Sự tích con dao tông khắc chữ C3TP đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam,dự thi của Đại tá Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:19 13/09/2018 Lượt xem: 629
Bài dự thi: “ Hào khí Trường Sơn” 

 SỰ TÍCH VỀ  CON DAO TÔNG KHẮC CHỮ C3TP  ĐANG LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM
                                                     
                                                                                  Hồi ức
 
     Tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ con dao tông bằng thép, có khắc chữ: C3TP.  Đấy là một hiện vật quý gắn liền với tên tuổi của nữ AHLLVT Nguyễn Thị Vân Liệu tại trọng điểm cua chữ A, trên đường 20 - Quyết thắng.

     Cua chữ A là một trọng điểm trong dẫy trọng điểm liên hoàn A.T.P (Cua chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích). Nằm trên đỉnh Trường-sơn, nơi đây địa hình hiểm trở: dốc cao, vực sâu, đường hẹp, những khúc cua gấp hình chữ A tạo thành những A me, A con nối nhau chạy dài cả cây số.

     Ngày nào máy bay Mĩ cũng nhòm ngó. Ít thì một vài loạt bom, nhiều thì chúng thay nhau đánh phá liên tục hàng giờ liền. Khác với ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích, ở cua chữ A do đặc điểm của địa hình nên thủ đoạn đánh phá của chúng chủ yếu là lượn vòng quan sát mục tiêu rồi bổ nhào cắt bom. Có 2 loại bom thường được sử dụng là bom phá và bom nổ chậm, còn các loại bom khác hầu như không hiệu quả. Thông thường chúng đánh kết hợp cả 2 loại bom này. Những quả bom nổ chậm bị đất đá từ những quả bom phá vùi lấp trở thành “ kẻ sát nhân” giấu mặt.

      Ở cua chữ A, hố bom chồng lên hố bom, có những mỏm đồi bị bom đào sới hạ thấp bình độ cả chục mét. Cả trọng diểm hàng cây số chỉ còn một màu đất đỏ quạch. Đất tơi xốp chỉ cần gió thổi mạnh hoặc bị chấn động do bom nổ cách xa hàng chục mét cũng có thể gây sạt lở cả chục khối.

     Kẻ sát nhân giấu mặt có loại chui sâu xuống đất 2-3m. Loại này không đáng ngại, nếu nằm trong phạm vi nguy hiểm thì bộ đội ta thả xuống một lượng TNT, chủ động kích cho bom nổ. Có loại chui một phần hoặc  nằm chềnh ềnh ngay trên mặt đường. Loại này là nguy hiểm nhất. Khi phát nổ không những chỉ để lại hố bom mà còn gây sạt lở một khối lượng lớn đất, tung ra hàng trăm mảnh bom to nhỏ sắc như lưỡi dao gây sát thương xung quanh. Trong phạm vi bán kính 10m mảnh bom to bằng bàn tay có thể tiện đứt một gốc cây có đường kính tới 10cm. Sức ép của bom có thể thổi bay cả một chiếc xe tải chất đầy hàng xuống vực sâu.

        Thời kì đầu cách sử lí bom nổ chậm nằm trên mặt đất là dùng sức  với số đông 5-6 người hò nhau vần xuống vực. Nhưng do tính chất nguy hiểm, có lần bom vừa lăn xuống vực được vài mét đã nổ nên ta rút kinh nghiệm thay đổi cách khác. Một tổ 3 người khẩn trương tiếp cận mục tiêu, áp bộc phá lên thân bom cho nổ. Cách đánh này có ưu điểm là nhanh, chủ động và an toàn hơn. Nhưng sau khi bom nổ bao giờ cũng để lại một hố sâu hoắm, phá hỏng mặt đường.

        Hàng ngày Tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu trực tiếp cùng anh em không quản hiểm nguy, vất vả san lấp hố bom để kịp thời  thông đường. Nhiều lần thấy chị bần thần, lo lắng  tôi hỏi:
        -Chị có tâm tư gì mà đăm chiêu thế ?
        -Cách phá bom kiểu này không ổn - Chị bảo - Phải tìm một phương án khác hiệu quả hơn vừa nhanh, an toàn, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến mặt  đường.

        Sau nhiều lần trực tiếp phá bom, quan sát từ thực địa, chị nêu sáng kiến thay đổi cách đánh.  Thay vì áp bộc phá lên thân bom, ta đặt bộc phá ở phía dưới nơi  quả bom tiếp giáp với mặt đất. Khi bộc phá nổ vừa hất quả bom lên cao, vừa đồng thời kích thích cho bom nổ. 
      
