Một ngày ở Lùm Bùm, ký dự thi 60 năm Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn của Nguyễn Văn Mão

Ngày đăng: 10:54 08/03/2019 Lượt xem: 476
Bài Tham Dự Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Truyền Thống Bộ Đội Trường Sơn.
 
 
                                        MỘT NGÀY Ở LÙM BÙM
 
                                                        NGUYỄN VĂN MÃO
 
        Đại đội 51 - thuộc tiểu đoàn 66 Trung đoàn 11 có hậu cứ tại Lùm Bùm để làm nhiệm vụ vận chuyển từ Nậm Khằng đi Mường Phin theo đường 128. Địa bàn này trước đây đã từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của cuộc hành quân Lam Sơn 719 mà Mỹ Ngụy phát động nên chiến sự thường vẫn diễn ra ác liệt.

       Với cung đường khoảng 80km, yêu cầu đội hình phải đi về trong một đêm. Mỗi xe phải đạt từ 22 đến 25 chuyến trong một tháng. Bởi vậy cường độ hoạt động của cánh lính lái xe từng ngày vất vả biết chừng nào?

     Tảng sáng cách gì cũng phải về cho được hậu cứ. Tấp xe vào bãi, việc đầu tiên là tìm gặp tổ trưởng thợ khai báo tình trạng kỹ thuật để được sửa chữa, những hư hỏng bình thường thì lái xe tự làm, những hư hỏng vượt quá khả năng thì yêu cầu thợ caa đại đội. Tiếp theo là về lán tranh thủ làm một giấc, cũng có anh xuống gần xe, có anh mắc võng bên bờ suối để chợp mắt. Chẳng ai thèm rửa tay chân mặt mũi nữa.

       Đến khoảng 9 giờ sáng, toàn đại đội được báo thức dậy, ăn cơm trưa và tranh thủ sinh hoạt trung đội chớp nhoáng, để rút kinh nghiệm chuyến đi và phổ biến nhiệm vụ tiếp theo sau đó đánh xe ra kho lấy hàng, cách đó khoảng 3 cây số.

       Lùm Bùm là một cánh rừng khá rậm rạp, nhiều cây cổ thụ tán lá rộng, địa hình khá bằng phẳng, một con suối nhỏ chạy qua đủ nước sinh hoạt cho một đại đội. Nơi đây rất tiện lợi cho hàng chục xe trú ngụ mà kẻ thù không hề hay biết. Mặc dù từ mờ sáng cho đến lúc mặt trời lặn không lúc nào trên trời vắng tiếng vu vu của “tàu càng” OVIO và thỉnh thoảng thằng F4 đảo qua đảo lại tìm kiếm mục tiêu.

       Lấy hàng xong, đánh xe về bãi, kiểm tra kỹ thuật, lấy xăng dầu, lấy vật liệu dự phòng, ngụy trang xe, chằng chèn hàng hóa. Đặc biệt “Công” lại ốc quang nhíp thì xe nào cũng phải làm sau mỗi chuyến đi đối với Zin 130. Loại xe một cầu này có tầng nhíp cao, hệ số trọng tải lớn, tốc độ nhanh nên dễ xô nhíp khi đường gập ghềnh hoặc lên đèo cao. Ngần ấy việc thôi nhưng chẳng bao giờ dừng tay, nếu trôi chảy thì cũng phải mất 3 đến 4 giờ chiều mới gọi là hoàn tất. Ăn cơm chiều xong đội hình bắt đầu tiếp cận mé đường chờ đến xẩm tối mới được lệnh xuất kích.

