SỐT RÉT
Đoàng … Đoàng. Tiếng súng AK bắn hỏi rất gần. Tôi bật dậy, hú hú nhưng khẽ khẽ, rồi hụt hơi, không ra tiếng. Đầu óc tỉnh táo, nhưng chân tây run rẩy, tôi đổ vật xuống vì hoa mắt và sức khỏe suy kiệt. Anh Sinh nhao đến đón tôi, vừa nghẹn ngào, vừa như có vẻ bực dọc:
- Cậu vứt gậy đâu rồi?
- Không biết em để rơi đâu mất
Lúc sáng đi, hai tay tôi hai gậy, anh Sinh mang ba lô giúp tôi, vậy mà tôi bỏ gậy, đi tay không từ lúc nào không biết nữa.
- Có mấy bước mà đi cũng lạc. Tớ đi tìm cậu hết cả hơi, bây giờ phải đi nhanh lên, sắp tối rồi. Anh dìu tôi đi.
….
- Phải bám sát đội hình chứ.
….
- Phải nhìn vết cây vạc mà đi chứ.
"Lần sau…." "Lần sau…."… Anh Sinh cứ nói, lâu lâu lại nói, tôi cứ im lặng, chẳng có gì mà nói lại cả, những điều anh ấy nói tôi biết cả rồi, tôi sơ ý một mới nên cơ sự này. Vả lại vừa mệt, vừa khô cả cổ họng chẳng nói được, chỉ gắng gượng, mệt mỏi đi theo anh. Cái bình tông của anh Sinh kêu long tong, tôi biết là anh cũng hết nước uống nên không giám hỏi. Đi được một đoạn, còn ít mồ hôi nào vã ra nốt, thân hình mệt mỏi như muốn đổ vật xuống, khát nước. Tôi thầm lo, không biết còn xa không? Liệu mình có đủ sức để đi đến nơi không? Áng chừng anh Sinh cũng mệt lắm rồi.
Anh Sinh người Yên Bái, gốc gác ở Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình. Tôi là một trong số lính mới được cho là ngoan, thuần và chăm chỉ thạo việc như con dao pha. Cái gì cũng biết, cuốc đất, chặt cây, đào gốc, tra cán cuốc xẻng, đẽo cán gỗ, chặt tre, chẻ tre … Hàng ngày tuy khác tiểu đội, nhưng anh Sinh quý tôi lắm, nay tôi sa cơ, dẫu có bực mình lắm anh cũng chẳng nỡ nặng lời với tôi. Đi khoảng 20 phút, tôi đang nghĩ mung lung, anh Sinh nói:
- Ngồi đây nghỉ chút đi.
Tôi mừng thầm, mừng lắm, cũng vì sợ tối nên dù mệt lắm mà không giám xin nghỉ giải lao. Tôi ngồi tọt xuống khe, dựa lưng vào ổ giun. Mắt hoa, chân tay rời rã, người nhớp nháp, bẩn thỉu, ngứa ngáy, mùi mồ hôi khô cháy, xen lẫn mùi mồ hôi mới, mùi đất ổ giun, mùi nước đái thú rừng … gây gây, ngai ngái, buồn nôn.
Vài phút sau, anh Sinh quay lại, dắt tôi đứng dậy, đưa cho tôi cái gậy, dắt tôi được mươi bước anh để tôi loạng choạng tự đi. Tuy đi theo anh, nhưng mắt tôi không rời vết cây vạc. Mặt trời đỏ ối, đang chìm dần xuống sau rạng tre ven bờ sông Sê Công. Vừa đi, vừa nghỉ, chừng nửa tiếng sau chúng tôi đến bến đò sông Sê Công. Bến đò nằm ngay dưới một cây cổ thụ ngả xuống ven sông mát rượi. Vớ được nước, hai anh em vã vã lên mặt, tỉnh táo hẳn ra. Anh Sinh bảo:
- Này, chỉ xấp giọng thôi, đừng uống nhiều đấy nhé.
