NHỚ LẮM NHÀ THƠ TRƯỜNG SƠN NGUYỄN TRỌNG KHOÁT
Dương Thục Anh và Thành Long
Đại tá, nhà thơ Trọng Khoát sinh ngày 11/12/1930 trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An. Thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Khoát học trường Tây, mười tám tuổi đã xung phong đi bộ đội. Năm 1950, ông vào học Sỹ quan Lục quân khóa 6 Trung Bộ. Tốt nghiệp ra trường được phân công làm cán bộ quân báo của Bộ Tổng Tham mưu, đi vào vùng địch hậu... Anh mất ngày 18/11/2018.
Văn công đến hát bên mâm pháo
Xạ thủ ngồi nghe, mắt ngưỡng thiên
Tai hướng bài ca, tai trực chiến
Giữa hai trận đánh phút bình yên.
(Thơ viết về Trường Sơn)
Trong tập thơ viết ở Trường Sơn của Nguyễn Trọng Khoát in năm 1997, lời mở đầu, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết rằng: "Tuyến đường vận tải mang tên Bác Hồ vĩ đại không chỉ có các binh chủng và các phương tiện thuần túy quân sự mà thực sự còn có một binh chủng đặc biệt - Binh chủng văn học nghệ thuật. Nếu không có Trường Sơn, không sinh ra được những tên tuổi sáng chói… và cả tôi cũng vậy, nếu không có Trường Sơn chắc không có thơ Phạm Tiến Duật. Trường hợp Nguyễn Trọng Khoát là một trường hợp đặc biệt. Anh nổi tiếng trước tôi, trước Lê Lựu và những bạn bè khác của tôi. Anh thuộc thế hệ Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán và những người khác.
Nhưng cuộc đời không dành cho anh những ưu ái với nghề mà anh yêu. Anh phải lao vào cuộc chiến mà không còn chút thì giờ nào cho phép anh được sửa soạn. Và chính anh cũng hồn nhiên đến mức không tự lo gì cho chính mình: Tất cả là dành cho đời, cho người. Cho tận mấy chục năm hòa bình, tập thơ viết ở Trường Sơn mới được in ra…".
Đại tá, nhà thơ Trọng Khoát sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An. Chú của ông chính là ông Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn - từng là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đầu tiên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an) và cậu ruột là ông Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên - Chủ tịch Xôviết Nghệ Tĩnh từng bị Pháp đày đi tù và hy sinh tại Lao Bảo năm 1932. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần cách mạng từ gia đình.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Khoát học trường Tây, mười tám tuổi đã xung phong đi bộ đội. Năm 1950, ông vào học Sỹ quan Lục quân khóa 6 Trung Bộ. Tốt nghiệp ra trường được phân công làm cán bộ quân báo của Bộ tổng tham mưu, đi vào vùng địch hậu.
Năm 1953, là chiến sỹ vô tuyến điện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, ông đã có một án kỷ luật nhớ đời. Số là một lần, ông đã dịch sai một bức điện mật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Địch giội bom xuống Nà Sản, ta không kịp trở tay, nên thương vong rất nhiều. Sau sai sót ấy, Nguyễn Trọng Khoát phải về nhận án kỷ luật.
Bản thân ông trong trận ném bom ấy cũng bị thương nặng ở đầu, bị kênh hộp sọ, lòi cả xương sọ ra. Thế nhưng, tuổi trẻ với sức sống mãnh liệt đã cứu ông thoát khỏi cái chết. Do bị thương nên án kỷ luật coi như được xóa, nhưng ông không được hưởng chế độ thương binh do phạm sai lầm nghiêm trọng trong công tác. Sau đó, ông được cấp trên cho đi học tập để rèn luyện thêm về tư tưởng và bản lĩnh chiến đấu.
Năm 1954, ông về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cuối năm 1954, ông được biệt phái đi làm công tác ở nông thôn 2 năm để tiếp tục rèn luyện và thử thách, như làm công tác cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, chống đói ở Bắc Giang, phát động giảm tô ở Vĩnh Phúc.
Năm 1964, ông được về phụ trách Chủ nhiệm giáo viên văn hóa, trợ lý chính trị tại Trường Sỹ quan Lục quân I. Thời gian này, ông tốt nghiệp thủ khoa một lớp tại chức tiếng Nga. Lúc này, tên tuổi Trọng Khoát đã được biết đến với vai trò là một nhà thơ với những bài thơ chống Pháp, chống Mỹ khá nổi in trên báo chí.
