Âm bản chiến tranh,truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 06:59 16/08/2018 Lượt xem: 517


                                    ÂM BẢN CHIẾN TRANH


                                                        Truyện ngắn của Xuân Tuynh


          Bà Hòa bản tính xưa nay là người cẩn thận. Làm bất cứ việc gì cũng chắc chắn. Chẳng hiểu sao mấy bữa nay cứ như người mất hồn, ruột gan buồn bực, đụng đâu hỏng đấy. Nấu cơm thì quên không bật công tắc điện để gạo trương phềnh, kho cá quên tra mắm muối, rửa mấy cái tô, chén đổ bể tùm lum... bà ngồi bệt trước hiên nhà thở dài thườn thượt!

 

        Chẳng biết chồng con ở trên thành phố gặp phải điều chi trắc trở mà làm cho bà bứt rứt, đứng ngồi không yên. Cứ chốc chốc bà lại vô gọi điện cho chồng con. Chẳng hiểu sao máy đổ chuông mà không ai bắt máy, làm cho bà càng căng thẳng, lo âu. Giá như còn khỏe mạnh như thời xuân sắc hẳn bà đã phóng xe thẳng lên thành phố xem có chuyện gì. Nhưng nay gần bước sang cái tuổi lục tuần, chân cẳng nhức mỏi, đi bộ vài trăm mét cũng không nổi. Bà đành ngồi một chỗ, phó mặc cho số phận.

 

        Sự lo lắng của bà đã bước sang ngày thứ ba mà chồng con vẫn bặt vô âm tín. Bà buồn lắm! Vô bàn thờ thắp nhang khấn vái.

 

        Sang ngày thứ tư, khi trời đã về chiều, giọt nắng cuối ngày đã tắt sau dãy núi mờ xa, cái không khí se lạnh của một ngày đầu đông ở một thị trấn miền Trung đã tràn về làm cho bà rùng mình. Bà vô phòng lấy chiếc khăn len quàng cho ấm cổ. Vừa mở tủ lấy chiếc khăn thì nghe tiếng xe máy nổ phành phạch ngoài ngõ. Bà vội bước ra khỏi cửa phòng thì thấy bác sĩ Kiên, chồng bà về, trên xe chở theo một người đàn ông ốm yếu, râu tóc bạc trắng. Bà mừng vui thấy chồng về, chưa kịp chào hỏi ông Kiên đã lên tiếng:

 

“Đây là anh Thành, bệnh nhân và cũng là đồng đội cũ của anh, người đã cõng anh thoát khỏi tầm hỏa lực của địch trong trận đánh ở Làng Vây Xuân hè 1972 mà anh đã từng kể với em”.

 

Bà Hòa quay vô nhà, bật đèn, nhờ ánh điện sáng, bà nhìn tỏ mặt khách, bỗng giật mình. Không nhẽ đây lại là Thành, người mình yêu bốn mươi năm trước!? - Bà nghĩ thầm trong bụng. Đưa tay lên dụi mắt để nhìn cho kỹ. Đúng là Thành rồi. Cái cằm lẹm, đôi mắt sâu, mặc dù người đã già nhưng bà vẫn nhận ra. Nhưng Thành đã hy sinh rồi cơ mà. Có lẽ nào... “Có nước nóng, hai anh rửa mặt, tay chân rồi vô ăn cơm cho nóng” - Bà Hòa ân cần nói. Suốt bữa ăn, ông Kiên vừa ăn, vừa sôi nổi, hồn nhiên kể lại những kỷ niệm xưa của hai người sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị oanh liệt. Bà Hòa và ông Thành rất ít nói, hai người lặng lẽ ngồi ăn và đôi khi quay sang nhau vẻ hoài nghi, dò xét.

 

       Cơm nước xong, ba người ngồi xem hết chương trình thời sự thế giới, ông Kiên sắp xếp cho ông Thành nghỉ riêng một phòng dành cho khách, sang trọng, yên tĩnh. Còn hai vợ chồng ngồi lại phòng khách tâm sự. Ông Kiên nhỏ nhẹ vẻ rụt rè nói:

- Mình à, anh có chuyện muốn bàn bạc với em... nhưng... em... phải...