- Vâng, em biết rồi!
Thú thực, lúc ấy tôi đã uống vài ngụm rồi. Nước vào đến đâu biết đến đấy. Sau mấy tiếng hú của anh Sinh, một chiếc thuyền độc mộc bên kia sông lao sang, đưa chúng tôi qua sông. Sang sông, đi chừng mươi phút là tới đội điều trị K6. Bàn giao tôi cho đồng chí y tá, anh Sinh vội vàng về đơn vị.
*
* *
Trong đội hình hành quân vào đơn vị suốt ba tháng rưỡi, tôi được coi là người khỏe nhất tiểu đội, người duy nhất chưa bị sốt rét. Vào tới đơn vị vì chiến dịch rất gấp nên chúng tôi chỉ được nghỉ 2 ngày. Ngày 7/12/ 1970 hành quân về vị trí đóng quân và triển khai công việc ngay. Tiểu đội tôi do anh Bàn, người Tiên Lữ, Hưng Yên làm tiểu đội trưởng. Chúng tôi về tổ chức barie tại km 7 đường 49A, Bắc suối Tà Ngâu, một địa điểm khá bất ngờ dưới gốc cây Cà boong to, cạnh đó là một khóm le diện tích phủ kín khoảng 20m2. Mới đầu mùa khô nên tất cả cây cối đều xanh tốt. Tà Ngâu (Mắt trong), vị trí chúng tôi ở là biên giới giữa hai nước Lào - Cămphuchia, cách ngã ba Đông Dương đường Tây Trường Sơn - lối vào S9, điểm 5 (chỉ đường vào chiến trường B3 qua Bờ Y sang PLây Kần, theo cách gọi của mấy anh cựu binh) hơn 7 km. Để đối phó với âm mưu ngăn chặn của địch, ta phải làm 4 đường ngầm qua suối Tà Ngâu. Barie km 8 của chúng tôi được coi là chốt chính, nằm trên trục chính.
Đơn vị bước vào chiến dịch tổng công kích chào mừng 26 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1970), 10 năm, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 - 20/12/1970) và chào mừng chuyến xe đầu tiên từ hậu phương lớn vào. C2, d95, BT 50, f470 có nhiệm vụ mở đường thông tuyến 49A từ ngã 3 Đông Dương Tây Trường Sơn vào đến Bắc sông Sê San. Thi công các đường ngầm và đường tránh qua suối Nậm Pa, huội Nước Trong, huội Ông Giảng .... Trên trục đường chính và đường tránh, cứ khoảng 100 - 200m lại làm một hầm chữ A, gần trọng điểm thì khoảng cách hầm chữ A càng dầy hơn, đề phòng các lực lượng của ta đang cơ động trên đường bị máy bay địch tấn công. Chỗ nào có điều kiện thì làm các mang cá để cất dấu xe. Chuẩn bị tinh thần và công cụ sẵn sàng phá gỡ bom mìn, khắc phục hậu quả để thông đường trong mọi tình huống.
Đang vào giai đoạn gấp rút hoàn thành chiến dịch mở đường thông tuyến, ngày 17/12/1970 tôi bị sốt rét. Rồi cách một ngày sốt một cơn (chúng tôi gọi là trận), y tá và cựu binh bảo là tôi bị “Sốt rét cách nhật”. Cứ ngủ trưa dậy một lúc là người gai gai sốt, đau đầu, mỏi gáy, buốt sống lưng, ấn hai tròng mắt thấy đau đau, khát nước, khô miệng, thèm chua, chân tay nhức mỏi... Đợt đầu tôi bị sốt 3 trận, thân nhiệt chỉ 38,2 oC đến 38,8oC, chỉ uống mấy viên thuốc “ký ninh” là cắt cơn. Tuy sốt nhưng tôi chưa nghỉ buổi nào, ban ngày vẫn ra tuyến, ban đêm vẫn đảm nhiệm ca gác. Ăn tết Dương lịch xong, ngày 08/Giêng năm Tân Hợi (1971) chúng tôi đón chuyến xe đầu tiên từ miền Bắc vào.Sau gần một tháng, ngày 06/02/1971 tôi bị tái phát sốt rét, đợt này bắt đầu rét, càng về cuối cơn rét càng kéo dài. Rét, rét lắm, rét run cầm cập, rét từ trong bụng rét ra, hai hàm răng cắn chặt như muốn vỡ tung cả hàm răng ra mà vẫn không khỏi rét. Thân nhiệt lúc sốt lên trên 39oC. Kỳ này sau 5 trận mới cắt cơn.