      Thật là thiêng liêng, thật xúc động bồi hồi, chỉ có một đêm ra trận, nếu trôi chảy thì sáng mai lại gặp nhau nhưng cảm giác của mỗi người thật khó tả, vừa thương yêu quý mến và như gửi gắm điều gì, tâm trạng như những chuyến đi xa. Bởi cũng trên cung đường này sau mỗi xe đã có những bạn bè, đồng đội ra đi không bao giờ về nữa. Trước giờ lăn bánh, đại đội, trung đội đều đến từng xe bắt tay động viên nhắc nhở. Tiểu đội kiểm tra xem đã đội mũ sắt, mặc áo giáp, đeo khẩu trang hay chưa? Rồi súng đạn, nước uống, bông băng cá nhân...?

     Mùa khô bụi đường mờ mịt, mỗi xe cách nhau hàng cây số mà vẫn chưa hết bụi. Đèn gầm chỉ là một quầng vàng nhạt, xe chỉ chạy theo vệt mờ mờ của làn bụi và trí nhớ sau nhiều chuyên đi. Đoạn nào cua ngoặt, đoạn nào nhiều ổ voi, đoạn nào sắp qua đèo... Nhớ lại dạo đi chuyến đầu tiên thật là khó khăn, xe cứ bò số 3, mắt căng ra mà vẫn có mấy lần sắp nhảy xuống hố bom. Dọc đường cây rừng cháy âm ỉ, tàn lửa thỉnh thoảng lại bùng lên, tiếng máy bay phản lực gầm rú, rồi bom từ trường, bom nổ chậm chắn đường, công binh yêu cầu đi đường tránh... Lúc nào mắt cũng cay xè vì bụi, vì mất ngủ, đầu óc căng ra để xử lý mọi biến cố, kể cũng rợn người. Còn bây giờ thì mọi việc đã quen dần.

     Giao hàng xong, mờ sáng phải trở lại Lùm Bùm, anh nào anh nấy từ đầu đến chân là một màu vàng của bụi, thỉnh thoảng móc từ trong lỗ mũi ra thì bụi đã thành bùn đất. Sau một đêm gặp lại nhau tay bắt mặt mừng như đã xa nhau từ lâu. Và một ngày mới lại bắt đầu. Cứ thế - cứ thế, ngày lại tiếp ngày.

      Đã bao chuyến đi về trên cung đường này trong một mùa vận chuyển, tôi không thể nào nhớ hết được, nhưng chuyến xe đêm ngày 18 tháng 3 năm 1972 thì mãi mãi không thể nào quên được. Một chuyến chở đầy thuốc nổ, hai lần bị đánh mà vẫn thoát thân.

        Đêm đó trời có trăng, bầu trời sáng hơn, mặt đường hiện rõ nên đội hình xe chạy cũng khá nhanh. Đến km 24, bỗng dưng một tiếng nổ trên đầu phát ra, kèm theo là một tia chớp xanh lè và tiếng phản lực xé tai, tôi biết ngay là pháo sáng hoặc bom bi rồi. Lập tức tôi đánh ngoặt tay lái lao xe vào một mang cá gần đó. Mang cá là một vệt đường cụt, thường cách mặt đường khoảng 30m do công binh làm để cho xe tránh mặt đường khi bị phát hiện. Thỉnh thoảng vài cây số lại có một mang cá như vậy. Tôi cầm súng nhảy ra ngoài buồng lái, một vùng sáng như ban ngày. Tôi nhìn xe thì cành lá ngụy trang cũng đã hòa lẫn vào cây rừng xung quanh nên chắc gì chúng nó đã thấy. Tôi ngồi xuống tựa lưng vào bạnh một câysăng lẻ rất to. Thằng phản lực thứ hai bổ nhào một loạt đạn 20 ly chát chúa, mảnh đạn bay vèo vèo hòa lẫn tiếng cao xạ của ta từ quả đồi bên kia tấp nập bắn lên. Một lát sau một loạt đạn nữa lại xả xuống mặt đường nhưng có vẻ xa hơn. Một quầng lửa phát ra từ lòng đường phía trước và lửa ngày một bốc cao, như vậy là đã có xe cháy rồi. Hiệu lệnh súng cấp cứu vang lên liên tục. Thì ra dưới ánh đèn pháo sáng chúng đã phát hiện ra đội hình xe của chúng tôi.