- Có chuyện gì mình cứ nói ra. Việc chi mà cứ ấp a, ấp úng như gà bị mắc tóc vậy. Hay... mình thấy... em già rồi, tắt kinh rồi... muốn... có...

- Bậy mà. - Ông Kiên xua xua tay - Anh muốn bàn với em một chuyện hệ trọng. Mong được em thông cảm, sẻ chia.

- Bất cứ chuyện gì có ý nghĩa với anh, có lợi cho cái gia đình nhỏ mọn này là em ủng hộ hết mình.

 

       Ông Kiên quẹt lửa mồi thuốc, kéo một hơi, hớp một hớp trà nóng, chậm chậm nói:

- Anh Thành là bệnh nhân của khoa anh, anh là thương binh lại bị nhiễm chất độc Đi-ô-xin. Ngoài ra anh còn mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến. Qua xét nghiệm cho thấy có khả năng ung thư, phải điều trị lâu dài lại tốn kém tiền bạc. Anh Thành hiện đang gặp khó khăn về kinh tế. Lương không có, cha mẹ mất sớm, vợ con, anh em ruột thịt không. Anh ấy là người đồng chí, đồng đội cũ và là người ân nhân của anh. Nếu không có anh Thành cứu thì anh đã bỏ mạng ở chiến trường Quảng Trị năm xưa rồi. Anh bàn với em, vợ chồng mình giữ anh Thành ở lại nhà mình để anh có điều kiện theo dõi, điều trị... Ý kiến em thế nào?

 

         Trước lời đề nghị của chồng về một việc hệ trọng, bà Hòa bỗng thấy bối rối, không biết phải trả lời chồng ra sao. Nếu chỉ đơn thuần là người đồng chí, đồng đội của chồng thì để Thành sống trong gia đình mình bao lâu cũng chẳng có vấn đề chi phải tính toán. Nhưng nếu đúng Thành là người mình yêu bốn mươi năm trước, giờ tình cờ gặp lại, về sống chung dưới một mái nhà thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Khi biết chuyện của Thành với mình liệu Kiên có còn giữ được tình cảm sâu nặng với Thành như bấy lâu nay không. Chẳng những vậy còn các con, còn bè bạn, bà con lối phố nữa chứ. Họ sẽ nghĩ gì về mình. Quả thực là một bài toán khó không có lời giải. Bà Hòa ngồi sát bên chồng, đưa tay vuốt nhẹ lên mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ của chồng. Cái mái tóc đã làm cho bà yêu say đắm ngay buổi đầu gặp gỡ cách đây hơn hai chục năm.

- Việc này xin anh để cho em có thời gian suy nghĩ kỹ và vợ chồng mình còn phải bàn bạc với các con nữa chứ. Khi ấy mới đưa ra được quyết định chính thức.

- Anh hoàn toàn đồng ý với ý kiến của em. Nhưng anh cũng thẳng thắn nói với em, anh phải có trách nhiệm với anh Thành, bất kể em và các con không đồng với quan điểm của anh.

 

        Đêm hôm đó là một đêm dài vô tận với bà Hòa. Bà trằn trọc suốt đêm không hề chợp mắt. Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ miên man. Hết nằm ngửa lại nằm nghiêng. Trong khi đó chồng và ông khách ngủ rất say sưa.

 

         Đây là lần thử thách thứ hai trong đời bà. Lần thứ nhất cũng làm cho bà mất ngủ suốt một đêm. Đó là cái đêm bà đưa ra quyết định nhận lời cầu hôn với ông Kiên, phản bội lời thề ước với ông Thành, mối tình đầu của bà. Lần thử thách ấy dẫu gì cũng dễ vượt qua. Bởi khi ấy bà đã nhận được tin ông Thành hy sinh. Gia đình, bè bạn lại gần xa động viên bà đi xây dựng gia đình. Còn lần thử thách thứ hai này thật khó vô cùng. Bà biết làm sao đây?. Đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ mông lung, bỗng tiếng gà gáy vang, bà đứng dậy, vô nhà bếp nấu bữa sáng.

 

        Ăn sáng xong, ông Kiên căn dặn ông Thành uống thuốc đúng giờ, dặn vợ lo cơm nước cho khách chu đáo, ông cưỡi lên xe trở về bệnh viện.