Sau khi hoàn thành thông đường, đại đội tôi để Trung đội 2 làm nhiệm vụ cơ động, chủ yếu là đào hầm ven đường, làm các mang cá, chặt long đanh và khai thác đá dự trữ, còn lại hai trung đội chia nhỏ ra các chốt, mỗĩ chốt từ 4 đến 5 người. Nhiệm vụ chủ yếu là ban ngày thì đi kiểm tra, bảo đảm thông đường, sửa lại ngụy trang, san lấp ổ gà; ban đêm đón xe vào, ra. Nếu tuyến mới thì đi cùng xe dẫn đường đến barie bạn.
Lần thứ ba, tôi bị tái phát sốt rét, quyết liệt ngay từ đầu, thân nhiệt cao hơn, cơn rét kéo dài hơn. Sang ngày thứ 2, tôi đã phải tiêm mông. Ai đã từng tiêm mông ở Trường Sơn hẳn còn nhớ. Đau ơi là đau, tiêm xong hắn phồng lên bằng lòng bàn tay ở mông, phải lấy nước nóng đổ vào bình toong chườm cho tan dần. Lúc ấy người gầy đét, to cao như tôi mà chỉ còn khoảng 38 kg, cơ bắp không còn là bao nên khi tiêm mông càng đau. Tuy sốt cao, nhưng tôi vẫn xin được có mặt cùng anh em ra tuyến. Thấy anh Bàn bảo tôi nghỉ ở nhà tôi không chịu, mấy "Ông bạn vàng" trong tiểu đội, trong đó có thằng B, quê ở Lô Giang (ĐH), thằng S, quê ở Đồng Thanh (VT) kê kích: "Cứ để nó đi, nó đang phấn đấu mà". Tôi khó chịu lắm, nhưng tôi mặc kệ chúng nó. Đối với tôi, tuổi trẻ phấn đấu vươn lêm đó là lẽ đương nhiên. Nếu con người ta sống không có lý tưởng, không có ước mơ, hoài bão thì cuộc sống không có ý nghĩa. Bằng ấy con người, bằng ấy công việc, mình không làm thì người khác phải làm, không bỏ lại được. Có hai lý do khiến tự tôi muốn ta công trường. Một là: Tôi vốn là con nhà lao động, cần cù siêng năng ngay từ còn nhỏ, không việc nọ thì việc kia, luôn chân luôn tay. Mẹ tôi vẫn bảo "Số thằng ấy vất vả, nó chỉ rỗi lúc ngủ". Hai là: Tôi sợ ở nhà nằm nhiều, lại nằm ở nhà hầm ốm nặng thêm. Trong khi đó, khí thế thông đường, đón xe đang sục sôi thôi thúc đơn vị tôi.