Tháng 5/1965, Nguyễn Trọng Khoát được lệnh tham gia Binh đoàn Trường Sơn hoạt động ở tuyến Nam Lào với vai trò là trợ lý văn hóa văn nghệ. Ngay cả lý do vào Trường Sơn cũng thật hồn nhiên và khác thường! Do đỗ thủ khoa lớp tiếng Nga, Trọng Khoát đề đạt nguyện vọng được đi nước ngoài học tập. Ngay sau đó, đơn vị cho ông sang Lào tham gia tuyến đường Trường Sơn.
Trưởng ban cán bộ nhà trường chỉ huy giải thích: "Lào cũng là nước ngoài, đồng chí vừa thỏa mãn nguyện vọng được đi nước ngoài, vừa được tham gia tuyến đường Trường Sơn!". Một lần nữa, Trọng Khoát lại vác ba lô lên vai, hồn nhiên bước vào cuộc chiến chống Mỹ, tham gia chiến trường ác liệt nhất ở tuyến Nam Lào.
Thời gian này, đường Trường Sơn bắt đầu có xe cơ giới. Tuyến chi viện chiến lược chuyển sang phía Tây trên đất bạn Lào. Khi đó khái niệm công tác văn hóa chỉ là dạy văn hóa.
Nguyễn Trong Khoát đã vào Trường Sơn và chuyển hướng vừa dạy văn hóa vừa đưa văn hóa văn nghệ vào đời sống tinh thần của bộ đội. Lúc này Trường Sơn đang là mùa lũ lớn của thượng nguồn sông Xê Băng Hiên, Xê Kông nên bộ đội gặp trận đói lịch sử. Bộ Tư lệnh Trường Sơn vừa được bổ sung 5 đại đội pháo cao xạ 12 ly 7.
Trước tình hình đó, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm nói: "Văn nghệ bây giờ chưa cần, pháo cũng chưa cần" và ông giao cho Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trọng Khoát cùng Chính trị viên Lê Hồ chỉ huy 5 đại đội pháo cao xạ mỗi người gùi 50 kg lương thực và nhu yếu phẩm, thuốc men để đi cứu đói cho các công trường. 5 đại đội đi đến đâu, mang lương thực, nhu yếu phẩm cứu đói cho thanh niên xung phong ở các công trường và không quên cất cao lời ca tiếng hát “át tiếng bom, át cái đói rét”. Nhưng đây cũng chính là giai đoạn ám ảnh trong ký ức của Trọng Khoát nhiều nhất về sự gian khổ của lính Trường Sơn.
Đi vào sâu Trường Sơn, đến những đại đội thanh niên xung phong làm đường phần đông là con gái. Họ bị đói giữa rừng sâu quá lâu, nhu yếu phẩm cho con gái lại không có, cái đói và sốt rét rừng Trường Sơn đã làm cho nhiều chị em ốm o, gầy mòn, rụng hết tóc, không có hành kinh, sốt la liệt trong rừng. Có những anh nuôi thương con gái đói quá, mò vào rừng đi đào củ mài, sập bẫy chông của dân bản, suýt chết.
5 đại đội pháo cao xạ do Trọng Khoát chỉ huy đã tiếp tế đủ 15 tấn hàng lương thực nhu yếu phẩm cho 3 công trường để cứu đói và chữa bệnh tật. Trên đường rút quân ra, 5 đại đội do ông chỉ huy được lệnh chặt cây làm đường cho xe vượt qua các bãi lầy thay cho ý tưởng làm đường "sàn đạo" cho xe đi qua 4 mùa vì gặp mưa lầy nên không thực hiện được.
Thời điểm đó, rải rác khắp dọc tuyến đường từ Pha Nốp vào Xeng Phan là đoạn đường lầy 45km có các tổ xe "Ngọn đèn xanh" của Tổng cục Hậu cần từ Bắc đi thẳng vào Nam Trường Sơn tiếp tế cho Khu 5 thì mắc lũ. Lũ kéo dài gần 3 tuần lễ. Đoàn xe bị chia cắt.
Ông còn nhớ mãi một người lái xe tên Toàn trông 1 cái xe chất đầy 2,5 tấn gạo. Do bị lũ phải dừng lại giữa rừng. Bầy khỉ luôn tấn công, cướp gạo, nên anh phải canh chừng ngày đêm. Khẩu phần cá nhân anh đã ăn hết sau những ngày đợi lũ rút. Đói quá, anh đi đào củ mài trong rừng sâu. Anh đã bị ngất bên hố khoai mài, được bà con dân bản phát hiện cứu sống. Dù có phải chết đói, những người lính lái xe chở đầy những xe gạo cho tiền tuyến quyết không đụng chạm đến một hạt gạo của chiến trường.