 

       Lúc này chỉ còn lại ông Thành và bà Hòa ở nhà. Không giấu được tình cảm sâu nặng chất chứa bấy lâu, bất chấp rào cản về tuổi tác, đạo lý, hai người, ôm lấy nhau như thời thanh xuân. Hai mái đầu bạc kề sát vào nhau. Những giọt nước mắt nồng ấm, giàn giụa trên hai gương mặt đã nhuốm màu thời gian.

- Tối hồi hôm, lần đầu gặp lại anh sau bốn mươi năm biệt ly nhưng em vẫn nhận ra anh... Anh biết không. Em đã phải kìm nén cảm xúc của mình để không bật thét lên.

- Anh cũng vậy. Suốt bốn mươi năm qua, không lúc nào anh nguôi nghĩ về em. Cái gương mặt trái xoan với đôi má lúm đồng tiền của người anh yêu đã in đậm nơi trái tim anh. Giờ gặp lại, gương mặt ấy có tàn phai theo năm tháng anh vẫn nhận ra.

- Anh tệ lắm! Biết em bao năm mòn mỏi đợi chờ anh thế nào không?. Ngày đất nước hết chiến tranh em mong chờ anh trở về đến cháy lòng. Ngày nào em cùng mẹ cũng ra cổng ngóng đợi. Mẹ đã cạn khô nước mắt khóc gọi tên anh. Khi nhận được cái giấy báo tử của anh cũng là lúc mẹ lâm bệnh nặng và bà ra đi trong nỗi đớn đau. Tiễn mẹ về cõi vĩnh hằng trong cái chiều mùa đông rét buốt năm ấy em muốn chết theo mẹ luôn. Nhưng số phận trớ trêu đã không cho em chết. Chuyện anh còn sống là thế nào, kể cho em nghe đi.

- Anh hy sinh là có thực. Năm 1973, trong một trận giao tranh quyết liệt giữa trung đoàn anh với trung đoàn 22 quân đội Việt Nam Cộng hòa ở huyện Tam Quan, tỉnh Bình Định, anh bị thương vào chân phải, vết thương nặng làm cho anh không đi được. Trong khi đó đối phương phản công điên cuồng, buộc quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Anh nằm lại cạnh bờ sông Lại Giang, bị địch bắt đưa về nhà thương Quy Nhơn điều trị. Lành vết thương đối phương đưa anh ra giam ở Phú Quốc. Đơn vị không ai biết. Mọi người tin anh đã hy sinh. Ban chính sách đơn vị gửi giấy báo về địa phương. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh trở về đất liền được đưa về Viện 87 - Quân khu 5 điều dưỡng. Các bác sĩ đã phát hiện anh bị nhiễm chất độc Đi-ô-xin nặng. Nhận thấy mình không còn có được cuộc sống hạnh phúc như bao người nên anh quyết định không trở về tìm em...

 

         Hai người tâm sự với nhau suốt cả buổi. Bà Hòa mở tủ cá nhân lấy ra một chiếc khăn tay, đựng trong một chiếc hộp gỗ nhỏ, xinh xắn. Ở một góc của chiếc khăn màu trắng có thêu đôi chim bồ câu với một trái tim màu hồng. Dưới trái tim có thêu hai chữ T-H lồng vào nhau. Thời gian chia xa vời vợi nhưng chiếc khăn vẫn được bà Hòa giữ mới nguyên. Ông Thành cũng lấy trong ba lô của mình ra, một chiếc khăn giống hệt chiếc khăn của bà Hòa. Chỉ có điều chiếc khăn của ông đã ố vàng và có vài lỗ thủng, dấu vết của chiến tranh. Ông Thành ấp hai chiếc khăn vào với nhau, hai chiếc khăn làm cho cả hai người xúc động, nhớ về những ngày tháng sống hạnh phúc ngắn ngủi bên nhau, cách đây non nửa thế kỷ.