Ngày 17/01/1971, mới sau hơn nửa tháng xe ta hoạt động, đã bụi trắng cả lá cây, máy bay trinh sát OV10 và L19 của địch phát hiện đường 49A kéo dài từ Binh trạm 37 vào sâu đất Cămpuchia đến chiến trường B2, chúng đánh phá quyết liệt bằng bom phá, bom phát quang, bom từ đường, bom bi nổ chậm, bom vướng... ban đêm chúng dùng súng cối 100 và súng M134 trên máy bay AC130 bắn tọa độ vào đội hình của xe ta. (M134 là loại súng máy hiện đại có sáu nòng xoay, tốc độ bắn khoảng 6.000 phát/phút và sức công phá rất khủng khiếp). Chúng tập trung ném bom phát quang và bom phá đường ngầm Tà Ngâu, ngầm Nước Trong, ngầm Ông Giảng và kho R1 bên bờ sông Sê Công, cách Barie Bắc Tà Ngâu chừng 4km. Chúng đánh bom vướng, bom bi nổ chậm trên những đoạn đường tương đối thẳng, nhằm sát thương bộ đội ta và phá hủy lốp xe. Thủ đoạn của địch là cứ khoảng 15h00 - 16h00 là chúng thả bom. Chúng tính toán thời điểm đó ta không thể khắc phục nổi, đêm đó sẽ tắc đường, xe ta vào dồn lại, chúng sẽ dùng súng cối 100 và súng M134 bắn vào phá hủy xe và hàng.
Hơn nửa tháng chống chọi với bom đạn của địch, hầu như lực lượng của d95 an toàn. Với khẩu hiệu: "Địch đánh ngày coi như không đánh, địch đánh đêm không để tắc giờ". Địch đã trút xuống cung đường đơn vị tôi đảm nhiệm không biết bao nhiêu bom phá, bom từ trường, thế mà chỉ có hai quả rưỡi trúng ngầm Tà Ngâu và ngầm huội Ông Giảng. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên chỉ sau vài giờ là chúng tôi đã khắc phục xong, không đêm nào bị tắc đường, mà cũng chưa phải dùng đến đường tránh. Lúc này tôi gầy và đen nhoẻm nên anh em gọi tôi là "Hạ Cháy" hoặc "Hạ Cà boong". (Cây Cà boong năm nào cũng bị cháy rừng, nên hắn có màu đen đen nâu nâu). Ngày 27/3 tôi bị sốt rét tái phát đợt thứ tư, sức khỏe suy kiệt, thân nhiệt 39,5 đến trên 40oc, không ra đường được nữa. Anh em trong đơn vị bảo “Thế là thần sốt rét đã quận ngã thằng Hạ Cháy rồi”. Sau năm ngày, vừa tiêm, vừa uống thuốc vẫn không cắt cơn, người rệu rã, tai ù, đầu nhức, lắc lắc một chút cũng đau và chóng mặt; óc như bị lỏng ra, vơi đi; miệng đắng ngắt, khô khát, sống lưng tê buốt; mắt nhìn cái gì cũng không thật. Mỗi bên mông tôi mới chịu khoảng 10 mũi tiêm mà đã chai cứng. Theo đề nghị của y tá, chỉ huy đơn vị cho tôi đi điều trị tại K6.
Sáng ngày 4/3/1971, Anh Sinh - a phó dẫn 7 anh em chúng tôi đi Đội điều trị K6, cách đơn vị khoảng 7km. Tôi là người yếu nhất, tóc rụng gần hết, ruu rẩy, hai tay hai gậy, cái ba lô nhẹ xọp mà anh Sinh cũng phải mang giúp. Đường đi K6 xuyên qua cánh rừng khộp, những cây gỗ thưa thớt, cao, to phía dưới là những ổ giun trông như những nấm mộ, cao chừng 30 - 40cm, trên đó là những có cây, nhiều nhất là những cây le tăm mọc cao ngang thắt lưng, thân cây này chỉ bằng que hương. Vì rừng bằng quân ta phải đi theo vết chân thú đi qua các khe ổ giun rất giống nhau, nên phải vạc vỏ cây khộp để đánh dấu đường đi. Khu rừng này gần bờ sông Sê Công nên có những khe nhỏ chảy ra sông. Hai bên khe và bờ sông có những khóm tre gai, càng xuống hạ lưu tre mọc càng dày.