Đường cho xe qua bãi lầy dự kiến làm trong 20 ngày nhưng chỉ mới 12 ngày đã hoàn thành. 5 đại đội pháo rút quân ra. Trên đường hành quân một đồng chí đã bị bom hy sinh. Lần đó, Trọng Khoát cùng Đại đội trưởng Phan Văn Nhật suýt bị truy tố trước tòa án quân sự vì làm sai lệnh, dẫn đến thương vong lính. Song, xét những công trạng đã đạt được, cả Trọng Khoát và Đại đội trưởng Phan Văn Nhật được xoá án.
Tháng 12/1965, đồng chí Hồng Kỳ vào nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Chính trị của Mặt trận 559. Trọng Khoát được giao nhiệm vụ phát động phong trào văn nghệ quần chúng và lập tờ thông tin thi đua "Hoa thắm Trường Sơn" chuyên viết về gương thi đua. Ông vừa là thư ký tòa soạn kiêm biên tập, kiêm trình bày, minh họa (hiện tờ thông tin vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh).
Cuối năm 1966, Trọng Khoát nhận nhiệm vụ đi vào Cực Nam của tuyến C4 - Biên giới Đông Campuchia cùng với đồng chí Hồng Kỳ. Ở mặt trận phía Nam, bộ đội không còn thiếu đói nữa nhưng sốt rét luôn hoành hành.
Trên đường Trường Sơn có những nấm mộ bộ đội do mối đùn lên. Đất Campuchia không có thủ tục chôn người. Anh em bị sốt rét hy sinh, phải đưa xuống thuyền mảng thả trôi sông xuống phía dưới mới được chôn cất. Bộ đội ta hồi ấy bị sốt rét ác tính, trước khi chết chỉ có một nguyện vọng là được chôn cất ở Hạ Lào.
Thời điểm này, có một đại đội xe con của Tiểu đoàn 61 chở gạo từ Bắc Campuchia ra Hạ Lào. Dọc đường đơn vị bị địch đánh trúng đội hình cháy 6 xe và hy sinh 12 đồng chí. Để tiếp tục cho 8 xe còn lại hành quân, đồng chí Chính trị viên đã phải tạm dấp lá mắc màn bạt giữa rừng tránh ruồi nhặng bâu quanh thi thể 12 anh em đã hy sinh nhưng chưa có điều kiện mai táng. Đến đêm, anh em mới quay trở lại nơi 12 người lính còn nằm dưới các đống lá ở gốc cây và cho mai táng giữa đêm khuya để tránh bị lộ. Sau này, không ai còn nhớ chính xác địa điểm mai táng để tìm được mộ phần, đưa hài cốt anh em về quê hương.
Binh chủng văn hóa văn nghệ trong thời gian tham gia tuyến đường Trường Sơn cũng có nhiều đồng chí bị hy sinh. Trọng Khoát đã có bài thơ xúc động viết về người đồng đội Ngọc Huệ hy sinh ở trọng điểm Phú Khao tháng 12/1969 trong lúc đang làm nhiệm vụ: Số phận của bài thơ này cũng rất kỳ lạ, ông đã viết nó và bỏ vào lọ thủy tinh cùng tên và địa chỉ liệt sỹ.
Tháng 6/1975, đoàn quy tập không tìm được hài cốt Huệ vì bom đạn đánh tan tành khu vực nghĩa trang. 20 năm sau, năm 1995, nhân một cuộc họp mặt, một chiến sỹ công binh ngày trước ở Trường Sơn đã nhặt được bài thơ này trên đường ra Bắc qua Phú Khao và mang trả lại cho chính tác giả trong nước mắt nghẹn ngào: "Nằm yên em nhé, ngủ ngon/ Để cho đầu cáng anh còn trở vai/ Đèo thì cao, dốc thì dài/ Vai đòn anh nghiến, phồng, chai, lại phồng/ Đau hơn là nỗi đau lòng/ Ghìm sâu tiếng nấc khỏi rung cánh đòn!/ Nằm yên em nhé ngủ ngon/ Máy bay giặc lượn anh còn ngụy trang/ Trời khô, đường nắng chang chang/ Võng thưa, máu giọt nóng bàn chân anh/ Lối vào trạm xá loanh quanh/ Em ơi đừng vĩnh biệt anh dọc đường/ Lời thương đồng đội, lời thương/ Những ai nằm lại chiến trường hôm nay".