 

         Đầu năm 1969, đơn vị ông Thành về đóng quân ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi ấy bà Hòa là cán bộ thương nghiệp, làm việc ở phố Me. Hàng ngày ông Thành đi lại quan hệ giao dịch mua bán, khi thì bao thuốc, lúc hộp kem, bánh xà phòng... Từ đó hai người đã quen thân rồi yêu nhau. Cuối tháng mười năm 1969, ông Thành lên đường vào Nam chiến đấu. Đêm cuối cùng chia tay, hai người đã ngồi với nhau suốt đêm trên bờ đê, dưới ánh trăng hạ tuần tân sự, thề ước với nhau sau ngày Bắc, Nam thống nhất ông Thành về, hai người sẽ làm đám cưới. Nhưng chiến tranh ai biết được điều gì sẽ xảy ra!.

- Em hãy tha lỗi cho anh. Anh van xin em - Ông Thành nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Bà Hòa gục đầu vô ngực ông Thành:

- Anh không có lỗi chi hết. Tất cả lỗi lầm do chiến tranh. Trên suốt chiều dài của dải đất hình chữ S có hàng nghìn, hàng vạn gia đình bất hạnh vì chiến tranh. Số phận của hai chúng ta không sống chung dưới một mái nhà cũng do chiến tranh. Ôi chiến tranh, ai, ai đã đẩy dân tộc ta vào những cuộc chiến tranh tàn khốc. Hôm nay và mãi mãi ngàn đời sau cả dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên được những đau thương, mất mát trong chiến tranh. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ sinh ra bị nhiễm chất độc màu da cam, di chứng của chiến tranh. Đứa mù cả hai mắt, đứa cụt cả tay chân, đứa đầu to ngật ngưỡng như cái thúng... bất kỳ ai trông thấy cảnh tượng ấy cũng thấy đau lòng. Em chỉ muốn gào thét lên nguyền rủa chiến tranh. Em ước gì mình có phép thuật như Tôn Ngộ Không trong: “Tây Du Ký” để diệt trừ những kẻ đã gây ra chiến tranh, gieo đau thương cho nhân loại.

- Thôi em ạ. Giận dữ bực tức, phẫn nộ lúc này cũng chẳng để làm gì. Tất cả đã qua rồi. Chúng ta phải nhìn về tương lai để mà sống. Anh thấy em và Kiên sống hạnh phúc là anh vui... vui lắm rồi!.

 

         Bữa trưa hôm đó, bà Hòa ra chợ mua hến về nấu một nồi canh hến thiết ông Thành, món ăn ông rất thích từ dạo hai người ở gần nhau trên mảnh đất Gia Viễn. Ngày ấy vào mỗi buổi chủ nhật bà Hòa thường xuống sông Đáy mò hến về nấu canh cho ông Thành ăn.

 

        Cơm trưa xong, ông Thành kêu xe ôm ra đi, từ giã bà Hòa.

- Anh không thể đi được. Anh đi tối Kiên về em biết ăn nói ra sao? - Bà Hòa níu lấy ba lô không cho ông Thành đi.

- Anh phải ra đi. Em đừng lo. Anh là người lính mà.

Chiếc xe ôm chở ông Thành lao vút ra đường lộ trong chiều gió đông hun hút, bà Hòa đứng nhìn theo, hai mắt đẫm lệ!

 

       Tối, ông Kiên ở bệnh viện về, không thấy ông Thành, ông to tiếng hỏi vợ:

- Anh Thành đâu em. Anh Thành đi đâu không có ở nhà? - Ông hỏi dồn dập. Bà Hòa từ dưới nhà bếp chạy lên, hai mắt vẫn còn đỏ hoe. Giọng buồn buồn:

- Anh Thành đi rồi anh ạ! - Ông Kiên chạy lại nắm lấy hai tay vợ gằn giọng hỏi:

- Anh ấy đi đâu. Sao em để cho anh ấy ra đi như vậy. Hay... em đã...

- Em chẳng nói điều gì cả.

- Anh Thành có cho em biết anh ấy đi về đâu không?

- Anh nói là về quê sống với bà con xóm làng.

 

        Ông Kiên giận dữ. Vất chiếc cặp vô phòng, lên xe phóng như tên bay ra đường, luôn miệng gọi tên Thành.

 

        Bà Hòa đứng chết lặng giữa sân giống như một pho tượng đá. Gió đông mang theo xương mù dày đặc, bao trùm lấy người bà. Bà cứ đứng vậy chẳng biết bao lâu./.

 

                                            Nha Trang, Thu 2010

tin tức liên quan