        Khi tiếng máy bay xa dần, tôi đứng lên quan sát, xe đã nghiêng hẳn về bên trái vì hai lốp sau không còn lấy một tí hơi. Như một cái máy, tôi kích xe, tháo lốp, lắp hai chiếc xăm dự phòng thay vào.

       Đến km 72, khi chỉ còn cách nơi trả hàng khoảng 6km, tôi bỗng nghe tiếng súng của công binh một chốt nào đó báo hiệu có máy bay AC130. Đây là loại máy bay chuyên hoạt động về ban đêm, bay không cao, tốc độ chậm nhưng nó được trang bị rất hiện đại, có phương tiện phát hiện từ trường, dùng tia hồng ngoại để nhìn rõ mọi vật trong đêm, xác định tín hiệu phát ra nổ của các loại xe cơ giới. Từ đó định vị mục tiêu và điều khiển loại pháo 40 ly bắn tự động. Vì thế khi nó đã bắn đâu thường là trúng đấy. Một thời nó là thằng nguy hiểm nhất cho cánh lái xe chúng tôi trên tuyến đường Trường Sơn này. Tôi tắt máy, dừng xe, nhảy ra ngoài buồng lái thì tiếng máy bay đã nặng trịch trên đầu. Nguy to rồi, chắc chúng đã nhìn thấy mình. Phía sau một xe nữa cũng đã bám theo, tôi kịp ra hiệu để đồng đội tìm đường mà tránh. Biết được đặc tính của loại AC130, khi phát hiện được mục tiêu nó cũng không thể bắn ngay được mà phải vòng trở lại mới thực hiện được ý đồ. Tôi nhảy lên xe chạy khoảng 100m thì một loạt tiếng nổ cách quãng rất đanh, lập tức tôi đánhngoặt tay lái cho xe lách qua những cây khộp to để đánh lạc hướng địch. Tạt qua được khoảng 20m thì tay lái nặng dần, cuối cùng không thể đánh được nữa. Tôi nhảy xuống xe, lại một loạt 40 ly nổ inh tai. Pháo ta cũng bắn tới tấp, những đường đạn đỏ đan chéo nhau sáng rực. Một lát sau, tiếng AC 130 cũng xa dần. Tiếng súng cấp cứu dồn dập, như vậy là có sự chẳng lành. Dưới ánh trăng lờ mờ, tôi nhìn thấy lốp trước bên phải xẹp hẳn. Tôi đi một vòng xung quanh xe, dùng tay kích gõ nhẹ vào lốp kiểm tra. Cởi bỏ áo giáp, mũ sắt cho nhẹ người, rồi tháo lốp, vá xăm. Một mảnh đạn cắm vào lốp rất sâu, phải dùng kìm kéo mãi mới lấy ra được. Lỗ thủng của xăm hơi to nên cũng khó vá và xem ra cũng không đảm bảo lắm. Để chắc chắn, tôi đành phải tháo một lốp sau đổi lên phía trước. Cánh lái xe sợ nhất là xẹp lốp trưóc đột ngột khi xe đang chạy vì dễ lao xuống vực như chơi. Chủ yếu cứ mò mẫm trong đêm để sửa chữa xe bằng những thao tác khéo léo, chính xác, cũng là một đặc trưng của cánh tài xế Trường Sơn.

