu để có đủ can đảm nói với Việt. Giọng hồi hộp:

- Nếu... Em... là con gái của sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa anh có còn yêu em không?. Vừa nói dứt câu, Thanh ngước mắt nhìn thẳng vào mắt Việt, tim đập mạnh, phấp phỏng đón nhận câu trả lời anh. Không trả lời câu hỏi của Thanh ngay, Việt bứt một nhành hoa sim cạnh chỗ ngồi đưa cho Nam.

- Anh tặng cho em nè. Hoa sim có đẹp không? Thanh cầm lấy nhành hoa sim đưa lên mũi ngửi:

- Đẹp, đẹp mà còn thơm nữa anh ạ. Việt đưa tay vuốt nhẹ mái tóc mềm mại của Thanh. Lúc này Việt mới trả lời câu hỏi của Thanh. Việt ghé sát vào tai Thanh, giọng ân cần, nhỏ nhẹ:

- Anh không quan tâm về điều đó. Đấy là chuyện của quá khứ do lịch sử tạo ra. Nếu gia đình anh, cha anh sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa hẳn điều đó cũng dễ dàng đến với cha anh và cả anh cũng vậy. Dù thế nào chăng nữa anh vẫn yêu em. Anh xin thề. Lời thề của người lính có ánh trăng kia làm chứng.


          Nam gục đầu vào vai Việt nước mắt trào ra, ướt đầm vai áo!...


         Ánh trăng rằm vằng vặc như rắc vàng xuống đồi sim bát ngát mênh mang; một làn gió nhẹ đu đưa những cánh hoa sim tím ngắt khiến cho Việt và Thanh thấy lòng xao xuyến bồi hồi. Việt ôm chặt người yêu trong vòng tay. Việt đặt một nụ hôn lên môi Thanh.

 

*


Sau mùa đầu thu hoạch cà phê bội thu, đây là vụ cà phê của Nông trường trồng theo công nghệ mới tiên tiến do đội của Việt đề xuất. Ban giám đốc Nông trường thưởng cho đội ươm được nghỉ phép một tuần. Tranh thủ thời gian nghỉ phép, Thanh đưa Việt về quê báo cáo với gia đình và ra mắt họ hàng. Nhưng trước khi về quê Thanh, ra mắt gia đình họ hàng, Việt chính thức báo cáo với Đảng ủy, Ban giám đốc Nông trường về mối quan hệ của hai người.


           Việt lên trình bày với Đảng ủy thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bí thư Đảng ủy Nông trường. Đảng ủy Nông trường chẳng phải người xa lạ với Việt. Ông là bạn thân của bố Việt và cũng chính là chính ủy của binh đoàn Tây Nguyên, đơn vị Việt chiến đấu năm xưa. Ông tên là Quyền, Lê Quyền. Anh chị em trong Nông trường gọi là bố già Quyền. Ở phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy, vừa nghe Việt trình bày về mối quan hệ của mình với Lê Thị Hoài Thanh, ông Quyền đã giận dữ, mặt đỏ phừng phừng như trái gấc chín, trong phòng chỉ có hai người mà ông to tiếng như ngày xưa nói trước cả một đoàn quân:

- Anh là một cán bộ, đảng viên, con của một gia đình có truyền thống ba đời làm cách mạng mà lại kết hôn với con gái của sĩ quan ngụy, một giai cấp đối kháng với chế độ Cộng sản được sao. Anh quên mất bố anh, người đồng chí, đồng đội thân thiết của tôi ngã xuống trên trận tuyến chống quân xâm lược ở chiến trường Điện Biên năm xưa sao?.

Việt lễ phép, tay chắp trước ngực:

- Thưa... chú, dạ... Thưa Bí thư cháu không quên. Nhưng... Việt chưa kịp nói dứt câu, ông Quyền đã vội ngắt lời:

- Nhưng sao. Anh định nói với tôi tình yêu và giai cấp chẳng dính gì với nhau. Đúng không?

- Dạ. Thưa không phải vậy. Cháu nhận thấy cha của Hoài Thanh trước đây đi lính Việt Nam Cộng Hòa chẳng qua chỉ vì ép buộc. Là thanh niên sống dưới chế độ cũ cháu nghĩ ai chẳng phải đi quân dịch ạ. Hơn nữa đất nước ta đã thống nhất, cả nước sống trong hòa bình hơn hai chục năm rồi. Bây giờ ta phải biết quên đi hận thù để cùng nhau dựng xây đất nước mới phải chứ.

Ông Quyền lúc này không còn giữ được bình tĩnh. Đôi mắt ông đỏ ngầu, mặt tím tái, những đường gân trên mặt hằn lên ngoằn ngoèo làm cho Việt có chút hoảng sợ.

