Con đường hòa bình - Bút ký của Trần Thị Nhật Tân

Ngày đăng: 03:33 27/05/2019 Lượt xem: 699
Bài dự thi Hào khí Trường Sơn
 
CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH

                                    Kính tặng Binh chủng Công binh
                                                                                      Bút ký
                    
 
          Năm 1979 chiến tranh biên giới, tôi có nhiều đồng đội thời chống Mỹ hy sinh. Từ ấy tôi ao ước lên biên giới thắp nén hương cho đồng đội. Mừng biết bao, tôi được tướng Hoàng Kiền Giám đốc Ban dự án 47 mời đi trong đoàn nhà văn Nam Định, viết về “Đường tuần tra biên giới”.
          Xe chúng tôi xuất phát lúc chiều muộn trong cái nắng chói chang tháng 5 – 2013. Trời tối mịt chúng tôi về đến nhà khách 338 quân khu Một, thành phố Lạng Sơn. Hôm sau, ăn sáng 6 giờ, chúng tôi nhanh chóng lên xe đến cửa khẩu Chi Ma. Nhìn thấy cột mốc Việt Nam, trong tôi xúc động dâng trào. Tay run run tôi lấy rượu, thẻ hương… Đồng chí bộ đội biên phòng đến bên tôi nói nhỏ: “Nhà văn không nên thắp hương. Ta và bạn đất liền đất. Trụ sở bạn nhà tầng sừng sững kia…” Tôi nén đau, đến cột mốc. Đặt bàn tay lên đỉnh cột mốc, máu tim tôi rần rật chảy lan, nước mắt tuôn trào. Mấy nhà văn đứng cạnh tôi mắt cũng đỏ hoe xúc động. Tôi cảm giác dòng máu đỏ đồng đội qua bao thời kỳ thấm sâu nơi đây. Dòng máu ông cha hòa quyện dòng máu thời đại Hồ Chí Minh đang cuồn cuộn trong lòng đất Mẹ, giữ vững cương vực Tổ quốc. Linh thiêng nơi đây tĩnh lặng, ấm nồng nghĩa tình đồng đội. Từ đây xe chúng tôi bon bon trên “Đường tuần tra biên giới”, rải bê tông dày 18 căng ti mét phẳng lì. Con đường uốn lượn như tấm lụa qua nương đồi, bản làng, lên núi cao chót vót. Trong xe đã có nhà văn chóng mặt nôn. Nhiều đoạn đường xe vòng vèo men chân núi dựng đứng bên miệng vực sâu hút. Tôi nghĩ, từ xưa chưa có đường bê tông như hôm nay, tổ tiên ta và bộ đội biên phòng phải vượt qua bao gian nan, thử thách thế nào khi tuần tra biên giới?...
          Đúng 11 giờ 30 phút chúng tôi về tới công trường lữ 545, Quân khu Một, gói 3/DA62.59. Cuộc hành trình tốc độ, làm chúng tôi mệt lử. Quá mệt, chẳng mấy ai ăn nổi bát cơm, mặc dù mâm cơm đầy ắp những món ngon. Nhà văn chúng tôi được nghỉ trưa nửa tiếng. Tướng Hoàng Kiền làm việc với đơn vị thi công. Đoạn đường đi tiếp, nhà văn chúng tôi chia nhỏ, lên xe con của công trường. Chưa đổ bê tông, đường mòn hẹp gấp khúc, gập ghềnh, ngoắt ngoắt liên tiếp. Ngồi trong ô tô mà như ngồi trên lưng con ngựa bất kham lồng chồm chồm qua núi cao, vực sâu, sông suối. Người va vào nhau bôm bốp, trong cái nóng ngột ngạt. Có thực tế trên con đường hiểm trở của núi rừng Đông Bắc, mới thấy gian nguy của các đơn vị thi công. Việc di chuyển máy móc cồng kềnh phải vạch rừng sâu, núi cao, trèo đèo lội suối, cực khổ đến thế nào. Nhiều đoạn đường hẹp, bánh xe chúng tôi sát miệng vực sâu, bò lên đỉnh núi cao vời vợi chóng mặt. Mùa đông rét thấu xương. Sa Pa, Lào Cai, Mẫu Sơn, Lạng Sơn có băng tuyết. Mùa mưa lũ cuốn phăng nhà cửa, cầu cống. Hỏi chiến sĩ công binh làm đường phải gồng mình vượt khó đến thế nào. Một vị tướng như tướng Hoàng Kiền, cùng lăn lộn với chiến sĩ trong gian khổ, thật khó tìm trong các cơ quan công quyền. Mải nghĩ miên man, nhà văn ngồi bên đập tay tôi: “Xuống xe”. Tôi nhìn ra ngoài, chiến sĩ đồn Bắc Xa chào đón khách.
Hàng cây đồn Bắc Xa xòe ô xanh mát che nắng cho chúng tôi vào đến hội trường. Vườn hoa hồng nhung tỏa hương thơm mát, làm dịu cái nắng gắt mùa hè. Sau một ngày đường dài vất vả, ngồi họp trong không khí mát lành, ai cũng thấy khỏe lại. Tối đến, chúng tôi làm việc đến khuya trong niềm vui sáng tác. Hôm sau chúng tôi lên đường sớm. Chủ khách nắm tay nhau lưu luyến. Những bông hồng thắm tươi như vẫy tiễn chúng tôi lên đường. Làn sương mỏng bảng lảng sườn núi. Những cây thông lúp xúp bên đường bê tông đang nảy chồi biếc. Bà mế ẩn hiện trong sương thoắt ẩn, thoắt hiện tưới nước, trồng cây. Tôi mường tượng vài năm nữa, thông cao vút xanh ngắt. Rừng thông thành bức tường xanh đường biên Đông