        Lúc này hai tay tôi mỏi nhừ, người mệt nhoài, cũng vì một phần cơn sốt rét chỉ mới cắt cách đây vài ngày. Giá như bây giờ chỉ cần nghiêng lưng một cái là ngủ được ngay. Tôi lấy bình tông nước hớp một ngụm để lấy sức và nổ máy, lùi xe ra. Không hiểu sao khi lao xe vào thì nhanh gọn đến thế, bây giờ lùi ra thì mắc ngược mắc xuôi và cuối cùng phải chặt bớt một số cây mới lùi ra được. Trên đường, xe của đổng chí Minh bị hỏng két nước, gãy cánh quạt, đang khắc phục và hai xe ngược chiều của đơn vị bạn bị hỏng nặng và có người hy sinh. Vật lộn mãi thì hai giờ sáng chúng tôi cũng vào được kho trả hàng, gần 5 tấn TNT được bốc xuống sàn kho mà lòng nhẹ nhõm. Có lẽ trong vận chuyển ở chiến trường nan giải nhất là chở xăng hoậc thuốc nổ, bởi khi trúng đạn thì hậu họa khôn lường.Trên đường về, xe cứ nhảy tâng tâng với những ổ voi, ổ gà. Loại xe một cầu này khi không chở hàng đi trên đường xấu cũng mệt lắm, sẵn sàng đón nhận những cú xóc nảy người. Thằng F4 vài lần thả pháo sáng nhưng có lẽ không phát hiện được mục tiêu nên nó cũng chuồn. Thỉnh thoảng vẫn văng vẳng tiếng AC130 nhưng rất xa, có lẽ nó đang canh ở phía đèo Tha Mé.

       Không biết làm sao, xe tôi chạy không mà hình như máy yếu dần và có vẻ nóng lên. Tôi dừng xe lại, kiểm tra nước vẫn đủ, sờ tăng bua không nóng, nghĩa là không bó phanh. Kiểm tra dầu máy thì thiếu hơn một nửa. Tôi lấy đèn công tác chui xuống gầm kiểm tra thì phát hiện ra những giọt dầu đang thúc thắc nhỏ xuống từ đáy cát - te. Đèn công tác được bọc kín bằng nhiều lớp vải, chỉ khoét một lỗ nhỏ bằng hạt ngô cho ánh sáng lọt ra nên phải soi đi soi lại nhiều lần mới phát hiện ra thủ phạm. Tôi lau sạch chỗ giọt dầu thì một vùng lõm bằng đồng xu hiện ra và hằn sâu một vết nứt. Thì ra khi bị thủng lốp trước cũng là lúc có mảnh đạn bắn vào làm nứt đáy dầu mà tôi không hề biết. Tôi quyết định đưa xe lên khỏi dốc, tìm chỗ có mang cá, đánh xe vào chờ xe hộ tống của đơn vị ra, lấy dầu đổ bổ sung mà chạy tiếp. Vì từ đây về hậu cứ chỉ còn gần chục cây số nữa thôi. Nhưng khi xe bò gần hết dốc, đã về số một mà vẫn không lên nổi. Nguy to rồi, như vậy là có hiện tượng bó biên. Bây giờ không có cách nào khác là phải chờ xe đơn vị lên kéo về. Lúc này lòng tôi như lửa đốt vì trời cũng đã gần sáng, giá như không về được, sáng ra phải làm mồi cho “tàu càng” là cái chắc. Nếu may mắn dấu được thì mĩnh cũng mất đi một chuyến hàng. Mà một chuyến hàng đưa ra phía trước lúc này có ý nghĩa biết bao. Rồi năm phút, mười phút trôi qua, thời gian chờ đợi sao mà lâu đến thế. Thỉnh thoảng vẫn có xe ra nhưng lại là xe của đơn vị khác, họ cũng đang hối hả với thời gian. Tôi cứ đi đi lại lại, đứng ngồi không yên. Kia rồi một xe nữa đang lại gần, khi tôi cất tiếng gọi thì xe dừng lại, đại đội phó Lương Quang Lịch và thợ sửa chữa Nguyễn Đăng Toán từ trên thùng xe nhảy xuống. Vì còn phải kéo một xe và trong buồng lái có chở người bị thương nên phải đưa gấp về đội phẫu thuật. Lấy một ít dầu từ xe hộ tống, Toán ở lại cùng tôi khắc phục.