Đi theo anh em khoảng 30 phút, sau khi anh Sinh cho chúng tôi nghỉ giải lao, đi được một lúc, kiệt sức, gối mỏi, chân chồn, đi không vững... Tai ù đặc, mắt hoa, hai tay hai gậy mà tôi vẫn không theo kịp anh em. Tôi bị lạc đội hình lúc nào không hay. Chẳng thấy hàng cây có vết vạc vỏ đâu. Khi biết là mình lạc, tôi bắt đầu hú, vừa đi, tôi vừa hú, tiếng hú của tôi nhỏ và ngắn dần vì kiệt sức, khát nước, khản tiếng. Có lúc tôi định đi đến hướng có rạng tre, đi xuôi xuống, như các anh cựu binh bảo: “Nếu bị lạc đường, cứ đi xuôi theo các khe xuống bờ sông, thế nào cũng gặp người, không gặp bộ đội thì gặp dân”. Thế nhưng, tôi lại đắ đo. Trông thế kia chứ xa lắm, lấy sức đâu mà đi? Đi ra đó, nếu anh em đi tìm không thấy mình mà trời tối, thì làm thế nào? Ra đó lỡ lên cơn sốt không có người thì làm sao? Lỡ gặp thú dữ thì sao??? Thế là tôi không giám đi xuống theo khe nữa!!!.Lại đi, lại hú, hú không thành tiếng nữa, thế rồi tôi nằm thiếp đi lúc nào không biết. Vài lần nghe tiếng súng bắn hỏi xa xa trong mơ màng, tỉnh lại chẳng biết ở hướng nào. Có lần đang đi nghe hai tiếng súng bắn hỏi tuy gần, nhưng vì quá mệt, tai ù nên cũng không xác định rõ ở hướng nào!
Khu rừng này nhiều thú rừng lắm: Lợn rừng, bò rừng, hươu, nai, cầy, cáo, chó sói, hổ, báo, có cả voi nữa. Dấu chân, phân, nước tiểu của chúng nhiều lắm. Ban ngày thú ở rừng kín, ban đêm chúng đi tìm mồi ở các ổ giun, tìm tro, cây cỏ và đào củ để ăn, tìm nước để uống. Có lúc tôi đi cả vào ổ lợn rừng mới đẻ, vừa dẫn con đi khỏi, ổ vẫn còn âm ấm, ve bám đầy người. Vào đơn vị mới vài tháng mà chúng tôi đã được thưởng thức nhiều loại thịt thú rừng, do các anh cựu binh trổ tài đi săn ban đêm hoặc anh em đổi gạo, đổi muối cho dân. Nhiều nhất là thịt lợn rừng, nai, có lúc được ăn thịt hổ, thịt bò rừng.
Vừa đi, vừa ngủ thiếp đi, lúc đầu còn đi được dài dài, về sau ngắn dần. Đi, cứ đi, cứ ngủ thiếp, không theo ý muốn, nhưng tôi hy vọng cứ đi sẽ gặp anh em hoặc tìm được đường có vết vạc vỏ cây. Cứ như vậy, khoảng 8 - 9 tiếng đồng hồ với sức càng lúc càng kiệt quệ. Đói, khát, mệt, lo lắng... rối bời. Lúc này giữa cái sống và cái chết gần như không có ranh giới, thế mà tôi không hay biết. Mãi sau này, nghĩ lại tôi mới cảm thấy ghê sợ.
Đến đội điều trị, ôi trời ơi, ve nhiều vô kể. Tôi nhớ lại có lúc bò qua ổ lợn rừng mới dẫn con đi. Ve bám vào tôi nhầu nhầu, nhiều nhất là ở nách và ở bẹn, chui cả vào tai. Chia tay anh Sinh xong tôi thay quần áo và bao người bằng nước nóng. Thế mà hôm sau vẫn còn bị ba con ve cắn mọng, nhức buốt.
Điều trị ở K6 nằm ở khu rừng già, bên bờ Tây sông Sê Công, cách đơn vị tôi chừng hơn một giờ đồng hồ đi bộ (khoảng 7 - 8km).
