" Thuốc lá" - Chia sẻ và lời khuyên của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 12:57 27/01/2017 Lượt xem: 551

 

THUỐC LÁ

 

Hoàng Kiền

 

 

         Hôm nay có một điều đặc biệt đến với tôi, buổi sáng dự gặp mặt đồng đội Trường Sơn có đồng đội bậc đàn anh của tôi bị ung thư phổi, tôi nâng ly chúc anh vui, sớm khỏi bệnh để được cạn chén. Buổi chiều xem trên fecebook đồng đội Công binh viết bài thơ đưa vợ đi điều trị ung thư phổi, cô cũng là động đội Công binh của tôi, đọc và nhìn ảnh mà thật cảm động, tôi nhắn tin động viên Cô vui lên cố gắng vượt qua.

 

         Buổi tối tôi nhận được điện của Đại tướng Phùng Quang Thanh từ bên Pháp điện về, vì hôm trước tôi về quê mọi người đều hỏi về sức khoẻ của anh Thanh, tôi điện hỏi thăm nhưng do đang xạ trị nên Anh chưa nghe máy, hôm nay Anh điện lại, giọng Anh vẫn nhanh mạnh, Anh thông báo là tháng tư kết thúc điều trị ung thư phổi, về nước hai anh chị sẽ về thăm Bảo tàng Đồng quê của tôi, tôi chúc Anh sớm khoẻ mạnh về nước. Một ngày gặp, nhắn tin, điện thoại với 3 người là đồng chí, đồng đội, thủ trưởng của mình, thật nhiều cảm xúc. Cả ba trường hợp này đều không hút thuốc lá. Thế có ảnh hưởng của thuốc lá không? Có thể có nhiều nguyên nhân gây ung thư, nhưng thuốc lá là thủ phạm hàng đầu. Nhiều người không hút thuốc nhưng bị chết oan vì khói thuốc do người khác hít nhả ra.

 

         Buổi đêm khá khuya tôi nhận được tin nhắn của Trung tá Hoàng Việt Thắng cán bộ Ban quản lý dự án 47 tặng tôi bài thơ sau khi đọc bài văn hoá rượu. Tôi hỏi Thắng bỏ thuốc lá chưa, Thắng thưa là chưa bỏ được.

 

         Con người có thể: Nhịn ăn được 30 - 40 ngày. Nhịn uống đước 2 ngày. Nhưng nhịn thở quá 2 phút là chết. Hai lá phổi quan trọng như vậy, cần phải biết cách gìn giữ.

 

 

 

         Từ cảm xúc đó tôi viết bài về thuốc lá.

 

THUỐC LÁ CÓ HẠI ĐẾN HAI LÁ PHỔI.

 

 

 

         Thuốc lá, thuốc lào cũng là một thứ mà nhiều người ưa thích, mặc dù nó độc hại. Từ nhỏ tôi đã chứng kiến bố tôi nghiện thuốc lào rồi bị mắc bệnh lao phổi, thật là gian nan. Mẹ tôi không cho hút đem chôn điếu, bố tôi lại gào moi lên. Hút mãi bệnh nặng bố tôi đành bỏ thuốc. Tôi lên 6 tuổi, có hai em nhỏ thế là phải sang Nhà thương Nghĩa Xá cách nhà gần mười ki lô mét để phục vụ Bố. Do bệnh lây bác sỹ không cho ở, một mình phải đi bộ qua hai cái đò, thế mà cũng về được đến nhà khi sương đã rơi ướt lá cây.

 

Cha tôi yêu quí thuốc lào

Mẹ chôn điếu xuống bố gào moi lên

Hút nhiều bệnh lại nặng thêm

Thuốc lào quyết bỏ không quên điếu đồng

 

Nhà thương Nghĩa Xá bên sông

Mẹ về để lại trong phòng con chăm

Xế chiều bác sỹ khám thăm

Bệnh lây không được ăn nằm ở đây

 

Mặt trời đã ngả sang tây

Một mình lủi thủi chia tay ra về

Chân đi thoăn thoắt bờ đê

Tới đò đứng khóc túi vê không tiền

 

Thương tình ông lái cho lên

Sương rơi ướt lá con bên cửa nhà

Bà con khu xóm đến nhà

Tưởng rằng bố đã đi xa mất rồi...