       Toán quê ở Hải Phòng, cũng là lính “bảy mươi” có chăng thì hơn kém nhau một tuổi là cùng. Sống với nhau đã hơn một mùa khô nên chẳng lạ lẫm gì nhau nữa. Vốn là người khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hay cười và mỗi khi cười thì hai mắt nhắm tít lại nên anh em thường gọi là Toán “híp”. Ở chiến trường, anh lính nào cũng có một cái tên đệm kèm theo, thông qua hình dáng, diện mạo hoặc đặc tính cá nhân. Tôi được gọi là Mão “cọt”. Rồi nào là Hùng “bầu”, Trường “tời”, Cường “cối”..., và anh nào cũng chấp nhận cái tên đó. Lâu ngày gọi thế hóa quen, nghe cũng hay hay. Đó cũng là niềm vui, sự gây cười sảng khoái, sự đồng cảm sâu sắc giữa đại ngàn Trường Sơn nơi bom rơi đạn nổ từng giờ.

       Mọi việc làm lúc này phải hết sức khẩn trương, hai đứa chui xuống gầm xe. Tôi soi đèn công tác và lấy mũ sắt hứng dầu còn lại trong máy mà Toán tháo ra. Đáy dầu được hạ xuống. Tôi dùng tay quay nhích máy để Toán kiểm tra, máy có nặng nhưng cũng không đến nỗi nặng lắm. Ốp tay chuyền của máy số một và máy số hai đã được tháo. Toán bảo tôi nhích máy và lần này thấy nhẹ hơn nhiều. Từ gầm xe Toán cho biết chỉ bó biên hai máy nhưng máy số hai nhẹ hơn, vì thiếu dầu nên khi lên dốc dầu dồn về phía sau. Biên thay thế lúc này không có, nếu có thì giữa đêm hôm thế này cũng không thể cạo, không thể căn chính xác được. Với kinh nghiệm của mình Toán lấy cái thắt lưng da đang dùng, đo đi đo lại, cắt ra bốn đoạn, mỗi đoạn dài khoảng sáu xăng ti mét để tí nữa ốp vào bốn má của tay chuyền. Sau đó xé hẳn một miếng vải từ cái áo cổ vuông mà tôi đang mặc làm thành một sợi dây cuốn vào trục cơ rồi nằm ngửa xuống gầm xe, hai thằng thay nhau kéo đi kéo lại để làm giảm độ xước của cổ trục. Chao ôi, cái động tác này làm sao mà mỏi tay đến thế, thỉnh thoảng bụi trên xe lại rơi xuống mắt cay xè. Đôi tay Toán thoăn thoắt, thao tác khéo léo thành thục. Tôi nhanh chóng đổ dầu vào, dùng tay quay tua thử một vòng, máy đã nhẹ gần như cũ. Thế là tạm ổn rồi. Tôi nổ máy và lao xe đi, lúc này đường có vẻ rõ hơn, phía đông trời như đã phơn phớt màu hồng. Bây giờ, chớp lấy thời gian là trên hết, thế là bao nhiêu ổ trâu, ổ voi trên đường là tôi “mua” hết, hai thằng như nhảy múa trong xe, đầu đội móc buồng lái liên tục, may nhờ cái mũ sắt đỡ cho.Thấy tôi chạy nhanh Toán nhắc: “Khắc phục như vậy chỉ là giải pháp tình thế để cấp cứu xe mà thôi”.

       Và tảng sáng xe tôi cũng về được Lùm Bùm, chuyến này đại đội có hai xe không về được vì hỏng nặng phải nằm dọc đường chờ tối nay đưa phụ tùng vào sửa chữa.
Trên đầu tiếng OV 10 lại vu vu và bắt đầu một ngày mới./.
 
 

tin tức liên quan