Anh bộ đội cụ Hồ kính Chúa, yêu nước ,dự thi Hào khí Trường Sơn của Vương Văn Kiểm
Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn
Anh bộ đội cụ Hồ kính Chúa, yêu nước
Bút ký của Vương Văn Kiểm,Hội viên VHNT Trường Sơn
Đồng chí cựu chiến binh Nguyễn Quốc Trịnh tiếp bạn đồng ngũ trong căn phòng thoáng đãng, trên tường trang trí huân huy chương trang trọng, đối diện là ban thờ Chúa thiêng liêng. Điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng về nội dung bài bút ký “Anh bộ đội cụ Hồ kính Chúa yêu nước”. trong buổi chuyện trò vui vẻ, tôi ghi lại một số câu chuyện về đời anh:
Gia nhập quân đội
Năm 1966, học xong Phổ thông cấp 2, Đỗ Quốc Trịnh vào bộ đội, biên chế trong trung đoàn 83, huấn luyện ở Hòa Lạc rồi tham gia xây dựng sân bay Hòa Lạc. Do làm việc trách nhiệm, có sức khỏe nên anh được chuyển sang đoàn đặc công K28, chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ và đất bạn Cam Pu Chia. Suốt mười năm chiến đấu, Đỗ Quốc Trịnh tham gia hàng chục trận cam go ác liệt: Trận Đồng Soài, sân bay Minh Hòa, Phước Long, Bình Long, sân bay Cò Bơ (quận Mi Mốt, tỉnh Công Pông Chàm), Ba Khèn (trước đền Ăng Co), phá cầu Tà Trí, nhổ bốt Phum Ruột, Phum Cô v… v… Đại đội đặc công của Trịnh xuất quỷ nhập thần, địch không kịp trở tay, quân ta ít thương vong mà thắng lớn, đánh theo phương án “đánh trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch”. Lúc đó có tin đồn đại: địch mặc cả với ta: “nếu Việt Cộng không đánh đặc công thì Mỹ không sử dụng B52 ném bom”
Đỗ Quốc Trịnh không thể nào quên năm 1970 ta đánh sân bay Công Pông Chàm. Sắp đến giờ tấn công, trời bỗng đổ cơn mưa tầm tã. Con sông ôm lấy phấn lớn sân bay, như có con quái vật vùng vẫy cuồn cuộn dưới dòng. Hai mũi đặc công không thể vượt sông. Phía không bị sông án ngữ, mũi đặc công thứ ba áp sát mục tiêu chờ mãi không thấy lệnh phát hỏa, gần sáng lợi dụng địa hình địa vật, quan sát thấy các hố pháo, do ta bắn vào hôm trước, mũi đặc công nhảy xuống, kéo lá cây và cỏ héo che lên người. Phát hiện có dấu vết người vào sân bay, mấy tên Ngụy Lon non phát lệnh báo động, hò hét. Trên đường băng, tiếng giầy đinh “lộp cộp” bao nhiêu thì dưới hố trú ẩn, con tim quân ta “thình thịch” bấy nhiêu có lúc tưởng chừng tim bật ra khỏi lồng ngực. Chúng đi tuần tra cả ngày lẫn đêm, xì xồ ầm ĩ, chửi đổng bâng quơ mà không lùng sục hố bom, hố pháo. Nơi mọi người ẩn nấp chỉ cách đường băng khoảng 15 đến 20 mét, mà chúng không phát hiện ra. Năm ngày, nằm im lặng dưới hố, cái đói cái khát hành hạ ghê gớm. Phải lấy nõn cỏ nhai, dưỡng sức để về với đồng đội, bà con. May mắn cho các anh tìm được một số hộp sữa bò dưới hố, dùng tạm sữa còn sót ở đáy hộp, kéo dài sự sống, chờ ngày trở về. Năm hôm liên tục bị vây hãm trong vòng vây địch. Tối thứ sáu, lợi dụng khi chúng lơ là sơ hở, các anh bò ra khỏi vòng vây giây thép gai, về hậu cứ. Người nào cũng thấm mệt, nằm thở. Đúng là từ địa ngục trở về, còn gì sung sướng bằng. Thấy bộ đội về, Già làng Khơ Me gọi bà con đến chia vui, sai các con nấu cháo, quạt hơi cháo vào mũi cho tỉnh dần, sau đó bón từng thìa, không cho ăn vội vã. Trịnh nuốt được năm thìa cháo, mồ hôi tứa ra đầm đìa. Nghỉ một chốc lại ăn. Bát cháo hành thơm phức và những bàn tay mềm mại xoa nhẹ vào người các anh như liều thuốc tiên. Anh Trịnh xúc động: “Nếu không có kinh nghiệm cứu chữa, thì chúng tôi đã về với Tổ Tiên rồi. Xa quê hương, bố mẹ; nay có già làng - người bố thứ hai chăm sóc, hạnh phúc nào hơn !”