 

         Từ thực tế đó tôi tuyệt đối không bao giờ đụng đến thuốc lào thuốc lá. Khi là Tư lệnh Công binh, đón đoàn cán bộ Công binh Cu Ba sang thăm làm việc, bạn tặng một hộp xì gà đặc biệt, tôi cũng không đụng đến đem tặng mọi người. Sau này tôi cũng cấm các con tôi hút thuốc, em trai tôi nghiện thuốc lá nặng, tôi khuyên mãi nay đã bỏ. Đồng thời luôn chỉ đạo cán bộ chiến sỹ cơ quan đơn vị thuộc quyền bỏ thuốc lá. Khi làm giám đốc BQLDA Đường Tuần tra biên giới, tôi đã nhận Đại uý Hoàng Việt Thắng về làm trợ lý Giám đốc. Đồng chí là con Đại tá Hoàng Minh Thảo nguyên chính uỷ Sư đoàn 565. Tôi đã cùng công tác với Anh ở gần 6 năm ở chiến trường Trường Sơn. Anh Thảo nhờ tôi giúp đỡ cháu Thắng, đừng để cháu nghiện ngập gì cả nhất là thuốc lá. Tôi tin tưởng Đại uý Hoàng Việt Thắng vì tôi đã hiểu anh Hoàng Minh Thảo. Đại uý Thắng là kỹ sư có phẩm chất và năng lực rất tốt, tận tuỵ với công việc, chỉ có điều là nghiện thuốc lá quá nặng. Thường hút dấu tôi, tôi cứ ngửi thấy mùi thuốc lá bay vào, tôi sang phòng kiểm tra thì góc phòng đầy mẩu thuốc lá. Nhắc nhở, Thắng bảo cháu không nghiên rượu chè cờ bạc gì cả, chỉ có vui với thuốc lá thôi, đề nghị Chú đừng bảo với Bố cháu. Tôi đồng ý, khuyên bỏ dần đi. Tuy vậy mỗi khi có người đến thăm tặng thuốc lá tôi lại mang tặng Thắng, cầm mà hút, nhưng phải quyết tâm bỏ.

 

        Tôi đã viết một bài thơ khuyên Thắng bỏ thuốc lá.

 

KHUYÊN THẮNG BỎ THUỐC

 

Thắng ơi! Thắng ơi!Thắng ơi!

Chuông reo chẳng thấy, gọi vời chẳng thưa

Công văn hoả tốc mau đưa

Sang phòng cửa mở như vừa đi đâu

 

Nhìn vào thấp thoáng góc sâu

Miệng anh trợ lý khói mầu nhả ra

Chỉ sợ Giám đốc quát la

Tìm vào chỗ kín là tha hồ nghiền

 

Gọi sang phòng mấy lời khuyên

Thuốc lá có hại bỏ liền ngay đi

Thưa rằng cháu chẳng nghiện gì

Thế mà thuốc lá lạ kỳ cứ mê

 

Cả nhà ai biết cũng chê

Bố cháu chưa thấy, nhắc đe liên hồi

Hôm nay Chú bảo thấu lời

Quyết tâm khắc phục để rồi tránh xa

 

Tết tư, hội họp mở ra

Nơi thân biếu tặng túi quà gói chung

Đôi khi thuốc lá đi cùng

Thắng ơi sang lấy mà dùng thuốc ngon

 

Nhắc rằng thân ngọc lòng son

Hít vào lá phổi héo hon bại đời

 

 

 

 

         Hôm nay Trung tá Hoàng Việt Thắng vẫn chưa bỏ được thuốc lá, tôi nhắc, Thắng hứa sẽ bỏ dần, cũng biết tác hại của thuốc lá.

 

TÔI XIN CÓ ĐÔI LỜI VỀ THUỐC LÁ

 