         Tuy nhiên cũng có nhiều câu hỏi đặt ra: thông thường quả bom nổ chậm nặng khoảng trên 200 -250 kg, chiều dài khoảng 1,5 m, đường kính 0,35m, vậy phải đặt bộc phá ở điểm nào để có thể hất được quả bom lên cao? Cần một lượng nổ bao nhiêu cho vừa đủ? So với cách đánh trước thì cách đánh này có an toàn hơn không?

          Chị lại phải mày mò ý tưởng của mình trên thực địa. Và rút ra kết luận:
          -Với loại bom nằm trên mặt đất, nếu thao tác nhanh thì thời gian đặt song lượng nổ, quay lại nơi trú ẩn tương đương với cách đánh cũ.
          -Điểm đặt bộc phá để có hiệu quả cao nhất ở vị trí 2/3 thân, tính từ đầu quả bom.
          -Cần một lượng nổ 4 bánh TNT. Nếu ít hơn sẽ không đủ lực để hất quả bom lên cao. Còn nhiều hơn thì lãng phí,  không cần thiết.
          -Công tác chuẩn bị như  dây cháy chậm,kíp nổ, thuốc nổ, dây để buộc ( trường hợp cần thiết), mồi lửa và dụng cụ để đào bới phải được chuẩn bị từ trước và luôn trong trạng thái sẵn sang. Với loại đất xốp như ở cua chữ A, không cần phải mang theo nhiều dụng cụ, chỉ một con dao tông là đủ.
          - Chỉ 1 chiến sỹ nhanh nhẹn là có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thay vì 2-3 người như trước.

          Khi mang sáng kiến này áp dụng vào thực tế, kết quả thật mĩ mãn.

          Cũng có lần phải đối diện với quả bom nằm ở tư thế oái oăm, toàn thân  chui xuống đất, phần đuôi nằm sát mặt đường.  Bình thường chỉ cần đặt một lượng thuốc nổ vào đuôi quả bom là phá hủy được, nhưng  khi bom nổ sẽ phá hỏng toàn bộ mặt đường.  Chị phải hì hục đào một cái hố áp vào thân quả bom rồi nhoài người, chui đầu xuống, đặt thuốc nổ, dùng đất chèn chắc, lấp lại. Xong mới đốt dây cháy chậm. Trường hợp này bom nổ chủ yếu làm sạt phần taluy âm, còn phần đường ở phía taluy dương vẫn giữ được.

          Sáng kiến phá bom nổ chậm của Tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu đã thực sự có hiệu quả, vừa an toàn, lại hạn chế thấp nhất phá hủy mặt đường, giúp thông đường nhanh,  được phổ biến rộng rãi và lan truyền trên toàn tuyến vận tải.

         Và cũng từ đấy con dao tông có khắc chữ: C3TP  là vật “ bất ly thân” bên cạnh chị.

          Với chị, con dao tông có khắc chữ: C3TP như một báu vật, nó là kỉ vật của một lần chị cùng với đồng đội lao vào lửa cứu thương binh, cứu xe hàng bị máy bay Mĩ đánh cháy.

          Một ngày mùa Đông cuối năm 1967.Trời rét căm căm. Tầm 8h tối, những chiếc xe tải nặng nề cõng đầy hàng đang ì ạch vượt cua chữ A. Bỗng từ đâu máy bay phản lực gầm rú lao đến tung pháo sang trắng trời, thi nhau dội bom. Đất lở, đường tắc, 2 chiếc xe đi cuối bắt lửa cháy ngùn ngụt. Một trong hai chiếc nằm xệ hẳn ra phía ta luy ấm, có nguy cơ lăn xuống vực bất kì lúc nào.  Cả Tiểu đội trực chiến lao ra, người thì dùng xẻng hất đất dập lửa, người thì cứu hàng. Có tiếng rên, biết chắc chắn chiến sỹ lái xe bị thương,  kẹt trong buồng lái.  Chị lao đến. Trong ánh lửa chập chờn chị  nhìn thấy trên cánh tay áo anh đầm đìa máu.  Phải loay hoay mãi chị mới nhoài được người vào.

          Vết thương quá nặng.

          Trước 2 tình huống: thứ  nhất phải đưa ngay thương binh ra ngoài rồi mới cấp cứu, nếu chậm có thể cả người và xe đều lăn xuống vực. Thứ hai phải cấp cứu cầm máu ngay nếu không nhanh máu chảy nhiều chỉ ít phút nữa có thể nguy hiểm đến tính mạng.