- Đồng chí lên lớp cho tôi đấy à. Đồng chí đừng quên tôi là Bí thư Đảng ủy, cấp trên của đồng chí, về gia đình tôi là chú của đồng chí. Tôi có quyền thay mặt cho bố cậu, dạy bảo cậu. Nếu cậu không nghe cứ một mực kết hôn với con gái của một sĩ quan ngụy thì cậu làm đơn ra khỏi Đảng đi, cắt đứt mối quan hệ với tôi, chẳng còn tình nghĩa chi hết.

Việt với một giọng kiên quyết:

- Cháu không ra Đảng và cũng không từ bỏ Hoài Thanh, cháu sẽ kết hôn với cô ấy. Về việc này giữa cháu và chú cần phải được tranh luận cho ra nhẽ. Với tư cách một đảng viên Đảng Cộng sản, cháu kiến nghị với chú, đúng hơn là kiến nghị với Bí thư Đảng ủy đưa sự việc ra thảo luận một cách dân chủ trong Đảng bộ.

- Được. Tôi chấp nhận lời đề nghị của cậu. Lập tức ngày mai tôi triệu tập họp Đảng bộ bất thường.

Việt đứng lên chào ông Quyền ra về. Ông Quyền nín thinh, cầm chén nước uống dở hắt toẹt ra nền nhà, ngồi phịch xuống ghế:

- Để xem mày có thắng được cả Đảng ủy không!

Ngày hôm sau, lúc mười bốn giờ Đảng bộ họp. Mở đầu cuộc họp, Bí thư Đảng ủy phát biểu về lý do cuộc họp Đảng bộ bất thường. Bài phát biểu được ông Quyền chuẩn bị từ trước.

- Thưa các đồng chí, bởi nhẽ hôm nay Đảng bộ có cuộc họp bất thường, lý do bàn về một việc hết sức hệ trọng, kiểm điểm một đảng viên có tư tưởng lệch lạc, xa rời với đường lối, quan điểm của Đảng ta... Ông Quyền vừa nói tới đó... cả hội trường rộ lên bàn tán nhỏ to: “Chuyện chi mà ghê thế, ai là người có tư tưởng lệch lạc...”. Ông Quyền nghiêm sắc mặt, gõ tay vào micro phát ra tiếng kêu “bịch, bịch” nghe nhói tai:

- Tôi yêu cầu các đồng chí trật tự. Kẻ nói phải có người nghe. Cả hội trường im lặng, chỉ còn tiếng quạt máy kêu sè sè. Ông Quyền tiếp:

- Vụ việc cần được tập thể Đảng bộ bàn luận thấu đáo, phân tích rạch ròi làm cho đồng chí của mình nhận đâu là sai, đâu là đúng để không xa rời phẩm chất, đạo đức của một đảng viên Cộng sản. Đó là sự việc của đồng chí Nguyễn Quốc Việt, chi bộ hai, đội trưởng đội ươm. Đồng chí đã chính thức báo cáo với Đảng ủy cho phép kết hôn với chị Lê Thị Hoài Thanh, nhân viên của Nông trường ta, chị Thanh là con gái của sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, một thành phần có nợ máu với nhân dân. Quan điểm cá nhân tôi không tán thành, tôi muốn toàn Đảng bộ bàn bạc, phân tích về việc này...


          Sau bài phát biểu của Bí thư Đảng ủy, cuộc họp bước vào thảo luận sôi nổi, quyết liệt. Một số đại biểu có chung quan điểm với Bí thư Đảng ủy gay gắt phản đối một đảng viên lại lập trường không vững vàng, lấy con gái của một kẻ thù. Một số ý kiến khác lại cho rằng chúng ta không nên quan trọng hóa sự việc, nâng lên thành quan điểm. Lê Hồng Quang, một đảng viên trẻ tuổi nhất của Đảng bộ khẳng khái đứng lên phát biểu:

- Thưa Bí thư Đảng ủy, thưa các đồng chí! Tôi thấy việc đồng chí Việt kết hôn với cô Hoài Thanh, nam chưa vợ, gái chưa chồng họ yêu nhau, lấy nhau là chính đáng. Không phải vì lý do ba cô ấy là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa mà chúng ta ngăn cản cuộc hôn nhân này. Việc ba cô Thanh đi lính Việt Nam Cộng Hòa do hoàn cảnh bắt buộc. Sống trong hoàn cảnh đó ai không phải vào quân dịch. Ví thử như tuổi trẻ ở miền Bắc trước đây không tòng quân sao được. Vào những thập niên 60 - 70 ai trốn nghĩa vụ quân sự được coi là có tội. Không ít người trốn nghĩa vụ quân sự thời đó phải ngồi tù. Hoàn cảnh của ba cô Thanh cũng vậy thôi. Tôi được biết dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa thanh niên nào trốn quân dịch nhiều lần còn bị chính quyền Sài Gòn mang ra xử bắn.