Sau chiến tranh, anh Trọng Khoát về công tác ở Ban Ký sự lịch sử của Phòng sử - Ban Khoa học Tổng cục Hậu cần. Trọng Khoát cho ra đời 3 tập thơ, một tập văn xuôi và 3 tập ký sự đầy đặn. Nhưng nổi bật nhất trong những sáng tác của ông có lẽ phải kể đến tập thơ "Thơ viết về Trường Sơn" và tập văn xuôi: "Kể chuyện 12 con giáp Trường Sơn". Thơ Trọng Khoát hóm hỉnh, lạc quan, nhưng có những bài đọc lên ứa nước mắt...
Những năm 90 của thế kỷ XX, Nguyễn Trọng Khoát rất tích cực cộng tác với báo Thiếu niên Tiền phong. Trên cương vị Tổng Biên tập tôi đã nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Khoát đảm nhiệm chuyên mục “Kể chuyện Trường Sơn” của báo. Nhiều buổi sáng, anh đi bộ từ nhà ở khu tập thể Nam Đồng ra 107C Nguyễn Lương Bằng để gửi bài cho tôi kịp đăng báo. Anh đã có hàng chục truyện kể về những chuyện lạ, chuyện hay trong cuộc sống chiến đấu gian khổ và ác liệt của bộ đội ta trên đại ngàn Trường Sơn. Những câu truyện của anh được các em rất thích thú đọc. Tập sách “Kể chuyện 12 con giáp Trường Sơn” – (NXB Kim Đồng) chính là tập hợp từ một loạt bài báo của anh đã công bố trên báo Thiếu niên Tiền phong. Hôm ra sách, tôi là người đầu tiên được anh biếu tặng. Anh bảo: “Nhờ ông đặt hàng viết cho báo Thiếu niên Tiền phong mà tôi mới có tập sách này!”
Mới đây, anh Nguyễn Trọng Khoát còn thông báo qua Đại tá Thái Khắc Thế: “Tớ có 5 bài dự thi Hào khí Trường Sơn. Nhưng dạo này chân đau lắm không đến Hội được. Hôm nào nhắn Thành Long đến nhận bài cho tớ”. Thế mà chúng tôi chưa kịp đến nhận bài dự thi của anh thì anh đã ra đi.
Thế là năm Tuất này, Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã có 3 hội viên sáng lập Hội ra đi. Đầu tiên là nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trường Sơn – “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” – Vương Khánh Hồng đã đột ngột ra đi ở tuổi 76. Rồi nhà thơ – nhà giáo Mai Thanh Tịnh. Và bây giờ là nhà thơ Trường Sơn Nguyễn Trọng Khoát. Chúng tôi dự tính hôm nào tới anh để đề nghị anh chọn cho một vài bài thơ và văn xuôi viết về Trường Sơn hay nhất của anh để đăng trong 2 tập sách “Thơ Trường Sơn 60 năm” và “Văn xuôi Trường Sơn 60 năm” mà không kịp…
Trường Sơn mãi mãi nhớ về anh – người đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng và phát triển văn hoá văn nghệ của Trường Sơn. Người đã góp sức đầu tiên xây dựng nên tờ báo Trường Sơn ngày nào… Lính Trường Sơn mỗi khi nhớ đến nhà thơ Nguyễn Xuân Khoát, người ta rất ấn tượng về anh không chỉ là những bài thơ hay, những bài thơ “chính thống” mà còn cảm phục và nằm lòng nhiều bài thơ “tiếu lâm” Trường Sơn của anh. Thơ “tếu Trường Sơn” của anh rất đặc sắc, hóm hỉnh giầu chất xứ Nghệ. Những bài thơ vui ấy hôm nay đọc lên vẫn thấy sướng! Đã có người bảo Nguyễn Trọng Khoát là làm thơ “tếu Trường Sơn” không ai bằng!...
Thay mặt cho 174 hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn xin bày tỏ lòng tiếc thương – kính trọng và biết ơn anh – Nhà thơ Trường Sơn Nguyễn Trọng Khoát.
Xin vĩnh biệt anh! Mong anh thanh thản bên Chính uỷ - Nhà thơ Đặng Tính, Nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật của chúng ta ở cõi vĩnh hằng.
Nhớ mãi nhà thơ Trường Sơn Nguyễn Trọng Khoát!