         Chị quyết định phải cấp cứu ngay để giữ tính mạng cho anh lái xe. Với những kiến thức đã được tập huấn chị biết:  máu ra nhiều như thế là bị đứt động mạch. Phải ga-rô phía trên vết thương, giữ không cho máu chảy. Băng bông không có, quay lại hầm thì muôn, sẽ không kịp. Phải chạy đua với thời gian.

         Cởi chiếc áo mặc ngoài, chị dùng tay, dùng răng xé ra lấy vải làm băng.

         Chiếc áo còn mới, loay hoay mãi không xe được. Không nhanh chỉ một loạt bom nữa là cả xe và người lăn xuống vực sâu, lúc ấy thì…

         Tiếng máy bay gầm rít, lửa cháy ngùn ngụt.

         Bỗng anh lái xe thều thào trong hơi thở yếu ớt:
         -Ở dưới đệm ghế có con dao. Rồi anh lịm đi.
         Phải gồng mình lên mới lấy được con dao ra. Chị cắt lấy miếng vải áo quấn chắt phía trên vết thương, cầm máu lại. Một mảnh vải khác băng lại vết thương cho anh.

         Trong khi chờ đồng đội đến chi viện, chị  tiếp tục loay hoay dùng con dao đập vỡ nốt tấm kính xe, một mình  lựa tư thế đưa anh thương binh đang bất tỉnh ra khỏi buồng lái đã bị méo mó, biến dạng. Đúng lúc ấy lại một loạt bom nữa, chiếc xe rung lên rồi từ từ lăn xuống vực. Rất nhanh chị đã kịp nhoài người giữ chặt lấy vai, dùng toàn thân  làm lá chắn che lên người anh.

         Đất, đá rơi rào rào, khói bụi tung lên mù mịt.

         Khi cáng thương đến chuyển thương binh  đi cấp cứu, chị đưa con dao cho đồng đội và dặn: Mang theo con dao, trên đường có chuyện gì còn sử lí. Nhớ bàn giao cẩn thận cả con dao nữa, nó là vật đã cứu sống anh ấy đấy.

         Đến lúc tình huông đã được giải quyết xong, chị mới thấy toàn thân đau ê ẩm, nhiều chỗ bị đất đá ném thâm tím, cái mũ sắt bị móp xuống bắng nửa quả trứng, một vết thương ở đùi trái máu đã khô bết lại.
         Trên tuyến vận tải chiến lược, nhất là ở các trọng điểm việc cứu người, cứu hàng, cứu xe là nhiệm vụ của lực lượng công binh nên câu chuyện hôm ấy cũng nhanh chóng bị quên lãng.

          Khoảng hơn tháng sau, trong một lần đang trực, bỗng nghe đông đội  gọi:
         -Chị Liệu ơi, có anh lái xe hỏi chị.

          Chui ra khỏi cửa hầm, chị bắt gặp anh lái xe người tầm thước, đầu đội mũ sắt mặc áo chống đạn, tay cầm con dao. Một thoáng bối rối, anh nở nụ cười rồi hỏi tên chị, biết được ân nhân người đã trực tiếp cứu mình, anh nói lời cảm ơn và đặt con dao vào tay chị:
          -Em và con dao này đã cứu sống anh, anh biết ơn em. Em giữ lấy làm kỉ niệm.

           Phía sau tiếng còi xe thúc giục.

           Chị còn chưa kịp hỏi tên, anh đã vội nhảy lên buồng lái cho xe chạy.

           Mấy hôm sau, trong  lúc ngồi nghỉ, cầm con dao trên tay nhớ lại cái khoảng khắc cứu thương binh,  loay hoay băng bó vết thương cho anh, chị chợt phát hiên ra bên sống dao có khắc chữ: C3TP. Con dao tuy đã cũ, nhưng nét khắc còn mới. Và cũng từ đấy con dao tông ấy đã gắn liền với mỗi lần chị đi phá bom.

         Không còn dịp nào được gặp lại anh lái xe nên kí hiệu: C3TP khắc trên con dao mãi mãi là một bí mật, nhưng nó đã là một phần làm nên chiến công của người nữ Anh hùng.
                                            
                                            Đại tá : Hoàng Văn Kính
                  (  Nguyên là chiến sỹ cùng Tiểu đội với AHLLVT Nguyễn Thị Vân Liệu)

 
 
Họ và tên: Hoàng Văn Kính   ĐT: 01699322583
Cấp bậc: Đại tá.  Năm sinh: 29/8/1950
Địa chỉ: Số 68, Ngõ 604, Tổ 23, P. Ngọc Thụy, Q. Long Biên, Hà Nội

tin tức liên quan