Ở K6, tôi chỉ nhớ chị Sơn và chị Mười qua mấy câu vè truyền khẩu của cánh cựu binh Binh trạm 37 và qua lời kể của anh em đã đi điều trị ở K6 về, vì tôi thuộc nhóm người cuối cùng phải đi điều trị ở K6. Hai chị hơn tôi khoảng hai – ba tuổi, hình như đều quê ở Bắc Ninh thì phải. Ngay từ lần đầu tiên, khi tiếp xúc với các chị, tôi đã có những cảm xúc dâng trào, phần vì thương các chị làm thân con gái khi ”giặc đến nhà...” đã bị sốt rét Trường Sơn, rừng thiêng nước độc, chất độc hóa học cướp mất nước da mịn màng, cặp môi đỏ mọng của tuổi con gái chớm độ xuân sang; phần vì mấy câu vè ác khẩu mà mấy người cựu binh cao hứng “nghêu nga, bôi bác”.
Tiếng đồn về tài chữa bệnh sốt rét của các chị quả không sai. Tôi có cơ duyên được gặp các chị trong tình trạng “mặt xanh, nanh vàng”. Chị Mười, vừa nghe kỹ tim phổi, ấn, ấn ổ bụng kiểm tra gan, lách, dạ dày, kiểm tra tròng mắt...vừa luôn miệng hỏi han, nào là: “Bắt đầu sốt từ bao giờ?”, “Mỗi lần sốt thì thế nào?”, “Trong người bây giờ thế nào?”, “Quê anh ở đâu?”, “Gia cảnh thế nào?”, “Mấy ngày qua ăn uống thế nào?”, “Bây giờ thèm ăn gì?”... Vân vân và vân vân... Không biết có phải tôi là trường hợp đặc biệt hay không mà được chị Sơn trực tiếp tiêm Quynin. Những khẩu lệnh nhỏ nhẹ, dứt khoát, giàu truyền cảm của chị mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ mồn một: “Nằm sấp xuống”, “Kéo áo lên”, “Kéo cạp quần xuống”, “Co chân phải lên” ... tôi cảm thấy mũi tiêm của chị dễ chịu hơn y tá đơn vị tôi tiêm cho tôi.
Tiêm xong chị nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Anh tiêm mông từ bao giờ mà để cơ mông chai cứng như vậy? Các anh chỉ lo đào đá, cuốc đất, chặt cây mà không lo gì cho mình. Mỗi lần tiêm xong, phải chịu khó chườm cho thuốc tan chứ, cùng lắm thì mất hai bình toong nước nóng”. Thoáng nghe chị Sơn nói, tôi nhìn rõ chìm giữa vành mũ trắng và khẩu trang của chị là cặp mắt đen láy với hàng mi cong và khóe mắt hằn sâu dấu ấn của nhiều đêm mất ngủ! Không biết đến ngày chiến thắng Trời Phật có cho lại các chị nước da và làn môi của đời con gái xuân thì?!
Điều trị ở K6 năm ngày, chẳng hiểu sao sang đây tôi chẳng bị sốt cơn nào. Có lẽ do phác đồ điều trị ở đơn vị đã giúp tôi cắt sốt. Sáng ngày thứ sáu, sau khi khám, bác sỹ quyết định cho tôi xuất viện, về đơn vị nghỉ ngơi, điều trị tiếp một tuần.
*
* *
Câu chuyện của tôi quá đơn giản, chẳng có gì to tát, gần như chẳng ai cần để ý tới, ở Trường Sơn là vậy, nhiều người còn phức tạp hơn thế nữa. Có chăng, có người chỉ nhớ: Thằng Hạ Cháy đi viện bị lạc, anh Sinh quay lại tìm mãi mới thấy! Thế thôi!!! Nhưng đối với tôi là kỷ niệm vô cùng sâu sắc của “thời lá đỏ”, của thời làm “Chiến sỹ Trường Sơn”, như từ cõi chết trở về, suýt nữa thì bỏ xác ở rừng hoang Căm phuchia, như là huyền thoại./.