NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
Mỗi năm một lần cả nước hân hoan chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Chúng tôi lớp Nhà giáo - Chiến sĩ thời chống Mỹ nhớ đến nhau, gặp mặt, điện thăm hỏi chúc mừng nhau. Rộn lên trong lòng bao kỉ niệm một thời xa ấy.
Hôm nay được Ủy ban nhân dân xã nhà mời về dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, những kí ức xưa lại bừng lên.
Tôi sinh ra tại thôn Bỉnh Di - xã Giao Thịnh - huyện Giao Thuỷ - tỉnh Nam Định, nhà tôi rất nghèo, lại đông anh em, bố mắc bệnh nan y nên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Học hết cấp hai tôi nói với Bố, con nghỉ học.
Bố tôi bảo mày cứ đi thi vào cấp ba đi, bố lo cho ăn học.
Thôi con ở nhà lao động, sau học bổ túc cũng được.
Mẹ tôi không biết chữ nên cũng bảo mày cố mà học, mẹ cố gắng làm .
Thôi con ở nhà lao động cũng được .
Thế là lại tiếp tục chăn trâu cắt cỏ, rồi cày sâu cuốc bẫm. Một hôm đi cào cỏ cải tiến, cái cào theo mẫu của Nhật Bản hai tiến một lùi, trưa hè trời nắng chẳng trang, mồ hôi vã ra hoa cả mắt. Tôi ngồi bệt xuống đầu bờ rồi nghĩ đến việc thoát ly gốc rạ bờ tre.
Sau một năm làm nông dân thực thụ, tôi đăng kí vào học trường Trung cấp sư phạm khoa tự nhiên tỉnh Nam Hà. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc đó nên học rút xuống có hai năm, tháng 8/1969 tôi tốt nghiệp về dạy học tại trường cấp hai xã Giao Tân. Ngày 20/11 năm 1969 được dự lễ kỉ niệm ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo. Lúc ấy đất nước đang có chiến tranh, kinh tế còn nghèo, được hợp tác xã tặng một con lợn năm mươi cân liên hoan mà nhớ mãi. Tôi bị viêm đại tràng , chén hai bữa thịt lợn nhiều mỡ, thế là khổ cái bụng, nhưng vẫn rất vui, không bao giờ quên được.
Dạy học được 1 năm, do yêu cầu của chiến trường, ngày 19/8/1970, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Thế rồi năm ấy thu sang
Tôi đi theo ánh sao vàng thắm tươi
Tiền phương thôi thúc lòng người
Tiễn thầy giáo tuổi hai mươi lên đường
Xa trò tạm biệt quê hương
Gió reo lá vẫy sân trường chia tay
Cuộc đời quân ngũ từ đây
Lên đường đánh Mỹ hăng say diệt thù
...
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, non sông thống nhất, tôi vẫn tiếp bước hành quân. Thế là gắn bó gần nửa thế kỉ với nghiệp nhà binh cho đến trọn đời quân ngũ. Tuy vậy vẫn quan tâm đến nghề làm thầy, hàng năm vẫn nhớ ngày 20 tháng 11.
Tôi chọn cho mình người bạn đời là cô giáo. Chúng tôi định hướng cho con gái đầu cũng theo nghề “Trồng người “.
Sau này không thấy nhắc đến cụm từ “ Quốc tế hiến chương các nhà giáo...
thấy đổi ngày này thành ngày Nhà giáo Việt Nam, tìm hiểu ra mới biết.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bác Hồ nói “ Vì sự nghiệp mười năm trồng cây
Vì sự nghiệp trăm năm trồng người “
Nghề thầy là nghề trồng người, một nghề cao quí nhất trong các nghề cao quý. Dạy cho học sinh trước hết phải dạy cách làm người.
Ai cũng trải qua đời học sinh, tôi còn được học qua nhiều trường trong quân đội, rồi đã từng làm thầy giáo nên rất trân trọng nghề cao quí này và cũng tự hào mình đã là thầy giáo. Mặc dù đã xa nghề thầy gần nửa thế kỉ nhưng vẫn được nhiều học sinh nhớ đến, được nhiều người điện thoại, nhắn tin chúc mừng, vẫn vui và xúc động, tự hào. Tôi luôn tự nhủ trong lòng mình về phẩm chất của người thầy
Tâm như bình nước trong veo
Ai mua không bán, ai nghèo sẻ san
Nghề thầy cao quí muôn vàn
Vinh quang sự nghiệp trăm năm trồng người.
Ngày nay nền giáo dục nước ta đã có nhiều tiến bộ, tuy vậy cũng còn nhiều vấn đề chưa hài lòng mà dư luận xã hội đã lên tiếng. Cần được quan tâm đến lĩnh vực “ Quốc sách hàng đầu “, đến nghề “kĩ sư tâm hồn”, đến sự nghiệp “ Trồng người “ nhiều hơn, thực chất hơn.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi đến các Thầy Cô giáo trong cả nước nói chung, các Thầy Cô đã trực tiếp giảng dạy, các Thầy cô đồng nghiệp, các bạn Giáo sinh cùng lớp, cùng trường, đặc biệt là những Thầy Cô người thân trong gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Gió mưa thương mỏng cánh cò
Mấy ai đã nhớ chuyến đò sang sông
Mặt trời vẫn mọc đàng đông
Tiếng thơm thơm mãi đọng trong lòng người
Bao đời vua chúa đi rồi
Làm thầy cô chẳng mất ngôi khi nào
Nghề trồng người đẹp biết bao
Chúc Thầy Cô mãi tự hào, sáng tâm.
Viết trên đường từ Thủ đô về quê.
Ngày 19/11/2018
Thiếu tướng Hoàng Kiền