         - Lịch sử thuốc lá: Cây thuốc lá đã có cách đây 4000 năm, cùng với văn minh của người Da đỏ ở trung và nam Mỹ. Lịch sử thuốc lá được đánh dấu vào ngày 12/10/1492 khi nhà thám hiểm Cristop Columbous tìm ra châu Mỹ. Ông thấy người bản địa vừa nhảy múa vừa rít một điếu thuốc vê tròn gọi là Tobaccos. Thuốc lá được trồng ở châu Mỹ hàng nghìn năm trước công nguyên, nó được đưa vào châu Á khoảng năm 1496-1498 do nhà truyền đạo Roman Pano người Tây Ban Nha đến châu Mỹ rồi sang châu Á mang theo. Sau đó mới phát triển ra các nước châu Âu và trên toàn thế giới. Thế kỷ 18-19 các nước Âu-Mỹ hoàn thành cách mạng công nghiệp, ngành công nghiệp thuốc lá ra đời và thu được lợi nhuận to lớn hơn nhiều. Sau Chiến tranh thế giới thư hai, nhiều nước giành được độc lập quan tâm phát triển nghành công nghiệp thuốc lá trong đó có Việt Nam, từ đó đã gây ra nhiều căn bệnh cho con người trên toàn thế giới.

 

         - Mầm bệnh: Khói thuốc lá đã được cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư trực thuộc tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp vào các chất gây ung thư bậc 1, có nghĩa là chỉ cần khối lượng nhỏ cũng có thể gây ung thư, không có hạn mức, nó hoàn toàn có hại cho mình và cho người xung quanh. Khói thuốc lá được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hít thường thở ra hai luồng khói chính và phụ, 20% khói bị hít vào luồng chính, còn lại 80% gọi là luồng phụ, nó nảy sinh khi cầm thuốc chờ và khi tắt thuốc. Luồng khói chính nảy sinh tại 950 độ C, luồng khói phụ ở 500 độ C, do đó luồng khói phụ toả ra nhiều chất độc hơn. Khói thuốc cấu tạo từ một hỗn hợp khí và bụi. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) trong khói thuốc có khoảng 700 chất hoá học, trong đó có 60 chất được xếp vào loại gây ung thư. Những chất này ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và ung thư. Tác hại xẩy ra với những người xung quanh không hút thuốc mà lại phải hút thuốc thụ động, hút phải khói từ không khí, gián tiếp dẫn đến ung thư phổi. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo không có ngưỡng an toàn cho việc hút thuốc thụ động. Ở Hà Nội khoảng 50% dân số phải hút thuốc thụ động. Ung thư phổi là dạng ung thư cao nhất ở nam giới và đứng thứ tư ở nữ giới, Thuốc lá gây ra 33% số căn bệnh ung thư phổi. Hút thuốc lá làm tích dần chất ni cô tin, ngoài gây ung thư phổi còn gây ra hàng loạt căn bệnh khác như: bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Từ đó dẫn đến dễ mắc bệnh rụng tóc, đục thuỷ tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, vàng răng, sâu răng, gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, vàng móng tay, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu. Thuốc lá có các thành phần nguy hiểm nó có thể gây ra rất nhiều loại bênh ung thư các bộ phận khác như: môi, vòm miệng, lưỡi, họng, tuyến nước bọt, thanh quản, thực quản, dương vật (nam), tuỵ, trực tràng, thận, gan, bàng quang, da; cổ tử cung, buồng trứng, vú (nữ) vv. Hút thuốc lá còn làm biến dạng tinh trùng dẫn tới vô sinh. Hút thuốc lá còn gây nên tình trạng suy giảm trí nhớ. Thuốc lá gây nên tử vong khá cao, trên thế giới mỗi năm có 6 triệu người chết vì thuốc lá cao hơn cả AISD, sốt rét và lao, Việt Nam mỗi năm cũng có 40 nghìn người chết vì thuốc lá. Khi đã hiểu biết về tác hại của thuốc lá hãy nên cố gắng bỏ thuốc lá và không gây tổn hại đến những người xung quanh. Ở Việt Nam đã cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ năm 2005. Cả thế giới đang có phong trào vận động không hút thuốc lá, cấm quảng cáo bán thuốc lá trên các phương tiện truyền thông. Ngày 3/5 hàng năm được coi là ngày “thế giới không thuốc lá”. Bác Hồ đã khuyên thanh niên không nên học Bác về hút thuốc lá.

 

         Thấy nhiều đồng đội bạn bè người thân mắc bệnh hiểm nghèo về phổi, có người do hút thuốc, có người không hút nhựng bị hít khói thuốc lá gián tiếp cũng mắc bệnh.

 

XIN CÓ LỜI KHUYÊN LÀ HÃY BỎ THUỐC LÁ

 

 

Hà Nội đêm 13/1/2017.

Hoàng Kiền

tin tức liên quan