          Thưa các đồng chí! Đất nước ta đã sạch bóng quân thù, bây giờ chỉ con người Việt Nam với nhau, ta phải gác bỏ hận thù, chung tay xây dựng đất nước mạnh giàu. Chúng ta là người con đất Việt phải biết sống vị tha, biết hòa hợp, hòa giải dân tộc, có như vậy mới thu hút được nhân tài đóng góp cho đất nước...


          Dứt lời phát biểu của Lê Hồng Quang cả hội trường ồn ào, lộp độp có tiếng vỗ tay tán thưởng. Không khí cuộc họp nóng lên.

Hội trường ở cạnh phòng ở của Thanh. Ngồi trong phòng Thanh nghe hết những lời phát biểu của từng đại biểu. Thanh thấy thương cho Việt, người yêu của mình bị đưa ra mổ xẻ chẳng khác gì một kẻ tội đồ. Thanh uất nghẹn, nảy sinh ra quyết định tự vẫn để giải thoát cho Việt. Thanh khóc tức tưởi, vụt ra khỏi phòng, chạy như bay ra bờ sông. Nam bỏ lại đôi dép và chiếc áo khoác màu cà phê lao mình xuống dòng sông đang chảy xiết. Rất may lúc đó có hai thanh niên công nhân của Nông trường đang ngồi câu cá liền nhảy xuống sông tóm lấy Nam đưa lên bờ. Thanh vùng vẫy:

- Sao các người lại ngăn cản tôi, không để cho tôi chết. Tôi muốn chết, tôi muốn chết! Tôi sống để mà làm gì!...


         Một thanh niên lực lưỡng ôm ghì lấy người Thanh không cho cô giãy, khuyên giải cô bỏ ý đồ tự vẫn, người thanh niên khác vội chạy về Nông trường thông báo vụ việc...


         Cuộc họp Đảng ủy lúc này đã chuyển sang phần lấy biểu quyết nên để Việt ở lại trong Đảng hay khai trừ ra khỏi Đảng. Thì có tiếng kêu thất thanh từ ngoài vọng vào: “Con Thanh tự vẫn ở ngoài sông các người ơi!...”. Cả hội trường náo động, mọi người bỏ họp, túa ra bờ sông. Việt chạy nhanh như một mũi tên, chân vấp phải gốc cây tóe máu, lao tới ôm Thanh, bế đưa về phòng. Việt khóc rất nhiều. Vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc:

- Thanh ơi! Sao em dại thế. Dù thế nào anh vẫn ở bên em cơ mà... Anh yêu em!...

 

*


     Thời gian trôi đi, trong Đảng bộ chẳng còn ai nhắc tới chuyện của Việt.


     Lại một mùa cà phê nữa được thu hoạch. Mùa cà phê này có ý nghĩa lớn đối với đội ươm của Việt. Giống cà phê mới được lai ghép với giống cà phê nhập về của Úc đã thành công, cho ra trái mùa đầu, sai trĩu cành, trái nào trái nấy chín mọng, bóng bẩy nhìn no mắt. Buổi sáng khi mặt trời lên, từng tia nắng mỏng manh như những sợi thủy tinh chiếu vào từng chùm cà phê tím đỏ ánh lên như muôn vàn viên ngọc. Hàng nghìn cán bộ, công nhân viên của Nông trường nhanh tay hái cà phê ai cũng trầm trồ khen ngợi. Niềm vui hiển hiện trên gương mặt mọi người. Đội ươm của Việt nhận được bằng khen của Bộ Nông nghiệp. Nhiều nông trường bạn tìm về học tập. Việt và Nam, hai tác giả của đề tài khoa học được Hiệp hội cà phê Việt Nam biểu dương cùng với tiền thưởng hai chục triệu đồng.


         Sau mùa thu hoạch cà phê, Việt và Thanh quyết định làm đám cưới.


         Đám cưới được tập thể công nhân trong Nông trường đứng ra phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức. Tiệc cưới đời sống mới trong hội trường lớn của Nông trường được trang trí lộng lẫy. Họ hàng đôi bên và anh em bè bạn đến dự rất đông. Điều đặc biệt, người chủ hôn lễ lại là ông Lê Quyền, Bí thư Đảng ủy Nông trường, người mới mấy tháng trước đây đã gay gắt phản đối mối quan hệ giữa Việt và Thanh.


         Đám cưới chỉ có trà thuốc, bánh kẹo nhưng diễn ra rất vui. Thanh niên nam nữ đua nhau lên ca hát, nhảy múa cho tới mãi quá nửa đêm, khi trăng hạ tuần lên cao mới ra về. Ai cũng ngợi khen Việt và Thanh đẹp đôi!...

Dư âm của mối tình của Nguyễn Quốc Việt và Lê Thị Hoài Thanh được mọi người trong Nông trường Buôn Hồ, truyền tụng mãi đến nhiều thập kỷ sau. Họ gọi đó là: “Chuyện tình trên cao nguyên”.

 

                                                     Nha Trang cuối Thu 2015


 
tin tức liên quan