1
Ta giải phóng tiếp phum Tà Ong, ngay sau đó một sự việc bất ngờ xẩy ra:
quân ta cứu một cháu gái tên là Ái người Cam Pu Chia gốc Việt 14 tuổi thoát khỏi
vòng tay một lão già ích kỷ hiểm độc - ruồng bỏ người vợ già, bắt cháu Ái là con gái riêng của vợ, làm vợ thứ hai của mình. Đến năm 1973 anh gặp lại cháu trong tư thế nữ giải phóng quân dũng cảm
Đất nước thống nhất, Đỗ Quốc Trịnh phục viên
Tháng 12/1976 anh được quyết định phục viên hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc da cam. Lúc rời quân ngũ, tài sản chỉ có: chiếc ba lô, một khung xe đạp, một chiếc đài bán dẫn. Bố mẹ anh rất nghèo, sinh hạ 7 con. Đỗ Quốc Trịnh bán chiếc đài được 450 đồng, lấy tiền mua sách vở quần áo cho em út, và mua vành bánh, xăm lốp... dựng nên một chiếc xe đạp, cho em út đi học. Lúc đó, đời sống nhân dân rất khó khăn: lúa bị rầy nâu phá hoại, cả làng phải ăn “sắn cõng gạo”. Đỗ Quốc Trịnh lao vào canh tác theo mô hình VAC, việc chính là làm ruộng, làm vườn, còn làm thêm các việc khác như: đi thiến lợn, thiến gà, khám chữa bệnh cho bà con, người nào nghèo đến khám, anh không nhận tiền thù lao. Mỗi chuyến đi thiến một trang trại lợn có từ 30 đến 50 con, nhận được hơn trăm đồng tiền công. Ba chuyến như vậy, anh mua được một cái xe đạp Thống Nhất, lúc đó xe đạp rất hiếm, cả làng chỉ có một vài chiếc. Bàn tay cần cù chịu khó của anh động đến vườn, vườn trở nên xanh tốt; chạm đến ruộng - lúa mẩy bông cho năng xuất cao. Anh chú ý cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện đầu tiên trong xã “lúa tráo mạ” - nhổ xong mạ, vãi phân đủ, trồng lúa luôn, không để đất nhàn rỗi. Khi cấy lúa, mỗi khóm chỉ 3 đến 5 rảnh, nhiều rảnh quá sẽ bị “ung thối”, anh bón lót 70% phân, bón thúc 30% phân, như vậy khi bén rễ, lúa lớn rất nhanh, năng xuất cao, nơi “lúa tráo mạ” cấy muộn, nhưng gặt sớm. Sáu khấu vườn trồng sắn giây, một lần thu hoạch 33 cân bột sắn (9 khấu đất bằng 1 miếng đất), số lượng bột sắn đó quy ra thóc được 6, 3 tạ thóc. Có vồng sắn kỷ lục, cả làng đến xem. Đạt được kết quả đó, anh chăm bón rất kỳ công: băm chuối trộn phân lợn đổ xuống hố, móc bùn trùm lên, tra giây sắn xuống. Năm thứ hai trồng sắn , anh lại thay đất khác. Anh không để thời gian lãng phí, làm vườn xong, một mình đào ao thả cá. Ngày ngày, anh cởi trần, tay cầm cán mai, chân nhấn vai mai. Bẩy liên tục được 10 tảng đất (mỗi tảng nặng 70 - 80kg). Bỏ mai ra, vác đất lên vai, đưa lên bờ. Tôi hỏi: “Nặng thế, anh vác sao nổi”. anh trả lời: “lúc đó, khỏe lắm, 70 – 80kg vác ... đi nhẹ nhàng”. Mồ hôi nhễ nhại, bàn chân và đôi tay sưng rộp, anh không nản. Cứ thế, một tuần đào xong ao. Một mình đào ao, khách ngạc nhiên, đến xem đông. Báo Nông Nghiệp đăng tin: “Muôn cách làm giầu” ca ngợi cách làm ăn của anh.