Bắc. Hoa sim tím nương đồi, tím xung quanh mốc biên giới. Màu hoa tím rực rỡ như tình yêu từng tấc đất của các dân tộc miền núi rừng hẻo lánh. Gần trưa, chúng tôi ghé thăm Đoàn kinh tế 327. Anh em chiến sĩ đãi các nhà văn hoa quả ngon tự gieo trồng. Những trái mận, hồng tươi ngon mát. Nải chuối vàng bụ quả ngọt thơm. Được tiếp sức, chúng tôi tỉnh táo, khỏe lên. Đi một đoạn đường ngắn, chúng tôi về Công ty 319 ăn trưa. Tôi ăn chưa hết bát cơm, tướng Hoàng Kiền đã buông bát đũa ra bàn uống nước. Nhà văn chúng tôi nhắc nhau phải cố gắng theo tác phong nhanh nhẹn của quân đội. Vào hội tường xem chiếu phim “Thi công mẫu đổ bê tông”. Lúc này tôi ngộ ra việc làm “Đường tuần tra biên giới”, mỗi chiến sĩ phải thuộc “Quy trình” đổ bê tông phức tạp, khó khăn. Hết phim, anh em nhanh chóng lên xe. Tôi chạy theo các anh không kịp. Xe nào cũng quá tải. Một chiến sĩ động viên tôi: “Cụ ở lại cho khỏe!”. Tôi ngao ngán nhìn vào hội trường. Các nhà văn nằm la liệt trên ghế băng ngủ tít. Tôi buồn thiu nhìn đoàn xe phóng nhanh, mặc gió hất bụi vào mặt. Không ngờ tướng Hoàng Kiền quay xe lại gọi tôi lên. Ông đã đọc được ý nghĩ trong đầu tôi và phản ứng nhanh. Xe dừng bánh tại gói 3 Công ty 319. Ngay lập tức các loại máy hoạt động cấp tập. Tiếng máy vang động núi rừng. Chim bay túa lên trời. Công nhân hối hả thao tác nhịp nhàng theo guồng máy chạy. Sau mẻ đổ bê tông, tướng Hoàng Kiền rút kinh nghiệm. Ông cẩn thận từng chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất. Cách dùng chép miết mép bê tông cho khít, không bị rỗ mép đường. Rồi ông mở cuốn “Quy trình” đọc một đoạn. Chiến sĩ đứng cạnh tôi thốt lên: “Ngài nói đúng quá! Mình làm sai”…
Đêm. Tại nhà khách UBND huyện Bình Liêu, Quảng Ninh tôi đọc một lèo hết cuốn “Quy trình” đến sáng. Để đảm bảo chất lượng mặt đường, tướng Hoàng Kiền viết thơ lục bát cho dễ thuộc. Các đơn vị thi công đời sau, cứ làm theo “Quy trình”. Cuộc đời binh nghiệp giàu nghị lực, trí sáng, tâm trong, con tim ông bật mầm thơ lớn nhanh, đơm hoa, kết trái thành con “Đường tuần tra biên giới” kỳ diệu. Tròn hai đêm hành quân theo tướng Hoàng Kiền, tôi thức trắng mà không thấy mệt. Có lẽ sự cảm phục từ người chỉ huy, đến các chiến sĩ làm đường biên, tâm hồn tôi thanh thoát, hòa đồng vào nhiệt huyết thi công trên công trường, đã xua tan mệt mỏi trong tôi.
Sớm tinh mơ, mọi ngưới í ới gọi nhau lên xe, không kịp ăn sáng. Sương mù dày đặc. Con đường ngoằn nghèo bờ sông Ka Long theo chân núi cao mù mịt sương. Mỗi khi tránh xe ngược chiều, tôi giật thót. Chiều về đến Lâm trường 27 Trà Cổ, Móng Cái, tôi mạnh dạn hỏi đồng chí cán bộ trong ban dự án 47: “Quá trình khảo sát, thi công nơi rừng núi hiểm trở, khó khăn, liệu có sự cố đáng tiếc nào không?”. “Có chứ nhà văn”. Tôi lặng im. Anh nói tiếp: “Đang thi công chợt mưa rào, sấm sét. Anh em cứu máy, cứu người không kịp, lũ đổ về nhanh, cuốn trôi…” Ôi, chiến sĩ thời bình không tránh khỏi những hy sinh, gian khổ. Từ nay đến khi ta làm xong “Đường tuần tra biên giới” Việt Lào, Căm Phu Chia, thì còn biết bao gian nan, nhọc nhằn nữa. Một nghìn năm trăm cây số chặng đầu, với trùng trùng cột mốc chủ quyền, đã thấm hết biết bao mồ hôi, cả máu của người chiến sĩ ông binh trong mỗi cung đường. Để từ nay đồng bào các dân tộc nơi cương vực Tổ quốc đi lại thuận tiện, giao lưu hàng hóa bản gần bản xa. Chiến sĩ biên phòng xe bon bon tuần tra biên giới, không phải lội bộ qua sông qua suối, leo núi cao bên vực sâu nữa. Dấu chân người chiến sĩ công binh in mãi trên “Đường tuần tra biên giới”. Tôi reo lên một mình: “Đây chính là con đường Hòa Bình!”.
 
“Đường tuần tra biên giới Lạng Sơn - Móng Cái, Quảng Ninh”
                        Từ ngày 23-5 đến ngày 25-5- 2013.
 
                                                             Nam Định, ngày 7-5-2018
                                                                 Trần Thị Nhật Tân

 
-----------------------------------------------------------
              Địa chỉ liên lạc: Trần Thị Nhật Tân
Số 1 ngõ 89 Đinh Công Tráng, thành phố Nam Định.
 

tin tức liên quan