Cách làm của anh: “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển kinh tế, không phải vay ngân hàng một đồng. Nhà nước mở cửa, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển. Đỗ Quốc Trịnh mua đất cạnh sông Ninh, mở xưởng đóng tầu vỏ thép, tạo cơm ăn việc làm cho hàng trăm người. Nghề đóng tầu gặp khó khăn, anh quay sang mở công ty Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh đầu tư thương mại, bán sắt thép xi măng, sản xuất gạch ba banh. Hiện nay công ty có khoảng 30 công nhân, hai cẩu sàn, 4 cần cẩu quay, 2 máy xúc (1 xúc đào, 1 xúc lật), một đội xe tải (8 chiếc xe). Mỗi khi khách hàng: “A lô, đưa vật liệu...”, đội xe phục vụ ngay. Hiện tại doanh số công ty: có khoảng 4, 9 tỷ đồng
2
Người bạn đời của anh – chị Lê Thị Bính là phụ nữ rất đảm đang, luôn bàn kế hoạch kinh doanh, nuôi dạy con cái chu đáo. Các con anh đều thành đạt.
Con Đỗ Cao Nguyên đi bộ đội, nay trở về làm công việc kinh doanh. Ba người con tốt nghiệp đại học (Đỗ Quốc Hiệu, Đỗ Văn Hóa, Đỗ Thị Ngọc) đều có vị trí trong xã hội
Khi ăn nên làm ra, công ty ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, tạo điều kiện cho đồng đội, bà con có công việc, ổn đình đời sống. Đỗ Quốc Trịnh tìm bạn chiến đấu năm xưa ở chiến trường, chia sẻ vui buồn với nhau. Đoàn đặc công 117 đa số nghèo, lại bị bệnh tật, thương tật, thỉnh thoảng họp tại nhà anh thường vào ngày 30/4. Hội Truyền thống trung đoàn 83 họp mặt liên hoan ngày 1/1 đầu năm và ngày 19/8 cũng tại nhà anh, anh sẵn sàng tài trợ. Mỗi khi họp mặt, thấy đồng đội khó khăn, Đỗ Quốc Trịnh tận tình giúp đỡ. Anh tài trợ cho đồng chí Quý – đặc công chuyển ngành làm chi cục phó chi cục thuế Uông Bí - Quảng Ninh, đồng chí Thắng đặc công, quê ở Hải Phòng - vợ liệt 7 năm... Đoàn 117 gồm những người ở miền Bắc kể từ Nghệ An trở ra, sinh hoạt với nhau, một số hy sinh, một số bệnh tật, già cả qua đời, nay chỉ còn chín người. Anh nhắc lời Bác Hồ cho con cháu hiểu: “Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào - cũng đánh thắng” “Trong chiến trường, bố đã làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước. Về đời thường, nhà ta đã đóng góp với quê hương. Nhiều đồng chí của bố còn nằm trên đất bạn, bố may mắn còn sống, thật hạnh phúc vô cùng cho nhà ta... có ngày hôm nay. Chúa dạy chúng ta “phải có lòng thương yêu mọi người” Nhà mình có điều kiện thì đóng góp giúp đỡ người khó khăn. Kính Chúa và yêu nước gắn liền với nhau” Đỗ Quốc Trịnh nhắc nhở các con.
Với những thành tích xuất sắc, đồng chí được tặng thưởng huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huân chương giải phóng hạng 1, hạng 2, hạng 3, huân chương chiến công hạng 2 và nhiều giấy khen, bằng khen.
Đỗ Quốc Trịnh luôn là Cựu Chiến binh mẫu mực, đại diện đoàn Đặc công 117 đi dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Điện Biên .Nghe đồng chí Đỗ Quốc Trịnh kể, trong tôi như thấy hiện ra hình ảnh cuốn phim về anh bộ đội Cụ Hồ dũng cảm trong chiến đấu, kính chúa yêu nước
Địa chỉ người gửi: Vương Văn Kiểm cựu chiến binh, hội viên hội VHNT Trường Sơn
47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, tp Nam Định Đt 081 723. 0806
Địa chỉ nhân vật trong bút ký: Cựu chiến binh Đỗ Quốc Trịnh – Công ty Cổ phần 27/7 Sông Ninh, xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định. Đt : 0915. 194. 547